Công khai, minh bạch tài sản của người có chức vụ, quyền hạn

Thứ Ba, 21/11/2017, 19:13
Chiều 21-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Sau khi nghe các ý kiến đóng góp, tranh luận của các đại biểu Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái báo cáo, làm rõ một số vấn đề về hoàn thiện dự thảo Luật.

Các đại biểu vẫn xoay quanh ý kiến về biện pháp minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập trong phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, hai nội dung lớn là: đối tượng nào sẽ phải kê khai, kiểm soát tài sản và thu hồi tài sản không rõ nguồn gốc thế nào. Thậm chí, có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này.

Tranh luận về tài sản không chứng minh được nguồn gốc

ĐB Nguyễn Bá Sơn – Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng đặt vấn đề: có tài sản bất minh, thì có phải tài sản tham nhũng không?  ĐB đề nghị bổ sung quy định vào dự thảo luật, có như vậy chúng ta mới đi đến giải quyết 2 vấn đề cốt tử của Luật lần này, đó là giao thẩm quyền cho cơ quan chức năng kiểm soát có quyền truy lùng đến cùng nguồn gốc của các loại tài sản. 

Việc chuyển quyền sở hữu, xác lập quyền sở hữu tài sản ban đầu cho những khối tài sản lớn, rất lớn, thậm chí đặc biệt lớn nhưng không vấp phải bất cứ sự kiểm soát nào từ phía cơ quan Nhà nước khiến việc này thành nơi trú ẩn, cất giấu tài sản do tham nhũng mà có. Đây chính là trở ngại trong công tác phòng chống tham nhũng của chúng ta trong nhiều năm qua.

Vấn đề thứ hai là trách nhiệm giải trình và chứng minh tài sản hợp pháp, ĐB Nguyễn Bá Sơn thì chủ sở hữu tài sản phải có trách nhiệm chứng minh tài sản chưa rõ nguồn gốc, nếu không chứng minh được thì Nhà nước nhân danh xã hội thu hồi tài sản đó.

ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) cũng chỉ ra điểm bất cập khi luật không quy định xử lý tài sản kê khai không trung thực, có kê khai nhưng không giải trình nguồn gốc tăng thêm hợp lý. Nếu không có biện pháp xử lý thì quy định về minh bạch, kiểm soát thu nhập rất khó tạo chuyển biến trong công tác phòng chống tham nhũng và lúng túng trong xử lý vi phạm.

Ở góc độ khác, ĐB Nguyễn Chiến (Hà Nội) băn khoăn về việc suy đoán tài không làm rõ nguồn gốc hợp pháp được hình thành từ tham nhũng để xử lý là chưa thực sự phù hợp với quy định của Hiến pháp về quyền sở hữu tài sản của người dân.  

“Tài sản không chứng minh được từ nhiều nguồn khác nhau, chỉ thấy không minh bạch mà lấy cơ chế xử lý trong hành vi tham nhũng là chưa phù hợp” – ĐB phân tích.

ĐB Dương Trung Quốc thì đặt vấn đề: Có nhiều tài sản bất minh nhưng không phải ăn cắp của Nhà nước thì làm sao là tài sản tham nhũng? Chẳng hạn như tài sản buôn lậu mà có… Tham nhũng gắn liền với quyền lực và làm phương hại đến tài sản công, nếu không có quyền thì không ai tham nhũng được. 

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội.

Công khai, minh bạch tài sản của người có chức vụ, quyền hạn

Sau khi nghe các ý kiến đóng góp, tranh luận của các đại biểu Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái báo cáo, làm rõ một số vấn đề để  hoàn thiện dự thảo Luật.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, việc mở rộng đối tượng điều chỉnh của Luật nhằm bám sát chủ trương, đường lối của Đảng. Phương án này còn xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi từ chính các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước, nhằm xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, liêm chính. 

Công ước về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên cũng quy định áp dụng biện pháp phòng, chống tham nhũng đối với tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước.

"Do đó, trước mắt là phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật chọn các loại hình doanh nghiệp có nguy cơ cao phát sinh hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn và hành vi đó gây ra hậu quả nguy hiểm cho cá nhân, tổ chức có liên quan. Trên cơ sở đó bắt buộc một số chủ thể phải áp dụng biện pháp phòng chống tham nhũng" - Tổng Thanh tra cho biết.

Qua rà soát cho thấy, các luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Tài chính... ở mức độ nhất định đã có quy định nhằm phòng ngừa các hành vi vi phạm trong quản lý điều hành, nhưng chưa rõ và đầy đủ. Vì vậy cần đưa vào phạm vi điều chỉnh để áp dụng Luật Phòng, chống tham nhũng đối với khu vực ngoài Nhà nước.

Về công khai, minh bạch tài sản của người có chức vụ, quyền hạn, Tổng Thanh tra Chính phủ đánh giá, thực tế công tác này còn hạn chế không phải do diện kê khai rộng mà do không quản lý được dữ liệu kê khai, chưa kiểm soát được sự biến động và xác minh tài sản, thu nhập. 

Do vậy, dự thảo Luật quy định các cơ quan, tổ chức kiểm soát tài sản, thu nhập là cần thiết, nhằm hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Phương Thuỷ
.
.