Văn học về chiến tranh: Viết bao nhiêu cũng không đủ

Thứ Năm, 26/12/2024, 07:58

Có phải thành tựu của văn học thời chiến tranh chống Mỹ ở giá trị tuyên truyền nhiều hơn, mà giá trị nghệ thuật thì ít; âm hưởng ngợi ca là chủ yếu; rất thiếu vắng nỗi buồn với cái đau thân phận?

1. Chiến tranh bao giờ cũng vô cùng khó khăn, gian khổ, ác liệt hy sinh. Chiến tranh và hậu quả của nó len lỏi đến từng ngõ vắng, hẻm phố, mò vào đến tận giường ngủ từng căn nhà không bình yên. Chiến tranh cũng là thử thách khốc liệt nhất đối với một đất nước, một dân tộc và mỗi người. Mục tiêu lớn nhất của dân tộc ta là phải giành chiến thắng và kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước.

 Viết bao nhiêu cũng không đủ -0

Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết: “Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ/ Hơn nghìn trang giấy luận văn chương”. Chiến tranh khốc liệt nên “luận văn chương” tạm thời lui xuống hàng sau, để văn học làm nhiệm vụ đầu tiên: động viên, cổ vũ, tuyên truyền phục vụ công cuộc đấu tranh chống quân xâm lược và thống nhất đất nước. Văn học chiến tranh thiếu vắng cái buồn, cái xót xa với nỗi đau thân phận cũng là điều dễ hiểu. 

Chúng ta thử tưởng tượng: Những trai làng sáng mai tòng quân mà trước đó vài ngày đọc tiểu thuyết có chi tiết người mẹ già tóc trắng hoa lau, mặt héo hắt tựa cửa lúc hoàng hôn mòn mỏi chờ con nơi hòn tên mũi đạn, hoặc người vợ kìm hãm khát vọng thèm chồng đi trận, đêm đêm đổ lúa vào cối xay cho đến tận lúc trời sáng… thì có yên lòng nhập ngũ? Các tân binh xem bộ phim có cảnh trận mạc, bom đạn đốn ngã hàng loạt người lính, mũi lê sáng lạnh máu tuôn, và cánh đồng xương trắng; hoặc đọc truyện ngắn về người lính bị thương lê lết, lạc rừng đói khát, tuyệt vọng, không mong ngày về với mẹ... thì rất khó động viên người ra trận. Bộ đội trước lúc vào chiến trường đọc các bài thơ về người lính đi vào cuộc chiến như đi vào hố đen, hoặc được xem vở kịch người lính đánh nhau nơi trận mạc mất mát, hy sinh… còn ở phía sau người vợ ngoại tình thì họ có chắc tay súng công đồn?... Cho nên “Chiến tranh hiện ra hầu như chỉ là cái nền, trên đó văn học ngợi ca khẳng định, kêu gọi và cổ vũ con người vươn lên cái anh hùng, cao cả, tốt đẹp” (Đinh Xuân Dũng - Giai đoạn thứ hai của văn học Việt Nam viết về chiến tranh) là âm hưởng chủ đạo của văn học chiến tranh một thời cũng không có gì lạ. Giữa bom rơi lửa cháy lúc ấy, để viết về mất mát hi sinh không ảo não, bi lụy; để viết về nỗi đau buồn chiến tranh không làm cho người ta sợ hãi, có giá trị nghệ thuật cao, thúc giục động viên hàng vạn người ra trận luôn là một thách đố đối với người cầm bút.

2. Nhưng, không phải văn học chiến tranh mang âm hưởng sử thi chỉ có ngợi ca, hân hoan và tuyên truyền một chiều, mà từ thời kháng chiến chống Pháp, cái sự mất mát hy sinh, cái nỗi buồn chinh chiến đã xuất hiện trong văn chương.

 Viết bao nhiêu cũng không đủ -0

Khóc anh không nước mắt/ Mà lòng đau như thắt/ Gọi anh chửa thành lời?/ Mà hàm răng cắn chặt”. (“Viếng Bạn” của Hoàng Lộc). Đó là nỗi buồn của người lính viếng đồng đội bị hy sinh; buồn mà không bi lụy, tuyệt vọng; buồn gắn với lòng căm thù giặc, nâng đỡ tinh thần và hi vọng.

Viết về mất mát hy sinh, Vũ Cao cũng có cái nhìn lạc quan, không ảo não. Dù mất mát: “Giặc giết em rồi dưới gốc thông.../ Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói/ Núi vẫn đôi mà anh mất em”. Buồn đấy, nhưng vẫn “Nhớ nhau, anh gọi: em đồng chí/ Một tấm lòng trong vạn tấm lòng.../ Em sẽ là hoa trên đỉnh núi/ Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm”. Cái chết đã hóa thành biểu tượng, tiếp thêm sức mạnh, nâng đỡ bước chân người chiến sĩ lên đường. 

Nhà thơ Hữu Loan viết “Màu tím hoa sim” từ năm 1949. Người lính về quê cưới vợ, hết tuần trăng mật nồng nàn; anh lại lên đường đánh giặc, người vợ yêu ở nhà. “Nhưng không chết/ Người trai khói lửa/ Mà chết/ Người gái nhỏ hậu phương”. Người lính về quê chỉ thấy nấm mộ vợ và “Chiếc bình hoa ngày cưới/ thành bình hương/ tàn lạnh vây quanh”. Nỗi buồn mất vợ đeo bám dai dẳng anh khắp dọc đường hành quân. Có thể nói “Màu tím hoa sim” như một tiếng thở dài tê tái, não nề. Có lẽ do “không khí thời đại” lúc đó chưa chấp nhận một nỗi buồn như thế nên bài thơ có số phận riêng lênh đênh cũng buồn như tiếng thở dài của chính tác phẩm ấy. Tất nhiên, cuối cùng cái hay cái đẹp tâm hồn cũng được trở về với giá trị thật.

Trong chiến tranh chống Mỹ, thơ rất ít nói đến mất mát, hy sinh, đến nỗi buồn; nhưng không phải là không có. Nhà thơ Phạm Tiến Duật có những câu thơ đầy cảm hứng lãng mạn trận mạc “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”, nhưng ông cũng có “Khói bom lên trời thành một cái vòng đen/ Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng/ Tôi với bạn đi trong im lặng/ Cái im lặng bình thường đêm sau chiến tranh/ Có mất mát nào lớn bằng cái chết/ Khăn tang, vòng tròn như một số không…”. Cái này là hậu quả của cái kia. Sự mất mát trong chiến tranh khủng khiếp, rợn người. “Vòng trắng” in trên Tạp chí Thanh Niên năm 1974, đất nước lúc ấy bom rơi đạn nổ chưa hẳn dư luận đã chấp nhận hoàn toàn, và phải chờ đến hơn 30 năm sau bài thơ mới xuất hiện trở lại trong Tuyển tập Phạm Tiến Duật trước khi ông mất gần 20 ngày.

3. Sau chiến tranh, đất nước hòa bình, viết về mất mát hy sinh không phải “kiêng kị” nữa mà còn là yêu cầu nội tại của nhà văn, của cuộc sống. Chiến tranh lùi xa, nhà văn nhà thơ cũng đã trải qua những khoảng lặng cần thiết để nhìn lại cuộc chiến tranh, suy tư về cuộc chiến tranh, đồng thời họ cũng đủ thời gian để viết những gì muốn viết trong lúc trận mạc ác liệt chưa viết được. Nếu như viết để các thế hệ sau hiểu rằng, chúng ta chiến đấu chiến thắng kẻ thù một cách quá dễ dàng là có tội. Cái vui tươi, hân hoan là cần thiết, nhưng nền văn học chỉ có hoan ca là một nền văn học tẻ nhạt, đơn điệu. Văn học chiến tranh thời hậu chiến đã kịp bù lấp khoảng trống này.

Nhà thơ Hữu Thỉnh rất tinh tế, sâu lắng khi đi tìm bi kịch người phụ nữ ở phía sau: “Chị thiếu anh nên chị thừa ra/ Trong giỗ tết họ hàng nội ngoại.../  Một mình một mâm cơm/ Ngồi bên nào cũng lệch/ Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền”. Thân phận người phụ nữ với những thua thiệt, bẽ bàng, cô đơn mòn mỏi chờ chồng thành đá vọng phu thời chinh chiến.

Sau trận mạc, về với đời thường, có vô số thân phận người lính mất mát: “Trong số những người về sau cuộc chiến tranh/ Có người còn nguyên hình/ Có kẻ cụt chân, có người thiếu ngón/ Người thủng đầu, người xơ gan, nát ngực/ Còn riêng ta.../ Ta chết giữa tuổi thanh xuân/ Vì một nguyên tử hơi độc da cam” (Phùng Khắc Bắc). Chiến tranh tàn rồi, không thấy “mặt mũi” nó đâu, nhưng hậu quả chiến tranh vẫn đeo bám, hành hạ người lính. Sự mất mát, hy sinh của những người lính quá lớn lao: “Nếu tất cả trở về đông đủ/ Sư đoàn tôi sẽ thành mấy sư đoàn” (Nguyễn Đức Mậu). Sẽ không bao giờ trở về đông đủ nên đất nước ta đâu đâu cũng thấy nghĩa trang với hàng hàng bia mộ trắng.

Văn xuôi chiến tranh thì phải chờ đến sau ngày đất nước thống nhất 4 năm mới xuất hiện tiểu thuyết “Đất trắng” tập 1 của nhà văn Nguyễn Trọng Oánh viết về gian khổ, ác liệt, mất mát, hy sinh, đau thương, và cả cái thấp hèn. Sau đó là “Cỏ lau” của Nguyễn Minh Châu với những hòn vọng phu mòn mỏi: “… thật là đủ hình dáng, đủ tư thế, cả một thế giới đàn bà đã sống trải bao thời gian qua chiến chinh dường như đang tụ hội về đây, mỗi người một ngọn núi, đang đứng một mình vò võ, chon von trên các chóp núi đá cao ngất, người ôm con bên nách, người bế con trước ngực, người cõng con sau lưng, người hai tay buông thõng xuống, mặt quay về đủ các hướng, các chân trời có súng nổ, có lửa cháy”.

Chính cái nơi bom cày đạn xới ngày trước: “Hoa lau phất phơ trên nền xanh uyển chuyển của rừng lau, thân cây lau cúi rạp xuống từng đợt, ánh lá xanh loáng lên dưới ánh mặt trời rồi trở màu sẫm huyền bí trong vô vàn tiếng lá chạm nhau xào xạc”. Đất không mọc lúa khoai ngô đỗ mà mọc bạt ngàn hoa lau. Rồi những “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, “Bến không chồng” của Dương Hướng, “Ba người trên sân ga” của Hữu Phương,..

Ba mươi năm trước, tôi đã đọc “Tiếng vạc sành” của Phạm Trung Khâu được giải nhì cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi vẫn còn ám ảnh với truyền thuyết con vạc sành. Đôi vợ chồng trẻ đang sống hạnh phúc thì người chồng phải đi lính vì chiến tranh. Rồi người vợ nghe tin người chồng chết, đau đớn mãi cũng nguôi ngoai, chị đi lấy chồng. Khi đó, người làng đồn có con rắn lạ to hơn cột đình. Đêm đêm nghe tiếng tọc… tọc, người vợ nghi là con rắn lạ huýt sáo, bèn kể cho chồng nghe. Người chồng đem súng núp rình bắn. Súng nổ, không phải con rắn giãy rụa chết mà là một… con người: “Phía dưới cặp mắt sáng và cái mũi thanh là một phần trống hoác. Xương hàm dưới bị cắt một nửa. Răng trên gẫy gần hết. Cái lưỡi rụt vào trong làm lộ cái miệng như một hang sâu hoắm, đỏ lòm trông rõ cả cuống họng. Khi nói chuyện, lời nói chỉ phát ra những tiếng “tọc”… “tọc” liên hồi”.

Hóa ra, người chồng đi lính không chết. Bị thương, khuôn mặt kỳ dị, anh không dám về quê, nhưng nhớ vợ quá đêm anh mò về, và biết được người vợ đã lấy chồng mới. Anh chỉ muốn “trông rõ vợ con một lần, rồi gửi lại bức thư và ra đi vĩnh viễn” và “mấy đêm rồi, anh núp phía sau nhà gọi vợ ra cửa sổ”. Khi người ta khiêng anh lính với khuôn mặt dị dạng ấy vào nhà, móc túi áo có những bức thư vợ gửi, và chị cũng nhận ra người chồng trước “qua cặp mắt và cái sống mũi thanh có vết sẹo từ bên trái”. Chiến tranh nghiệt ngã thì rõ rồi, nhưng cả khi đã im tiếng súng nó cũng chẳng buông tha những kiếp người. Tiếng vạc sành là tiếng kêu của nỗi đau mất mát hạnh phúc không tự mình gây ra.

Cuộc chiến tranh nào, dù tàn khốc, kéo dài dai dẳng bao nhiêu thì cũng phải đến hồi kết thúc. Hòa bình trở lại, máu xương không đổ, bãi chiến trường xưa ngổn ngang chiến hào, lô cốt, xác xe tăng cháy, bùng nhùng kẽm gai... biến mất giữa ngút ngàn màu xanh. Nhưng, mất mát hy sinh trong chiến tranh thì vẫn hiện hữu từng ngày từng giờ; văn học chiến tranh viết về mất mát hy sinh vừa là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận vừa là trách nhiệm của người cầm bút, và viết bao nhiêu cũng không đủ. 

Sương Nguyệt Minh
.
.