Về phố Hội

Thứ Sáu, 17/06/2022, 09:08

Hơn hai mươi năm tôi mới trở lại Hội An. Phố cổ thay đổi quá nhiều. Rực rỡ hơn, sầm uất hơn. Nhưng phố cổ vẫn nhiều thứ y nguyên. Đó là con người vẫn hiền hậu thế, không gian vẫn sạch sẽ và quang đãng, không khí vẫn trong lành.

Tôi ở home stay của một người bạn. Anh mời tôi ghé chơi sau bao lần lỡ hẹn. Đó là một villa nhỏ, ven sông, nằm trong một làng nhỏ với con đường bê tông ngoằn ngoèo. Cả home stay với khoảng 6 phòng nghỉ rộng rãi cho khách chỉ có 3 nhân viên phục vụ. Người bảo vệ già và hai cô gái giúp việc làm đủ thứ từ chợ búa cơm nước cho khách cho tới dọn phòng, đặt xe đưa đón khách. Và ngay từ khi tôi chưa tới villa ấy, cô gái phục vụ tên Thảo đã gọi điện trước hỏi xem tôi chọn ăn xế món gì. Cao lầu, dĩ nhiên là cao lầu. Hơn hai mươi năm xa phố Hội, hơn hai mươi năm tôi xa cao lầu.

Về phố Hội -0

Bên tô cao lầu giấc chiều, tôi nhẩn nha hỏi chuyện Thảo. Nhà xa nên cô thuê trọ gần đó để tiện đi làm. Lương Thảo vừa xoẳn khoản thuê trọ và đóng tiền học cho hai đứa con. Cuộc sống như vậy chắc là vất vả rồi. Nhưng tôi không thấy Thảo mất đi nụ cười chút nào. Thảo cho cảm giác khách lúc nào cũng được chăm sóc tận tình và khó có thể nào tỏ ra bực mình khi gặp chuyện gì chưa vừa ý ở villa này. Tôi đinh ninh tự dặn mình trước khi rời đi sẽ “boa” cho cô mấy trăm ngàn. Và tôi hi vọng rằng nhiều khách khác cũng như thế, để đỡ đần bớt cho cô phần nào.

Cả buổi chiều tôi thả bộ quanh phố cổ, dừng lại bên những căn nhà cổ ngày nào tôi từng ghé thăm. Hồi đó, hơn hai mươi năm trước, khi tôi về phố Hội, những căn nhà đẹp đẽ ấy lặng lẽ hơn rất nhiều. Bây giờ thì tấp nập quá. Tôi chợt thèm cảm giác của hai mươi năm cũ, được đứng đó giữa con đường lộng gió, xung quanh hầu như chỉ có mình, và nắng, và lá phượng bay tràn. Đó là tôi của tuổi trẻ. Đó là tôi của lúc còn đầy những khát vọng và ý tưởng. Còn tôi bây giờ đã già nua rồi. Tóc đã hai màu, những buồn nản cũng làm mình lười đi nhiều, những vấp ngã cũng khiến mình ngại ngần đi nhiều. Lắm khi muốn bùng lên được cháy một lần như hai mươi, được viết một cái gì tươi mới nhưng rồi cất lên tiếng đàn thì lại bỏ đấy bởi thấy mình sao cũ kỹ quá. Phố Hội xưa cũ nhưng vẫn có thể tự làm mới mình. Con người xưa cũ tại sao cứ phải dừng chân?

Rồi cơn mưa bất chợt kéo tới, cuồn cuộn và dữ dội. Tôi chạy trốn cơn mưa, băng qua một ngõ hẹp để chạy ra bờ sông, nơi tôi đoán chắc sẽ có những quán xá mà tôi có thể trú chân chờ cơn mưa qua. Và tôi bàng hoàng nhận ra tên con phố ven sông ấy. “Công nữ Ngọc Hoa”, tên của nàng. Chỉ mới sáng nay thôi, tôi tham gia buổi họp báo trực tuyến giới thiệu vai nữ chính cho vở opera “Anio: Chuyện tình công nữ Ngọc Hoa” mà tôi là một trong 3 thành viên trong nhóm sáng tác. Trong buổi họp báo ấy, vai nữ chính đã hát khúc aria của nàng Công nữ Ngọc Hoa. Và lúc này đây, dưới cơn mưa, tôi đứng ở ngay con phố mang tên nàng. Có cái duyên nghệ thuật nào hay không khi tôi vô tình trú mưa ở đó? Tôi tin, có lẽ hương hồn Công nữ đã dẫn chân kẻ hậu sinh là tôi đến với cái bến sông mà chính trong kịch bản, đạo diễn Oyama đã tưởng tượng ra cảnh Công nữ Ngọc Hoa gặp gỡ chồng mình sau này là chàng thương nhân Sotaro, người mà tôi cũng mới vừa đồng sáng tác xong một aria cho chàng cùng một duet cho cả hai vợ chồng.

Về phố Hội -0

Dưới cơn mưa ấy, tôi lặng người đi. Nhìn những người đạp xích lô co ro trú mưa dưới những lớp nylon màu xanh thẫm, tôi tự hỏi có ai trong đó từng là những thương nhân, những lái thuyền, những phu khuân vác… của Hội An mấy trăm năm trước? Cái vòng lặp ấy có ai dám phủ định? Cái vòng lặp ấy cũng nào ai dám khẳng định? Chỉ có tưởng tượng của tôi là miên man, miên man thế thôi. Chắc tại tôi làm nghệ thuật nên đầu óc cũng không được bình thường như vạn người thường…

Cơn mưa dứt, phố trở lại quang đãng và tươi mới vô ngần. Tôi rảo bước qua cầu tìm một quán nhỏ để ngồi nhâm nhi. Cũng chiều muộn rồi. Kiếm bữa tối nhẹ nhẹ cũng được. Và chẳng biết điều gì run rủi để tôi ghé vào một cái Irish Pub có cái tên nghe “quen quen” là The Shamrock. Quán đông khách vừa phải, có nhạc sống với 2 người nghệ sỹ Phillippines chơi nhạc acoustic những bài hits cũ. Họ chơi nhẹ nhàng, âm thanh vừa phải như một sự ý nhị đối với các quán kế bên. Và tôi ngồi say sưa nghe họ hát suốt đêm ấy. Hai chai vang trắng đưa tôi vào cơn say nhè nhẹ. Say rượu, say nhạc hay say chính Hội An?

Cuối buổi, tôi ngỏ lời mời hai nghệ sỹ Phillippines ấy ghé xuống bàn chia sẻ thêm 1 chai vang nữa. Hóa ra họ là một cặp vợ chồng. Họ hát ở đây đã 4 năm rồi. Với họ, Hội An đã là nhà. Và tôi đã khựng người lại, chùng hết lòng mình khi nghe họ tâm sự về hai đứa con nhỏ. Chúng phải học online ở nhà, không phải vì dịch COVID mà vì đến trường công, chúng bị bắt nạt và trêu chọc quá nhiều bởi chúng nói tiếng Việt không sõi. Những đứa trẻ của những nghệ sỹ đã phải sống đời lênh đênh theo tiếng hát mưu sinh của mẹ cha mình. Và tôi nhớ những đứa trẻ của tôi. Chúng không lênh đênh nhưng chúng cũng phải xa cha rất nhiều, và có thể lần này là xa cha khá lâu khi tôi và mẹ trẻ con chia tay nhau. Tôi lặng lẽ nhờ nhân viên của quán mua bốn phần Cao lầu biếu họ khi chia tay. Nhìn cảnh họ nhận phần ăn với ánh mắt biết ơn, tôi cảm thấy trong lòng mình trĩu nặng. Giữa sầm uất nơi đây, phận người sao đồng dạng, cho dù mỗi người mỗi cảnh.

Về phố Hội -0

Về Hội An lần này, chưa biết bao giờ tôi sẽ quay lại. Nhưng từ tô cao lầu bữa xế cho tới bịch cao lầu biếu bạn mới, một xuyên suốt bao nhiêu thân phận cho tôi thấy hiểu hơn cuộc đời. Cuộc đời đẹp lắm nhưng không phải nó chỉ là long lanh. Nó chính là những Thảo với nụ cười băng qua vất vả; là một nàng Công nữ từ trong lịch sử vọng lại đến tận hôm nay; là những người đạp xích lô co ro dưới mưa; là cặp vợ chồng canh cánh hai đứa con nhỏ khi vẫn phải tươi cười cất tiếng hát trong quán bar bé nhỏ… Chính họ là một phần của Hội An, tạo ra một góc tâm hồn của đô thị cổ kính ấy. Và chính họ đã cho tôi hiểu được dù có vất vả, đắng cay đến nhường nào, mình vẫn phải sống, phải hướng về phía trước khi mình còn quá nhiều việc phải làm. Có lẽ, chính tôi mới có lỗi với mình chứ không phải tuổi tác hay hoàn cảnh khi mà tôi đã bỏ dở dang quá nhiều khát vọng của mình trong những ngày buồn nản, vô vị và không một mục đích cụ thể nào…

Hà Quang Minh
.
.