Vẩn vơ nhớ Tết thời bao cấp
Cho đến bây giờ, mặc dù đã gần 40 năm trôi qua nhưng tôi vẫn không thể nào quên được hình ảnh anh Đặng Lân - khi đó là họa sĩ trình bày của Báo CAND, sau này là Phó Tổng Biên tập, ngồi chia thịt lợn vào dịp Tết.
Là một người cẩn thận có tiếng và tính nết cực kỳ tỉ mỉ, cẩn trọng, lại rất khéo tay, cho nên Đặng Lân bao giờ cũng được giao nhiệm vụ chia thực phẩm, mà chủ yếu là thịt lợn cho mọi người.
Vào những năm từ 1982 đến 1988, cứ đến ngày Tết, cả Báo CAND “nhốn nháo” hẳn lên. Ai có mối quan hệ nào có thể xin hoặc mua rẻ được thực phẩm như đường, gạo, thịt lợn, cá, su hào, cải bắp... đều vận dụng hết mối quan hệ để kiếm về cho cơ quan ăn Tết. Mà thực phẩm mang về thì phải chia đều, ai cũng có bằng nhau, không có chuyện lãnh đạo “ăn” nhiều hơn lính tráng.
Thời nay, ít ai tưởng tượng được là có lần, chị Nguyễn Thị Bình - Phó Ban Trị sự, mua đâu được mấy tạ su hào về, chia cho anh em. Mà ngày ấy làm gì có túi nylon như bây giờ, cho nên cứ nhặt bày ra mỗi người một đống. Củ to, củ bé, củ già, củ non... phải chia cho đều, không khéo có người lại thắc mắc: “Tại sao phần tôi có nhiều củ già?”...
Nhưng trong việc chia thịt lợn, Đặng Lân là người có “biệt tài”. Một quả tim lợn, anh Lân có thể chia thành… 24 phần đều nhau. Cơ quan có đến 50 người, nhưng phần thịt của ai cũng có tí mũi, tí tai, hầu như không thiếu gì cả.
Đặng Lân là người được cả cơ quan nể, bởi không chỉ có tác phong làm việc hết sức chỉn chu mà còn là một thợ sửa xe máy rất giỏi. Đặng Lân hay phải đi nhà in, cho nên thường được sử dụng chiếc xe Voskhod. Nhưng anh còn có biệt tài nữa, đó là… là quần áo. Cả cơ quan chỉ có mỗi Đặng Lân là biết là quần vải sa-vi-ốt, mà lại bằng bàn là than, nghĩa là phải nhặt than cho vào bàn là bằng đồng. Sơ sẩy là cháy quần áo như chơi. Tôi có một chiếc quần sa-vi-ốt, mỗi lần muốn cho thẳng li thì đều phải nhờ Đặng Lân.
Ngày ấy trụ sở Báo CAND ở ngõ 215 phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa, Hà Nội) bây giờ và có đến khoảng chục người phải ngủ lại ở tòa soạn vì không có nhà cửa. Giường chiếu không có, tất cả phải nằm trên bàn. Nghĩ lại thời bao cấp ấy, đến giờ vẫn thấy lạnh gáy.
Năm 1986, đã đến 28 Tết mà cơ quan không xin đâu được chút thực phẩm nào. Tôi chợt nghĩ ra ở Trại tạm giam Công an thị xã Hòa Bình (ngày xưa thuộc tỉnh Hà Sơn Bình) là một đơn vị chăn nuôi rất tốt. Tôi đã lên viết bài và cũng được ông Bỉnh, Giám thị rất quý. Lần ấy, khi tôi về Hà Nội, ông còn cho xe chở tôi, kèm theo một bó mía tím Hòa Bình có đến 10 cây, 2 bó củi và 5kg gạo nếp. Nghĩ đến ông Bỉnh và nghĩ đến trại lợn có đến 50 con, tôi nảy ra ý định lên Trại tạm giam Hòa Bình xin lợn.
Chiều 28 Tết, tôi lấy chiếc xe Sidecar phóng lên trại nằm ở phường Chăm Mát, thị xã Hòa Bình. Thấy tôi lên lúc ấy thì ông Bỉnh ngạc nhiên lắm, nhưng rồi khi nghe tôi trình bày là muốn xin trại một con lợn về cho anh em ăn Tết thì ông cười khà khà và bảo: “Rồi, tao cho một con”. Nghe ông nói thế nhưng lại băn khoăn không biết ông cho con lợn to hay bé. Tôi “tế nhị” nói với ông: “Báo em có đến 51 người đấy! Anh cho con nào kha khá một tí”. Ông Bỉnh phẩy tay: “Mày không phải lo. Tao cho con to nhất chuồng”. Nghe thấy thế tôi mừng lắm, vì tôi biết đàn lợn của ông, con to nhất chuồng phải đến 70 - 80kg. Rồi ông bảo tôi: “Sáng mai tao cho phạm nhân tự giác nó thịt, làm lông sạch sẽ rồi mày chở về. À mà có làm lòng không?”. Tôi nghĩ mang bộ lòng về phải chia bôi rất khổ, cho nên tôi bảo ông: “Thôi, bộ lòng em không lấy. Về chia nhau vất vả thêm”.
Thế là 5h sáng hôm sau, phạm nhân thịt lợn và chỉ đến hơn 6h thì xong xuôi tất cả. Tôi ăn sáng xong thì con lợn đã được đặt nằm trong thùng xe. Nhìn con lợn to vật mà tôi thấy sướng quá. Một phạm nhân đang chằng buộc, tôi hỏi: “Con lợn này bao nhiêu cân?”. Anh ta bảo: “Dạ thưa cán bộ, ông Bỉnh bảo chúng con bắt con to nhất. Con này 85kg”.
Thế là tôi chở con lợn đến cơ quan vào khoảng gần 10h sáng. Khỏi phải nói, cơ quan mừng vui đến thế nào. Việc chia chác hoàn toàn do Đặng Lân thực hiện và mọi người cũng không ai thắc mắc điều gì. Riêng tôi vì có công đi xin lợn, cho nên được thêm… nửa cái chân giò. Cơ quan lúc này lại “vui như Tết”.
Nhưng rồi mấy ngày hôm sau, khi đi làm, thì bắt đầu có tiếng xì xèo là tại sao con lợn không thấy có bộ lòng? Thế rồi tại sao cậu Như Phong không có bằng lái Sidercar mà dám giao xe cho lái? Tôi phải giải thích với anh Khiêm - cấp trên trực tiếp của tôi, Trưởng phòng Thời sự - câu chuyện đi xin lợn là như vậy... Anh Khiêm bảo: “Rõ dở hơi. Có thế mà cũng thắc mắc”. Rồi tôi bảo, nếu Ban biên tập không tin thì cử người lên trại tạm giam mà xác minh. Còn chuyện tôi không có bằng lái Sidercar mà vẫn lấy chiếc xe của cơ quan lên trại giam thì được Ngô Mạnh - phóng viên ảnh, một cao thủ chạy Sidecar ở báo - bảo lãnh rằng tôi lái xe rất tốt và đang chờ thi lấy bằng.
Thế rồi câu chuyện ấy cũng qua đi, nhưng từ năm sau, tôi chẳng đi xin xỏ gì nữa.
Ngày ấy, Báo CAND còn phát hành nội bộ, báo chuyển xuống đơn vị được coi như tài liệu mật, được bảo quản, giữ gìn cực kỳ cẩn thận. Báo có các chuyên mục mà không một tờ báo nào có được như Tường thuật vụ án, Câu chuyện nghiệp vụ, Trinh sát kể chuyện... Những bài trong các chuyên mục này mang đậm chất nghiệp vụ và có lẽ các biện pháp nghiệp vụ của công an được viết trong các chuyên mục này cực kỳ thoải mái, không cần che giấu. Rồi có một chuyên mục nữa là chuyên mục “Đèn đỏ”, phê phán những việc làm không tốt của cán bộ, chiến sĩ công an cũng được đặc biệt chú ý và anh em ở đơn vị rất thích. Còn vô phúc, cá nhân hay tập thể nào bị “bêu tên” trong chuyên mục “Đèn đỏ” thì năm ấy sẽ mất thi đua.
Phải nói, Báo CAND ngày ấy tính đấu tranh rất cao và thực sự là tờ báo sức mạnh tinh thần rất to lớn trong lực lượng Công an, nhưng đời sống thì khổ vô cùng, tất nhiên ngày đó cả nước khổ chứ không riêng gì công an. Các chế độ nhuận bút đối với báo chí cực kỳ nghèo nàn. Năm 1985, tôi được giải C truyện ngắn “Bão muộn” tại cuộc thi truyện ngắn của Báo Văn nghệ và chị Trần Nguyệt Tuệ (Thùy Linh) được giải A với truyện ngắn “Mặt trời bé con của tôi”. Tiền thưởng tôi được 250 đồng và đủ mua một cái quạt con cóc. Anh Hữu Ước khi đó là Phó Trưởng phòng Thời sự, thấy chúng tôi được giải thì vui lắm, anh bảo: “Lần đầu tiên Báo CAND có người được giải truyện ngắn ở Báo Văn nghệ, tao sẽ đề xuất để thưởng cho chúng bay”.