Nước Việt Nam năm 2045

Thứ Bảy, 25/05/2019, 09:03
Năm 2045, mốc kỉ niệm 100 năm thành lập, nước Việt Nam khi đó sẽ như thế nào? GDP cả nước bao nhiêu, GDP đầu người bao nhiêu, hạ tầng kinh tế và các chỉ tiêu phát triển về văn hóa, xã hội đạt đến mức nào, khoảng cách giữa Việt Nam với các nước trong khu vực ra sao…? Đó là những vấn đề “tuy xa mà gần”, được đặt ra trong việc soạn thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10, Khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu các tiểu ban soạn thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng phải có tầm nhìn dài hạn, phải dự báo và đưa ra các mục tiêu phát triển cho chặng đường dài hơi.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ: “Nói Đại hội XIII không phải chỉ cho đến năm 2026 (giai đoạn 2021 - 2026) mà phải có tầm nhìn chiến lược dài hơn, nhìn lại cả quá khứ và hướng tới tương lai. Bộ Chính trị đã cho định hướng mốc là đến năm 2026 là mốc kết thúc nhiệm kỳ Đại hội XIII, đến năm 2030 là mốc 100 năm thành lập Đảng và đến năm 2045 là mốc 100 năm thành lập nước. 

Vậy chúng ta định hướng, hình dung ra nước ta vào năm 2030 sẽ là thế nào? Đến năm 2045, nước ta sẽ như thế nào? Đây là những vấn đề rất lớn, vô cùng khó. 

Vừa qua họp Bộ Chính trị, họp lãnh đạo chủ chốt, tôi đã nói: Tất cả các địa phương phải theo cách này, không phải chỉ tập trung lo chuẩn bị nhân sự mà phải tập trung xây dựng văn kiện đại hội. Báo cáo trình ra đại hội không giống như báo cáo thành tích hằng năm, mà cũng phải phân tích quá trình của địa phương, đơn vị mình hiện tại và sắp tới hình dung xem địa phương ta đến năm 2030 sẽ ra sao, đến năm 2045 sẽ là như thế nào. Đây là việc khó lắm, không dễ, cho nên các đồng chí phải nghiên cứu, chuẩn bị hết sức công phu...”.

Tại Hội nghị Trung ương 10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo ban soạn thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng phải đưa ra các dự báo, tầm nhìn dài hạn.

Như vậy, các thành viên ban soạn thảo văn kiện Đại hội XIII sẽ có quỹ thời gian từ nay đến sang năm để nghiên cứu, đánh giá và đưa ra các dự báo, mục tiêu chiến lược cho hai mốc trăm năm nói trên.

Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói “đây là việc khó lắm, không dễ”, đòi hỏi phải có tổng kết kỹ lưỡng và các dự báo, tầm nhìn trung và dài hạn phải thực sự nhạy bén, khoa học mới có thể đặt ra mục tiêu phát triển năm 2030, 2045. Bởi lẽ, lâu nay các kỳ đại hội, chúng ta thường chỉ đặt mục tiêu tầm trung (5 năm) mà dự báo nhiều khi còn chệch, mục tiêu phát triển không đạt.

Thực tế, kể từ sau đổi mới, chúng ta cũng từng đặt ra một mục tiêu phát triển với tầm nhìn trên 20 năm. Quan điểm của Đảng về xây dựng nước công nghiệp lần đầu tiên xuất hiện trong Văn kiện Đại hội lần thứ VIII của Đảng (năm 1996).

Đó là thời điểm rất đặc biệt: Đất nước trải qua 10 năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới và đạt kết quả có tính bước ngoặt: thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế và tiến vào giai đoạn mới, giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH).

Đại hội VIII của Đảng đặt ra lộ trình “từ nay (1996) tới năm 2020, ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại”.

Mô hình nước công nghiệp được vạch ra là: Lực lượng sản xuất lúc đó sẽ đạt trình độ tương đối hiện đại, phần lớn lao động thủ công được thay thế bằng lao động sử dụng máy móc, điện khí hóa cơ bản được thực hiện trong cả nước, năng suất lao động xã hội và hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn nhiều so với hiện nay.

Ở thời điểm năm 1996, nếu nói về mốc năm 2020 “trở thành nước công nghiệp”, ta thường có cảm giác “còn xa lắm”. Ngày đó, khắp cả nước chỉ náo nức hướng đến thời điểm có ý nghĩa lịch sử: đất nước, nhân loại bước vào thiên niên kỉ thứ III. 

Bởi thế, đặt mục tiêu nước công nghiệp năm 2020 thì thực tế, trong quan điểm các nhà soạn thảo văn kiện ngày đó cũng chỉ áng lượng một cách chung nhất chứ chưa thể định hình nội hàm, mục tiêu cụ thể của “nước công nghiệp” có hình dáng, quy mô ra làm sao.

Nhìn lại chặng đường kể từ sau Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng, CNH, HĐH vẫn là mục tiêu, động lực xuyên suốt, tuy nhiên nhiều vấn đề về điểm hẹn trở thành nước công nghiệp được nhìn nhận lại.

Từ năm 1996 tới trước Đại hội XII, qua 4 kì đại hội Đảng, mục tiêu phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại là chiến lược xuyên suốt, nhất quán. Tuy nhiên, trong các văn kiện đại hội cũng như các đề án, kế hoạch, chúng ta chỉ xác định những vấn đề chung, tổng quát chứ chưa đưa ra các tiêu chí cụ thể và có khái niệm rõ ràng về nước công nghiệp. 

Suốt thời gian dài, với đà phát triển đất nước, chúng ta đều tin rằng việc cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 là hoàn toàn khả thi.

Thế nhưng, đến 2016 thì mục tiêu đã có sự “cải chính”. Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng đã xác định mục tiêu tổng quát 5 năm (2016-2021) về kinh tế là “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Như vậy, sau 20 năm, mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại được điều chỉnh về mặt thời gian, không còn xác định cán đích vào năm 2020. Cụm từ “sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” đã được điều chỉnh linh hoạt hơn, không ấn định cụ thể thời gian.

Điểm lại tiến trình như vậy để thấy, đây không phải lần đầu chúng ta tính đến mục tiêu cho sự phát triển lên tới trên 20 năm. Nhưng mục tiêu “nước công nghiệp” đặt ra 24 năm trước đã lỗi hẹn, vậy hướng tới mốc 24 năm sau kể từ Đại hội XIII, chúng ta sẽ đặt ra mục tiêu gì để vừa thể hiện khát vọng hướng tới nhưng phải có tính khả thi, không “cao vời”?

24 năm, dài đấy nhưng không hẳn quá xa. Hà Nội 24 năm trước với hôm nay đổi khác rất nhiều, vậy nhưng có những con đường từ đó đến nay vẫn vẹn nguyên “nút cổ chai” như xưa, không thể giải phóng mặt bằng!

Nói đến mục tiêu này, thử nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc. Họ đặt mục tiêu như thế nào nhân 100 năm thành lập nước (2049)? 

Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc (2017) là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Đại hội đã đề ra đường hướng cũng như lộ trình cụ thể cho những quy hoạch chiến lược trong vòng 30 năm tới của Trung Quốc.

Sự ra đời của “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” là điểm nhấn và kết quả nổi bật của Đại hội. Việc triển khai cụ thể tư tưởng Tập Cận Bình sẽ trả lời một cách toàn diện và có hệ thống những vấn đề cơ bản như mục tiêu mới, sứ mệnh mới cũng như mâu thuẫn mới mà Đảng Cộng sản Trung Quốc phải đối mặt.

Theo đó, Trung Quốc sẽ hướng tới thực hiện “hai mục tiêu 100 năm” để kỉ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2021 và 100 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào năm 2049.

Diện mạo đất nước thay đổi rất lớn sau chặng đường đổi mới.

Trên cơ sở xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện vào năm 2020, Trung Quốc sẽ thực hiện hai giai đoạn 15 năm (2035 và 2050) để xây dựng Trung Quốc thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp. Đặc biệt, Trung Quốc cũng tỏ rõ khát vọng đưa “Giấc mộng Trung Hoa” thành siêu cường kinh tế số 1 thế giới vào năm 2049.

Như vậy, mục tiêu, định hướng của Trung Quốc là rất rõ ràng và thể hiện khát vọng lớn, động lực cao. Nhìn vấn đề trên cũng cho thấy, hai mốc trăm năm mà chúng ta đặt ra (100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước) không phải là vấn đề mới mà đã được Trung Quốc đặt ra tại Đại hội Đảng năm 2017.

Vậy, trong điều kiện của Việt Nam, mục tiêu nào khả dĩ cho hai mốc trăm năm? Liệu chúng ta đã có thể đưa vào khái niệm “trở thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp” như Trung Quốc đã đặt ra?

Trả lời cho mục tiêu trên, hẳn rằng mong muốn lớn song còn rất nhiều phân vân. GDP đầu người Việt Nam năm 2018 đạt 2.540 USD/năm. Đây là con số đã vượt xa mức năm 2010, thời điểm nước ta vượt qua ngưỡng nước có thu nhập thấp, bước vào ngưỡng thu nhập trung bình thấp. Vậy, tiêu chí đến nước thu nhập trung bình cao có thể đặt ra khi nào?

Theo tiêu chí của Ngân hàng Thế giới, các quốc gia có thu nhập trung bình cao là phải đạt thu nhập bình quân đầu người từ 3.466 đến 10.725 USD Mỹ/năm. 

Với 2.540 USD hiện tại, ngưỡng 3.466 USD hẳn không còn xa, có thể đặt ra trong vài năm tới. Tuy nhiên, mức thu nhập cao (10.725 USD/người/năm) thì chắc chắn không thể đặt ra trong dăm bảy năm tới. Vậy, có thể đặt ra mốc này vào dịp 100 năm thành lập Đảng (1930)? Đây là mục tiêu cao nhưng không phải không khả thi, cần được tính tới. 

Đối với mốc 100 năm thành lập nước, chặng đường đó còn 15 năm kể từ 100 năm thành lập Đảng và 24 năm kể từ Đại hội XIII (2021). Quãng thời gian này tương đồng với lúc chúng ta đặt ra mục tiêu nước công nghiệp (đều tầm nhìn 24 năm). Xây dựng một xã hội khá giả, hài hòa, dân chủ, tiến bộ với đích đến là nước công nghiệp hiện đại, hẳn cũng là một mục tiêu cần tính toán.

An Nhi
.
.