Cái đã biết là vô bờ, cái chưa biết còn bất tận hơn
- Vài ý kiến nhỏ với Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Vương
- PGS – TS Trần Ngọc Vương: Ngụy thiện cũng vừa phải thôi, không thì ai chịu được!
- PGS-TS Trần Ngọc Vương: Thượng phải chính!
- PGS, NGƯT Trần Ngọc Vương: Đạo thầy trò đã có những thay đổi căn bản
Còn lý do sâu xa, quan trọng khác là muốn lắng nghe xem, với cái nhìn của một nhà nghiên cứu tư tưởng phương Đông như ông thì một nền giáo dục nói chung và sự học nói riêng của người phương Đông, người Việt Nam trong thế giới toàn cầu hoá này nên diễn ra theo chiều hướng như thế nào?
Từ giáo dục - giáo điều…
- Nhà báo Phan Đăng: Lý do nào khiến ông “tung bom” tại cuộc phản biện một đề án giáo dục lớn, đang được chờ nói trên?
- Giáo sư Trần Ngọc Vương: Tôi đọc kỹ đề án này và thấy, ở phần tổng kết lịch sử giáo dục Việt Nam, các vị ấy tổng kết một quá trình rất dài, từ khi người Pháp xuất hiện đến tận bây giờ, nhưng thật lạ là lại không nói gì đến giai đoạn từ năm 1959 đến năm 1991. Tôi xin nói, những thế hệ đang làm công tác giáo dục hiện nay, với những cái tên quan trọng nhất đều trưởng thành ở giai đoạn này.
Những người được giải thưởng Hồ Chí Minh về công nghệ vừa rồi cũng đều thuộc giai đoạn này. Vậy tại sao không nói đến? Tôi nghĩ rằng, nếu là một đề án ngắn hạn, với mức chi phí vài chục triệu thì còn cố mà chấp nhận được, nhưng với một đề án được khởi động và thực hiện tới 13 năm, hướng đến một sự cải cách toàn diện, và có thể được đầu tư tới nhiều tỷ đồng thì làm như vậy là không thể chấp nhận được.
- Bây giờ thì dự án đang ở tiến độ nào rồi ạ?
- Tôi được biết là người ta trình Phó thủ tướng rồi, cũng nằm trên bàn Thủ tướng vài tháng rồi. Nhưng Thủ tướng đánh dấu hỏi vào đó, vì vậy người ta đưa về Hội Liên hiệp Khoa học kỹ thuật để phản biện lần cuối. Trước sau như một, cá nhân tôi không đồng tình với một đề án cải cách như vậy.
- Chỉ vì sự thiếu sót trong một giai đoạn lịch sử như ông vừa nói thôi sao?
- Đấy chỉ là lý do đầu tiên, lý do quan trọng nhất là đề án không xác định chính xác xem giáo dục Việt Nam hướng đến mục tiêu cụ thể nào. Ở đây, họ nhấn mạnh tới việc phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nghĩa là những mục tiêu xã hội, nhưng nếu chỉ như thế thì nó khó có điều kiện đạt tới mục tiêu thực sự của giáo dục là đào tạo nên những con người hạnh phúc.
UNESCO từng đặt ra vấn đề “học để làm gì?” và trả lời rất rõ 4 mục tiêu: học để có kiến thức, học để làm việc, học để chung sống với nhau và học để làm người. Hai mục tiêu sau cực kỳ quan trọng, theo tôi lại là một khoảng trống lớn trong đề án.
- Vâng, học để chung sống với nhau, học để làm người...
- Có thể chia lịch sử giáo dục nhân loại thành 2 giai đoạn lớn. Đầu tiên là giai đoạn giáo dục để có kiến thức, để thâu lượm, học tập những khuôn mẫu mà con người và các xã hội đã tổng kết được trong quá khứ. Giáo dục kiểu ấy chủ yếu dành cho một số ít người trong những đặc thù xã hội mà người ta thường nói ước lệ là “giáo dục 5%”, ví dụ ngày xưa trong chế độ chuyên chế phương Đông thì thứ dân, thảo dân, dân đen là những người không được giáo dục. Trong một xã hội như thế, người đi học chỉ là một nhóm nhỏ, và khi ấy bản thân việc được đi học đã cho phép người ta ở vào một đẳng cấp rất khác rồi. Thời quân chủ chuyên chế, thậm chí có cả những ông võ tướng không có học, không biết đọc nữa kia.
- Ông có thể lấy ví dụ cụ thể?
- Sử liệu cho thấy rằng hàng loạt võ tướng thời Lam Sơn khi ra làm quan ở triều đình Lê sơ đều không biết chữ. Có chuyện này, vui một cách chua xót, đó là có một ông đại thần hẳn hoi, mang tên trong sử là Lê Khuyển, cái tên khiến chúng ta dễ nhớ tới câu mắng mỏ coi thường “loài khuyển mã”, nhưng đấy là cái tên đã được Hán hoá rồi đấy, còn thực tế, tên thuần Việt của ông ấy như thế nào chúng ta có thể dịch ra và tự hiểu được với nhau.
- Chỉ với một cái tên thật, có thể được dịch dễ dàng từ chữ “khuyển” chúng ta cũng hiểu những thiếu thốn trong giáo dục của cá nhân và gia đình ông đại thần này rồi. Nhưng đấy cũng chẳng là lỗi lẫm gì của ông lẫn người sử dụng ông, có lẽ đấy là đặc điểm của một thời đại.
- Gần một chục năm ở Lam Sơn ông này là bếp trưởng, là người nấu cơm cho Lê Lợi. Khi quy công trạng ông ta nằm trong top 10, thuộc hàng “thượng trí tự”, nghĩa là còn hơn cả “đại trí tự”.
- Vậy thì thời đó, một người có học vấn như Nguyễn Trãi đứng hạng mấy, thưa ông?
- Đứng thứ 73, cái này Lam Sơn Thực lục ghi rất rõ. Sau này còn vài lần “luận công hành thưởng” nữa, và lần cao nhất thì Nguyễn Trãi cũng vẫn nằm ngoài tốp 30, ở tận thứ 37. Tất nhiên ở đây có câu chuyện khác là Nguyễn Trãi không muốn tranh giành lộc lá, mà muốn làm việc thật, vì thực tế chức vụ trong triều của ông là Thượng thư Bộ Lại cơ mà, là người phân bổ quan lại trong cả nước.
- Thời quân chủ chuyên chế, có nhiều bậc cao nhân hành xử như vậy không ạ?
- Rất hiếm hoi! Nguyễn Trãi học theo cách của Trương Lương - đế sư của Hán Cao Tổ bên Trung Hoa. Sau khi Hán thắng Sở, lấy thiên hạ thì Trương Lương, cùng Hán Tín, Tiêu Hà được liệt vào hàng tam kiệt anh tài. Thế nhưng sau chiến thắng, nhiều người được phong vương, và thực tế là Trương Lương cũng giục Hán Cao Tổ phong vương cho một loạt những người đó, còn ông ấy thậm chí không nhận danh vị nào.
Phải đến khi Hán Cao Tổ đề nghị thì ông ấy mới nhận phong đến cấp huyện hầu. Về sau, triều đình có một đợt quy đổi nữa thì ông ấy cũng chỉ nhận cái cấp “bách hộ hầu”, nghĩa là ăn lộc của 100 nhà, thay vì “vạn hộ hầu” hay “thiên hộ hầu”.
Cách hành xử như của Trương Lương, Nguyễn Trãi là hành xử của những nhà tư tưởng, chính trị siêu việt, với rất nhiều ý đồ sâu xa, và qua đó ta thấy lấp ló triết ngôn “Hậu kỳ thân nhi thân tiền, ngoại kỳ thân nhi thân tồn”! (Đặt mình ở sau nên rút cuộc mình ở trước, đặt mình ra ngoài nên mình còn). Chúng ta không đi sâu vào chủ điểm này, nhưng nhắc đến những con người cá biệt này để thấy trong chế độ quân chủ chuyên chế ấy số lượng những người được học hành, giáo dục đến nơi đến chốn là hiếm hoi vô cùng, có được trí lực phi phàm “tuyệt đỉnh trí mưu” là hiện tượng vô cùng hiếm…
- Trong một thời đại như thế thì việc giáo dục đơn thuần là học lại những kiến thức đã được tổng kết từ trước kiểu như Tứ thư - Ngũ kinh cũng là điều dễ hiểu?
- Hồi ấy người ta gọi “giáo dục” là giáo hoá. Kinh điển của Nho gia khẳng định, cái mà con người cần noi theo, để trở nên hoàn thiện là đạo, đức và tính, và việc đôn đốc người ta có được đạo, đức và tính gọi là giáo. Ngay cả phương Tây cũng vậy, suốt thời kỳ trung cổ, người có học chủ yếu là thầy tu, và ở đó, việc giáo dục phải thực hiện theo các giáo điều. Đến đó thì chữ “giáo” trở thành một tín điều của tôn giáo.
- Phải đến thời Phục hưng thì kiểu giáo huấn, giáo hoá, giáo điều như thế mới kết thúc, và những đòi hỏi về một kiểu giáo dục mới đã chính thức xuất hiện thì phải?
- Đúng là nó chỉ kết thúc khi diễn ra phong trào Phục hưng, và sau đó là các thế kỷ Khai sáng. Khai sáng nghi ngờ những tín điều cũ, đặt lại một cách có hệ thống những vấn đề như giải phóng tư tưởng con người khỏi nhà thờ, tôn giáo, hướng đến tự nhiên, công chúng, và những điều mang tính thực nghiệm, duy lý.
- Bây giờ nhìn lại, ông có thể tổng kết xem, rốt cuộc thì chất keo nào khiến cho kiểu giáo dục - giáo hoá, giáo dục - tín điều đã tồn tại qua nhiều thế kỷ trung cổ phương Tây và quân chủ chuyên chế phương Đông được không?
- Vì xã hội đến thời trung cổ cũng chưa vận động bao nhiêu. Ở phương Tây, bắt nguồn từ cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ nhất, gắn với bước chuyển lực lượng sản xuất chủ yếu của xã hội từ nông nghiệp sang công nghiệp hoá thì bắt buộc người ta phải thay đổi, phải thế tục hoá, dân chủ hoá, duy lý hoá. Và nó trở thành nguyên tắc hàng đầu của giáo dục khai sáng.
…Đến giáo dục - khai sáng
- Thưa ông, tôi thấy là ngay cả khi xã hội đã tịnh tiến đến thời hiện đại bây giờ thì nhiều giá trị cũ của những Khổng Tử, Lão Tử, Hàn Phi Tử,… vẫn đang được chúng ta nhắc lại và đề cao. Và thực tế là sách của những triết gia này vẫn không ngừng được tái bản. Điều đó cho thấy những tín điều cũ vẫn có giá trị, hoặc chí ít, không hoàn toàn sai trái. Ông nghĩ sao về điều này?
- Thực ra, không phải tất cả những tín điều đã được hệ thống hoá và truyền dạy đều sai cả. Các triết gia khoa học luận nói rằng mỗi thời đại lịch sử lại hình thành một hệ hình tri thức. Và lịch sử của sự phát triển tri thức là lịch sử của sự thay đổi các hệ hình.
Chẳng hạn vật lý cổ điển chỉ có thể tổng kết tri thức đến thời Newton, trong một không gian có sẵn, thời gian tuyến tính. Tất cả được hình dung trên cái nền của cơ học Newton và hình học Ơclit. Nhưng đến khi xuất hiện vật lý học Anhxtanh, rồi vật lý lượng tử và tinh thần phi Ơclit thì hệ hình tri thức đã thay đổi.
Lúc ấy, những phát biểu kiểu như tổng 3 góc của một tam giác là 180 độ không còn đúng nữa, bởi rất có thể nó nhỏ hơn hoặc lớn hơn con số này, tuỳ theo độ choán của nó vào không gian, và tuỳ theo các trường lực tác động vào người quan sát và tọa độ quan sát. Trong định nghĩa cũ của hình học Ơclit cũng vậy, ở đó Ơclit bảo hai đường thẳng song song không bao giờ gặp nhau, nhưng trong định nghĩa mới của Anhxtanh thì phải hiểu hai đường thẳng song song có thể gặp nhau ở vô cực.
- Như vậy, việc xác định hệ hình tri thức là điều căn cốt để xây dựng nên những triết lý giáo dục cho từng thời đại lịch sử khác nhau?
- Đúng rồi. Anh đang ở thời đại nào thì phải kiến thiết một triết lý, một hệ thống giáo dục tương thích với cái thời đại ấy. Trước đây, mọi thứ chỉ cần nói cha ông bảo thế, thánh hiền bảo thế, giáo chủ bảo thế thì miễn bàn, cúc cung tuân theo, vì nó đúng tuyệt đối, vì nó là chân lý tiên nghiệm. Nhưng nói như Ănghen, chân lý kiểu ấy là một chân lý đượm buồn, nhạt nhẽo. Chân lý thật, đòi hỏi ta phải đánh vật với nó, kiểm chứng nghiêm ngặt với nó, vì nó ẩn khuất bên trong.
- Theo tôi, ngay cả khi thừa nhận sự vận động của các hệ hình tri thức, và đòi hỏi một triết lý giáo dục thay đổi cùng với mỗi một hệ hình ấy thì có lẽ chúng ta cũng không nên phủ định những sự có lý nhất định, mà thậm chí là những sự có lý phi thời gian của những thứ thuộc hệ hình tri thức cũ. Điều ấy liệu có đúng không, thưa Giáo sư?
- Ở cả những nhân vật có tầm vóc tri thức rất lớn, tiêu biểu cho cái mới, đôi khi ta cũng bắt gặp những sự thoả hiệp với cái cũ đấy chứ. Voltaire - một triết gia lỗi lạc Pháp thế kỷ XVIII chẳng hạn, mặc dù là một trong những nhà khai sáng hàng đầu thì ở ông, ta vẫn bắt gặp những xác tín tôn giáo. Ông coi mình là người theo phiếm thần luận. Trong triết ngôn của ông có một câu rất khôn ngoan rằng: “Không có chúa đâu. Nhưng bổn phận của con người là phải tạo ra chúa”. Vì sẽ rất khó làm nhiều việc quan trọng của con người nếu không thừa nhận những phạm trù thuộc về tiên nghiệm, về sự thiêng liêng. Thiêng liêng là cái gì? chủ nghĩa duy lý sau này chỉ có đúng hay không đúng, chứ dĩ nhiên không nói gì đến sự thiêng cả. Và nếu tuyệt đối hoá cái này nhiều quá thì nó sẽ lại dẫn tới một dạng khác của chủ nghĩa hư vô.
- Trên thực tế, trong thời đại ngày nay, chúng ta đã bắt gặp không ít những sự tuyệt đối hoá kiểu như vậy.
- Đúng là bây giờ, nhiều người tuyệt đối hoá vai trò của khoa học, và tin rằng khoa học có thể làm nên mọi thứ, nhưng chính một nhà khoa học hàng đầu như Anhxtanh, trong cuốn Thế giới như tôi thấy lại bộc lộ đầy những hoài nghi, thậm chí từng đặt ra câu hỏi: hình như con người không tiến hoá về mặt đạo đức? Con người thông minh hơn, giỏi giang hơn, nhưng liệu có tốt hơn không, thế giới có đẹp hơn, có đáng sống hơn không ? Có một câu của một học giả khác mà Anhxtanh chia sẻ, rằng phải bằng mọi cách ngăn chặn chiến tranh thế giới thứ 3, vì nếu nó xảy ra thì người ta chỉ còn lấy đá ném nhau thôi, nghĩa là mọi thành tựu của văn minh từ trước tới nay đã biến mất theo cuộc chiến ấy, sẽ chẳng có phe nào thắng cả. Chúng ta nên nhớ lượng đầu đạn hạt nhân trên thế giới hiện có sức phá huỷ tới 150 lần trái đất này. Lúc đó tất cả tàn lụi, con người trở lại thời nguyên thuỷ, và đấy là cảnh cáo về mặt hiện tượng hết sức đáng quan tâm.
Còn ông K.Popper - một vĩ nhân khác của thế kỷ XX, vốn xuất thân từ một nhà toán học khi xây dựng lý luận nhận thức, bàn về các phương pháp khoa học thì quả quyết: “Một lý thuyết chỉ thực sự là lý thuyết khoa học khi nó có thể sai”. Cần chú ý là nó “có thể sai”, chứ nếu bảo “nó sai” thì vứt đi. Ngược lại, cái “không bao giờ sai”, cái “luôn đúng” thì chỉ có thể là những tín điều tôn giáo.
Ảnh trong bài: Phạm Nghĩa. |
…Và sự tự giáo dục bản thân
- Rõ ràng là khi hệ hình tri thức thay đổi, nhu cầu giáo dục thay đổi thì triết lý giáo dục cũng cần phải thay đổi. Nhưng nhìn vào giáo dục Việt Nam hiện tại chúng ta có cảm giác mình vẫn đang áp dụng một triết lý giáo dục của một hệ hình tri thức cũ, mang tính áp đặt quá cao. Ví dụ như trong các trường đại học, chúng ta áp đặt rằng triết học Mác - Lênin đúng một cách tuyệt đối, và có lẽ chính triết lý, phương pháp giáo dục như thế khiến người học bỗng sợ triết, từ đó không hiểu được những điều mà lẽ ra là rất hay, rất thú vị. Ngoài ra cũng phải thấy những sản phẩm của giáo dục khai sáng rồi cũng dần trở thành cái đã biết, mà thế giới, nhân loại bây giờ lại không ngừng biến động từng ngày, từng giờ, cho nên nhu cầu kiến tạo một triết lý giáo dục mới, phù hợp với hệ hình tri thức hôm nay là một nhu cầu cấp bách?
- Ngày nay, nhất định phải thay đổi nội dung, triết lý giáo dục, từ học cái đã biết sang học để nhận ra, làm ra cái chưa biết. “Sư phạm” nghĩa đen là dạy các khuôn mẫu phải từng bước được chuyển đổi sang dạy cách thức “sáng tạo, phát minh” thì mới mong “tiên tiến, hiện đại” được! Cho tới nay, cái đã biết đã là vô bờ nhưng cái chưa biết thì còn bất tận hơn, “đào bới quá khứ” là quan trọng, nhưng “đối diện với tương lai bất định” còn quan trọng hơn nhiều. Vì thế, cách dạy hiện đại nhất là dạy cho người học tự nhận thức, tự chủ động trong tương lai của chính mình
- Bây giờ thì tôi muốn hỏi ông một cách cụ thể rằng trong thực tiễn Việt Nam hiện nay - một Việt Nam với mục tiêu hiện đại hoá, công nghiệp hoá rất rõ ràng thì điều đầu tiên cần chú ý và giải tỏa của/ cho nền giáo dục là gì ạ?
- Bây giờ đúng là người ta nói nhiều tới hiện đại hoá, công nghiệp hoá, nhưng cần lưu ý, hiện đại hoá không nhất thiết phải là công nghiệp hoá, vì mức độ công nghiệp hoá của các quốc gia rất khác nhau. Và có các quốc gia tìm cách hiện đại hoá không qua công nghiệp hoá, mà qua các con đường khác, chẳng hạn như tin học hoá.
Rồi khái niệm công nghiệp hoá cũng không ngừng biến đổi qua từng thời kỳ. Đầu thập niên thứ ba của thế kỷ XX, Lênin đưa ra định nghĩa chủ nghĩa Cộng sản là chính quyền Xôviết cộng với điện khí hoá. Nhưng đấy là thời Lênin, khi hiện đại hoá gắn liền với phát minh và ứng dụng điện.
Ông Stalin xác định nội hàm của “lực lượng sản xuất tiên tiến nhất”, tức của chủ nghĩa xã hội thời ông ấy, là “nền sản xuất lớn được cơ khí hóa cao độ”, vì thế mà công nghiệp nặng trước hết là việc chế tạo máy, còn bây giờ anh có thể thấy ở Trường Đại học Bách khoa, bao nhiêu năm khoa Chế tạo máy không tuyển sinh được, mà người ta lại ùa cả vào công nghệ thông tin. Còn những ngành “hót” giờ dường như là “phỏng sinh học”, là công nghệ môi trường cơ. Tóm lại, nội hàm của “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đã thay đổi, phải thay đổi qua từng thập niên một, và dù sao chăng nữa, đó cũng không là chìa khóa vạn năng, không được coi nó là mục tiêu sau cùng.
- Ông có thể nói cụ thể hơn nữa được không ạ?
- Bên cạnh công nghiệp hoá phải chú ý đến toàn cầu hoá, đại chúng hoá, dân chủ hoá. Và đặc biệt, để cho khoa học, con người phát triển phải thực hiện thế tục hoá. Không thế tục hoá, chỗ nào anh cũng nhìn thấy thần linh thì chết, vì thần linh bao giờ cũng đi kèm với nó là cả một hệ thống những vùng cấm kỵ.
- Hoặc không phải thần linh, mà là người thật hẳn hoi, nhưng cứ bị thần linh hoá thì cũng bất ổn, có đúng vậy không thưa ông?
- Chẳng phải đến thời đại bây giờ, trong quá khứ, cũng đã có lúc xuất hiện những nhu cầu thế tục hoá dưới dạng những ngụ ngôn, ẩn ý đấy chứ. Trong Tây Du Ký, Ngô Thừa Ân đã để Tôn Ngộ Không có một phát ngôn đáng chú ý giải thích lý do mình muốn cạnh tranh với trời để làm Tề Thiên Đại Thánh, đó là: “Vì sao Ngọc Hoàng làm Ngọc Hoàng lâu thế?”. Ý là, làm trời thì cũng chỉ có thời hạn, và giờ đã đến lượt nhường ghế cho đối tượng khác, ở đây là một con khỉ. Câu chuyện này chính là một ngụ ý về nhu cầu thế tục hoá, dân chủ hoá rất sâu sắc đấy nhé.
- Theo tôi, chúng ta phải rất hiểu mình, rất thẳng thắn với mình thì mới chạm được vào những điều ông vừa nói?
- Anh cắm một cái lều, đắp một mô đất trên đầm lầy thậm chí còn khó khăn hơn là xây toà lâu đài trên ngọn đồi. Đó là lý do để Spinoza thường nhắc lại câu châm ngôn biện chứng mà ông ưa thích: “Phủ định cái gì thì bị chính cái đó quy định, ràng buộc”.
Với một quốc gia như Việt Nam, giờ đây phải “nhìn chằm chằm” vào lịch sử và các điều kiện cụ thể của mình, phải nhìn ra tính khả thi của những giải pháp mà mình lựa chọn. Nhưng theo tôi quan sát thì từ giáo dục cá nhân đến giáo dục gia đình, xã hội, chúng ta chưa bao giờ thực hiện nghiêm túc công việc này.
Một trong những mục tiêu đầu tiên của giáo dục là định hướng các giá trị sống, và nó cần được thực hiện ngay từ tuổi ấu thơ, trong môi trường giáo dục gia đình. Vậy phải làm sao để mọi gia đình trở thành một cơ sở giáo dục nền tảng? Lâu nay chúng ta cũng không làm được điều này. Tôi thấy giờ chỉ còn những gia đình nền nếp cũ, phần lớn là gia đình trí thức còn chăm sóc kỹ đến giáo dục gia đình, chứ phần còn lại thì không. Giáo dục không chỉ là công việc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mà của toàn xã hội, của mỗi gia đình.
- Và mỗi cá nhân rất cụ thể nữa, vì sự tự học, tự giáo dục cá nhân cũng là điều không thể bỏ qua?
- Tham nhũng và những quốc nạn lớn trong xã hội hiện nay chủ yếu do người có ghế, có chức có quyền gây ra. Những người đó, về mặt tư cách cá nhân là vô giáo dục. Anh cướp bóc, đè đầu cưỡi cổ thiên hạ một cách khéo léo, “theo bài bản, đúng quy trình” để thu lợi về cho mình thì nói gì đi nữa anh vẫn chỉ là những kẻ đại ích kỷ, nhân cách, đạo đức có vấn đề. Gom đám tham nhũng lại, tập trung vào một nhà tù thì chẳng ông quản giáo nào dạy họ được hết. Lẽ thường họ phải đi dạy người khác chứ. Vậy họ thiếu cái gì? Họ thiếu sự tự giáo dục nghiêm khắc với chính mình.
- Một môi trường giáo dục không tốt sẽ tạo nên những sản phẩm không tốt, nhưng nếu đổ lỗi hết cho hoàn cảnh, buông thả với hoàn cảnh thì cũng cần phải xem lại chính mình - có đúng vậy không thưa ông?
- Chủ nghĩa Mác nói rằng hoàn cảnh quyết định tính cách. Nhưng nên nhớ Mác cũng từng nói: Nếu hoàn cảnh về cơ bản là thứ quyết định tính cách thì trách nhiệm của các tính cách là phải làm cho hoàn cảnh trở nên nhân đạo, tử tế hơn.
- Rất cảm ơn Giáo sư về buổi trò chuyện này!