Đại lễ Vesak 2025 - lan tỏa tuệ giác Phật giáo vì hòa bình và phát triển bền vững

Thứ Hai, 05/05/2025, 07:00

Từ ngày 6 đến 8/5/2025, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 - sự kiện văn hóa, tâm linh và học thuật lớn nhất của Phật giáo toàn cầu chính thức diễn ra tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh.

Với chủ đề "Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững", sự kiện năm nay đánh dấu lần thứ tư Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc và lần đầu tiên tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

Điểm hội tụ của cộng đồng Phật giáo toàn cầu

Đại lễ Vesak 2025 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi Việt Nam vừa long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) và hướng tới Kỷ niệm 80 năm Quốc khánh 2/9 (1945 – 2025). Chính vì thế, Đại lễ mang ý nghĩa thiêng liêng và sâu sắc, là dịp để khẳng định vai trò lịch sử và hiện tại của Phật giáo Việt Nam trong sự nghiệp hòa bình, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

dai le.jpg -0
Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 được long trọng tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

Ban Tổ chức cho biết, Đại lễ Vesak 2025 sẽ chào đón khoảng 2.700 đại biểu, trong đó có 1.250 đại biểu quốc tế đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự kiện có sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo các tổ chức Phật giáo quốc tế, các học giả, nhà nghiên cứu danh tiếng thế giới. Đại lễ Vesak 2025 không chỉ là dịp kỷ niệm ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật (Đản sinh, Thành đạo, Niết bàn), mà còn là cầu nối giao lưu văn hóa, học thuật và tâm linh giữa các nền Phật giáo trên thế giới.

Chia sẻ về ý nghĩa của Đại lễ Vesak tại buổi họp báo vừa qua, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 nhấn mạnh: “Đây là cơ hội quý cho cộng đồng Phật giáo thế giới hiểu biết lẫn nhau và chia sẻ các giá trị, truyền thống Phật giáo, lý tưởng tâm linh trong đạo Phật. Tuệ giác mà Đức Phật khai sáng có khả năng giúp thế giới trở nên hòa hợp, hòa bình, xã hội bền vững, an toàn và đáng sống hơn”.

Việt Nam - đất nước của hòa bình và hội nhập

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Tổ chức Quốc gia cho biết: “Đây là lần đầu tiên Đại lễ Vesak được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, thành phố năng động, sáng tạo, thịnh vượng sau 50 năm thống nhất đất nước. Đại lễ là cơ hội để giới thiệu hình ảnh đất nước Việt Nam hòa bình, thân thiện, đoàn kết và phát triển bền vững với sự đồng hành của Phật giáo”.

Đặc biệt, với chủ đề năm nay hướng đến hòa bình và phát triển bền vững, Vesak 2025 còn là dịp khẳng định vai trò của Phật giáo trong việc đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đồng thời nêu bật vai trò tích cực của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

Hòa thượng TS Tampalawela Dhammaratana, Phó Chủ tịch Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên hợp quốc (ICDV) bày tỏ sự ngưỡng mộ trước công tác chuẩn bị của Việt Nam: “Hôm nay, khi đến đây, tôi thấy những lời hứa đã thành hiện thực. Tôi rất ấn tượng với sự chuyên nghiệp trong công tác chuẩn bị của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ hết sức để Đại lễ Vesak thành công. Hàng triệu người không thể đến đây dịp này sẽ trông chờ vào truyền thông, nhờ ống kính của các bạn – các nhà báo để cảm nhận không khí của Vesak 2025”.

Không chỉ mang tầm vóc quốc tế về quy mô, Vesak 2025 còn là diễn đàn học thuật quy tụ nhiều nhà nghiên cứu và học giả danh tiếng. Các hội thảo chuyên đề xoay quanh các chủ đề về đạo đức, giáo dục, môi trường, phát triển bền vững và hòa bình, góp phần làm giàu kho tàng tri thức nhân loại từ nền tảng tư tưởng Phật học.

Thượng tọa Phra Medhivajarapundit, Phó Tổng Thư ký Điều hành ICDV nhận định: “Việt Nam là quốc gia có truyền thống Phật giáo lâu đời, đóng góp đáng kể cho Phật giáo toàn cầu. Qua 3 lần tổ chức thành công Vesak, Việt Nam đã khẳng định được năng lực và uy tín của mình. Chúng tôi kỳ vọng Vesak 2025 tại TP Hồ Chí Minh sẽ là điểm sáng về hòa hợp và phát triển, đồng thời góp phần nâng cao vị thế của Phật giáo Việt Nam trên trường quốc tế”.

Bên cạnh các hoạt động học thuật, chương trình lễ hội tâm linh và văn hóa tại Vesak 2025 cũng phong phú và đặc sắc. Trong đó có Lễ chiêm bái Xá lợi Phật; Lễ tri ân tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ nhân Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; Lễ thượng đại Phật kỳ 500m2; Đêm hội hoa đăng quốc tế cầu quốc thái dân an dự kiến thắp sáng 35.000 hoa đăng với 12.000 người tham dự; Triển lãm các bảo vật quốc gia trong lĩnh vực Phật giáo; Chương trình giao lưu âm nhạc nghệ thuật Phật giáo quốc tế với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ trong và ngoài nước...

Việc Việt Nam đăng cai Vesak 2025 còn là minh chứng rõ nét cho chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Thông qua sự kiện này, bạn bè quốc tế có thể tận mắt chứng kiến đời sống tín ngưỡng phong phú và hòa hợp ở Việt Nam, cũng như những thành quả mà cộng đồng tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng, đạt được trong nửa thế kỷ qua.

Vesak 2025 không chỉ là lễ hội của giới Phật tử mà còn là sự kiện lan tỏa thông điệp đoàn kết, bao dung, hòa bình và hợp tác giữa các dân tộc, tôn giáo trên toàn thế giới. Qua đó, Việt Nam tiếp tục khẳng định là điểm đến tin cậy, là quốc gia giàu bản sắc, hòa bình, phát triển, hội nhập và luôn đồng hành cùng các giá trị tiến bộ toàn cầu.

Nguyễn Cảnh
.
.