Trần Mai Hưởng - trang viết và ảnh chụp giữa lằn ranh sinh tử

Chủ Nhật, 10/12/2023, 12:59

Đời làm báo, nếu được chứng kiến những khoảnh khắc lịch sử của đất nước, là điều may mắn và vinh dự rất lớn. Vậy mà ông từng chụp ảnh, đưa tin về những trận chiến khốc liệt ở Thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972; ghi lại thời khắc chiếc xe tăng Quân giải phóng băng vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 - một bức ảnh kinh điển trong sự nghiệp thống nhất đất nước; đi cùng đoàn quân tình nguyện và có mặt tại Phnom Penh đúng ngày chế độ diệt chủng Polpot sụp đổ… Ông là cựu phóng viên chiến trường Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.

Bức ảnh đi vào lịch sử

Thời học phổ thông, phần lịch sử chiến tranh giải phóng, thống nhất đất nước, tôi đặc biệt ấn tượng với bức ảnh "Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập trưa 30/4/1975". Mãi về sau tôi mới biết tác giả bức ảnh này là Trần Mai Hưởng. Khi số phận xoay vần, tôi chuyển sang làm báo và may mắn được quen biết ông, được ông coi là người đồng nghiệp quý mến. Mỗi khi tôi cần một bài viết cho số báo đặc biệt hoặc dịp kỷ niệm nào đó, chỉ cần nhắn tin qua messenger là nhận được sự hợp tác hiệu quả của ông. Thường thì ông nhắn lại với một sự nhiệt tình, trách nhiệm và rất chuyên nghiệp: "Khi nào Hiển cần bài? Cho mình đến cuối tuần sau nhé"; "Hiển ơi, mình gửi bài rồi nhé. Hiển check mail giúp mình". Đó là đặt bài, còn khi cần check thông tin về những sự kiện, hoặc kết nối nhân chứng lịch sử… hễ bí là tôi lại nhớ đến ông. 

1.jpg -0
Nhà báo Trần Mai Hưởng lưu bút tặng sách cho độc giả (Hà Nội, 5/12/2023).

Trở lại chuyện bức ảnh lịch sử "Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập trưa 30/4/1975". Nguyên đầu tháng 4/2019, tôi đến thăm Nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành, cựu Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam, người có nhiều bức ảnh để đời về đề tài chiến tranh cách mạng và được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (năm 2012), Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2023…

Sau câu chuyện về những bức ảnh để đời của mình, Chu Chí Thành nhắc tới bức ảnh nổi tiếng của Trần Mai Hưởng. Đây là một trong những bức ảnh đẹp nhất ghi lại khoảnh khắc lịch sử diễn ra tại Dinh Độc lập ngày 30/4/1975… Tôi càng vui mừng khi Chu Chí Thành cho hay, cả bốn người lính trên chiếc xe tăng đều còn sống. Bốn người lính trên chiếc xe tăng mang số hiệu 846 gồm các ông Nguyễn Quang Hòa (trú tại Hà Đông, Hà Nội), Nguyễn Bá Tứ (trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội), Nguyễn Ngọc Quý (trú tại Hải Phòng) và Trần Bình Yên (trú tại Hà Nam).

2.jpg -0
Bức ảnh nổi tiếng của Trần Mai Hưởng "Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập trưa 30/4/1975".

Với sự giúp đỡ, kết nối của Chu Chí Thành và Trần Mai Hưởng, tôi quyết định tổ chức chuyến đi về nhà cựu binh Trần Bình Yên ở Hà Nam để "họp mặt" các cựu binh xe tăng 846. Sau hành trình khoảng 1 giờ 30 phút từ trụ sở Báo CAND, đoàn chúng tôi đến nhà ông Trần Bình Yên nằm ven chân núi giữa một rừng na. Ngoài một số anh em báo chí, trong đoàn còn có Chu Chí Thành, Trần Mai Hưởng và hai cựu binh xe tăng 846 là Nguyễn Quang Hòa, Nguyễn Bá Tứ và bà Nguyễn Thị Mùi, vợ ông Tứ.

Câu chuyện rổn rảng trên xe giúp chúng tôi nhớ lại những thời khắc lịch sử. Khi tiến vào Dinh Độc lập năm xưa trên chiếc xe tăng số hiệu 846, ông Nguyễn Quang Hòa giữ vai trò trưởng xe; ông Nguyễn Bá Tứ pháo thủ số 2; ông Nguyễn Ngọc Quý pháo thủ số 1 và ông Trần Bình Yên lái xe.

Trần Mai Hưởng - trang viết và ảnh chụp giữa lằn ranh sinh tử -0
Nhà báo Trần Mai Hưởng (thứ 2 từ phải sang) trong lần họp mặt cựu binh xe tăng 846 tại Hà Nam, tháng 4/2019.

Đó cũng là thời điểm nhà báo Trần Mai Hưởng có mặt trong Dinh Độc lập. Ông Hưởng kể lại: "Khi chiếc xe tăng lao qua cổng, trên thành xe có một số lính tăng và bộ binh. Lá cờ giải phóng hiên ngang trên tháp pháo. Như một phản xạ tự nhiên, tôi bấm máy ghi lại hình ảnh chiếc xe tăng hùng dũng băng qua chiếc cổng sắt đã bị đổ sập. Sau đó, tôi cuộn phim, chú thích ảnh và tác giả rồi gửi về Hà Nội. Đó chính là bức ảnh "Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập trưa 30/4/1975". Sau hồi ức của nhà báo Trần Mai Hưởng, nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành hào hứng chiêm nghiệm: "Đó là khoảnh khắc vàng mà trời trao cho chú!".

Những trang viết giữa lằn ranh sinh tử

Đất nước đã được thống nhất gần nửa thế kỷ nhưng mỗi khi nhớ về cuộc chiến khốc liệt, Trần Mai Hưởng vẫn không khỏi ám ảnh, tiếc thương những đồng đội đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh. Ông đã có nhiều tin, bài viết, bức ảnh về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về tình quân dân, tình đất, tình người nơi tiền tuyến. Một trong những bức ảnh nổi tiếng của ông, chụp nữ du kích có tên rất đẹp: Thu Hồng (xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, Quảng Trị). Sau khi ông chụp bức ảnh này không lâu, Thu Hồng đã dũng cảm hy sinh trong một trận đánh…

Trần Mai Hưởng - trang viết và ảnh chụp giữa lằn ranh sinh tử -0
Nhà báo Trần Mai Hưởng (bìa phải) và tác giả.

Theo hồi ức của Trần Mai Hưởng, đầu năm 1972, ông từ cơ quan huyện ủy, đi thực tế nơi đứng chân của đội du kích xã Gio Mỹ. Trần Mai Hưởng nhớ rõ từng chi tiết: "Trong số những nữ du kích vùng cát trẻ trung và mạnh mẽ, tôi để ý đến một cô gái mà vẻ ngoài rất khác với số đông. Đó là Thu Hồng, cán bộ đoàn kiêm giáo viên văn hóa của đội; một cô gái trắng trẻo, xinh đẹp với gương mặt bầu bĩnh, nét cười tươi, giọng nói nhẹ nhàng. Chúng tôi chụp ảnh cô trên bãi luyện tập cùng đồng đội, rồi lại gặp cô trong hầm khi đang dạy văn hóa cho anh chị em. Khi hỏi chuyện, chúng tôi mới biết Thu Hồng vừa từ miền Bắc trở về và gia nhập đội du kích được mấy tháng nay. Cô được gửi ra Bắc học, nhưng đang học phổ thông cô đã tình nguyện xin về quê chiến đấu"...

Sau chuyến đi ấy, bức ảnh về du kích xã Gio Mỹ (gọi tắt là xã M để giữ bí mật) của anh em trong đoàn được nhiều báo ở Hà Nội đăng. Riêng bức ảnh Trần Mai Hưởng chụp Thu Hồng đang ngắm bắn, gương mặt xinh đẹp sáng lên trong nắng và rất duyên dáng dưới vành mũ tai bèo, được báo Quân đội Nhân dân đăng rất trang trọng. "Tôi nhớ mãi hình ảnh Thu Hồng lúc chia tay. Em đứng bên cửa hầm, dưới tán phi lao, ánh mắt nhìn xa xăm. Chúng tôi chúc nhau nhiều điều may mắn, hẹn sẽ gặp lại khi quê hương giải phóng. Cả hai chúng tôi cũng như mọi người đều cảm nhận rất rõ ngày Quảng Trị giải phóng không còn xa nữa. Song tôi không thể ngờ đó là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau. Ít ngày sau, Thu Hồng đã anh dũng hy sinh khi cùng đồng đội đánh chiếm căn cứ địch ở Bến Ngự" - Trần Mai Hưởng đã ghi lại kỷ niệm đẹp và đau xót trong đời làm báo của mình.

Và cuốn hồi ký "Phóng viên chiến trường"

Một ngày đầu tháng 12/2023, tôi nhận được lời mời của Trần Mai Hưởng gửi qua messenger, nguyên văn: "Hiển à! 2h 30 chiều ngày 5/12 (thứ ba tuần sau), Nhà xuất bản Thông tấn và Alpha Books tổ chức ra mắt sách "Phóng viên chiến trường" của mình. Mời Hiển đến dự nhé! Địa điểm ở tầng 3, số 5 Lý Thường Kiệt! Hôm ấy có cả anh Trần Bình Yên và Nguyễn Bá Tứ, xe tăng 846, Hiển ạ!"… Tôi trân trọng nhận lời mời của ông, song vì lý do bất khả kháng đã không thể đến dự. Dù vậy, tôi vẫn theo dõi sát sao sự kiện và nhận ra, khách đến dự, chia vui với ông, ngoài các văn nghệ sỹ, nhà báo lão thành, còn có nhiều cựu binh một thời vào sinh ra tử với ông.

Trần Mai Hưởng - trang viết và ảnh chụp giữa lằn ranh sinh tử -0
Hồi ký “Phóng viên chiến trường” là một cuốn sách đầy ắp tư liệu, hấp dẫn với bạn đọc và đặc biệt rất bổ ích với những người làm báo.

Tôi nhận được cuốn sách ông dành tặng bạn bè, khách quý và đọc liền một mạch. Đây là cuốn sách rất thiết thực và bổ ích với những người làm báo. Ngoài một nhà báo, phóng viên chiến trường Trần Mai Hưởng, còn có một nhà văn đúng nghĩa. Tôi có thêm những đồng cảm khi ông kể lại bài viết điều kiện để tốt nghiệp khóa đào tạo báo chí năm 1970, là bài "Ngọn đèn", viết về một bà mẹ ở làng Trinh Tiết bên sông Đáy, là quê ngoại và cũng là nơi tôi được sinh ra… Trong tập hồi ký, những chi tiết của đời sống, những kỷ niệm từ thuở ấu thơ đến khi trưởng thành, có mặt ở các chiến trường từ sau năm 1970, được ông ghi lại sống động; những bài thơ súc tích, ý nghĩa về đất và người, về tình yêu và cuộc sống… Trong một bài thơ viết tháng 7/2023, có tên "Phóng viên chiến trường", Trần Mai Hưởng tự trào:

Tóc râu giờ bạc trắng rồi

Mà toàn nói chuyện một thời còn xanh

Mấy lần thần chết gọi anh

Còn duyên còn nợ chưa đành ra đi…

Và Trần Mai Hưởng chiêm nghiệm:

Mỗi dòng tin một tấm hình

Nôn nao nhớ bạn bè mình thuở xưa

Ngàn xa khuất nẻo bến bờ

Dở dang mãi những ước mơ không thành

Tay run mình đỡ tháng năm

Nghe thời gian khẽ chảy ngang mặt người.

Nhìn lại chặng đường đời đã qua, Trần Mai Hưởng "tổng kết": "Tôi đã nhận được nhiều may mắn và ơn nghĩa từ cuộc sống này. Những gì tôi làm được rất khiêm tốn và không khỏi có những hối tiếc khi nhìn lại những năm tháng đã qua. Giá như có một cơ hội thứ hai, tôi có thể sống và làm mọi việc tốt hơn, nhiều hơn nữa. Nhưng đời người chỉ sống một lần. Tôi hạnh phúc vì đã sống một cuộc đời như vậy và nếu có thể lựa chọn lại, tôi vẫn xin làm một người làm báo để ca ngợi những điều tốt đẹp về con người và cuộc sống trên đất nước thân yêu của mình".

Ở tuổi ngoại thất thập cổ lai hy, vẫn quảng giao, năng đi và viết, vẫn ra được sách, làm được thơ… Âu cũng là điều may mắn với một đời người có nghiệp cầm bút. Xin chúc ông, cựu phóng viên chiến trường, nhà báo Trần Mai Hưởng luôn vui khỏe và tiếp tục dồi dào bút lực.

Trần Duy Hiển
.
.