Vẻ đẹp của thiền

Chủ Nhật, 12/03/2023, 13:37

Có một quy luật rõ ràng thế này: Điều gì tồn tại được với sự thăng trầm, biến thiên của thời gian, sự tồn tại ấy ắt có ý nghĩa, điều gì không còn giá trị, ắt sẽ biến mất. Lẽ thường của cuộc đời là thế, không có ngoại lệ. Lịch sử đã ghi lại bao sự xuất hiện, tồn tại, rồi biến mất như thế trong điệu xoay vần của rực rỡ và lụi tàn.

Khi còn trẻ, có một lần tôi tới văn phòng làm việc của mẹ người bạn thân. Lúc ấy là giữa trưa, đằng sau cánh cửa, giữa ngổn ngang hồ sơ, giấy tờ, mẹ bạn tôi đang ngồi tĩnh lặng, mắt nhắm, tiếng nhạc nho nhỏ trôi trong căn phòng. Bạn tôi bảo, đấy là thiền.

Khi bắt đầu có kinh nghiệm với cuộc đời, cũng là lúc người ta đã trải qua đủ cung bậc cảm xúc, mà nếu không có phương pháp tự cân bằng hay chữa lành, đa phần người trưởng thành ôm theo tổn thương trong suốt quãng đời còn lại. Tổn thương có nhiều cấp độ. Có loại tổn thương do chấn thuơng tâm lý từ thuở nhỏ, vào lúc con người ta còn quá non nớt để tự bảo vệ mình. Có loại tổn thương do trải qua những cú sốc lớn về tinh thần, tình cảm. Có loại tổn thương đơn giản do áp lực cuộc sống kéo dài, hằn lên khuôn mặt, khiến năng lượng cá nhân trở nên nặng nề, u tối. Khi ôm trong mình những loại tổn thương như thế, dù kiếm được bao nhiêu tiền, nghỉ ngơi bao nhiêu ngày, hay ăn bao nhiêu bữa ngon cũng không thể chữa lành. Có một thứ gì đó vô hình mà ta hay gọi tên là trạng thái sức khỏe tinh thần, tâm hồn, hay trạng thái năng lượng cá nhân đang bị tổn thương. Đáng tiếc, nhiều người trong chúng ta không biết cách tự chữa lành.

Vẻ đẹp của thiền -0
Thực hành thiền giúp mở ra một cách sống khác.

Thế nhưng, điều may mắn kỳ diệu là miễn ta chịu cất bước ra đi, ngoài kia sẽ có đường, may mắn hơn, ta có thể gặp được đạo. Sau vài biến cố cuộc đời, lần đầu tiên ngồi xuống, nhắm mắt lại, mở ra một thế giới mênh mông vô biên an định, trong tôi đã trào lên sự biết ơn sâu sắc. Đấy là chữa lành, đấy là thiền.

Thiền có lịch sử rất lâu đời. Người ta tìm thấy hình ảnh con người ngồi xếp bằng, hai chân vắt chéo lên nhau trong tư thế kiết già, bàn tay để trên đầu gối, mắt khép hờ từ nền văn minh lưu vực sông Ấn - nền văn minh tồn tại từ khoảng năm 2800 trước Công nguyên đến khoảng năm 1800 trước Công nguyên. Thiền sau đó trở thành một mắt xích quan trọng trên con đường giác ngộ, được đức Phật chia sẻ vào năm 35 tuổi, sau khi ngài giác ngộ: Giữ Giới - đạo đức, sinh Định - qua thực hành thiền, từ Định sẽ sinh ra Huệ - trí tuệ thấy biết bản chất mọi sự vật hiện tượng. Thiền định tiếng Phạn là “Bhavana”, có nghĩa là “Sự rèn luyện tâm thức”, chính là con đường mà đức Phật đã chỉ dạy. Con đường ấy được Phật giáo Đại Thừa phát triển thành Thiền Tông. Bồ Đề Đạt Ma được coi là vị tổ thứ 28 và cuối cùng sau đức Phật Thích Ca Mâu Ni và là sơ tổ của Thiền Tông Trung Quốc. Thiền Tông phát triển rực rỡ ở Trung Quốc vào đời Đường với những công án nổi tiếng trở thành pháp bảo của người tu thiền. Thiền được truyền sang Việt Nam và Hàn Quốc vào khoảng thế kỷ thứ 7, đến Nhật Bản vào khoảng thế kỷ 12 và ngày nay xuất hiện ở mọi nơi. Thiền ở Việt Nam phát triển lên đến đỉnh cao với sự xuất hiện của thiền phái Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập.

Đại dịch COVID-19, động đất, chiến tranh kéo dài liên tiếp trong vài năm ngắn ngủi khiến con người bắt đầu nhìn vào bên trong nhiều hơn việc tìm kiếm những giá trị bên ngoài, đó cũng là lúc người ta có thời gian để ngồi lại với chính mình. Giữa lúc loay hoay với mớ cảm xúc hỗn độn thường ngày, với những mảng năng lượng cảm xúc đã trở nên tối màu bám dính trên tâm hồn nhiều ngày tháng, với những tổn thương vì sự mất mát, nhiều người đã gõ cửa thiền. Người ta nhận ra rằng, dù không bước lên con đường tu tập, thực hành thiền giúp mở ra một cách sống khác.

Vẻ đẹp của thiền -0

Tháng trước, dạy con quét nhà, tôi bèn bàn chuyện vô thường với con như thế này. Con xem, nhà mình vừa quét, ngày mai đã lại bẩn. Ngày mai quét, vài hôm sau lại bẩn. Sống ở cõi đời này, có một bài học con cần nhớ, đấy là chuyện chẳng có điều gì trên đời này không thay đổi. Đồ vật cũ dần đi, rồi hỏng, bạn bè nay thân, mai đã chẳng còn muốn/được gặp nhiều như trước, soi gương cũng thấy gương mặt chẳng thực giống hệt như nhiều năm trước, cuộc vui nào cũng tàn, dù là một cuộc vui ngắn, hay hành trình học 4 năm cấp 2 của con, rồi cũng phải kết thúc. Đến một lúc nào đó, khi con đối diện với cuộc chia ly lớn trong đời mà bản thân bất lực, chẳng níu kéo được, như một người thân của mình qua đời, con sẽ nhìn rõ bộ mặt của bài học mọi thứ đều đổi thay, chẳng có gì con níu giữ được mãi mãi. Bài học đấy người lớn gọi là vô thường.

Thế nên, mình có vài lựa chọn thế này. Muốn tạm yên ổn trong vòng vô thường thì nhà ngày nào cũng quét, cây ngày nào cũng tưới, người thân yêu ngày nào cũng hỏi. Thế thì nhà sẽ luôn tạm sạch, cây sẽ luôn đang xanh, người thân yêu vẫn luôn đang ở đó, cho tới khi định mệnh, số phận, lẽ thường của cuộc đời thực hiện công việc của nó.

Thế nên, tạm yên ổn không đủ, mình còn cần lựa chọn và tập luyện thái độ với vô thường. Có người cố gắng quên đi việc chẳng gì tồn tại mãi mãi, tự che mắt lại, lờ đi, quên biến đi, cho đến khi phải thực sự đối diện với đổi thay và mất mát thì họ sốc và tổn thương. Có người quyết định nhảy vài điệu tươi vui theo nhịp cuộc đời, vui hết mình đã, sống thật gấp, thật vội, trước khi vô thường tới, nhưng vui ắt sẽ có buồn, càng vui thì càng tiếc nuối, nên họ cũng không sẵn sàng là bao khi đối mặt với những đổi thay. Có người vì hiểu mọi điều sẽ đổi thay, nên họ quyết định không nhớ tiếc cái đã qua, không lo sợ cái chưa tới, họ tập sống trong hiện tại, là thứ duy nhất họ nắm chắc. Khi quét nhà thì biết đang quét nhà, rác đang được dọn, nhà đang sạch dần, chân mình chạm lên sàn sạch thật dễ chịu, nhà mình thành một chốn thật dịu dàng. Khi mình tưới cây thì mình biết đang tưới cây, cái cây có bông hoa vừa tàn, đôi nụ lại đang lớn dần. Sự sống và sự đổi thay đều đang tuôn tràn trong cái cây con tưới. Khi mình ở nhà với nhau, cùng nấu cơm, cùng ăn, cùng rửa bát. Rồi đến tối lên phòng trà, thắp lên vài ngọn nến, tắt đèn, nằm im lặng kề bên nhau nghe đọc sách, mình sống trọn vẹn khi làm từng việc bên nhau. Người ta hay bảo cái duy nhất không thay đổi là quá khứ. Không hẳn con ạ, quá khứ là dư ảnh và xúc cảm in trong tâm trí con. Có ngày con sẽ chẳng nhớ chính xác quá khứ nữa. Nên, đừng để đầu óc mình bận rộn với đủ suy nghĩ, cảm xúc về những việc đã xảy ra và những việc chưa tới. Làm gì thì biết đang làm nấy, đang có gì thì vui với đang có. Cái này người lớn gọi là sống trong chánh niệm. Nên, ngày nào cũng quét nhà nhé và đừng để mình thấy buồn bực vì phải quét nhà, đừng phiền lòng vì nhà bẩn. Khi có khả năng chấp nhận nhà ngày nào cũng quét mà vẫn bẩn, con sẽ dần có khả năng chấp nhận những sự vô thường khác. Quét nhà thật nhiều năm, thật đều đặn, đến một lúc, có thể con sẽ sống trong cõi đời mà không mong không cầu, không buồn, không tiếc, cái gì đến thì để cho nó đi, bình thản an lành đi từng bước trong đời. Lúc ấy là bắt đầu hiểu bài.

Việc quét nhà với trẻ nhỏ là quét nhà, việc quét nhà với chúng ta là thực hành thiền. Cảm xúc vốn là chúa tể đối với con người. Chúng ta làm mọi việc để nuông chiều cảm xúc của mình, nhưng cảm xúc chẳng bao giờ yên. Ngay cả lúc hạnh phúc hay phấn khích nhất, ta vẫn biết những xúc cảm đang có sẽ trôi qua và ta phải nỗ lực rất nhiều để có lại được vài giây hạnh phúc phấn khích như thế. Và, ngay lúc hạnh phúc ấy, ta đã không hạnh phúc bởi ý nghĩ ấy rồi. Thế nên, ta không bao giờ hạnh phúc thực sự, vì ta luôn dao động như quả lắc, tung sang bên này, lắc sang bên kia, lăn lộn từ trạng thái cảm xúc này sang cảm xúc khác. Dao động là không yên, không yên là không an, định là an. Để đạt định, cần ngồi thiền.

Chưa cần đi sâu vào các kỹ thuật thiền định hay những chỉ dẫn của đức Phật, ta đã có thể tìm thấy hạnh phúc bằng việc quét ngôi nhà tâm trí. Hãy bắt đầu bằng việc tìm một góc nhỏ an lành, mở lên một chuỗi thanh âm êm đềm, ngồi xuống, nhắm mắt lại, quan sát tất cả mọi suy nghĩ dấy lên, xô nhau, rồi biến mất, sẽ thấy bản thân mình không phải là tâm trí, không phải là những cảm xúc đến rồi đi, từ đấy mà lọc sạch những hỗn loạn cảm xúc trong ngày. Lâu dần, sẽ nhận biết được những tổn thương sâu sắc nào bên trong, học cách chữa lành mỗi khi nhắm mắt. Lâu dần, nhắm mắt sẽ mở ra được một thế giới không, tâm trở thành một hồ nước mênh mang an tĩnh.

Mỗi ngày ngồi một chút, quét nhà tâm một chút, tâm trở thành một ngôi nhà trống không. Mở mắt ra trả lại một trạng thái tinh khiết trong veo. Đấy là thiền.

An Hạ
.
.