Hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh
Chia sẻ tại Hội nghị xin ý kiến đối với Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 25/2018/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh, do Vụ Pháp chế, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 8/11, bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, cho rằng việc tiếp tục hoàn thiện các quy định của Thông tư 25 là hết sức quan trọng và cần thiết.
Theo bà Hải, hiện nay, việc các diễn viên, ca sĩ sử dụng việc hút thuốc lá như là một cách thể hiện tính cách nhân vật, hoặc thể hiện tâm trạng trong quá trình biểu diễn, gây ảnh hưởng rất lớn đến hành vi, lối sống của giới trẻ. Bên cạnh đó, các công ty thuốc lá có thể thông qua những người nổi tiếng, tác phẩm sân khấu, điện ảnh, các MV ca nhạc để quảng bá cho hành vi hút thuốc.
Hiện nay, theo quy định của Luật Quảng cáo đã cấm quảng cáo các sản phẩm thuốc lá dưới mọi hình thức; Luật Thương mại cũng cấm khuyến mại hoặc sử dụng thuốc lá để khuyến mại dưới mọi hình thức.
Kinh nghiệm một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ cho thấy việc quản lý chặt chẽ các hình ảnh sử dụng thuốc lá và các dụng cụ liên quan tới thuốc lá như: Gạt tàn, biển quảng cáo, các nhãn hiệu, màu sắc liên quan tới các thương hiệu thuốc lá khác nhau là rất cần thiết và hiệu quả, có tác dụng không gia tăng tỷ lệ hút thuốc trong giới trẻ.
Một số biện pháp mà Trung Quốc đang sử dụng để hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá như: Quản lý cấp giấy phép hoặc yêu cầu chỉnh sửa các phim nếu có hình ảnh liên quan tới thuốc lá; giảm thời lượng các cảnh hút thuốc; không được hút thuốc trong các cảnh quay tại các tòa nhà công cộng hoặc những nơi cấm hút thuốc; không được chiếu cảnh trẻ vị thành niên hút thuốc hoặc mua thuốc lá, cấm mọi hình thức quảng cáo thuốc lá trên truyền hình, kể cả nhận diện sản phẩm thuốc lá; các vở kịch có quá nhiều cảnh hút thuốc sẽ không được đề cử vào bất kỳ giải thưởng xuất sắc nào trong lĩnh vực điện ảnh; các cơ quan quản lý có trách nhiệm quản lý và giám sát, yêu cầu các nhà sản xuất trong phạm vi quyền hạn của mình thực hiện các tác phẩm truyền hình không khói thuốc và khuyên các đạo diễn và diễn viên không quay các cảnh hút thuốc.
Bà Hải cũng nêu, Ấn Độ đã ban hành quy định phim và nội dung truyền hình phát sóng tại Ấn Độ mô tả thuốc lá phải có lý do hợp lý tại sao phải sử dụng hình ảnh thuốc lá; nội dung phim phải có thông điệp cảnh báo về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, hiển thị trong ít nhất 30 giây ở phần mở đầu và giữa chương trình. Ngoài ra, còn có các tuyên bố miễn trừ trách nhiệm dưới dạng âm thanh và hình ảnh với thời lượng tối thiểu là 20 giây.
Bà Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khoẻ và Dân số đã chia sẻ các kết quả đánh giá một số phim ảnh và MV ca nhạc có số lượng truy cập cao và phổ biến trong thanh niên đều có rất nhiều hình ảnh thuốc lá. Bà Huỳnh Lan Phương, chuyên gia của Vital Strategies cũng có bài báo cáo của Hội Bác sĩ phẫu thuật Mỹ năm 2012 đã khẳng định có mối quan hệ giữa việc trẻ em bắt đầu hút thuốc và phơi nhiễm với hình ảnh thuốc lá trên màn ảnh.
Tại Hội nghị đa số các đại biểu thống nhất sự cần thiết phải hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân, khấu điện ảnh. Một số ý kiến tại Hội nghị khuyến nghị mở rộng phạm vi của Thông tư ra các tất cả các hình thức, trên các nền tảng (sân khấu, màn ảnh rộng, truyền hình và nền tảng internet), phim sản xuất trong nước và nhập khẩu, bổ sung các thông tin quy định cụ thể hơn đối với từng lĩnh vực điện ảnh, sân khấu và đối tượng áp dụng thông tư.
Ông Phạm Cao Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu và nhấn mạnh cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trên cơ sở đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và phù hợp với bối cảnh phòng, chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam hiện nay để tiếp tục chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo Thông tư trình Chính phủ.