PGS, NGƯT Trần Ngọc Vương: Đạo thầy trò đã có những thay đổi căn bản

Thứ Bảy, 25/12/2010, 15:10
Khi thực hiện chuyên đề này, chúng tôi đã có dịp được trò chuyện với Phó Giáo sư, NGƯT Trần Ngọc Vương, người vừa vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, ghi nhận những đóng góp của ông cho nền giáo dục nước nhà.

PV: Thưa Phó giáo sư, là một người có nhiều năm dạy học, tiếp xúc với rất nhiều học trò ở các lứa tuổi khác nhau, thầy có nhận xét gì về đạo thầy trò trong cơ chế thị trường hiện nay?

PGS. NGƯT Trần Ngọc Vương: Để bàn đến vấn đề này, tôi muốn nói ngay rằng, giáo dục cần cho bất luận một xã hội nào, thị trường hay không thị trường. Thời điểm này ta nhìn thấy thị trường mọi nơi, mọi lúc và suy diễn nó một cách tùy tiện. Không thể không thấy những tác động của nó, nhưng người làm giáo dục (người thầy) phải buộc mình nhìn ra và xử lý những mặt tích cực và tiêu cực như thế nào. Bởi đặc điểm hàng đầu của thị trường là tính tức thời mua bán, "cưa đứt đục suốt", lối "trả tiền ngay không tình nghĩa" trong khi đó, giáo dục là sự tích hợp, thừa kế. Đạo thầy trò nằm trong cơ chế đó sẽ có những thay đổi căn bản và phức tạp hơn nhiều.

PV: Theo Phó giáo sư, sự thay đổi căn bản đó là gì?

PGS. NGƯT Trần Ngọc Vương: Thầy giáo, ngoài trách nhiệm xã hội đối với các thế hệ chưa trưởng thành thì họ phải được yên thân bởi một điều kiện sống đảm bảo, và đi liền với đó là những giá trị được ghi nhận. Nếu đã bước vào nghề giáo viên, thì phải chấp nhận một cái ngưỡng kinh tế nhất định, giáo viên tỷ phú, theo tôi là giáo viên vứt đi, bởi nếu anh không ăn tiền của học trò, không nhận phong bì thì anh cũng đã ăn bớt thời gian và tâm trí của mình để làm việc khác.

Ở ta bây giờ đang có hiện tượng đó, hàng triệu giáo viên ở các cấp, nếu chúng ta có những chính sách không thỏa đáng thì nó sẽ ảnh hưởng đến hàng chục triệu người (thậm chí là quá nửa dân số). Vì thế đó là chuyện quốc sách, vĩ mô, mang tính cốt tử của tồn tại xã hội, không hiểu điều đó thì không có một nền giáo dục tử tế được.

Nhưng mặt khác cơ chế thị trường trong một giới hạn nào đó, không nên và không thể loại bỏ hoàn toàn trong quan hệ thầy trò, bởi vẫn có những giá trị tích cực, nếu một học trò giỏi, mà thầy giỏi không muốn dạy, học trò phải học với những người bình thường, vì không có cơ chế, thì học trò ấy sẽ không thể phát huy được khả năng của mình, bây giờ không thể đòi hỏi một thứ đạo đức chay tịnh, một tinh thần cống hiến, hy sinh vô điều kiện.

Một thầy giáo giỏi, phụng sự theo lối công ích, nhưng đồng lương không đủ nuôi sống gia đình mà họ lại có trách nhiệm nuôi sống gia đình, bởi họ là trụ cột, thì cửa thị trường giúp làm điều đó, thầy dùng chất xám của mình một cách công bằng (nhưng không phải là việc "dạy thêm"), và học sinh được thụ hưởng những kiến thức của thầy, vậy là họ được lợi nên cơ chế thị trường một mặt nào đó đã giải quyết được đỡ phần tiêu cực.

Chuyện tiêu cực trong nghề giáo thì là "bài ca muôn thuở". Ngày xưa, nền giáo dục chỉ được dành cho thiểu số, mà còn có cơ man những câu chuyện thơ, vè đả kích thầy, huống nữa là nền giáo dục đại trà bây giờ. Điều đáng nói hơn, là đang có một sự thay đổi về chất khi ta mở rộng nền giáo dục đại trà mà thiếu sự kiểm soát.

PV: Vậy đạo thầy trò có nằm trong sự thay đổi đó hay không thưa Phó giáo sư?

PGS. NGƯT Trần Ngọc Vương: Đạo thầy trò được xác lập do mối quan hệ cá nhân giữa thầy và học trò. Đối với những người ngay từ đầu có một nền tảng giáo dục tốt, một truyền thống giáo dục tốt thì mối quan hệ đó sẽ tốt. Lên bậc đại học nếu sự chuẩn bị của giáo dục không tốt thì mối quan hệ đó trở nên đơn điệu, phức tạp, nhiều khi chỉ còn là hình thức, thầy nhiều khi nổi giận không đúng làm tổn thương trò sâu sắc.

Còn nếu tôn trọng trò thái quá, có những đối xử không công bằng khiến thầy trở nên nhu nhược, hiệu quả giáo dục sẽ kém đi, nên thầy phải là người tinh tế, nhận ra cá tính của trò để biết cách đối xử. Nhìn trên tổng thể do ta thiếu giáo dục đạo đức theo quy trình từ ngoài vào trong, từ gia đình, xã hội đến nhà trường nên mới có những hiện tượng buồn như hôm nay.

PV: Xin hỏi phó giáo sư một câu tế nhị, sinh viên có bao giờ mang quà hay phong bì đến nhà thầy và với những trường hợp đó, thầy sẽ hành xử như thế nào?

PGS. NGƯT Trần Ngọc Vương: Tôi có nhiều học trò, đủ các thế hệ khác nhau, nhiều người lớn tuổi hơn tôi, thậm chí bây giờ đã 70 tuổi rồi. Đến nhà tôi có một nguyên tắc là học trò càng cũ thì càng thoải mái, bởi các anh chị đến nhà thầy chỉ còn là tình nghĩa thôi, không có những ràng buộc.

Còn với những sinh viên đang học tôi, tôi có một nguyên tắc nói công khai với các trò rằng, không được phép mang cái gì giá trị đến nhà thầy, bởi quan hệ này liên quan đến một lợi ích thiết thân nào đó, không còn thuần túy là tình cảm. Nhiều em nghèo lắm, món quà đối với mình không lớn, nhưng với sinh viên nhiều khi là cả một sự cố gắng nhọc nhằn.

Nhiều học trò càng đi xa càng nhớ thầy, rất nhiều học trò có việc về Hà Nội, thể nào cũng đến gặp thầy. Ngẫm lại tôi thấy mình làm thầy cũng có lý, vì có những giá trị tinh thần quý giá mà không tiền bạc nào có thể mang lại được.

PV: Chắc hẳn thầy sẽ có rất nhiều kỷ niệm với các trò của mình. Dẫu đạo thầy trò thời nay có những thay đổi, thì những giá trị cơ bản của nó vẫn còn tồn tại.

PGS. NGƯT Trần Ngọc Vương: Tôi có một cậu học trò đặc biệt, là sinh viên K38. Cậu này quê Thái Bình, đi bộ đội về, nhà quá khổ, gia cảnh rất thương tâm nhưng cậu ấy lại có khát vọng học tập, và rất thông minh. Ra trường, tôi đã xin cho cậu ấy một công việc làm tạm để ở lại Hà Nội, nhưng một mình xoay xở ngoài này quá khó khăn, nên cậu ta tính chuyện về quê.

Tôi may cho cậu ta một bộ complet và sắm cho một đôi giày, rồi về quê nói chuyện với một vài người bạn, đặt vấn đề xin việc cho cậu ấy, thế rồi cậu ta được về Công an tỉnh Thái Bình, sau đó thì dần dần ổn định, cải thiện được đời sống cho cả gia đình và bản thân. Một, hai tháng lại gọi cho tôi một lần, để thông báo tình hình.

Có người yêu cũng đưa lên hỏi ý kiến thầy. Đúng 10 năm sau khi ra trường, lần đầu tiên cậu ấy đến nhà tôi và có xách theo một cái túi, trong túi có… 4 quả táo. Đó là món quà đầu tiên của cậu học trò nhưng làm tôi rất cảm động.

PV: Xin cảm ơn cuộc trò chuyện của phó giáo sư

Khánh Linh
.
.