Khi người trẻ tìm về với nghệ thuật truyền thống

Thứ Sáu, 14/05/2021, 08:22
Không dựa vào “bầu sữa” ngân sách Nhà nước nhưng ngày càng nhiều dự án, chương trình nhằm quảng bá, giới thiệu nghệ thuật truyền thống của người Việt được các bạn trẻ triển khai.

Nhiều dự án có sức lan tỏa sâu, rộng trong cộng đồng, được chính những người dành nhiều tâm huyết cho nghệ thuật truyền thống ở thế hệ đi trước, ủng hộ và tin tưởng, thậm chí đặt nhiều kỳ vọng về sự kế thừa, bảo tồn và phát huy giá trị ngày càng tốt hơn của các bộ môn nghệ thuật này trong đời sống xã hội hiện đại.

Mặc dù vẫn hồi hộp, dõi theo diễn biến từng ngày về tình hình dịch bệnh do COVID-19, các thành viên của “Chèo 48h – Tôi Chèo về quê hương” vẫn miệt mài hoàn tất các khâu cuối cùng, kể cả tổ chức online cho dự án “Mắt Xẩm”.

Dự kiến diễn ra từ ngày 16 đến 22/5, tại Hà Nội, “Mắt Xẩm” do dự án Không gian văn hóa sáng tạo Việt Nam, In Progress của Hội Đồng Anh tại Việt Nam và Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức, Chèo 48h trực tiếp thực hiện.

Không gian triển lãm hiện đại nhưng vẫn đậm chất Xẩm trong dự án “Mắt Xẩm”.

Thông qua việc sử dụng đa dạng các hình thức: Hội họa, sắp đặt, trình diễn, âm nhạc…, “Mắt Xẩm” đặt mục tiêu mang đến những góc nhìn mới mẻ, trẻ trung nhưng không kém phần sâu sắc về nghệ thuật Hát Xẩm cổ truyền của dân tộc. Dự án bao gồm: Triển lãm tranh và các tác phẩm sắp đặt, chuỗi trò chuyện với khách mời về Xẩm qua các góc nhìn, giới thiệu tác phẩm âm nhạc mới với các chất liệu từ Xẩm.

Đại diện của đơn vị tổ chức, bà Đinh Thảo cho biết, dự án có sự tham gia đóng góp của chính công chúng hiện đại, những người quan tâm sâu sắc tới nghệ thuật truyền thống và nhiều người làm công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, nhà nghiên cứu, nhạc sĩ, họa sĩ, ca sĩ, biên kịch, đạo diễn. “Mắt Xẩm” bao gồm chuỗi sự kiện nhằm kết nối các giá trị của Xẩm với cuộc sống hiện tại. Trong đó, các tác phẩm tranh được đặt trong không gian sắp đặt gắn liền với Hát Xẩm.

Từ quá trình học hỏi, nghiên cứu, trao đổi, nhóm thành viên dự án đã lựa chọn mô phỏng lại các không gian Xẩm và đưa thêm vào những góc nhìn của con người đương đại. Khu vực chính diện của không gian triển lãm với bức tranh vẽ 3 sắc thái biểu đạt khác nhau của người Hát Xẩm, được gợi cảm hứng từ bài hát “Mục hạ vô nhân” rất nổi tiếng.  “Khu rừng huyền tích” là không gian sắp đặt được gợi cảm hứng từ câu chuyện của tổ nghề Hát Xẩm. “Mắt Xẩm” - đôi mắt được tạo nên nhờ sự sắp đặt khéo léo của 200 chiếc sênh và cặp trống Xẩm lớn nhất từ trước đến nay.

Trong khoang tàu điện – khu vực gợi nhớ về những người Hát Xẩm Hà thành năm nào trưng bày chiếc chuông tàu điện cổ của Hà Nội – chiếc chuông duy nhất còn lưu giữ lại đến nay. Các buổi tọa đàm, các chuyên gia, những người thực hành, tiên phong trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa sẽ bàn về Xẩm và những giá trị, sự ứng dụng các chất liệu Xẩm nói riêng, văn hóa nghệ thuật truyền thống nói chung trong các sản phẩm đương đại.

Các nghệ sĩ sẽ biểu diễn một số làn điệu Xẩm theo lối cổ truyển, đồng thời giới thiệu những sáng tác vận dụng từ chất liệu Xẩm cổ truyền, kết hợp với các yếu tố mới nhằm biểu đạt những tâm tư, tình cảm của con người hiện đại… Đơn vị thực hiện cũng đã quyết định, các hoạt động khai mạc, toạ đàm, biểu diễn Xẩm sẽ diễn ra trực tuyến. Các nghệ sĩ và ekip ghi hình đều được trang bị vật dụng bảo hộ nhằm đảm bảo sự kiện diễn ra trong an toàn.

 Được biết, Chèo 48h được thành lập năm 2014 bởi một nhóm trẻ Hà Nội. Dự án hướng tới giáo dục và truyền thông văn hóa nghệ thuật truyền thống cho người trẻ nhằm truyền cảm hứng, khơi dậy lòng tự hào, tình yêu với văn hoá nước nhà, góp phần thúc đẩy các hành động bảo tồn, phát huy hiệu quả trong xã hội hiện đại. Ngoài Chèo 48h, những năm gần đây, người yêu mến nghệ thuật Chèo nói riêng, nghệ thuật truyền thống nói chung chứng kiến sự “chào đời” của khá nhiều dự án, chương trình khác được thực hiện thành công nhờ tình yêu và tâm huyết của những người trẻ.

Trong đó, “Tiếng trống Chèo” là kết quả từ những nỗ lực tìm về văn hóa dân tộc truyền thống của nhiều bạn trẻ Hà Nội trong dự án truyền thông văn hóa “Tôi xê dịch” và Nhà hát Chèo Việt Nam. Nhiều dự án khác về khôi phục, trình diễn trang phục truyền thống, “Vẽ về hát Bội”, các hoạt động của Câu lạc bộ Hát Xẩm Hải thành (Hải Phòng)… cũng được triển khai từ các ý tưởng của những người trẻ và do chính họ thực hiện.

Chia sẻ về các hiện tượng nói trên, TS. NSND Nguyễn Thị Bích Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết, ngày càng nhiều bạn trẻ tìm về các giá trị văn hóa truyền thống, nghệ thuật truyền thống. Bằng sự rung cảm trước tinh hoa văn hóa dân tộc, những người trẻ đã sáng tạo thêm nhiều tác phẩm mới để đưa nghệ thuật truyền thống đến gần với công chúng mà vẫn giữ nguyên hồn cốt vốn có.

Phần nhiều các dự án của các bạn trẻ này đều là những dự án cộng đồng, phi lợi nhuận nhưng có nhiều hoạt động sôi nổi. Riêng với Chèo, các bạn trẻ đã có rất nhiều ý tưởng, sản phẩm sáng tạo, như: Sử dụng các clip hoạt hình ngắn, thực hiện từ điển online cho thuật ngữ Chèo, đưa Chèo vào điện ảnh, sử dụng các video Tiktok với sự hỗ trợ của một số ngôi sao văn hóa đại chúng…

NSND Trần Bảng trong một lần trò chuyện với chúng tôi cũng bày tỏ sự vui mừng khi kể lại câu chuyện về những người trẻ làm nhiều ngành nghề khác nhau, kể cả những nghề tưởng chừng rất khó bén duyên với Chèo như bác sĩ, công nghệ thông tin… đã tìm đến ông.

Dù là “tay ngang” nhưng họ đều làm việc với tình yêu thiết tha, sự nghiêm túc, cầu thị và miệt mài. Nhiều kết quả sau đó của các bạn trẻ đã được gửi lại để ông xem góp ý đã cho thấy các hoạt động này rất sôi nổi, hiệu quả. Điều này khiến “ông trùm Chèo” cảm thấy yên tâm và hy vọng hơn về việc trao truyền cũng như phát huy giá trị của Chèo, của nghệ thuật truyền thống trong tương lai không xa.

N.Nguyễn
.
.