Liên Hợp Quốc sẽ có vận động để hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng bởi hạn hán, ngập mặn
- Đến cuối thế kỷ này, 40% diện tích ĐBSCL sẽ bị ngập mặn?
- Hơn 2 triệu USD cho phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn tỉnh Thái Bình
- 8,8 triệu euro để bảo vệ rừng ngập mặn đồng bằng sông Cửu Long
- Đề xuất kinh phí chống hạn và xâm ngập mặn
Theo đó, Phó Thủ tướng cho biết dự kiến trong thời gian tới, Liên Hợp Quốc sẽ có vận động để hỗ trợ các nước bị hạn hán, trong đó có Việt Nam.
Trước các diễn biến tiêu cực của thiên nhiên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết: Để đối phó, chúng ta phải yêu cầu các nước trên dòng sông Mê Kông sử dụng bền vững nguồn nước. Vừa qua việc Trung Quốc xả lũ là một động thái tích cực. Sau Trung Quốc, thì Lào cũng xả nước của các đập thủy điện trên các dòng sông nhánh của sông Mê Kông.
![]() |
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh. |
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây không phải chỉ là vấn đề của một năm nay, mà còn rất nhiều năm, nên việc sử dụng bền vững nguồn nước có ý nghĩa sống còn. Hiện nay, chúng ta có một cơ chế về Ủy hội quốc tế về sông Mê Kông (thành lập năm 1995), bao gồm 4 nước hạ lưu sông là Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan, và đang tiến tới xây dựng cơ chế hợp tác sông Mê Kông – Lan Thương với sự tham gia của 2 nước thượng nguồn là Trung Quốc và Myanmar.
Hiện trong hệ thống Ủy hội quốc tế về sông Mê Kông có một cơ chế rất quan trọng là sử dụng bền vững nguồn nước, bởi nó có tác động rất quan trọng đến các nước, ví dụ quy định việc phát triển đập thủy điện và sử dụng nguồn nước trên sông phải có sự thông báo và chấp thuận của các nước.
Hiện nay, cả 4 nước đều tôn trọng những quy định này. Tuy nhiên, Myanmar và Trung Quốc chưa phải là thành viên, nên việc phát triển đập thủy điện của họ vẫn được tiến hành. Phó Thủ tướng hi vọng với cơ chế hợp tác mới này, 6 nước trên dòng sông sẽ có hợp tác chặt chẽ và có hiệu quả hơn. Hiện các nước đang đưa ra những dự án cụ thể cho cơ chế này và Việt Nam cũng đề nghị rất tích cực trong việc cần có quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước.
Trả lời về phản ứng và sự đón nhận của Trung Quốc về cơ chế hợp tác mới đang được đề xuất, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết đây cũng là sáng kiến chung của Trung Quốc và các nước sông Mê Kông. “Trung Quốc ban đầu đã có một số cam kết cụ thể là dành một số nguồn tài trợ trong các quỹ, trên cơ sở các nguồn tài trợ đó, các nước trao đổi với nhau. Tất nhiên đó không phải là nguồn tài trợ cho không, đã là quỹ thì nó có các cơ chế hợp tác, để làm sao phục vụ việc phát triển trên 5 mục tiêu của cơ chế hợp tác này” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về những hỗ trợ cụ thể của Liên Hợp Quốc cũng như đề xuất hỗ trợ của Việt Nam, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết hiện chưa thể nói gì cụ thể, nhưng trong thời gian tới dự kiến sẽ có đợt vận động để hỗ trợ các nước bị hạn hán.
Trước đó, đưa tin về việc Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mê Công-Lan Thương (MLC) lần thứ nhất và Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao tại tỉnh Hải Nam, Trung Quốc từ ngày 22 đến 24-3, TTXVN cũng đã dẫn ý kiến của Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi cho biết việc thành lập MLC trong năm 2016 góp phần quan trọng vào thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc.
Với sự ra đời của MLC, lần đầu tiên cả 6 nước nằm dọc sông Mê Kông cùng hợp tác và phấn đấu vì sự phát triển bền vững của tiểu vùng Mê Kông, thông qua tăng cường hợp tác trong 5 lĩnh vực ưu tiên gồm nguồn nước, kết nối năng lực sản xuất, hợp tác kinh tế xuyên biên giới, nông nghiệp và giảm nghèo.
Đại sứ Đặng Minh Khôi cũng nhấn mạnh: Là nước ở hạ du sông Mê Kông, Việt Nam đặc biệt quan tâm và mong muốn có sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ hơn giữa các nước trong việc quy hoạch, sử dụng và điều tiết nguồn nước sông Mê Kông-Lan Thương nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của cả khu vực trước những thách thức ngày càng lớn của điều kiện tự nhiên hiện nay.