Khai thác sâu đậm hình tượng người chiến sĩ Công an nhân văn, quả cảm
Những ngày này, Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ Công an” lần thứ V năm 2025 tiếp tục diễn ra tại Nhà hát Quân đội, Hà Nội. Sau nửa chặng đường, liên hoan đã mang đến với khán giả Thủ đô những vở diễn về đề tài CAND đặc sắc, được nhiều đơn vị nghệ thuật trên cả nước đầu tư dàn dựng.
Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân văn, quả cảm được khai thác đa dạng, đa chiều, không chỉ tập trung ở mảng điều tra, phá án, mà các vở diễn còn đi sâu phản ánh các nhân vật lịch sử, chiến công lớn của ngành Công an.

Nhiều tác phẩm mang đậm tính thời sự
Ngày 1/7, Trung tâm Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Nghệ An mang đến nhiều bất ngờ cho liên hoan khi ra mắt khán giả Thủ đô Hà Nội vở diễn “Không gục ngã”. Khai thác về người lính Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý nhưng tác phẩm này đặt ra một vấn đề rất ít được đề cập tới trong các tác phẩm nghệ thuật, nhất là trong sân khấu – cán bộ, chiến sĩ nhập vai nghiện ma tuý để điều tra, phá án, nhưng rồi đã bị nghiện ma túy.
Đó là câu chuyện của Sơn - người chiến sĩ nghiện ma tuý trong quá trình thâm nhập sâu vào đường dây buôn bán “cái chết trắng” xuyên biên giới. Sau mỗi chiến công là vô vàn những cống hiến, hy sinh thầm lặng khác, những cuộc đấu tranh khác của người chiến sĩ, đòi hỏi nghị lực phi thường và sức chịu đựng không kém những tháng ngày lăn lộn phá án…
Trước đó, Trung tâm Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Nghệ An cũng đã mang đến liên hoan vở Ca kịch “Trò chơi của quỷ” – một tác phẩm đầy tính thời sự về xã hội đương đại, lên án các đối tượng lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi, gây tội ác. Thông qua câu chuyện nhiều kịch tính về tên trùm tội phạm buôn bán nội tạng xuyên biên giới đội lốt “Giáo chủ giáo phái Vĩnh Sinh” và những nỗ lực của lực lượng CAND nhằm triệt phá đường dây này, vở diễn đề cập đến nhiều vấn đề như lợi dụng người nổi tiếng để lừa bịp người nhẹ dạ cả tin, hội chứng đám đông và những hệ lụy khôn lường cho chính bản thân và gia đình của những người u mê, lạc lối…
Hòa cùng dòng chảy của những tác phẩm nghệ thuật mang đậm hơi thở thời đại tại liên hoan, Trung tâm Sân khấu và Phát triển mang đến tác phẩm “Hoàng hôn rực nắng” với câu chuyện mang chiều sâu tâm lý và giàu chất nhân văn về một người chiến sĩ Công an từng thâm nhập vào đường dây ma túy xuyên quốc gia. Chuyên án thành công nhưng sau chiến công ấy là những mất mát không gì bù đắp được: Người vợ yêu thương bị sát hại, con gái thất lạc.
Sau hành trình dài 22 năm đi tìm sự thật, người chiến sĩ ấy tiếp tục buộc phải có những lựa chọn đau đớn khi phát hiện con gái tưởng chừng đã mất, nay đang đứng ở phía bên kia chiến tuyến, trong một tổ chức tội phạm đội lốt thiện nguyện… “Hoàng hôn rực nắng” chinh phục khán giả khi không chỉ kể một câu chuyện về nhiệm vụ và trách nhiệm, mà còn là hành trình soi chiếu ánh sáng của lòng dũng cảm, của tình thân, đặc biệt là niềm tin không bao giờ tắt vào công lý.
Phong phú về đề tài, sinh động về chân dung người chiến sĩ
Nhà hát Kịch CAND cũng có sự đổi mới khi mang đến liên hoan 2 vở diễn về 2 đề tài mới, trong đó, vở Kịch nói “Người thứ ba” khai thác về lực lượng văn nghệ sĩ, trí thức ở đô thị trong những năm tháng đất nước còn chia cắt. Đơn vị dàn dựng được đánh giá là khá mạnh dạn khi đồng thời đề cập và xử lý khéo léo vấn đề vốn được cho là nhạy cảm lâu nay trên sân khấu – vai trò của văn nghệ sĩ, trí thức ở giữa hai chiến tuyến và câu chuyện hòa giải dân tộc sau khi đất nước thống nhất.
Vở diễn thứ 2 của Nhà hát Kịch CAND tại liên hoan là “Hoa lửa”, cũng đã khai thác đề tài khá mới với sân khấu. Đó là hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ. Đây cũng là đề tài được Nhà hát Kịch Việt Nam lựa chọn khi đầu tư tác phẩm “Ngược chiều bình an” và sẽ dự liên hoan lần này. Đáng chú ý, cả hai vở diễn nói trên đều không chỉ ca ngợi chiến công của lực lượng CAND trong lĩnh vực Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ mà đã xây dựng hình tượng người chiến sĩ Công an với tinh thần trách nhiệm, lòng quả cảm, đức hy sinh, nói lên cả những nỗi lòng, tâm tư của người chiến sĩ cùng thân nhân trong cuộc sống đời thường.
Bên cạnh những vở diễn khai thác những mảng đề tài mới, mang tính thời sự, tại liên hoan lần này, những mảng đề tài truyền thống, khai thác các nhân vật lịch sử vẫn được tiếp tục lên sân khấu. Trong đó, vở Cải lương “Lời thề trên núi Cột Cờ” của Nhà hát Sân khấu truyền thống Hải Phòng tái hiện chân thực và xúc động cuộc đời chiến đấu anh dũng của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Trần Thành Ngọ – người con ưu tú của quê hương Văn Đẩu, Kiến An, Hải Phòng trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trần Thành Ngọ là Chỉ huy trưởng Đoàn Cảnh sát xung phong, trực tiếp chỉ huy mặt trận bảo vệ thị xã Kiến An. Ngày 25/4/1947, giữa vòng vây khốc liệt của quân Pháp với lực lượng áp đảo và pháo binh yểm trợ, đồng chí đã tuyên thệ trước đồng đội: “Nếu Trần Thành Ngọ còn thì Kiến An còn. Nếu Kiến An mất thì Trần Thành Ngọ sẽ mất theo”. Trong trận chiến ác liệt tại núi Cột Cờ, mặc dù bị thương nặng, đồng chí vẫn kiên cường chiến đấu, ra lệnh cho đồng đội rút lui an toàn và một mình bám trụ chặn địch, anh dũng hy sinh ngay dưới chân núi Cột Cờ, để lại một bản anh hùng ca bất tử của người chiến sĩ Công an trong lòng nhân dân Kiến An – Hải Phòng.
“Lời thề trên núi Cột Cờ” không chỉ thể hiện lòng tri ân đối với Anh hùng, liệt sĩ Trần Thành Ngọ mà còn là tác phẩm nghệ thuật mang đậm giá trị lịch sử và tinh thần yêu nước.
Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND" lần thứ V năm 2025 do Bộ Công an phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức từ ngày 26/6 – 7/7 tại Hà Nội. Tham gia liên hoan có 21 đơn vị với 25 vở diễn. Sau đêm khai mạc tại Nhà hát Hồ Gươm, các đơn vị thi diễn tại Nhà hát Quân đội (số 130 đường Hồ Tùng Mậu, Mai Dịch, Cầu Giấy) vào các buổi sáng và buổi tối từ ngày 27/6 – 6/7. Theo lịch diễn, từ ngày 2 – 6/7 sẽ còn 10 tác phẩm được các đơn vị tham gia liên hoan biểu diễn. Cụ thể như sau:
Ngày 2/7: Buổi sáng – vở Chèo “Vùng trời bình yên” của Nhà hát Chèo Quân đội; buổi tối – vở Kịch nói “Đoạn kết” của Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam.
Ngày 3/7: Buổi sáng – vở Chèo “Con về với mẹ” của Đoàn Nghệ thuật Chèo – Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật tỉnh Hà Nam; buổi tối - vở Kịch nói “Ngược chiều bình an” của Nhà hát Kịch Việt Nam.
Ngày 4/7: Buổi sáng – vở Chèo “Trái tim màu đỏ” của Nhà hát Chèo Quân đội; buổi tối – vở Kịch nói “Viên đạn bọc đường” của Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP Hồ Chí Minh.
Ngày 5/7: Buổi sáng - vở Cải lương “Sóng vang Lạch Hới” của Nhà hát Nghệ thuật Lam Sơn; buổi tối – vở Kịch nói “Án trăng” của Công ty TNHH TH Entertaiment – Sân khấu Quốc Thảo.
Ngày 6/7: Buổi sáng – vở Kịch nói “Niềm tin nơi biên cương” của Nhà hát Nghệ thuật Lam Sơn; buổi tối – vở Ca kịch “Ngụ ngôn của lửa” của Đoàn Ca kịch Quảng Nam.