Châu Âu đạt thỏa thuận cốt lõi về vấn đề người di cư

Thứ Bảy, 30/06/2018, 08:37
Tưởng chừng như Hội nghị thượng đỉnh liên minh châu Âu (EU) diễn ra trong 2 ngày 28 và 29-6 đã đi vào bế tắc, khi các nhà lãnh đạo liên tục có những bất đồng về vấn đề nhập cư, thì vào "phút thứ 89", một thỏa thuận then chốt về di cư đã được nhất trí, giúp hội nghị thượng đỉnh của mái nhà chung châu Âu tránh khỏi nguy cơ đổ vỡ.

5h ngày 29-6 (giờ địa phương), Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Donald Tusk thông báo trên Twitter rằng, các lãnh đạo EU đã nhất trí về một tuyên bố chung cho hội nghị thượng đỉnh của khối, bao gồm cả thỏa thuận về vấn đề di cư.  

Theo Reuters, thỏa thuận này chỉ được đưa ra sau hơn 9 giờ hội đàm căng thẳng tại Brussels, Bỉ. 

Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel sáng 29-6 cũng nêu rõ: "Thỏa thuận về di cư đã đạt được". 

Vấn đề người di cư bao trùm gần như trọn vẹn chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh liên minh châu Âu. Ảnh: EC.

Trước đó, đã có rất nhiều phán đoán cho rằng, bài toán người di cư sẽ là vấn đề nóng nhất bao trùm gần như trọn vẹn chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) lần này. Sau cuộc khủng hoảng người di cư năm 2015, đến nay, số người nhập cư trái phép qua biên giới EU đã giảm tới 95%.

Điều này cho thấy EU đã tập trung tất cả nỗ lực để ngăn chặn làn sóng di cư vào châu Âu. Song, sự việc Italy gần đây từ chối một số tàu cứu hộ chở người di cư cập cảng nước này đã tái khơi mào những vấn đề chia rẽ của EU. 

Bốn ngày trước khi hội nghị diễn ra, lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu đã nhóm họp khẩn ở Brussels nhằm thu hẹp bất đồng về vấn đề di cư, nhưng không một tuyên bố chung nào được đưa ra, đẩy  mối quan hệ nội bộ EU - từng được xem là một mô hình liên minh gắn kết chặt chẽ suốt nhiều thập niên - càng đi vào bế tắc.

Phát biểu trước Quốc hội Đức vài giờ trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU, Thủ tướng Merkel nêu rõ: “Liên minh châu Âu đã có nhiều thách thức nhưng di cư có thể sẽ chính là vấn đề định đoạt số phận của châu Âu". 

Bà Merkel đã vô tình trở thành "kiến trúc sư trưởng" về chính sách nhập cư của châu Âu vào năm 2015, khi bà quyết định cho phép hàng trăm ngàn người tị nạn đặt chân đến Đức. 

Bản thân bà Merkel đang phải đối mặt với vô số áp lực trong nước nhằm làm giảm số lượng người xin tị nạn Đức tiếp nhận cũng như chấp nhận các giới hạn khác đối với vấn đề nhập cư. Nếu không thực hiện được những yêu cầu này, bà Merkel có thể phải chứng kiến liên minh cầm quyền của bà sụp đổ. 

Thế nhưng, Hội nghị thượng đỉnh EU tưởng như đã không thể đi theo đúng hướng mà bà Merkel mong muốn, khi tối 28-6, phát ngôn viên của Hội đồng châu Âu Preben Aamann cho biết, vì một thành viên bảo lưu quan điểm về toàn bộ tuyên bố chung nên hiện chưa có một tuyên bố thống nhất vào thời điểm này. 

Thành viên đó chính là Italy. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte, nhà lãnh đạo chính phủ dân túy và có tư tưởng chống nhập cư, đã dùng biện pháp hiếm khi được sử dụng là chặn tuyên bố chung của hội nghị. Một cuộc họp báo dự kiến diễn ra vào 19h ngày 28-6 (giờ địa phương) đã bị hủy trong bế tắc. 

Vì vậy, tuyên bố do Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Donald Tusk đưa ra vào sáng 29-6 về thỏa thuận chung trong vấn đề di cư được truyền thông ví như "tiếng thở phào" nhẹ nhõm giúp giải tỏa phần nào "gánh lo" về bài toán di cư trên lục địa già.

Trong tuyên bố chung được đưa ra sau 9 tiếng đồng hồ hội đàm căng thẳng, Hội đồng châu Âu tái khẳng định điều kiện tiên quyết cho việc thực thi chính sách EU phụ thuộc vào cách tiếp cận toàn diện trong vấn đề người di cư, bao gồm việc kiểm soát hiệu quả biên giới ngoài EU. Đây là thách thức của không chỉ riêng quốc gia thành viên nào, mà là của toàn liên minh châu Âu. 

Các nhà lãnh đạo đã nhất trí thiết lập "trung tâm kiểm soát" ở các nước châu Âu để xử lý yêu cầu xin tị nạn và hạn chế sự di chuyển của người di cư bên trong khối, đồng thời thống nhất việc tiếp nhận những người di cư tại các nước EU sẽ được diễn ra trên cơ sở tự nguyện. 

Về tuyến đường đi qua trung tâm Địa Trung Hải, các nhà lãnh đạo đồng ý tiếp tục sát cánh với Italy nhằm tăng cường các nỗ lực ngăn những kẻ buôn người đưa người di cư khỏi Libya hay bất kỳ nơi nào khác. Tuyên bố cũng nhấn mạnh những người di cư được giải cứu bên trong lãnh thổ EU cần được hỗ trợ theo luật quốc tế và trên cơ sở nỗ lực chung. 

Chia sẻ với báo chí sau cuộc họp, Thủ tướng Đức khẳng định việc các bên đạt được sự đồng thuận về vấn đề người di cư là một tín hiệu tốt, song vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể thu hẹp bất đồng giữa các nước. 

Về phần mình, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte bày tỏ hài lòng với kết quả này, đồng thời nhấn mạnh Italy đã "không còn đơn độc" trong việc giải quyết vấn đề người di cư.

Ngoài vấn đề nhập cư, trong khuôn khổ ngày họp thứ 2 của Hội nghị thượng đỉnh EU, các nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về việc nước Anh rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit. 

Thủ tướng Anh Theresa May ngày 29-6 bày tỏ mong muốn đạt được một thỏa thuận có lợi cho cả Anh và EU, trong đó có quan hệ đối tác an ninh "mạnh mẽ và gắn bó". 

Bà hy vọng tốc độ đàm phán Brexit sẽ tăng lên một khi London công bố sách trắng về quan hệ tương lai của Anh với EU. 

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg dự kiến sẽ có một cuộc gặp ngắn các nhà lãnh đạo của EU và dự kiến đưa ra quyết định về an ninh và hợp tác quốc phòng để gửi đi một thông điệp tích cực về các vấn đề quân sự trước Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra vào tháng 7 tới tại Brussels.

An Nhiên
.
.