Để mạch nguồn chảy mãi...
Sau 4 lần tổ chức thành công, cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” tiếp tục được Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lần thứ V (giai đoạn 2022-2025).
Mặc dù cuộc thi lần thứ V mới ở giai đoạn đầu nhưng đã thu hút nhiều cây viết uy tín ở trong và ngoài lực lượng CAND với không ít tác phẩm đã và đang từng bước được hoàn thiện, hứa hẹn mang đến cho bạn đọc nhiều tác phẩm hấp dẫn về mảng đề tài này.
Sau trại sáng tác văn học về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Nhà xuất bản CAND, Cục Truyền thông CAND tổ chức mới đây tại Quảng Ninh, trên 30 tác phẩm của các tác giả tham gia trại sáng tác đã và đang được hoàn thiện. Đây cũng là trại sáng tác đầu tiên trong số 4 trại sáng tác được triển khai trong khuôn khổ cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần V.
Ban tổ chức trại sáng tác cho biết, kết thúc Trại sáng tác, nhà văn Vương Tâm đã hoàn thành 4 chương đầu của tiểu thuyết “Mặt nạ đen” – tác phẩm viết về người chiến sĩ Cảnh sát tài trí, mưu lược khi đánh án, đấu tranh quyết liệt trong nội bộ nhằm giữ trong sạch đội ngũ lực lượng CAND. Nhà văn Nguyễn Duy Liễm dần hoàn thiện tiểu thuyết “Điệp vụ hoa anh túc” – tác phẩm viết về cuộc chiến đấu thầm lặng của các chiến sĩ An ninh nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung. Nhà văn Đoàn Hữu Nam có tiểu thuyết “Lưới trời lồng lộng” – tác phẩm khai thác sâu về cổ phần hóa, đấu tranh với nạn tham ô, tham nhũng và tiến trình phá án của lực lượng CAND. Nhà văn Phạm Quang Long hoàn thành tiểu thuyết “Đối mặt”, đồng thời sửa lại tiểu thuyết “Bạn bè một thuở”.
Nhà văn Nguyễn Văn Cự đến với trại cùng tiểu thuyết “Mùa hoa tam giác mạch” – tác phẩm viết về tà đạo Thái Dương truyền vào người dân tộc Mông từ cuối những năm 1980 ở các tỉnh Tây Bắc Việt Nam, ca ngợi sự mưu trí, dũng cảm của các chiến sĩ An ninh trong lòng địch. Đại tá, nhà văn Phạm Thanh Khương hoàn thành tiểu thuyết “Kẻ lạc loài” – tác phẩm kể về cuộc sống của những gia đình làm nghề chài lưới trên sông và những người làm nghề nông vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nhà văn Lê Ngọc Minh hoàn thành đề cương chi tiết “Các bà” – tiểu thuyết về thân phận những người phụ nữ phía sau danh vọng, quyền lực. Nhà văn Phan Thái viết tiểu thuyết “Tia chớp đen” – tác phẩm khai thác về một đơn vị đặc biệt hoạt động tại Lào và Campuchia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhà văn Nguyễn Trọng Văn lên chi tiết đề cương truyện dài “Vị tướng Công an già và chiếc đồng hồ Seiko”.
Thiếu tá, nhà văn Phạm Vân Anh viết "Dưới tán rừng Ja Booc" – tiểu thuyết khai thác những cống hiến của một tiểu đội CAND vũ trang năm 1977 đã giúp đỡ, cưu mang gần 10.000 người dân Campuchia chạy trốn khỏi sự truy đuổi, lùng giết của Khmer Đỏ. Nhà văn Nguyễn Văn Học hoàn thành 12 chương đầu tiểu thuyết “Bị thương”…
Những kết quả nói trên có thể chưa phải toàn bộ kết quả từ Trại sáng tác. Bởi nói như chia sẻ của nhà văn Y Ban tại lễ tổng kết, bế mạc Trại thì vụ mùa của văn chương rất đặc biệt, có thể rất dài, không chỉ có 5 năm mà có thể còn dài hơn rất nhiều nữa. Khi tham gia Trại sáng tác, các nhà văn có điều kiện giao lưu, đến những nơi mà mọi người ít có điều kiện đến, được tiếp cận với nhiều câu chuyện thâm cung bí sử, được chăm lo rất chu đáo. Sau mỗi trại sáng tác, bên cạnh tác phẩm, các trại viên còn mang theo về tình cảm của Ban tổ chức. Đây là điều rất quan trọng. “Vì nhà văn chỉ có cái đầu và trái tim thôi. Khi nhà văn nhìn về phía nào thì trái tim họ đập về nơi ấy”. Bên cạnh câu chuyện đòi hỏi phải có kiến thức, am hiểu nghiệp vụ, có rất nhiều câu chuyện về lực lượng CAND, không nhất thiết về nghiệp vụ mà nhà văn hiện nay có thể khai thác được…
Tác giả Đức Anh cũng cho biết, khi tham gia trại sáng tác, những cây bút trẻ nhận được nhiều lợi ích thiết thực. Từ cơ hội gặp gỡ những nhà văn dày dạn kinh nghiệm và từ những ý kiến đóng góp của Ban tổ chức, các cây viết trẻ đã được gợi mở nhiều điều, nhất là trong hoạt động sáng tác.
Đôi khi, những câu chuyện tưởng như bình thường, chỉ lướt qua nhưng lại mang đến những hiệu quả không ngờ và có khi phải nhiều năm sau, người tiếp nhận mới đủ trưởng thành để hiểu hết những giá trị của nó. Sau mỗi trại sáng tác, các tác giả thu về nhiều thông tin, nhiều câu chuyện hấp dẫn, có nhiều điều để suy tư, nghiền ngẫm. Đây cũng là tư liệu để nhà văn biến thành tình tiết, câu chuyện trong tác phẩm, ngay cả khi họ đã rời trại sáng tác, tạm biệt các bạn văn, trở về tĩnh lặng với ngọn đèn, bàn viết của mình. Kết quả của các chuyến thâm nhập thực tế, những câu chuyện cụ thể của các CBCS như những mỏ neo giúp tác giả có những bước đi vững chắc, tiến xa hơn trong hoạt động sáng tác về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”.
Khẳng định việc tham gia trại sáng tác, tham gia cuộc thi lần này là cơ hội và có thêm nhiều động lực để khởi thảo hoặc hoàn thiện những tác phẩm mới về lực lượng CAND, nhiều nhà văn cũng cho rằng, đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” là lãnh địa rất hấp dẫn, rất rộng. Như chia sẻ của Đại tá, nhà văn Phạm Thanh Khương thì đây là đề tài rất mở. Chỉ riêng hoạt động về an ninh đã là mảnh đất vô cùng phong phú, là tài nguyên mà các tác giả có thể khai thác mãi cũng không hết. Vấn đề là nhà văn viết như thế nào để những tác phẩm hay nhất, những câu chữ long lanh nhất.
Tham gia cuộc thi, dự trại sáng tác, nhà văn có cơ hội thi triển các ý tưởng, viết được những trang văn mình mong muốn, được Ban tổ chức tạo những điều kiện thuận lợi nhất trong phạm vi có thể để các tác giả thâm nhập thực tế, tiếp cận tài liệu. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều hoạt động khác của lực lượng CAND, các cây viết vẫn chưa tiếp cận được hoặc hiểu biết vẫn còn hạn chế, gặp khó khăn khi triển khai đề tài. Trong khi đó, viết văn cần chi tiết, câu chuyện cụ thể. Vì vậy, bên cạnh việc tạo điều kiện để các nhà văn có thêm thời gian thâm nhập thực tế sâu hơn, dài hơn, Ban tổ chức nên tạo điều kiện để các nhà văn được phép tiếp cận các hồ sơ đã được giải mật theo quy định của pháp luật…