Giải mã "cuộc chiến mới" của cờ vua thế giới
Cờ vua là môn thể thao có tính cá nhân hóa rất cao giống như Boxing, Billiards. Vì lý do trên, sân chơi trí tuệ này dần chứng kiến cuộc chiến do một số cơ thủ xuất chúng khơi mào. Họ không ngại đối đầu trực tiếp với Liên đoàn Cờ vua thế giới (FIDE) vì những mâu thuẫn nhỏ.
"Vua cờ" khơi mào
Những người hâm mộ cờ vua Việt Nam đều biết đến tên của Magnus Carlsen. Kỳ thủ Na Uy được gọi bằng nhiều biệt danh, trong đó phổ biến nhất là tên "Vua cờ". Những câu chuyện về Carlsen, người sở hữu hệ số điểm cao nhất lịch sử bảng xếp hạng cờ vua thế giới, cũng được thêu dệt cùng nhiều gam màu huyền thoại.

Carlsen được cha dạy chơi cờ vua, và ban đầu anh không cho thấy mình quá đam mê bộ môn này. Tuy vậy, chàng trai sinh năm 1990 lại sở hữu trí nhớ phi thường. Đây cũng là điểm mạnh giúp Carlsen thăng tiến vượt bậc trong thời gian ngắn, cùng nhiều câu nói "để đời" trước truyền thông.
Giống như Roger Federer của quần vợt, hay Ronnie O'Sullivan của Snooker, Magnus Carlsen được yêu thích bởi phong cách thi đấu thiên về tấn công. Kỳ thủ này không ngại sử dụng những nước cờ mạo hiểm ở giai đoạn đầu sự nghiệp, nhằm nhanh chóng giành chiến thắng. Khi bước lên đẳng cấp cao, những nước cờ của Carlsen càng biến ảo hơn.
Thành công của Carlsen tại các giải cờ vua thế giới cũng đi kèm với sự nổi tiếng. Kỳ thủ Na Uy sở hữu 2 triệu người theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội. Anh mở ra một bầu trời không giới hạn cho những người chơi cờ vua, nhờ sở hữu khuôn mặt điển trai và một số hợp đồng tài trợ lớn.
Tầm ảnh hưởng của Carlsen cũng trở thành nguồn cơn khơi mào cuộc chiến giữa anh và Liên đoàn Cờ vua Thế giới (FIDE). Đầu năm 2025, tại một giải quốc tế do FIDE tổ chức, Carlsen bị ban tổ chức yêu cầu thay trang phục. Chiếc quần bò anh mặc đến địa điểm thi đấu không phù hợp với điều lệ giải, nhưng Carlsen từ chối thay quần.
Với quan điểm "không có VĐV nào lớn hơn giải đấu", Carlsen lập tức bị FIDE xử thua, truất quyền tranh tài. Đôi bên đều có lý do của riêng mình. Carlsen đẩy mọi việc đi xa hơn khi tuyên bố anh sẽ cân nhắc tổ chức một số giải cờ vua quốc tế với quy mô lớn hơn FIDE hiện tại, đồng thời treo tiền thưởng để thu hút kỳ thủ giỏi tranh tài.
FIDE hẳn đã nghĩ Carlsen chỉ nói đùa, hoặc tự tin quá nhiều vào bản thân. Nhưng trong động thái mới nhất của kỳ thủ này, anh cho thấy mình đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Trong những ngày đầu tháng 2, Carlsen và một kỳ thủ nổi tiếng khác, Fabiano Caruana, đã ký hợp đồng với một đội thể thao điện tử lớn. Họ sẽ đại diện CLB trên để thi đấu quốc tế.
Những ông hoàng Arab cũng sớm trở thành một trong những chân kiềng chống đỡ cho sức mạnh của Carlsen. Họ gộp cờ vua vào nhóm "thể thao trí tuệ" cùng một số môn thể thao điện tử. Điều đó sẽ giúp Carlsen xuất hiện tại Esports World Cup 2025, giải đấu tổ chức tại xứ sở Trung Đông. Carlsen có tiền, còn Saudi Arabia có danh tiếng.
Bản chất của cờ vua
Lý do nào khiến Carlsen có thể một mình thách thức FIDE ở thời điểm hiện tại? Điều đó xuất phát từ bản chất của cờ vua. Với tiêu chí "thể thao phải đổ mồ hôi để giành chiến thắng" được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đưa ra, cờ vua sẽ rất khó có cơ hội xuất hiện tại Thế vận hội trong tương lai. Đích đến xa nhất của nó chỉ là những kỳ Đại hội thể thao cấp độ khu vực và châu lục như SEA Games, ASIAD.
Với những môn thể thao được IOC công nhận và quản lý một phần, nhưng lại khó đưa vào Thế vận hội như cờ vua, hình thái phát triển của nó tương đối phức tạp. Trong nhiều năm qua, mô hình quản lý và hệ thống giải cờ vua quốc tế không có nhiều thay đổi. Việc này đi cùng với thu nhập, cũng như giá trị hình ảnh của VĐV không hề tăng lên.
Trong thế hệ của Carlsen, cờ vua thế giới xuất hiện rất nhiều kỳ thủ xuất sắc. Tuy nhiên, họ lại không thể trở thành biểu tượng truyền thông như Karpov, hay Kasparov trong quá khứ. Về mặt thu nhập, các kỳ thủ cờ vua vẫn theo lối mòn để có nguồn thu nhập đáng mơ ước.
VĐV cờ vua, ngay cả khi đạt đến đẳng cấp thế giới, có nguồn thu chính không phải từ tiền thưởng giải đấu. Họ thường nhận dạy kèm có thu phí, hoặc bán giáo án hướng dẫn chơi cờ vua để có thêm thu nhập. Ngoài ra, danh hiệu kiện tướng quốc tế cũng trở thành chìa khóa đưa họ đến những trường đại học danh giá hàng đầu thế giới.
Mô hình phát triển theo hướng "chân trong dài hơn chân ngoài" đó dường như không còn phù hợp trong bối cảnh hiện tại nữa. Những người đã sống lâu trong ngành như Carlsen hiểu rõ về doanh thu, chi phí FIDE bỏ ra cho mỗi giải đấu, cũng như khoản thu nhập kỳ thủ có thể nhận về là bao nhiêu. Đương nhiên là Carlsen luôn muốn nhận nhiều hơn.
Về phía FIDE, họ bảo lưu quan điểm không có kỳ thủ nào lớn hơn giải đấu, hay chính FIDE. Nếu Carlsen chống đối, họ sẽ tìm một kỳ thủ khác sở hữu danh hiệu vua cờ. Sự thực là Carlsen không còn giữ phong độ như trước, và điều đó khiến anh để thua một số giải đấu lớn gần đây.
Câu chuyện về Carlsen chỉ thực sự nghiêm trọng với FIDE nếu anh có thể tổ chức một số giải đấu tầm cỡ thế giới. Kỳ thủ khi ấy sẽ nổi tiếng và có thu nhập không hề thua kém cầu thủ bóng đá. Đó mới thực sự là viễn cảnh đáng lo ngại cho FIDE, và Carlsen đang dần cho thấy anh đủ khả năng để thực hiện việc đó.
Chu du thế giới, sợ ở nhà
Magnus Carlsen là kỳ thủ tiên phong trong việc phá bỏ những quy tắc thông thường. Anh từng thẳng thừng nói cuộc sống tại quê nhà Na Uy quá đắt đỏ, nhiều áp lực với dân bản xứ. Vì thế, sau khi lập gia đình, Carlsen không muốn vợ con chịu áp lực tương tự. Anh đã lên kế hoạch mua nhà ở Singapore lập nghiệp. Đây cũng là nơi vợ Carlsen lớn lên.
Bên cạnh cờ vua, môn thể thao Carlsen yêu thích là bóng đá. Anh từng tham dự nhiều sự kiện giao lưu với cầu thủ và HLV. Một trong những khách mời thú vị nhất của Carlsen là HLV Pep Guardiola. Carlsen nói bóng đá và cờ vua có nhiều điểm chung, một trong số đó là "kiểm soát tuyến giữa".
Vào hồi tháng 9/2024, Carlsen nhận một giải thưởng danh giá do FIDE tri ân (khi đó đôi bên chưa phát sinh mâu thuẫn trực tiếp). Trong phần phát biểu, Carlsen nói anh không quá quan tâm đến giải thưởng, mà lo lắng về trận đấu ở giải đồng đội quốc tế đang diễn ra với Việt Nam (2 đội sau đó hòa). Đây cũng là một điểm khác thường của Carlsen.