Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Ba, 12/11/2024, 07:46

Là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống nên thời gian qua, Quảng Nam luôn chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn. Đây là việc làm ý nghĩa, vừa gìn giữ, bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam cho biết, trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS trên địa bàn các huyện miền núi Quảng Nam luôn được lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các địa phương hết sức quan tâm, cùng với đó là sự phối hợp, hỗ trợ của các cấp, các ngành. Qua đó, tạo tiền đề để ngành văn hóa từ tỉnh đến huyện triển khai thực hiện các đường lối, chủ trương, chính sách thuộc “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS” của Trung ương, của tỉnh được đồng bộ.

Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số -0
Đồng bào Ca Dong tại xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức (Quảng Nam) say sưa trong điệu múa truyền thống.

Đáng chú ý, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ VH-TT&DL, các bộ, ngành Trung ương về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, Sở VH-TT&DL đã tham mưu UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 800/QĐ-UBND ngày 19/4/2023 về kế hoạch triển khai thực hiện dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2025 (gọi tắt là Dự án 06).

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án 06, Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện. Mục tiêu của dự án nhằm khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào DTTS và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các DTTS rất ít người.

Trong năm 2023 và 2024, các phòng chuyên môn và các đơn vị trực thuộc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam đã triển khai, tổ chức thực hiện nhiều nội dung thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch trên địa bàn các địa phương được hưởng thụ Dự án 06 của tỉnh. Cụ thể, đã triển khai tổ chức được 5 lớp tập huấn truyền dạy văn hóa phi vật thể của đồng bào các DTTS; khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, ghi âm, ghi hình đối với nhạc cụ Đinh tút của đồng bào Giẻ - Triêng (nhóm Tà Riềng) trên địa bàn huyện Nam Giang; khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, ghi âm, ghi hình nghệ thuật điêu khắc gỗ đồng bào Cơ Tu ở các huyện Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang; tổ chức phục dựng, tái hiện Lễ mừng lúa mới của đồng bào Ca Dong tại xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức... Song song đó, Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam phối hợp với các địa phương liên quan đã thực hiện nhiều chương trình quảng bá xúc tiến du lịch tại các huyện miền núi như Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang; xây dựng các chương trình truyền thông vùng đồng bào thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Nam; xây dựng trailer quảng bá du lịch miền núi tỉnh Quảng Nam.

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, ở góc độ địa phương, các huyện nơi thụ hưởng Dự án 06 cũng đã xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện các nội dung của dự án nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch tại địa phương mình. Đáng chú ý có huyện Tây Giang triển khai nâng cấp cải tạo Làng truyền thống Cơ Tu Tây Giang, Làng văn hóa - du lịch cộng đồng thôn Pơrning, xã Lăng và thôn Ta Lang, xã Bha Lêê; mua sắm và cấp bộ trống, chiêng cho các thôn ở 10 xã trên địa bàn huyện. Huyện Đông Giang hỗ trợ đầu tư xây dựng, sửa chữa các hạng mục phục vụ điểm du lịch thôn Aréh - Đhrồng; tổ chức tập huấn, truyền dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống và múa Tân tung da dá của người Cơ Tu; trang bị trống chiêng cho đội văn nghệ ở các thôn thuộc các xã của huyện. Huyện Nam Giang triển khai hỗ trợ âm thanh, cồng/chiêng cho các tổ dân phố, các thôn trên địa bàn huyện; tổ chức phục dựng nghi thức Lễ mừng lúa mới của đồng bào Tà Riềng tại xã Đắc Tôi; phục dựng Lễ cưới của đồng bào Cơ Tu tại xã Tà Bhing. Huyện Nam Trà My tổ chức phục dựng Lễ cúng máng nước của dân tộc Ca Dong tại làng Làng Lê, thôn 2, xã Trà Don và tại làng Măng Gry, thôn 1, xã Trà Vinh; hỗ trợ trang phục truyền thống của 3 dân tộc Ca Dong, Xơ Đăng, Mnông…

“Việc triển khai thực hiện các nội dung của Dự án 06 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thời gian qua là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các DTTS gắn với phát triển du lịch tại địa phương. Qua đó, góp phần phát huy có hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã hội và cộng đồng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh; tăng cường mối đoàn kết dân tộc, đặc biệt đối với thế hệ trẻ thông qua các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ lành mạnh từ các giá trị văn hóa truyền thống của chính dân tộc mình”, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có gần 141.000 người dân là đồng bào DTTS, chiếm 9,4% dân số toàn tỉnh. Trong số các DTTS, có 4 dân tộc định cư lâu đời với tổng số dân hơn 132.000 người, gồm Cơ Tu, Xơ Đăng, Giẻ - Triêng, Cor. Phần lớn các DTTS sinh sống ở 9 huyện vùng trung du và miền núi phía tây của tỉnh Quảng Nam, trong đó có nhiều huyện tỷ lệ người DTTS hơn 70% dân số, như Tây Giang (91,4%), Nam Trà My (91,1%), Đông Giang (80,2%), Phước Sơn (72,1%).

Ngọc Thi
.
.