Xuôi về Miệt Thứ

Thứ Ba, 24/09/2024, 06:20

Miệt Thứ là cách người dân Nam Bộ gọi khu vực huyện An Minh và An Biên thuộc tỉnh Kiên Giang hiện nay. Ở đó, người ta gọi địa danh theo “Thứ”. Điển hình là từ cầu Bàu Môn thuộc ấp Rọc Lá, xã Tây Yên là Thứ Nhứt (không phải “Nhất”).

Rồi theo hướng Quốc lộ 63 xuôi theo kinh Xẻo Rô cứ thế mà tăng lên thành Thứ Hai, Thứ Ba, Thứ Tư, Thứ Năm, Thứ Sáu, Thứ Bảy (thuộc huyện An Biên); Thứ Tám, Thứ Chín, Thứ Chín Rưỡi, Thứ Mười, Thứ Mười Một (thuộc huyện An Minh).

1. Xuôi ngược dưới đó bao bận tôi mới biết, người ta gọi các “thứ” là theo thứ tự những con rạch đổ ra kinh Xẻo Rô. Có thể hiểu nôm na, trước đây lưu dân muốn đi từ thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) xuống Cà Mau thì thường bơi xuồng, chèo ghe dọc kinh Xẻo Rô. Họ đi hướng vàm sông Cái Lớn vô, gặp con rạch đầu tiên đổ ra kinh Xẻo Rô thì gọi là “rạch Thứ Nhứt”. Cứ thế, đến con rạch tiếp theo thì gọi là “rạch Thứ Hai”, cho đến con rạch cuối cùng giáp với khu vực Thới Bình, Cà Mau chính là “rạch Thứ Mười Một”. Dần dà, cái từ “rạch” được giản lược đi, chỉ còn gọi tắt là “Thứ Nhứt”, “Thứ Hai”, “Thứ Ba”... Và cái “miệt” (vùng) mà người dân cứ kêu theo “Thứ” như thế gọi là “Miệt Thứ”.

Xuôi về Miệt Thứ -0
Rạch Thứ Chín đổ ra kinh Xẻo Rô.

Trước đây, từ Rạch Giá muốn tới Miệt Thứ phải ngồi đò Tắc Cậu gần hai tiếng đồng hồ, khách phương xa nhiều người ngán ngại. Bởi vậy Miệt Thứ buồn lắm, mới có câu ca rằng:

Đêm đêm ra đứng hàng ba,

Trông về quê mẹ lệ sa buồn buồn.

Sương khuya ướt đẫm giàn bầu,

Em về Miệt Thứ bỏ sầu cho ai?

Lần đầu tôi đi Miệt Thứ cũng ngồi đò Tắc Cậu, dõi mắt tìm con rạch Cái Thia mà không thấy, chỉ thấy những cánh chim cô đơn bay về nơi vô định trong bảng lảng mây chiều, chợt nhớ câu hát người xưa: “Con rạch Cái Thia chảy dìa Tắc Cậu, con sáo qua sông, con sáo đậu hiên nhà...”.

Đò Tắc Cậu không như con sáo bay vụt qua sông, mà chạy chậm rì, trầm buồn như điệu buồn dạ cổ. Trên đò, những gương mặt mệt mỏi cắt xiên qua ánh hoàng hôn. Ở Miền Tây này, sông ngòi kinh rạch chằng chịt nên đi đến đâu cũng phải lụy đò. Bất tiện thì có đó, nhưng đôi khi nó khiến ta sống chậm lại, để nhìn ngắm và nghĩ suy nhiều hơn. Dân xứ này ít khi tất bật, hẳn một phần do đời họ phải gắn với những chuyến đò. Tôi thích cảm giác ngồi trên những chuyến đò chiều, nhìn dòng sông trôi và bóng ngày dần cạn. Tôi thầm nghĩ có khi dòng đời của mỗi chúng ta cũng giống như dòng sông, biết chắc chắn sẽ kết thúc thủy trình ở một nơi nào đó, nhưng đêm ngày vẫn miệt mài trôi chảy.

Xuôi về Miệt Thứ -0
Gian hàng khóm Tắc Cậu.

2. Nếu bên kia sông là một thị trấn Minh Lương nhộn nhịp, thì bên này, Miệt Thứ trầm lắng nguyên sơ. Tôi ghé nhà một người dân ở ấp Rọc Lá để xin nước uống, tiện thể hỏi thăm đường. Người Miền Tây rất mến khách và tự nhiên, nên chuyện một người xa lạ được mời vào nhà uống trà, ăn cơm hoặc thậm chí là ngủ lại nếu lỡ đường là hết sức bình thường. Tôi hiểu điều này nên khi dì mời vào nhà uống nước, tôi không ngần ngại mà vô như nhà của mình vậy.

Tôi hỏi thăm dì về Miệt Thứ ngày xưa. Dì lặng yên một lúc rồi đưa tay chỉ cánh đồng trước mặt, xa xa có hàng cây che khuất mấy căn nhà lá. Dì nói nhà ba má ruột dì ở đó, chớ nhà này là nhà bên chồng. Hai nhà cách nhau chừng vài cây số, vậy mà hồi xưa dì lấy chồng suốt ba năm chưa được về thăm ba má. Một phần do đường sá đi lại cũng chẳng dễ, nhưng cái quan trọng nhất là định kiến của người xưa. Lấy chồng rồi đâu phải muốn đi đâu thì đi, về đâu thì về được. Dì kể như thế, mắt vẫn nhìn về phía hun hút hàng cây.

Dì nói ngày xưa làm thân con gái mà nghe lấy chồng Miệt Thứ là ai cũng sợ. Sợ thì sợ nhưng có người vẫn lấy vì đạo lý xưa kia cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, có người cũng vì tình yêu mà bất chấp nỗi cô quạnh nơi đất khách quê người:

Em yêu anh nên đành xa xứ

Xuôi ghe chèo Miệt Thứ Cà Mau

Dì nói với tôi, giọng trầm đều thổn thức như nói với chính mình, cơ hồ như ký ức cuộc đời dì tỉnh thức sau bao ngày tháng ngủ sâu. Dì mời tôi ở lại ăn cơm chiều, nhưng tôi cáo từ vì đã có hẹn.

Đêm ấy tôi ngủ lại nhà người quen ở Miệt Thứ. Dĩ nhiên, đến Miệt Thứ thì không thể thiếu những cuộc rượu. Tôi từng nghe nói người Miệt Thứ uống rượu mạnh lắm, khi ngồi chung mâm với họ, tôi mới biết lời đồn ấy không phải “hữu danh vô thực”. Dường như họ uống để trong khoảnh khắc nào đó quên đi nhọc nhằn, quên đi nỗi buồn hiện hữu? Ngà ngà say thì họ hát. Hát mộc mạc nguyên sơ tài tử: “Từ là từ phu tướng, bảo kiếm sắc phong lên đàng, vào ra luống trong tin chàng, năm canh mơ màng, em luống trông tin chàng, ôi gan vàng quặn đau í a...”. “Bông bần rụng trắng bờ sông, lấy chồng xa xứ khó mong ngày về...”. Lời ca khắc khoải rơi trong đêm vắng, rồi im bặt giữa một không gian tối tăm tĩnh mịch, chỉ còn tiếng côn trùng nỉ non, ai oán.

3. Từ khi có cây cầu bắc qua sông Cái Lớn, Miệt Thứ mới khởi sắc. Nếu xưa kia đi từ thành phố Rạch Giá xuống Miệt Thứ phải chèo ghe cả ngày trời, thì giờ đây xe chạy bon bon chừng hơn tiếng đồng hồ là tới. Dân Miệt Thứ cũng không còn cảnh heo hút trong nỗi sầu cô quạnh, trái lại nhiều hộ gia đình đã khá giả hẳn lên.

Xuôi về Miệt Thứ -0
Cầu Cái Lớn.

Lần đầu chạy xe qua cầu Cái Lớn để về Miệt Thứ, khi xuống dốc cầu, tôi bất ngờ khi gặp hàng trăm cái trại nhỏ người ta dựng lên ven đường, để bán khóm (dứa). Khóm Tắc Cậu nổi tiếng ngon ngọt, thịt dày cùi nhỏ, ăn một lần là nhớ mãi. Em gái giấu gương mặt thanh tú sau vành nón lá, vừa gọt khóm cho tôi, vừa khoe như vậy. Em còn nói, dân dưới này trồng khóm xen với cau, cau ở trên khóm ở dưới, và thứ nào cũng ngon hết sẩy. Em nói hào hứng lắm, cứ như không nói kịp thì tôi chạy đi mất, em sẽ không biết nói với ai.

Nghe tôi nói đi Miệt Thứ, để xem Miệt Thứ có buồn như lời người ta vẫn đồn hay không. Em nói Miệt Thứ bây giờ đỡ buồn rồi, đường xá khang trang, xe cộ tấp nập mà xuồng ghe xuôi ngược trên các con kinh cũng nhiều. Em bán khóm chỗ này đã được hơn hai năm, mỗi ngày gặp gỡ hàng trăm người, thấy vui như ở chợ chớ đâu có giống cái chốn “khỉ ho cò gáy” như người xứ khác hay nói. Em còn bẽn lẽn khoe, ngày xưa ai cũng bảo lấy chồng Miệt Thứ khổ lắm, nhưng bây giờ được lấy chồng Miệt Thứ đôi khi lại sướng, vì “trên lúa dưới tôm”, người dân thì ai cũng chất phác nghĩa tình. Chuyện tình duyên thì không thể đoán trước được, nhưng dù sao em cũng chỉ muốn lấy chồng Miệt Thứ mà thôi. 

Mấy lời em nói khiến tôi nghĩ tới cô học trò của tôi ở Đại học An Giang mấy năm trước, nhà ở ngay Thứ Ba. Lúc cô còn chưa đủ tuổi đã có mấy chỗ mối lái dạm hỏi, nhưng cô kiên quyết từ chối. Cô không muốn lấy chồng sớm rồi sống lầm lũi ở quê nhà như bao thế hệ phụ nữ ở Miệt Thứ này. Ba cô kể, lúc đưa con lên thành phố trọ học đại học là chưa xây cầu Cái Lớn, đi gần cả ngày mới tới Long Xuyên (An Giang). Thuê phòng trọ rồi sắp xếp đồ đạc cho con gái xong, ba cô quay trở về quê mà rớt nước mắt, không biết con mình có trụ nổi nơi đất khách quê người. Nhưng rồi cô vượt qua bốn năm đại học một cách xuất sắc. Rồi cô còn lên Sài Gòn học tiếp để lấy bằng Thạc sĩ, và hiện giờ đang làm giảng viên tại một trường đại học ở thành phố, lấy chồng luôn trên ấy.

Nhớ lần ghé thăm nhà cô ở Thứ Ba, khi cô dọn mâm cơm ra, tôi thấy có một đĩa rau sống rất lạ, màu xanh nhạt và phần đầu xoăn lại như con cuốn chiếu. Hỏi ra mới biết đó là đọt choại, một loài rau dại thuộc họ dương xỉ, mọc nhiều ở miệt U Minh và Đồng Tháp Mười. Nhìn thân rau xù xì nhưng khi ăn vào thì giòn tan, ngọt thơm rất khó tả. Đọt choại có thể ăn theo nhiều cách, nhưng ngon nhất vẫn là ăn sống, chấm mắm kho đúng như lời cô em bán khóm ở Tắc Cậu đã nói.

Sau bữa cơm, ba của cô học trò dẫn tôi ra xem các vuông tôm nhà ông. Ông nói, mấy năm gần đây bà con miệt này chọn mô hình canh tác lúa xen với nuôi tôm, nuôi cua ngay trên mảnh ruộng ấy. Nhà ông sở hữu 10 công đất (1 công đất = 1.296m2), nhờ mô hình này mà trừ mọi chi phí mỗi năm dư cả trăm triệu. Dân Miệt Thứ bây giờ cũng nhờ vậy mà khấm khá dần lên. Mừng thêm nữa là khi có của ăn của để, người lớn càng quan tâm hơn đến chuyện học hành của con cái. Học đến bậc thạc sĩ, tiến sĩ thì hơi hiếm, chớ dân miệt này giờ cử nhân, kỹ sư nhiều lắm. Đó là điểm sáng giữa xứ sở cách đây không lâu còn tối tăm, nghèo khó. Rồi đây, lớp trí thức trẻ sẽ vực dậy vùng quê này, ông tin như thế.

Trương Chí Hùng
.
.