Vẻ đẹp và sự thách thức

Thứ Hai, 03/07/2023, 10:49

Cùng với sự phát triển của nền văn học Việt Nam, văn học về đề tài bảo vệ an ninh, trật tự xã hội hay nói một các khác là văn học viết về lực lượng CAND cũng phát triển không ngừng.

Văn học viết về lực lượng CAND là viết về cuộc đấu tranh chống lại cái ác

Vài thập kỷ đầu sau khi các tác phẩm viết về lực lượng CAND, người trong giới đặc biệt là các nhà nghiên cứu và phê bình văn học chỉ coi đó là một nhánh văn học ở đề tài hẹp cho dù rất hấp dẫn bạn đọc. Thực tế các tác phẩm văn học giai đoạn đầu chỉ nhằm mô tả lại các vụ án mà tập trung vào các vụ án hình sự. Các nhà văn khai thác chủ yếu bản chất của các loại tội phạm và lý giải con đường dẫn đến các hoạt động tội phạm chống lại con người, chống lại xã hội, chống lại chính quyền với nhiều hình thức…

b4.jpeg -0
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều trao giải Ðặc biệt và giải A cho các tác giả đoạt giải Cuộc thi viết về hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân.

Một hiện thực cho thấy cả nhà văn, cả bạn đọc và cả người trong cuộc là các nhân vật của lực lượng CAND khi viết hay khi nhìn nhận các tác phẩm văn học về đề tài bảo vệ an ninh, trật tự xã hội chưa thấy hết được tầm tư tưởng và ảnh hưởng của đề tài văn học này. Nó vượt qua tính đề tài, nó vượt qua đặc tính là sự hấp dẫn, nó vượt qua thuật ngữ "vụ án" thông thường.

Chúng ta, những người liên quan đến việc làm ra một tác phẩm văn học đúng nghĩa, đặc trưng và có tư tưởng đặc biệt là các nhà văn phải thấu hiểu một điều rằng: văn học viết về lực lượng CAND chính là văn học viết về cuộc đấu tranh chống lại cái Ác. Chỉ nói về cuộc đấu tranh chống lại cái Ác đã cho thấy đó một sự sáng tạo lớn mang tính bao trùm trong mọi thời đại. Cái Ác chia làm nhiều loại: đấy là cái ác của sự vô cảm với những vẻ đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp nghệ thuật và vẻ đẹp con người cùng với đó là sự vô trách nhiệm và vô lương tâm với đồng loại. Đấy là cái ác với những hành động cụ thể mang tính bạo lực đe dọa đến tính mạng và tài sản của con người, đe dọa lợi ích của cộng đồng, đe dọa sự tồn tại của chính thể. Và đấy là những hành động chống lại một cộng đồng mang tên Dân tộc. Hay nói một cách lớn hơn đúng với sứ mệnh của văn học mà không phải là một cụm từ đại ngôn là chống lại nhân loại.

Nói vậy, để thấy nếu một con người trong lực lượng công an không có mối quan hệ nhân văn với thiên nhiên, với nghệ thuật hay nói cách khác là những vẻ đẹp văn hóa và không có khả năng đồng cảm, chia sẻ với mọi số phận con người thì họ không thể thực thi trọn vẹn sứ mệnh của mình trong cuộc chiến đấu để bảo vệ con người, bảo vệ dân tộc. Và đó cũng là đề tài muôn thuở của mọi nền văn học ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới này. Nhưng văn học viết về lực lượng CAND lại bằng một đặc trưng hoàn toàn khác biệt. Ở đó văn học phải dựng lên hình tượng những cán bộ chiến sĩ trong lực lượng CAND.

Cái đẹp của con người và chân lý

Những cán bộ chiến sỹ trong lực lượng CAND trước hết phải là những con người chứa đựng trong tâm hồn họ những vẻ đẹp nhân tính. Họ không phải là một đội quân trấn áp vô cảm, họ không phải là những người bất bại. Nhưng họ là những con người như mọi con người. Văn học phải dựng lên được thế giới tâm hồn của những chiến sỹ đấu tranh chống lại cái Ác, bảo vệ cái Đẹp. Bởi nếu không có thứ vũ khí NGƯỜI như vậy thì mọi vũ khí khác sẽ trở lên vô dụng.

Văn học trong giai đoạn tới cần khai thác điều này một cách triệt để hơn nữa. Chúng ta thường xem các bộ phim chống tội phạm của Hollywood và nhận thấy rằng: hạt nhân cuối cùng làm nhiều bộ phim của họ trở nên ám ảnh người xem không chỉ là mưu trí của lực lượng chống tội phạm, của những tội ác kinh hoàng mà là vẻ đẹp tâm hồn lặng lẽ của những người chống tội phạm ấy hiện ra ở đâu đó trong bộ phim như những cảnh phụ nhưng lại làm trái tim người xem rung lên vì xúc động và không thể nào quên được.

Văn học viết về lực lượng CAND đã thay đổi quan trọng về nghệ thuật và nội dung cùng với sự thay đổi chung của nền văn học Việt Nam kể từ khi đất nước đổi mới. Thay đổi đó là sự mở rộng đề tài, đổi mới nghệ thuật viết, thay đổi cách nhìn vào bản chất của lực lượng CAND và thấu hiểu hơn bản chất của tội phạm. Nhưng cuộc đấu tranh cho sự bình yên cuộc sống và trật tự an toàn xã hội đâu chỉ là vụ án với tội phạm hình sự hay tội phạm chính trị mà còn ở trong những công việc tưởng như  rất đỗi bình thường.

Một tổ công tác của Cảnh sát giao thông dùng xe công vụ đưa người dân đi cấp cứu, đỡ đẻ cho mẹ sơ sinh trên đường, đi bộ đêm đêm trên cầu cứu hàng chục vụ tự tử, trợ giúp tiền cho người cơ nhỡ về quê, những chiến sỹ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã lao vào cứu người trong đám lửa dù biết rằng có thể sẽ hy sinh tính mạng mình, những chiến sỹ công an nơi vùng núi xa xôi đêm đêm đi bộ tới bản làng dạy học cho cho lũ trẻ, những quản giáo trong các trại giam đã bền bỉ làm cho những phạm nhân nhận ra con đường chính nghĩa của cuộc đời mình hay như những công an xã với những công việc không có trong giáo án nhà trường cùng bao hành động đẹp đẽ của mọi lĩnh vực khác trong lực lượng CAND. Những con người đó, những hành động đó được sinh ra từ chủ nghĩa nhân văn.

Có biết bao cán bộ, chiến sĩ như thế trong lực lượng CAND đã âm thầm sống và âm thầm dâng hiến mà chúng ta không biết. Và biết nhưng chưa thực sự cho đó là những vẻ đẹp NGƯỜI vô giá để làm nên một cuộc sống tốt đẹp và nhân ái. Và họ chính là những "thiên sứ " đã bước tới thắp sáng niềm tin cho con người. Họ không trực tiếp cứu được một người thoát khỏi sự đe dọa của một tội phạm hay một tổ chức tội phạm nhưng họ lại cứu vớt những số phận và những con người tuyệt vọng và lầm lạc.

Hơn nữa, chính những cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng CAND trực tiếp đấu tranh chống lại tội phạm như những hiệp sỹ, như những anh hùng nhưng lại giấu phía sau những hành động, những chiến công đó là bao dày vò, bao phiền muộn, bao khó khăn và cả những thiệt thòi trong đời sống riêng tư của họ. Nhưng vượt qua lợi ích cá nhân, sự hưởng thụ cá nhân của họ là sự dâng hiến cho sự bình yên của cuộc sống. Kẻ thù của con người, của dân tộc ngày một tinh vi hơn, hoạt động có tổ chức và khoa học, tài chính nhiều hơn, phương tiện và vũ khí vô cùng tối tân... Nhưng chúng thiếu một thứ quan trọng nhất: đó là tình thương yêu con người, ý chí bảo vệ cái Đẹp và sự bình yên cho cuộc sống của con người và sự dâng hiến không vụ lợi. Chính vì những điều cao cả ấy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gọi lực lượng Công an là Công an nhân dân.

Chân dung tâm hồn và vẻ đẹp NGƯỜI trong cán bộ, chiến sỹ của lực lượng CAND phải được văn học khai thác sâu rộng hơn và dựng lên một cách bình dị trong các tác phẩm trong giai đoạn tới đây. Đấy chính là tiền đề cho những tác phẩm có chiều sâu tư tưởng về lực lượng CAND. Bởi những hành động vì con người, vì dân tộc chỉ sinh ra từ những con người mang vẻ đẹp của chủ nghĩa nhân văn cao cả và sự dâng hiến không vụ lợi. Nếu không mọi điều kiện khác mang tính vật chất cũng mãi mãi chỉ làm ra vật chất chứ không làm ra lương tri và những hành động của lương tri.

Thách thức

Chưa bao giờ các cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng CAND lại đứng trước thách thức lớn như bây giờ trong cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù của con người và của đất nước.

Trong những năm chiến tranh giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước, kẻ thù của chúng ta được xác định rõ ràng. Nhưng chúng ta đã đi qua và chiến thắng. Thế nhưng trong những ngày hoà bình và trong giai đoạn đất nước đang phát triển thì kẻ thù của chúng ta lại vô cùng khôn ngoan, không dễ nhận diện và nhiều lúc thật mơ hồ. Kẻ thù bên cạnh chúng ta, cười nói với chúng ta, ăn tối với chúng ta và đôi khi sinh hoạt trong một tổ chức chính trị với chúng ta.

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng mà đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang từng bước làm trong sạch chính thể và phục hồi lại những mảng lòng tin đã đổ vỡ nhưng cũng phơi bày dưới ánh sáng một thế giới tội phạm, những kẻ thù của nhân dân, của dân tộc đầy nguy hiểm và khôn lường.

Cách đây chừng 20 năm, trong một bài phỏng vấn một đồng chí Giám đốc Công an tỉnh in trên tờ An ninh Thế giới Cuối tháng, tôi hỏi: "Trước họng súng của tội phạm và trước những đồng tiền, ông sợ cái nào?". Đồng chí Giám đốc Công an tỉnh nói: "Tôi sợ đồng tiền". Cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong những năm gần đây đã chứng minh một cách hùng hồn nỗi sợ hãi của đồng chí Giám đốc Công an tỉnh 20 năm trước là sự thật. Câu nói ấy tiếp tục cảnh báo chúng ta.

Sự thật đã minh chứng một cách đầy kinh hãi mà chúng ta không thể chối cãi khi có những cán bộ cao cấp trong hệ thống chính trị, trong lực lượng quân đội và công an đã gục ngã bởi đồng tiền. Những cán bộ gục ngã bởi đồng tiền nói trên đã từng là những người được học hành, được rèn luyện kỹ lưỡng và được chứng minh năng lực và tư cách của mình. Nhưng đến một đoạn đường họ không còn đủ ý chí và họ gục ngã. Họ không đi hết được con đường họ chọn. Tôi nói những điều trên để muốn nói rằng cuộc đấu tranh chống tội phạm của lực lượng CAND là một thách thức khổng lồ. Văn học cần mở ra cái thế giới bóng tối khủng kiếp này để từ đó tôn vinh bản lĩnh, ý chí và sự hy sinh nhiều nghĩa của lực lượng CAND. Và từ đó xây dựng được hình ảnh trung thực nhất của những cán bộ, chiến sỹ CAND trong cuộc đấu tranh chống lại cái ác.

Khi đứng trước một tội phạm là một cán bộ cấp cao, là một đồng đội, là một người bạn, là người ruột thịt thì người cán bộ, chiến sỹ công an đang đấu tranh sẽ phải quyết định như thế nào? Cuộc đấu tranh chống tội phạm là nơi mà những cán bộ, chiến sỹ công an bị đẩy vào những thử thách khốc liệt nhất và họ chỉ được quyền lựa chọn một trong hai con đường là: tấn công hay phạm tội  để chiến thắng hay gục ngã trước chúng hoặc bỏ chạy. Tôi nghĩ đây là điểm vô cùng hấp dẫn cho văn học. Đó cũng là điểm chứng minh thuyết phục nhất đạo đạo đức, bản lĩnh và sự hy sinh của người chiến sỹ Công an.

Tội phạm bây giờ đã hoàn toàn khác trước, sự cám dỗ thật tinh vi và rất nguy hiểm, hình thức phạm tội được ẩn dưới lớp vỏ bọc của tự do, dân chủ, lý tưởng và thói đạo đức giả. Bởi vậy, cách xây dựng hình tượng văn học về lực lượng CAND cũng phải khác đi. Nhưng có một điều không thể khác mà ngược lại cần đẩy cao hơn nữa trong tác phẩm viết về lực lượng CAND đó là làm sáng tỏ lương tri của một con người, là bản lĩnh trước mọi cám dỗ, là khát vọng thực sự được tham dự và dâng hiến trong cuộc đấu tranh chống lại cái ác của các cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng đặc biệt này. Chỉ như thế, những cán bộ, chiến sỹ trong cuộc đấu tranh chống lại cái ác mới đi tới được thắng lợi. Nếu thiếu những điều trên, nguy cơ những chiến sĩ chống tội phạm lại trở thành tội phạm luôn luôn ở trước mặt.

Nguyễn Quang Thiều
.
.