Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đắc Xuân: "Không cần bằng cấp, tôi sống với đời bằng kiến thức thật của mình...!"

Thứ Hai, 25/03/2019, 15:41

Đọc sách của ông, tôi nghĩ ông là một người trầm lặng nhưng khi gặp ông mới vỡ lẽ: hóa ra không phải thế. Dù đã quá bát thập nhưng ông vẫn phong độ, vẫn nói chuyện sang sảng và thậm chí, không quá lời nếu bảo ông vẫn rất... "thanh niên". 

Trong những mường tượng trước đó của tôi về gia cảnh của ông, thực tâm có một chữ "nghèo" ám ảnh vì tôi biết phần lớn các nhà nghiên cứu ở Việt Nam đều nghèo. 

Thế mà gặp ông mới biết: "Tôi xây nhà được nhờ viết sách. Cho con cái đi học nước ngoài nhờ viết sách. Sống khỏe nhờ viết sách" - ông cứ thế mở lòng. 

Thế nên, không quá lời nếu bảo, nhìn ở rất nhiều khía cạnh khác nhau, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đắc Xuân là một trường hợp đặc biệt, hiếm thấy trong giới nghiên cứu văn hóa nước nhà. 

Cuộc đối thoại giữa tôi và ông diễn ra vào một đêm muộn, khi tôi tình cờ ghé Huế và điện thoại cho ông. Thật cảm động khi nghe giọng ông hồ hởi: "Dù rất muộn nhưng chúng ta vẫn gặp nhau thôi. Vì nếu không gặp, chẳng biết bao giờ mới có cơ hội gặp".

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, là một người đọc, cá nhân tôi rất ngưỡng mộ ông khi nhìn vào số lượng các đầu sách đồ sộ mà ông là tác giả. Nhờ những công trình đồ sộ như thế mà đâu đó, có người  gọi ông là "nhà Huế học" nhưng cá nhân tôi thì nghĩ nếu chỉ viết nhiều, nghiên cứu nhiều mà đã được gọi là "nhà Huế học" thì xem ra có phần dễ dãi. Không biết, ông có nghĩ thế không?

- Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân: Tìm hiểu, khảo sát, nghiên cứu, viết nhiều về lịch sử văn hóa Huế thì được gọi là nhà nghiên cứu Huế. Nhà nghiên cứu Huế hiểu rõ về Huế, tìm ra được các đặc điểm riêng, tính cách riêng, quy luật phát triển của văn hóa Huế thì mới gọi là nhà Huế học. 

Như anh biết, Huế là món quà sính lễ của vua Chăm-pa Chế Mân cưới công chúa Huyền Trân của nhà Trần. Người nước Đại Việt theo công chúa vào châu Ô, châu Rý (sau đổi thành châu Thuận và châu Hóa) sống chung với người Chăm-pa (hiện nay vẫn còn ít nhất 4 họ Ông, Ma, Trà, Chế). 

Trải qua hơn 700 năm (1306-2019), văn hóa của người Việt hòa quyện với văn hóa Chăm-pa hình thành ở Huế một nền văn hóa có những yếu tố mạnh mẽ, trong sáng của Đại Việt và yếu tố sâu lắng, da diết của Chăm-pa.

Người ta có thể tìm thấy tính cách Việt-Chăm trong hầu hết đời sống văn hóa Huế. Trong kiến trúc, bộ mái miền Bắc to, nặng, bộ mái kiến trúc Chăm-pa miền Nam nhỏ gọn, kiến trúc Huế chắt lọc từ kiến trúc hai miền nên có bộ mái hài hòa với thân và nền đạt đến tỷ lệ vàng (Ngọ Môn, Hiển Lâm Các), trong mỹ thuật cặp màu đẹp nhất của Huế là cặp Chàm-Vàng (nghiên cứu của Phạm Đăng Trí), trong ca Huế mở đầu buổi diễn trình bày các làn điệu Bắc vui tươi rộn ràng, về khuya xuống các điệu Nam Bình, Nam Ai sâu lắng da diết. 

Phụ nữ Huế với áo dài màu tím vốn là màu được hòa lẫn từ màu đỏ ấm của miền Bắc với màu xanh miền Nam. Nếu nhìn ra thế giới, ta thấy người Trung Quốc thích màu đỏ, người Ấn Độ thích màu xanh. Áo dài màu tím là mang bản sắc Huế, áo dài của vùng văn hóa Indochine. 

Có lẽ người ta gọi tôi là nhà Huế học vì tôi là người đầu tiên tìm ra tính cách Nam - Bắc này của văn hóa Huế chăng? Nhưng tôi từ trước đên nay chưa bao giờ dám nhận mình là nhà Huế học cả. 

- Vừa chầm chậm sâu lắng, vừa mạnh mẽ tiềm ẩn, Huế là như thế, phải không ông?

- Không đâu êm ả, phẳng lặng tựa như mặt nước sông Hương nhưng cũng không ở đâu sóng lũ dữ dội như ở Huế. Khách đường xa đến Huế ai cũng thấy đời sống chậm, khoan thai, họ không hiểu Huế là nơi có những biến động không nơi nào trên nước mình sánh được. 

Năm 1774 quân Trịnh vào Phú Xuân, chúa Nguyễn bị đánh đuổi phải bôn tẩu vào phương Nam. Năm 1786 quân Tây Sơn từ Bình Định ra giết sạch 3 vạn quân Trịnh ở Huế. Năm 1800 quân Nguyễn trở lại Phú Xuân giết sạch quân Tây Sơn/Quang Trung. 

Năm 1866, vua Tự Đức giết cả đội quân khởi nghĩa của Đoàn Trưng, Đoàn Trực. Năm 1885 thất thủ, kinh đô vào tay thực dân Pháp, hàng ngàn người dân vô tội bỏ mạng... Phụ nữ Huế có tiếng là hiền dịu nhưng khi họ đã vượt rào thì dữ dội không nơi nào bằng. 

Trước năm 1975, các cây bút nữ viết bạo nhất ở Sài Gòn toàn là phụ nữ Huế: Nguyễn Thị Hoàng, Trần Thy Nhã Ca, Túy Hồng, Lệ Hằng, Hoàng Hương Trang... Cái tính cương - nhu của người Huế rất thích hợp với ngành ngoại giao. Trước đây tôi lập được một danh sách dài những nhà ngoại giao gốc Huế. Nay tôi chỉ còn nhớ vài người như ông Hà Văn Lâu, bà Tôn Nữ Thị Ninh...

- À, có một điều rất lạ là một nhà Huế học như ông thực ra lại không phải là người xứ Huế. Tôi có nghe loáng thoáng rằng ông lớn lên trong một khu rừng ở Quảng Nam, mãi sau này mới biết chữ và mãi sau này mới đến Huế sinh sống thì phải?

- Cảm ơn anh. Ít ra anh cũng đã loáng thoáng một chút về đời tư của tôi. Sự thật là mẹ tôi người xứ Thanh. Năm 16 tuổi mẹ tôi bị tảo hôn với một người con trai 12 tuổi. Về làm dâu như một người đày tớ cho nhà giàu. Mẹ tôi rủ một người bạn cùng chung số phận trốn vào Huế. Mẹ tôi có nhan sắc, hát hay. 

Vào Huế, mẹ tôi đi hát ở sòng bạc của các quan, các cụ. Mẹ tôi phải lòng một người đàn ông làm thủ quỹ cho nhà hàng khách sạn Morin Huế. Ông ta nói không có cha không có mẹ. Một người bà con của người đàn ông đứng ra tổ chức đám cưới cho hai người. Hai người có một gian phòng nhỏ ở góc đông nam khách sạn Morin và sinh tôi ra ở đó.

Sau khi tôi ra đời, cha tôi nói thật là có cha mẹ, ông nội tôi là Đội trưởng Đội Nhã nhạc Nam triều đã về hưu. Không những thế mà còn có vợ và con trai nữa. Do hoàn cảnh như thế, cha tôi phải gửi mẹ tôi đem tôi lên Đà Lạt buôn bán với một người chị cô cậu của ba tôi. Nhưng rồi bao nhiêu tiền bạc vốn liếng cô tôi cho vào sòng bạc hết, mẹ con tôi không nơi nương tựa. 

Rồi chiến tranh, mẹ tôi phải dựa vào một người thợ. Người ấy đem mẹ con tôi vào một khu vườn rừng ở Phụng Sơn do người Quảng Nam thành lập. Tôi sinh hoạt với người Quảng nên nói theo giọng Quảng.

Mãi đến năm 1952, cha tôi nhờ người đi tìm và gặp tôi. Tôi về với cha nhưng sau vài tháng lạc lõng, tôi xin trở lại Đà Lạt với mẹ. Năm 1954, trường Tuệ Quang của anh em thiền sư Thích Nhất Hạnh ký học bạ lớp Nhất cho tôi đi thi tiểu học và tôi đã đỗ thứ hai thành phố Đà Lạt. 

Sau Hiệp định Genève 1954, tôi về Đà Nẵng rồi về Huế vừa đi học vừa đi dạy kèm, học xong Đại học Sư phạm (1966) rồi đi kháng chiến làm dân vận, làm thơ, làm báo kháng chiến. Sau năm 1975, khi đang làm cán bộ Ban Tuyên giáo Thành ủy Huế, ngoài giờ làm việc ở cơ quan, tôi bắt đầu nghiên cứu Huế và may mắn trở thành nhà nghiên cứu Huế như hiện nay.

- Trong suốt quá trình học tập, sinh sống ở Huế, ông thấy mảnh đất này đã tác động đến ông như thế nào?

- Vì đi học trễ, rồi vừa đi học vừa đi làm gia sư để kiếm sống, rồi lại tham gia tranh đấu ở các đô thị, rồi đi kháng chiến gần chục năm nên tôi không có nhiều thời gian để học tập đầy đủ như các bạn thế hệ tôi. Do đó tôi luôn mặc cảm là mình dốt nên luôn tranh thủ thời gian để học, hòng thu hẹp bớt sự dốt của mình. 

May mắn là tôi trưởng thành trong môi trường của thành phố văn hóa lịch sử Huế, có hai trường Quốc học, Đồng Khánh, có Đại học Huế, có cố đô Huế, có biết bao người giỏi sinh sống ở Huế và ngoài Huế... Môi trường đó đã tác động lên tôi, tôi dần trở thành một nhà văn hóa chứ không đi theo con đường khoa bảng, quan chức, chính trị.

- Thưa nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, nghe ông kể chuyện về mình, về xứ Huế, tôi dần nhận ra những đặc tính tất yếu phải có để trở thành một nhà nghiên cứu tầm vóc nhưng tôi vẫn muốn ông tổng kết lại những đặc điểm này được không?

- Đầu tiên là phải có lòng yêu nước, yêu quê hương hết mình mới đủ năng lượng để suốt đời cống hiến cho lý tưởng. Hai là phải có tư liệu khoa học và phương pháp nghiên cứu khoa học, phải phục vụ đất nước bằng giá trị đích thực của đất nước mình, không được bóp méo sự thực để lừa đời. Ba là phải chấp nhận thời gian để đi đến cùng lý tưởng của mình, làm văn hóa là đi trước thời đại nên phải chấp nhận cô đơn.

- Trong suốt quá trình tìm tòi nghiên cứu, lúc nào ông thấy cô đơn nhất?

- Tôi đi nghiên cứu triều Nguyễn ở cái thời mà người ta còn lấy cung Trường Sanh làm xí nghiệp in, lấy cung Diên Thọ làm địa điểm truyền thanh, cái thời mà một lãnh đạo thông tin văn hóa đi tham quan Ba Lan về còn muốn đập kinh thành Huế để mở rộng thành phố... 

Chắc chắn tôi không thể không gặp khó khăn. May là Công an TP Huế thời đó biết tôi là người yêu nước thực sự nên chỉ cảnh báo chứ không bỏ tù... 

Đến khi triều Nguyễn được phục hồi, tôi đi nghiên cứu phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn, tiền thân của cung điện Đan Dương - sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung thì lại bị những người “phù Nguyễn” chống đối. Tôi nghiên cứu lịch sử văn hóa Huế một cách “nghiệp dư”, chưa từng ở trong một cơ quan nghiên cứu lịch sử nào ở Huế.

- Bây giờ chúng ta nói cụ thể đến công trình nghiên cứu lăng mộ của vua Quang Trung mà ông vừa nhắc đến. Tôi có biết là trong suốt quá trình thực hiện công trình này, ông đã vấp phải rất nhiều ý kiến phản đối đúng không?

- Nguồn cơn thế này: Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông Nguyễn Thiệu Lâu dạy lịch sử ở trường Quốc học, trong một chuyến đưa học sinh dã ngoại, ông phát hiện vùng gò đồi phía sau tu viện Thiên An có một cái lăng Ba Vành khá to. Ông cho đó là lăng mộ vua Quang Trung và sau ông viết thành bài đăng trên báo Bách Khoa ở Sài Gòn trước năm 1975.

Sau 1975, kỹ sư Nguyễn Hữu Đính - một trí thức cách mạng yêu Huế sử dụng bài viết của Nguyễn Thiệu Lâu, bổ sung thêm nhiều tư liệu thông tin để thành một công trình lịch sử rất có ý nghĩa với Huế. Cụ kỹ sư chuyển cho nhiều người đọc tham gia ý kiến, trong đó có tôi. Tôi không đồng ý nhưng không tiện lên tiếng phản đối. 

Sau đó, trước khi qua đời, cụ chuyển cho thầy giáo Trần Viết Điền dạy vật lý ở Đại học Sư phạm Huế - con trai người lái xe cũ của cụ. 

Khoảng năm 1989, ông Lê Phước Thúy - bạn tôi, làm Phó Chủ tịch phụ trách văn xã của UBND TP Huế - muốn làm một cái gì mới mẻ cho Huế bèn đầu tư cho thầy giáo Trần Viết Điền tiếp tục công trình của cụ kỹ sư để lại. 

Cuối cùng, thành phố - dưới sự lãnh đạo của ông Thúy - chuẩn bị khánh thành công trình lăng Ba Vành là lăng mộ vua Quang Trung. Ông Thúy là bạn tôi, nếu không lên tiếng thì bạn tôi không thể tránh được một sai lầm lịch sử để đời.

Tôi đã trực tiếp nói với ông Thúy mấy ý kiến: 1- Nhà Nguyễn một đồng xu của Quang Trung cũng nấu chảy, lẽ nào để lại cái lăng vua Quang Trung to đùng như thế ở kinh đô Huế? 2- Trong bài thơ Cảm hoài, Ngô Thì Nhậm có một lời chú dài một trang nói rõ “Cung điện Đan Dương là sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung. 

Lăng Ba Vành không có bất cứ một biểu hiện nào chứng tỏ đó là một vùng cung điện cả. 3- Vua băng hà thì sau đó vợ con vua phải đến ở xung quanh lăng, tức là nơi ấy có người ở, phải có giếng nước nhưng khu vực lăng Ba Vành không hề có một giếng nước nào... 

Ông Thúy nghe lời tôi nên không khánh thành lăng Ba Vành. Từ đó, nhóm nghiên cứu lăng Ba Vành không có thiện cảm với tôi. Rồi ngay cả một số nhà “Tây Sơn học” ở Huế cũng phản biện tôi.           

- Thật ra, làm công việc nghiên cứu, không thể tránh được những phản biện như vậy. Nhưng, không phải nhà nghiên cứu nào cũng có thể giữ được sự điềm đạm trước những lời phản biện mình, phải không ông?

- Trước tiên, tôi đã trích dẫn những tư liệu khoa học để phản biện lại những lời phản biện tôi. Sau đó tôi đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu đa ngành để chứng minh cho những lý luận của mình. Thật sự, tôi vẫn cám ơn những người đã phản biện và tôi không hề có thái độ gay gắt nào với họ.

- Nghe đâu ông có tiền xây nhà, rồi có tiền cho con đi học nước ngoài nhờ việc... bán sách. Cụ thể, việc bán sách diễn ra như thế nào mà ông lại giàu cỡ ấy?

- Các con tôi đi học nước ngoài nhờ tìm được học bổng của nước ngoài, gia đình chỉ trợ cấp một phần thôi. Tôi không có bằng cấp, không có chức vụ gì quan trọng nên lương rất thấp. Lương hưu của tôi thua cả một giáo viên cấp 2 về hưu hiện nay. Những gì tôi có được đúng là nhờ tiền bán sách của tôi.

Kể từ năm 1986, khi Hương Giang cố sự - cuốn sách Huế đầu tiên của tôi ra đời, cho đến khoảng năm 2015, tôi đã có ít nhất 20 đầu sách dành riêng cho khách du lịch, chiếm lĩnh thị trường sách của du lịch Huế... Tất cả các sách này tôi xin giấy phép xuất bản của các nhà xuất bản trong nước, phần lớn là Nhà xuất bản Thuận Hóa rồi tự in và tự phát hành trong cả nước... 

Có nơi mua của tôi một lần với nhiều đầu sách lên đến mấy chục triệu đồng. Tôi chỉ lo viết, lo in, còn việc phát hành gửi đi các nơi là vợ tôi lo. Cuối năm 2015, vợ tôi mất, tôi không còn tự in sách và phát hành sách nữa.

Nhờ bán sách của tôi mà nhiều người buôn bán ở Đại Nội, ở các lăng, các chùa đã nên cửa nên nhà. Một chủ bán sách dạo ở bến đò lên thăm lăng vua Gia Long đã đến gặp tôi năn nỉ: “Cháu làm nhà xong mà chưa lợp được cái mái. Kính mong bác tái bản cuốn Hướng dẫn đi thăm kinh thành bằng các thứ tiếng để cháu lợp xong nhà rồi bác hãy nghỉ” (Cười...). 

Tôi không thể thoái thác được nên đã tái bản sách và người bán sách ở bến đò đã lợp được nhà. Một kỷ niệm vui trong đời làm sách văn hóa du lịch của tôi.  

- Vừa rồi ông nói ông không có bằng cấp gì nên lương rất thấp, tôi không hiểu. Ông từng học xong Đại học Sư phạm rồi mới đi kháng chiến, sao ông lại không có bằng cấp nhỉ? Ông có nhầm không?

- Dạ. Không nhầm. Sự thực như thế này: Đến năm 15 tuổi tôi mới đi học. Để tôi có thể đi học, anh tôi ở quê nhà làm chứng từ khai sinh cho tôi, hạ cho tôi 6 tuổi. Khai sinh ở Huế nên phải lấy tên bà mẹ lớn Nguyễn Thị Cừu thay cho mẹ tôi là Lê Thị Hồng ở Đà Lạt. 

Từ đó, tất cả bằng cấp của tôi đều ghi tôi sinh ngày 20-6-1943. Nhưng khi đi kháng chiến, tôi nghĩ tôi phải làm lại cuộc đời nên bỏ hết giấy tờ đã có, khai lại ngày tháng năm sinh thật của mình là 15-7-1937, mẹ tôi là bà Lê Thị Hồng, người xứ Thanh. 

Sau năm 1975, tôi tiếp tục làm việc với lý lịch kháng chiến của tôi. Nhiều người khuyên tôi nên nhờ tòa án điều chỉnh lại khai sinh để có thể sử dụng được bằng cấp mình đã có. 

Lúc này tôi thấy không cần những bằng cấp ấy nữa, tôi sống và làm việc với đời bằng kiến thức của chính tôi. Cho đến bây giờ tôi chỉ thích cụm từ “Nguyễn Đắc Xuân - người cầm bút xứ Huế” - thế là quá đủ rồi. 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân giới thiệu về một cuốn sách quý!

- Trong nhà ông hiện nay có rất nhiều bộ sách quý. Tôi nghe nói, có người đã trả tới ngàn đô để mua những bộ sách này?

- Nhà báo Diên Thống đã viết về tủ sách của tôi là tủ sách “Bốn trong một”. Một là, tủ sách này là công cụ tôi khai thác viết lách, làm kinh tế cho gia đình; hai là tủ sách giúp tôi tìm được những thông tin, hình ảnh tôi thích thú, giống như một kiểu để giải trí; ba là nếu tôi bán tủ sách thì sẽ có một số tiền lớn và sẽ giàu có như các bạn có nhà đất, có cổ phần trong các công ty. Và bốn là nhờ tủ sách tôi học được tấm gương của những người tử tế đông tây kim cổ, giúp cho tôi giữ được tư cách của mình.

Vì thế tôi chỉ bán sách của tôi chứ chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bán các sách tôi đã dày công sưu tập cả đời. Ví dụ bộ Đại Nam liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn có nhiều người muốn tôi nhượng lại với giá nhiều ngàn đô, chứ không phải một ngàn như anh nghe loáng thoáng đâu. 

Ngoài giá trị khoa học, bộ sách còn có giá trị về cổ vật hiếm nữa. Trong xã hội hiện nay, cả triệu người Việt Nam có trong tay hàng trăm ngàn đô nhưng có thể nói hiếm có người nào có một bộ sách như bộ sách này của tôi. Tôi không bán nhưng bất cứ ai nghiên cứu cần tham khảo tôi luôn sẵn sàng giúp, như tôi đã thực hiện trong mấy chục năm qua. 

- Tôi đã thấy nhiều nhà nghiên cứu ở tuổi cao niên tính đến chuyện truyền lại sách vở - kiến thức của mình cho những thế hệ sau. Ông đã tính đến điều này chưa?

- Đối với tôi có ba chuyện phải để lại. Một là trước tác của tôi, 70 đầu sách đã in và mấy chục đầu sách chưa in; hàng trăm bài viết còn nằm trong máy với hàng chục ý tưởng ai đọc qua cũng bảo là hay mà chưa đưa được vào đời. 

Hai là bộ sưu tập tài liệu, hình ảnh, phim xưa nay rất quý đang chứa trong hàng chục USB có bộ nhớ lớn, đặc biệt hình ảnh, phim các vua triều Nguyễn bị lưu đày lưu vong ở nước ngoài. Ba là tủ sách Gác Thọ Lộc với 2 tầng lầu.

Về cá nhân tôi đã làm xong cơ bản Index Nguyễn Đắc Xuân, đã đưa vào USB hình ảnh đời tôi và gia đình tôi. Về những gì cần để lại, thư ký của tôi đang giúp sắp xếp. Về sách quý, tôi cũng đã giúp cho Trung tâm Học liệu Đại học Huế và Thư viện Tổng hợp TP Hồ Chí Minh số hóa một phần lớn. Nói chung là từ năm qua tuổi 80, tôi đã lo chuyện này rồi.

- Xin hỏi câu cuối cùng: Các con ông đều thành đạt ở TP Hồ Chí Minh, sao ông không ở trong đó để gần con cháu mà lại ở một mình tại Huế? 

- Lúc làm Báo Lao động (1993-1998) tôi có một ngôi nhà ở đường Phan Xích Long, Q. Phú Nhuận. Trước đây các con tôi ở, nay các con đã trưởng thành, người nào cũng có nhà riêng tốt hơn nhà tôi nên ngôi nhà đó sẽ đổi chủ trong tương lai gần. Từ năm 1956 đến nay, hơn 60 năm khóc cười với Huế, lẽ nào tôi có thể bỏ Huế mà đi (!).

Dù tôi có ở TP HCM đi nữa nhưng ruột gan tôi vẫn để ở Huế, vẫn để ở bên cạnh khu mộ của nhà tôi ở nghĩa trang phía nam Huế. Thiền sư Thích Nhất Hạnh có sự nghiệp tôn giáo lừng danh thế giới nhưng cuối cùng thiền sư cũng về Huế sống đến cuối đời. Tôi chỉ là một người học trò nhỏ của thiền sư, lẽ nào tôi lại không thực hiện những trải nghiệm giống thầy?

- Xin chân thành cảm ơn ông! 


Phan Đăng (thực hiện)
.
.