Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TƯ: Phải tránh tụt hậu bằng tư duy đột phá

Thứ Bảy, 25/05/2019, 09:20

Đừng kỳ thị với kinh tế tư nhân - đấy là thông điệp mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra tại Hội nghị Trung ương 10, thể hiện một cách tư duy, một cách nhìn nhận, một cách tiếp cận mới mẻ về một vấn đề đã trải qua một lịch sử tồn tại với rất nhiều thăng - trầm khác nhau.

Hơn ai hết, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương hiểu rõ những thăng trầm này. 

Trò chuyện với ANTG GT - CT, ông vừa kể lại những thăng trầm đã qua, vừa chia sẻ những giải pháp để kinh tế tư nhân có thể cất cánh, thực sự trở thành động lực của nền kinh tế nước nhà. 

- Nhà báo Phan Đăng: Đầu tiên xin hỏi cảm xúc của ông khi nghe những phát biểu về kinh tế tư nhân của người đứng đầu Đảng và Nhà nước chúng ta tại Hội nghị Trung ương 10?

- Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Đấy là một bước chuyển biến quan trọng trong tư duy của chúng ta. Trong chiến tranh chúng ta đã huy động lực lượng toàn dân, tạo nên một cuộc chiến tranh nhân dân. Thời chiến tranh chống Mỹ, tôi vào Vĩnh Linh (Quảng Bình) nhiều lần, và chứng kiến người dân tự nguyện ra lấp hố bom bằng mọi thứ mình có, vì vậy Mỹ cứ ném bom nhưng xe mình cứ đi, quân mình cứ tiến, điều đó rất cảm động. 

Vậy thì trong thời kỳ xây dựng đất nước hiện nay chúng ta cũng phải huy động được toàn lực người dân, từ tiền vốn, kinh nghiệm, lòng quyết tâm đến sức lao động, do vậy tôi thích dùng khái niệm “kinh tế dân doanh”, hơn là kinh tế tư nhân. Bởi vì kinh tế dân doanh là mọi người dân đều tham gia kinh doanh, đều đóng góp tạo việc làm, của cải, tăng trưởng kinh tế.

- Chúng ta sẽ không sa đà vào tên gọi là kinh tế tư nhân hay kinh tế dân doanh, mà có lẽ phải quay trở lại quá khứ để thấy rằng sau đổi mới 1986 thì kinh tế tư nhân đã có một xuất phát điểm rất chật vật. Ông gắn bó đặc biệt với giai đoạn này, ông có nhớ những kỷ niệm gì không?

- Những năm 1990, Quốc hội đã thảo luận và thông qua Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân, đó là bước tiến quan trọng, hợp pháp hóa sự ra đời của kinh tế tư nhân, trước đây bị coi là “phe phẩy”, bất hợp pháp.

Theo Luật Công ty, muốn kinh doanh thì phải được chủ tịch tỉnh ký cho phép, và để “an toàn”, chủ tịch tỉnh yêu cầu chủ tịch quận, chủ tịch phường, rồi cả tổ dân phố, đoàn thanh niên phải ký vào hồ sơ xin lập doanh nghiệp..., một điều tra của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương cho thấy hồ sơ cần tất cả 35 chữ ký và 32 con dấu. 

Vì thế muốn thành lập một công ty, một doanh nghiệp phải mất từ khoảng 6 tháng đến 1 năm. Tốn kém lắm. Bởi đến xin chữ ký tổ dân phố thôi, chẳng nhẽ đến tay không à? …

Nhiêu khê, phiền phức là thế nên đến khi soạn thảo Luật Doanh nghiệp năm 1999, chúng tôi đề nghị phải thi hành quyền của công dân được “tự do kinh doanh theo pháp luật”, quy định rõ tư nhân muốn kinh doanh thì cần có những loại hồ sơ, giấy tờ gì, và bất cứ ai đáp ứng đầy đủ các loại hồ sơ giấy tờ đó đều được đăng ký, chứ không cần ông chủ tịch tỉnh ký “cho phép” nữa.

- Đề xuất là một chuyện, nhưng để được thông qua lại là một chuyện khác, một hành trình rất cam go phải không ạ?

- Hồi đó, Ủy ban Kinh tế và Ngân sách thảo luận dự thảo Luật này rất kỹ, mà trong Ủy ban Kinh tế và Ngân sách có phần lớn các vị chủ tịch tỉnh, thành phố nên các vị này vẫn muốn giữ quyền “cho phép” của mình, không sẵn sàng từ bỏ quyền này. Một vị chủ tịch tỉnh từng đứng lên bảo: Tôi là chủ tịch tỉnh, tôi biết trong tỉnh mình ai tốt, ai xấu, tôi phải có quyền cho phép họ kinh doanh chứ. 

Tôi mới đặt vấn đề lại: Tiêu chí của luật nào cho phép chị xếp hạng công dân là người “tốt” và người “xấu”? Ai cho chị cái quyền phân loại người tốt - người xấu như thế? 

Lại có chủ tịch tỉnh khác nói, từ hai năm nay tôi đã hạn chế việc cho phép mở thêm khách sạn, vì quá nhiều rồi. Tôi bèn trả lời, luật nào cho phép anh từ chối quyền tự do kinh doanh như vậy. Các khách sạn đang hoạt động biết tỉnh hạn chế khách sạn mới, họ sẽ liên kết với nhau, nâng giá và du lịch của tỉnh sẽ trả giá. Thế thì được hay mất? 

Hôm sau ông này kéo tôi ra nói chuyện riêng và bảo: tối qua suy nghĩ lại, ông ấy đã hủy quyết định hạn chế khách sạn rồi. Từ những tranh cãi quyết liệt như vậy mà Luật Doanh nghiệp 1999 được Quốc Hội thông qua năm 1999, và chính thức có hiệu lực vào năm 2000

Nhưng chưa hết đâu. Có một chuyện lạ là đến năm 2000, tất cả các bộ đều im ắng hết, chả ai hướng dẫn, thực hiện, chuyển động gì cả. Chúng tôi bảo nhau: vậy thì chẳng ăn thua gì rồi! 

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, Thủ tướng bèn cho lập một Tổ công tác của Thủ tướng thi hành Luật Doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Trần Xuân Giá làm Tổ trưởng, tôi làm tổ phó thường trực. 

Chúng tôi đi nghiên cứu thực tế thì mới phát hiện ra đang tồn tại tới hơn 500 giấy phép con. Để đánh máy thuê cũng phải xin giấy phép 3 tháng một lần, vẽ truyền thần cũng phải xin giấy phép 3 tháng một lần. Chúng tôi hỏi tại sao lại có kiểu giấy phép như vậy thì họ bảo: nhỡ đâu người ta không vẽ những cái tử tế, mà lại vẽ linh tinh, bậy bạ thì sao? 

Chúng tôi mới nói lại: Căn cứ pháp luật nào để sợ những cái vớ vẩn như thế được? Phải nói là va chạm, đấu tranh rất quyết liệt. Sau đó chúng tôi báo cáo cụ thể lên Thủ tướng Phan Văn Khải, và Thủ tướng đã quyết định xóa một lúc 120 giấy phép con. 

- Bỏ cơ chế phải đi xin tới 35 chữ ký 32 con dấu, rồi bỏ cùng lúc tới 120  giấy phép con, phải nói đã có những chuyển biến tích cực về chính sách dành cho khối doanh nghiệp tư nhân. Nhưng ngay hiện nay, khi kinh tế tư nhân đã được xác định là động lực phát triển của nền kinh tế thì mới đây, vẫn phát hiện sự tồn tại hàng nghìn giấy phép con thì phải?

- Mới đây Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thông báo chúng ta đang có khoảng 5.719 giấy phép con các loại, trong đó có nhiều giấy phép không hợp lý và không còn phù hợp với tiến bộ khoa học công nghệ. 

Thế nên mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Nghị Quyết 19 và Nghị Quyết 02/2019 khắc phục những cái vô lý, không cần thiết ấy đi. Nhà nước quy định giấy phép là cần thiết, nhưng trước khi quy định giấy phép thì phải khảo sát, nghiên cứu, lắng nghe ý kiến của giới doanh nghiệp và chuyên gia để bảo vệ lợi ích của cộng đồng một cách đúng pháp luật...

- Chứ không phải dùng giấy phép con như một công cụ để bảo vệ lợi ích của nhau?

- Đúng rồi! Không thể lấy giấy phép con như một công cụ để kiếm lời hay bảo vệ lợi ích nhóm được. Như thế thì các doanh nghiệp tư nhân khổ sở lắm. 

- Trở lại với việc kinh tế tư nhân từ chỗ bị chối bỏ đến chỗ được chấp nhận với sự ra đời của Luật Doanh nghiệp, thời đó chắc là những doanh nghiệp tư nhân tiên phong đã phải hứng chịu không ít sóng gió, phải không ông?

- Tôi nhớ là sau khi Luật Doanh nghiệp ra đời có rất nhiều người thuộc tầng lớp ưu tú của Đảng và Nhà nước lại ra làm kinh tế tư nhân, ví dụ như anh Lê Kiên Thành, con trai của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn hay anh Trương Gia Bình, con rể của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 

Và có câu chuyện là khi anh Lê Kiên Thành làm kinh tế tư nhân thì bị chi bộ đề nghị khai trừ khỏi Đảng. Anh Thành viết đơn kêu cứu thì Tổng Bí thư Đỗ Mười mời ra Hà Nội gặp, và phát hiện ra anh ấy làm rất vất vả, và rất đàng hoàng, nên không có lý do gì phải khai trừ khỏi Đảng cả. Từ đấy, mới có rất nhiều cái được mở ra. 

Qua câu chuyện này chúng ta thấy rằng từ một đồng chí Đỗ Mười năm 1978 vào cải tạo công thương nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh đến một đồng chí Đỗ Mười thúc đẩy kinh tế tư nhân, ủng hộ đảng viên làm kinh tế tư nhân là những sự thay đổi - những sự dịch chuyển vô cùng lớn.

- Những thay đổi trong tư duy mà cá nhân cố Tổng Bí thư Đỗ Mười của chúng ta đã phải trải qua một quãng thời gian trên dưới 20 năm. Đúng là để tạo ra những thay đổi tư duy, mang tính bước ngoặt như thế không dễ một chút nào. Mới đây thì Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị bàn bạc về chuyện sắp tới có thể phong anh hùng cho những doanh nghiệp tư nhân xuất sắc, cá nhân tôi nghĩ đấy cũng là một thay đổi bước ngoặt trong bối cảnh hiện nay. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, thành thật mà nói ông thấy bộ mặt của khu vực kinh tế tư nhân như thế nào?

- Hiện nay khu vực doanh nghiệp đăng ký theo luật doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 10% GDP, còn khu vực kinh tế hộ gia đình, tức là chỉ sử dụng dưới 10 lao động theo Luật Doanh nghiệp lại chiếm khoảng 33% GDP. Nhưng trên thực tế có phải tất cả các hộ gia đình đều có quy mô nhỏ vậy không? 

Tôi đã từng tận mắt chứng kiến kinh tế hộ gia đình nhưng lại có hàng trăm công nhân sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, giao thương vô cùng tấp nập. Tức là “kinh tế hộ gia đình” được sự đồng tình của quận, phường.

- Thực chất đấy là những doanh nghiệp tư nhân nhưng núp bóng dưới danh nghĩa "kinh tế hộ gia đình" để trốn tránh trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Vì dưới cái bóng "kinh tế hộ gia đình" họ sẽ không phải báo cáo tài chính, chỉ cần nộp thuế khoán... Phải nói, đấy là một sự nhập nhèm mà chúng ta nhất định phải chấn chỉnh.

- Khi tôi sang Đức, gặp mấy chị người Việt mở cửa hàng ăn bên đó thì nghe kể lúc đăng ký mở cửa hàng thì chính quyền họ đến ngay, rồi họ tập huấn miễn phí cho mình cách vận hành. Họ hướng dẫn những việc rất chi li như phải làm sạch thực phẩm như thế nào, phải rửa bát như thế nào, và cuối cùng là họ tặng một cái máy kế toán. Tức là ông/bà bán được cái gì thì ông/bà phải bấm vào cái máy này, nếu không bấm thì sẽ bị phạt. 

Vì vậy cụ thể quy mô kinh doanh như thế nào, hoạt động hằng ngày ra sao, họ biết hết. Có muốn nhập nhèm cũng không nhập nhèm được. Khác hẳn như ở ta, những doanh nghiệp tư nhân hẳn hoi vẫn tìm đủ mọi cách núp dưới cái vỏ kinh doanh hộ gia đình để trốn tránh trách nhiệm. 

- Theo ông tỉ trọng 10% GDP của kinh tế tư nhân, 33% GDP của kinh tế hộ gia đình cần phải thay đổi như thế nào để thực sự có được một nền kinh tế mà ở đó, kinh tế tư nhân quả nhiên là động lực?

- Nhất định phải thay đổi. Kinh tế tư nhân không thể chỉ chiếm 10% GDP được, mà phải nhanh chóng vươn lên khoảng 20-30%, còn kinh tế hộ gia đình nên giảm xuống còn khoảng 15 - 18%. Đấy mới là một tỉ trọng hợp lý.

- Vậy chúng ta phải làm gì với khu vực kinh tế tư nhân để hy vọng có thể gia tăng tỉ trọng của nó trong tương lai, thưa ông?

- Hiện nay chúng ta có một chủ trường chiến lược rất đúng là không để quá phụ thuộc vào bất cứ một nền kinh tế nào ở bên ngoài, để tránh bị ảnh hưởng cả về kinh tế lẫn chính trị, cho nên chúng ta đã ký kết 14 hiệp định thương mại tự do cùng với ASEAN và song phương, rồi tham gia nhiều tổ chức thương mại quốc tế. Tức là chúng ta đa phương hoá, đa dạng hoá nền kinh tế, và thu hút, kêu gọi đầu tư nước ngoài. Tôi nói lại, đây là một chính sách rất đúng.

Nhưng điều này cũng đồng thời tạo ra những thách thức cho các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, vì áp lực cạnh tranh sẽ được tăng lên rất cao. Trong bối cảnh này, cái gì cũng phải cạnh tranh. Nông dân cũng phải cạnh tranh. 

Tôi lấy ví dụ như quả sầu riêng Thái Lan vào thị trường mình, rồi gạo Thái Lan vào thị trường mình, vậy thì mình cạnh tranh được không? Tôi vào TP Hồ Chí Minh thấy rất nhiều người thích ăn gạo Thái thay cho gạo Việt, mặc dù gạo Đồng bằng Sông Cửu Long của mình ngon có tiếng. 

Cho nên với  kinh tế tư nhân, tôi thấy đang có cơ hội, nhưng cũng đang có rất nhiều thách thức. Và muốn tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức thì cách quản lý của chúng ta phải thay đổi theo hướng công khai, minh bạch.

- Tôi vẫn muốn nghe ông nói cụ thể hơn. Theo ông thế nào là công khai? Thế nào là minh bạch?

- Tức là phải vận dụng nền tảng kinh tế số, sử dụng công nghệ thông tin, thông qua mạng lưới Internet để công khai các nguồn số liệu, từ sổ sách, chứng từ của doanh nghiệp đến hoạt động của bộ máy nhà nước. Nếu công khai được như thế sẽ tạo ra cơ chế để cơ quan nhà nước, rồi các doanh nghiệp hợp tác trong chuỗi giá trị tự giám sát lẫn nhau để bảo đảm chất lượng. Và như thế có muốn làm gì khuất tất cũng khó mà làm nổi.

Tôi xin lấy ví dụ rất nóng hổi như vụ khám xét chuỗi cửa hàng của Nhật Cường Mobile, rồi khởi tố ông chủ Nhật Cường tại Hà Nội vừa qua, câu hỏi đặt ra là tại sao doanh nghiệp này có thể buôn lậu nhiều năm, ngay trên địa bàn thủ đô như thế? 

Nếu chúng ta công khai các nguồn dữ liệu thì họ có thể buôn lậu như thế hay không? Nếu như mặt tích cực mà khối kinh tế tư nhân mang đến là tạo công ăn việc cho người lao động, thực hiện cạnh tranh hàng hoá trong môi trường hội nhập quốc tế thì phần tiêu cực - nếu có của họ lại không phải là thứ tiêu cực từ trên trời rơi xuống. …

- Ông đã nghiên cứu rất nhiều các nền kinh tế của rất nhiều chế độ chính trị khác nhau, ông có thể so sánh một chút về tính công khai minh bạch giữa các nền kinh tế được không? Ở đây, tôi hiểu là mọi so sánh đều rất khập khiễng vì mỗi chế độ chính trị, mỗi một định dạng văn hoá đều có những đặc điểm rất khác, nhưng có lẽ vẫn phải so sánh để tạo ra những góc nhìn mang tính tham khảo, giúp độc giả có thể hiểu rõ hơn về vấn đề này.

- Thế này nhé, sau buổi đối thoại này, anh hãy về toà soạn và hãy vào ngay trang web của Bộ Tài chính Việt Nam, anh sẽ thấy ngoài mấy trang đầu công bố số liệu tổng thu ngân sách, tổng chi ngân sách, chi thường xuyên, chi trả nợ, chi đầu tư, còn có phụ lục khoảng 5-6 trang nữa thống kê chuyện thu - chi các tỉnh ở Việt Nam hiện nay.  

Nhưng nếu anh vào trang điện tử của Bộ tài chính Thụy Điển, anh sẽ thấy nó dài không phải 5-6 trang đâu, mà là 2.100 trang, với Pháp là 2.000 trang, còn với Hàn Quốc - một nước châu Á gần chúng ta thì con số này cũng tương tự. Những trang web này cập nhật chuyện thu - chi của các cơ quan nhà nước trong một quốc gia, kể cả thu chi của Chính phủ, quan chức nữa. 

Ví dụ Thủ tướng Thụy Điển đi họp ở Liên Hiệp Quốc, mua vé máy bay hết bao nhiêu tiền, ở khách sạn hết bao nhiêu tiền, chiêu đãi khách uống loại rượu hết bao nhiêu tiền - tất cả đều được công khai trên mạng. 

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho biết tất cả chi phí của Sứ quán, kể cả các bữa chiêu đãi đều phải được báo cáo, thống kê đầy đủ. Nếu chi phí bữa cơm vượt quy định cho phép thì ông ấy vừa phải bỏ tiền túi của mình bù vào, lại vừa bị phạt. Đấy, công khai minh bạch là như thế!

Còn với chúng ta, tôi thấy hiện nay chúng ta đã có tiến bộ nhất định trong công khai thông tin, nhưng minh bạch thì có vẻ là chưa. Chúng ta chi tiêu cụ thể, trong từng việc như thế nào? 

Vì sao cứ hết lần này đến lần khác, ở chỗ này đến chỗ khác lại xảy ra chuyện hàng loạt cán bộ đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài rồi sau đó về nước là... nghỉ hưu, gây thất thoát, lãng phí ngân sách như vậy? Rồi trong các vụ đấu thầu các dự án nữa, Hội đồng xét thầu có đại diện của kinh tế tư nhân, của chuyên gia độc lập theo đúng thông lệ công khai - minh bạch như của nước ngoài không? 

Ở đây nó còn liên quan đến một yếu tố nữa, đó là trách nhiệm giải trình. Nghĩa là ai ký một cái gì đấy thì nhất định phải chịu trách nhiệm về cái đó, chứ không phải cứ đưa ra lấy ý kiến tập thể, rồi sau này, nếu xảy ra chuyện gì, Quốc hội hỏi đến thì bảo đấy là lỗi của một tập thể. Trong rất nhiều trường hợp, đổ cho tập thể cũng là biểu hiện trốn tránh sự trách nhiệm cá nhân. 

- Tính công khai minh bạch càng thấp thì tốc độ cạnh tranh phát triển của nền kinh tế càng thấp, nguy cơ tụt hậu càng cao?

- Tôi có thể nói thẳng với anh là nền kinh tế của ta hiện nay tụt hậu xa, và có nguy cơ tiếp tục tụt hậu xa hơn nữa so với các nước xung quanh. Hiện thu nhập bình quân của ta là 2.600 USD/người, so với chính mình trước đây thì nó quả là một bước tiến lớn, nhưng ở Trung Quốc, con số này đã lên tới khoảng 9.000 USD rồi, ở Hàn Quốc là 28.000 USD rồi, mặc dù trước đây họ đều có một xuất phát điểm, một thực trạng giống  y như ta. Cho nên nếu không tạo ra những thay đổi mang tính đột biến thì việc tụt hậu là chắc chắn, ai cũng nhìn thấy trước.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh trò chuyện cùng phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng. Ảnh trong bài: Đặng Giang.

- Như đã thống nhất ngay từ đầu, khối kinh tế tư nhân hứa hẹn sẽ tạo ra những thay đổi mang tính đột biến này. Và chúng ta cũng đã mổ xẻ những giải pháp từ góc độ quản lý hệ thống hành chính để tạo điều kiện cho khu vực kinh tế này phất lên, nhưng theo quan sát của ông thì bản thân những doanh nghiệp tư nhân cũng phải thay đổi như thế nào? Tôi lấy ví dụ, nếu các doanh nghiệp này chỉ quanh quẩn tập trung vào chuyện đầu cơ đất đai, buôn bán, xây dựng kiếm lời, mà không đầu tư vào công nghệ với khát vọng vươn lên tầm thế giới thì e là sự phát triển nếu có cũng chỉ quanh quẩn mà thôi.

- Điều anh vừa nói rất đúng, tuy nhiên từ quan sát của mình tôi thấy rất mừng là một số tập đoàn tư nhân sau khi mạnh lên nhờ bất động sản đã đầu tư vào công nghệ, vào bệnh viện, vào trường đại học. 

Rồi ngay cả những doanh nghiệp quốc doanh được cổ phần hoá như Bóng đèn phích nước Rạng Đông chẳng hạn, thì họ cũng đã có một trung tâm nghiên cứu, sản xuất ra được đèn LED phục vụ  cho việc đánh bắt hải sản dưới biển, rồi đèn LED phục vụ cho từng loại cây trồng, rất hiệu quả trong nông nghiệp đấy chứ. 

Và đấy là kết quả hợp tác của họ với rất nhiều các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu. Qua đó ta thấy, nếu các doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ thì sẽ có một tiềm năng - một không gian rất rộng lớn để phát triển. 

Nhờ đầu tư, áp dụng công nghệ mà VinFast đã làm ra ôtô, Hoà Phát đã làm ra thép có chất lượng, rồi những Vinamilk, TH..., tôi tin là nếu chúng ta tạo điều kiện phát triển cho họ, thì họ sẽ còn đi xa hơn nữa.

- Tôi luôn nghĩ, "tạo điều kiện" ở đây nhất định phải đi theo xu hướng loại bỏ tư duy nhất thân nhì thế, loại bỏ những kiểu vận động mang tính sân trước - sân sau, loại bỏ cái thói quen dùng quan hệ, chứ không dùng năng lực để trúng thầu dự án... Tóm lại là phải tạo ra một môi trường như thế nào đó để người ta có thể cạnh tranh một cách đàng hoàng, công chính với nhau.

- Anh nói vậy thì tôi xin kể nốt một câu chuyện nữa. Một buổi tối cách đây vài năm, tôi ngồi ăn cơm với nhiều doanh nhân trong đó có chủ tịch hội doanh nghiệp của một tỉnh lớn. Đang ăn thì cậu này chợt nghe điện thoại rồi xin đi ngay. 

Cậu ấy giải thích: "Nhân viên của em vừa alo cho biết, mẹ của chủ tịch tỉnh vừa vào viện cấp cứu. Em phải vào thăm ngay". 

Rồi cậu ấy nhấn thêm: "Anh nên nhớ, thăm ngay, thăm sớm thì tác dụng tốt hơn rất nhiều". Câu chuyện này cho thấy một bộ phận các doanh nghiệp tư nhân nào đó luôn sẵn sàng xả thân nửa đêm gà gáy để tạo dựng, lo lót cho các mối quan hệ, họ kinh doanh dựa trên các mối quan hệ. Tâm trí của họ, năng lượng của họ, thời gian của họ dồn rất nhiều vào đấy. 

Và tôi nghĩ chừng nào họ còn phải dồn hết năng lượng vào đấy, thay vì dồn vào nghiên cứu, sáng tạo thì chừng ấy khó mà có cái gọi là bình đẳng, công chính như anh nói được. 

- Xin cảm ơn ông!

Phan Đăng
.
.