Chuyến công du Mỹ với sứ mệnh hàn gắn tình đồng minh của bà Merkel

Thứ Sáu, 16/07/2021, 07:42
Ngày 15/7 (giờ địa phương), Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đặt chân tới Washington D.C, bắt đầu chuyến thăm chính thức nước Mỹ nhằm nỗ lực hàn gắn tình đồng minh xuyên Đại Tây Dương, vốn bị tổn hại dưới thời ông Donald Trump.


Giới chuyên gia nhận định, bà Merkel sẽ mang tới Thượng đỉnh Đức – Mỹ một thông điệp hoà hợp, nhưng việc khôi phục bình thường trở lại mối quan hệ này vẫn gặp phải những rào cản nhất định.

CNN ngày 15/7 dẫn nguồn tin từ một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên cho biết, trọng tâm nghị sự của cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ bao gồm các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, như cam kết hợp tác đối phó với đại dịch COVID-19, bảo vệ nền dân chủ trong nước, thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết mối đe dọa xuất phát từ tình trạng biến đổi khí hậu hay chống lại các cuộc tấn công bằng mã độc nhằm vào nhiều tập đoàn lớn của hai nước.

Những vấn đề cốt lõi nêu trên sẽ giúp Berlin và Washington tái khởi động mối quan hệ song phương sau giai đoạn băng giá dưới thời chính quyền Tổng thống Trump. Được biết, bà Angela Merkel là nguyên thủ quốc gia đồng minh châu Âu đầu tiên tới thăm Nhà Trắng kể từ khi ông Biden nhậm chức, đồng thời đây cũng là chuyến thăm nước ngoài hiếm hoi của bà kể từ khi COVID-19 bùng phát.

Hoà hợp được cho là thông điệp mà bà Merkel muốn gửi tới ông Biden trong chuyến công du nước Mỹ. Ảnh: DW

Trong bối cảnh nhiệm kỳ dài 16 năm của nhà lãnh đạo Đức sẽ khép lại sau ngày 26/9 tới, chuyến thăm Mỹ lần thứ 19 với sứ mệnh hàn gắn này có thể là chuyến công du lớn cuối cùng của bà trên cương vị Thủ tướng Đức, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho người kế nhiệm và viết nên cái kết đẹp cho sự nghiệp chính trị của bà.

Trước đó, trong một bài phát biểu về quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương hồi tháng 5, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh rằng, Mỹ là đối tác quan trọng nhất của châu Âu và là đối tác tự nhiên, không thể thiếu đối với Đức, chia sẻ nhiều nhất giá trị và lợi ích với nước này. Đưa ra nhận định về chuyến công du của bà Merkel, giới chuyên gia cho rằng, do thời gian tại vị chỉ còn vài tháng, nên nhiều khả năng bà Merkel sẽ không tập trung thảo luận với phía Mỹ về những vấn đề mang tính dài hạn. Thay vào đó, bà sẽ kêu gọi Washington nới lỏng các hạn chế đi lại đối với người châu Âu.

Chuyên gia Markus Kaim thuộc Viện Các vấn đề Quốc tế và An ninh Đức (SWP) nêu quan điểm: “Thủ tướng Merkel khó có thể thay đổi cục diện mối quan hệ do số ngày cầm quyền còn lại khá ít ỏi. Tuy nhiên, bà Merkel và ông Biden có mối quan hệ cá nhân thân thiết nên cuộc gặp này sẽ diễn ra theo chiều hướng hoà hữu”.

Chung quan điểm với ông Markus, nhiều học giả đánh giá rằng, mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương này cần thời gian để thăng hoa trở lại bởi tồn tại một số rào cản nhất định. Một là, Mỹ vẫn đang kêu gọi Đức tăng chi tiêu quốc phòng phù hợp với mục tiêu 2% GDP đã được đề ra tại Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) năm 2014 và yêu cầu Đức chủ động hơn trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng ở nước ngoài và sẵn sàng tham chiến.

Hai là, mối quan ngại của Mỹ về liên hệ Đức – Nga. Berlin đã xúc tiến dự án Dòng chảy phương Bắc 2, vận chuyển khí đốt từ Nga qua biển Baltic tới nước này. Trong khi đó, Washington lo ngại dự án nêu trên khiến châu Âu ngày càng phụ thuộc vào khí đốt của Nga và gây tổn hại về kinh tế đối với những quốc gia trung chuyển truyền thống, trước hết là Ukraine.

Ba là, Đức ra mặt ủng hộ các hợp tác thương mại với Trung Quốc, còn Mỹ lại nỗ lực tập hợp lực lượng nhằm đối trọng với sự gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh. Tuy nhiên, chuyên gia Thorsten Benner thuộc Viện Chính sách công toàn cầu (GPPi) nhận định, Mỹ-Đức có thể đạt được tiến bộ liên quan dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại thượng đỉnh lần này.

Cụ thể, điều kiện cần là bà Merkel phải đảm bảo vai trò trung chuyển khí đốt như hiện nay của Ukraine cũng như thiết lập một cơ chế phản ứng, sẽ được kích hoạt trong trường hợp Nga tìm cách cắt giảm lượng khí quá cảnh qua Ukraine.

Về vấn đề Trung Quốc, Đức và Mỹ nhiều khả năng chỉ có thể ra tuyên bố chung kêu gọi Bắc Kinh đẩy mạnh nỗ lực giảm thiểu khí carbon và tăng cường hệ thống y tế toàn cầu cũng như mở rộng thị trường hơn nữa. Một quan chức cao cấp Mỹ giấu tên tiết lộ với CNN rằng, điều mà chính quyền ông Joe Biden tìm kiếm ở Đức là một đối tác châu Âu có sức ảnh hưởng và sự ổn định, trong bối cảnh địa chính trị trên thế giới biến động khôn lường. Mặt khác, Mỹ đòi hỏi ở Đức một mối quan hệ song phương “lâu dài và bền chặt” cho những mục tiêu đường dài.

Được biết, trong khi Thủ tướng Merkel tới Washington D.C, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas sẽ tới Michigan nhằm tìm kiếm sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, cụ thể là cải thiện chuỗi cung ứng và mở rộng năng lực sản xuất nhiều loại vaccine chất lượng cao hơn trên thế giới.

Phát biểu trước khi lên đường tới Mỹ hôm 14/7, Ngoại trưởng Maas cảnh báo, nếu không có sự đoàn kết toàn cầu trong việc phân phối vaccine thì Delta sẽ không phải là biến thể cuối cùng cần bị đánh bại. Trong một diễn biến khác, sau Michigan, ông Maas sẽ tới New York để tham dự cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Libya.

Linh Đan
.
.