Tuổi đời nào cho sáng tạo đỉnh cao?

Thứ Sáu, 14/02/2025, 10:50

Trước đây, trong những lần “trà dư tửu hậu” nói chuyện văn chương, tôi từng nói về tác phẩm đỉnh cao của người viết văn xuôi thường hay được sáng tạo ở khoảng tuổi đời 40-50. Khổng Tử - nhà triết học cổ đại Trung Quốc nói rằng: “Tứ thập nhi bất hoặc. Ngũ thập nhi tri thiên mệnh…”.

Con người đến độ tuổi 40 thì đã đi khắp thiên hạ quá nhiều trải nghiệm, tích lũy tri thức, hiểu đời thấu lý, có quan điểm rõ ràng, biết phân minh chính tà. Còn ở độ tuổi 50 thì con người đã hiểu được “mệnh trời”, có nghĩa là đã thông hiểu đạo, nắm chắc quy luật tạo hóa sinh tử tự nhiên và xã hội, có nền tảng văn hóa vững chắc. Có tài năng văn chương cộng với những phẩm chất này, ở đội tuổi 40 - 50 không sáng tạo nên tác phẩm đỉnh cao của đời văn mới là chuyện lạ? Nhiều bạn văn thơ cũng gật gù, đồng ý với tôi.

1. Gần đây, nhà thơ Inrasara mới sáng mùng 5 Tết đã than thở với tôi qua Facebook của ông: “Với nhà văn, 30-50 là tuổi đứng bóng mặt trời của sức sáng tạo”. “Đứng bóng mặt trời” là cách nói hình tượng sáng tạo văn chương nghệ thuật đỉnh cao. Kéo giật tuổi sáng tạo của nhà văn về trước thêm mười năm nữa, ông tính cả độ tuổi 30. Nghe chừng không phải không có lý. Nhà thơ Inrasara cho rằng: “Sớm, nhà văn chưa chín; muộn hơn, lực mòn, trí tưởng tượng cạn, lửa đam mê nguội lạnh”.

capture.jpg -0
Tiểu thuyết “Đội gạo lên chùa” được nhà văn Nguyễn Xuân Khánh viết khi đã ngoài 70 tuổi.

Có thật “Với nhà văn, 30-50 là tuổi đứng bóng mặt trời của sức sáng tạo”? Nhận định này có vẻ đúng với hầu hết những người viết văn. Còn người làm thơ có thể “tuổi đứng bóng mặt trời của sức sáng tạo” sớm hơn. Các nhà văn thế hệ chống Mỹ là một ví dụ sinh động cho nhận định này.

Thời kháng chiến chống Mỹ, có một lứa “nhà văn binh nhì” xuất hiện thành đội ngũ đông đảo. Họ vào bộ đội rồi viết văn, hoặc viết văn rồi nhập ngũ đeo quân hàm binh nhì, trưởng thành dần trở thành nhà văn quân đội. Đội ngũ ấy rất đông đảo, cùng với các nhà văn thời chống Pháp, họ làm nên một nền văn học cách mạng có nhiều thành tựu.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật là một trường hợp đặc biệt trong lứa “nhà văn binh nhì”, ở tuổi 27 ông đã in tập thơ “Gửi em cô bộ đội lái xe” năm 1968, và 29 tuổi thì tập thơ quan trọng của đời thơ: “Vầng trăng - Quầng lửa” ra đời năm 1970. Còn lại hầu như các tác phẩm quan trọng nhất của các nhà văn chống Mỹ lại bừng sáng ở giai đoạn non sông đã thống nhất và công cuộc đổi mới của đất nước. Thời gian ấy, hầu hết họ đã bước vào tuổi 40 - 50. Ở cái tuổi ấy, chiến tranh đã lùi xa 10 năm, 20 năm, đủ độ lùi để nhìn cuộc chiến tranh khách quan, toàn diện, họ đầy đủ kiến văn cộng với trải nghiệm sẵn có và độ điềm tĩnh để nhìn lại cuộc chiến tranh. “Thành La Mã không xây trong một đêm”, cho nên nhà văn cũng cần thời gian để trưởng thành dần và đột sáng.

Có thể ví dụ một số trường hợp tiêu biểu: Nhà văn Nguyễn Khắc Trường in tập truyện vừa “Cửa khẩu” năm 1972 lúc ông 28 tuổi, nhưng phải đến năm 1990, ông 46 tuổi, thì tiểu thuyết quan trọng nhất đời văn: “Mảnh đất lắm người nhiều ma” mới ra đời và nó trở thành hiện tượng. Tương tự, nhà văn Dương Hướng cũng phải đến năm 41 mới có tác phẩm đỉnh cao “Bến không chồng”. Nhà văn Bảo Ninh thì sớm hơn, năm 35 tuổi ông đã hoàn thành tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”, ba năm sau in ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn, và ông cùng với Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng được giải trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà văn Nguyễn Trí Huân xuất bản tập truyện ngắn đầu tay “Mặt cát” năm 30 tuổi, nhưng phải 12 năm sau ở tuổi 42 thì ông mới công bố tiểu thuyết đỉnh cao “Chim én bay”. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết văn khá muộn màng so với người viết cùng lứa, nhưng sự xuất hiện của ông khiến văn đàn dậy sóng, nhiều truyện ngắn nổi tiếng: “Tướng về hưu”, “Những ngọn gió Hua Tát”, “Kiếm sắc”, “Vàng lửa”, “Phẩm tiết”, “Không có vua”, “Những người thợ xẻ”, “Chảy đi sông ơi”, “Con gái thủy thần”… viết khi tuổi đời trên dưới 40.

Thế hệ nhà văn thời hậu chiến cũng tương tự. Nhà văn Hồ Anh Thái nổi tiếng rất sớm với giọng văn trẻ trung, tươi mới như “Chàng trai ở bến đợi xe”, “Người và xe chạy dưới ánh trăng”,… ở tuổi 20 và “Trong sương hồng hiện ra”, “Tiếng thở dài qua rừng kim tước” ở tuổi 30. Nhưng tôi đồ là: phải đến tuổi 40 thì các tác phẩm quan trọng nhất đời văn của ông mới ồ ạt ra đời: “Tự sự 265 ngày”, “Cõi người rung chuông tận thế”, “SBC là săn bắt chuột”, “Dấu về gió xóa”, “Những đứa con rải rác trên đường”… được viết ở tuổi 40 và 50?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều lúc 25 tuổi đã viết: “Biên giới giờ này đạn giặc xé rừng đêm/ Nàng Tô Thị bồng con qua lối tắt”; năm 33 tuổi in tập thơ đầu tay “Ngôi nhà tuổi mười bảy”, nhưng hai năm sau thì Nguyễn Quang Thiều đã tìm ra “Sự mất ngủ của lửa” của chính mình: “Sự mất ngủ của lửa là một sự kiện đặc biệt đối với tôi, nó đánh dấu một giọng nói cất lên chính xác là của tôi, của Nguyễn Quang Thiều. Nó là sự khởi đầu, mở đầu cho tôi, một tôi đích thực”. Tập thơ đặc biệt quan trọng không chỉ của đời văn Nguyễn Quang Thiều mà còn lan tỏa, vang xa, ảnh hưởng đến nhiều người làm thơ trẻ khác. Trường hợp Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thiều và Bảo Ninh có vẻ đúng như nhận định của Inrasara: sáng tạo đỉnh cao ở độ tuổi ba mươi.

2.Nhưng tài năng thì không chờ tuổi tác. Hơn 20 tuổi, Dostoievski đã viết tiểu thuyết “Những kẻ bần hàn”, và 24 tuổi đã nổi tiếng khắp nước Nga. Năm 44 tuổi thì tiểu thuyết “Tội ác và hình phạt” ra đời xác định vững chắc vị trí của ông trên văn đàn nhân loại. Nhưng phải chờ đến 15 năm sau thì “Anh em nhà Karamazov” mới đưa ông đến đỉnh cao văn chương mọi thời đại. Vậy là, dù nổi tiếng khi còn rất trẻ và “thiên tài không đợi tuổi”, nhưng cũng phải chờ đến độ tuổi 40 và 50 thì Dostoievski mới đến độ chín của tư tưởng và nghệ thuật sau khi đã dấn thân ở trường học trường đời. Ấy là Dostoievski bị những năm tháng đói nghèo bủa vây từ ấu thơ. Cái môi trường sống ở khu phố nghèo có trại thương điên, có cô nhi viện, có nghĩa địa tội nhân, cùng với ám ảnh những cơn ho thắt ruột của bà mẹ mang bệnh lao phổi, mới đến tuổi vị thành niên đã mồ côi mẹ, vài năm sau cha chết, bị bốn năm tù khổ sai ở Siberia, cuộc đời bị đẩy đến đường cùng là chuỗi ngày u uất và cờ bạc, nợ nần… thì thử hỏi trên thế gian này có mấy nhà văn bị xã hội “ruồng rẫy”, giày vò nghiệt ngã đến như vậy, để viết nên những trang văn “Tội ác và hình phạt”, “Anh em nhà Karamazov”, “Lũ người quỷ ám”… bất hủ.

Ở Việt Nam, nhà văn Nguyên Hồng năm 18 tuổi viết truyện ngắn “Linh hồn” in trên tờ Tiểu thuyết thứ 7; năm 19 tuổi viết tiểu thuyết “Bỉ vỏ” với Năm Sài Gòn, Tám Bính…, những người dưới đáy xã hội, làm chấn động văn đàn. Còn Vũ Trọng Phụng thì năm 18 tuổi cũng có truyện ngắn đầu tay“Chống nạng lên đường” in trên tờ Ngọ Báo. Năm 24 tuổi đã rất nổi tiếng, và bốn năm cuối đời ở tuổi chưa đến 30, ông đã in bốn tiểu thuyết: “Giông tố”,“Số đỏ”,“Vỡ đê” va “Làm đĩ” rất nổi tiếng. Ông chỉ viết trong khoảng 10 năm và trước khi mất đã kịp hoàn thành sự nghiệp văn chương mà ai cũng ước ao ở cái tuổi 27 còn rất trẻ.

Các nhà thơ tuổi sáng tạo còn sớm hơn. Nhà thơ Tố Hữu mới 17 tuổi đã in tập thơ “Từ ấy”, nhà thơ Chế Lan Viên in tập thơ đầu tay “Điêu tàn” cũng ở cái tuổi trẻ măng 17. Nhà thơ Huy Cận có muộn hơn một chút, in “Lửa thiêng” năm 21 tuổi, còn Xuân Diệu in “Thơ thơ” chậm hơn nữa nhưng vẫn ở tuổi 22… Bây giờ, điều kiện xuất bản không quá khó, nhiều nhà văn nhà thơ in tác phẩm đầu tay ở tuổi còn trẻ hơn nữa. Nhưng, các tác phẩm ấy có trở thành tác phẩm quan trọng của đời văn như các nhà văn nhà thơ tiền chiến hay không thì vẫn còn là dấu hỏi chưa lời đáp.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa được dư luận coi là thần đồng thơ Việt Nam. Chỉ mới 6 tuổi ông đã ứng khẩu thành thơ, 8 tuổi đã in thơ trên báo Thiếu niên tiền phong, 10 tuổi đã in tập thơ đầu tay “Từ góc sân nhà em”, sau đó là “Góc sân và khoảng trời”, “Hạt gạo làng ta” đã đưa Trần Đăng Khoa ra khỏi lũy tre làng đến mọi miền đất nước, vượt ra cả ngoài biên giới Việt Nam. Sau này, càng trưởng thành Trần Đăng Khoa càng thấu đáo lẽ sống, lọc lõi nhìn đời, thơ càng sâu sắc, triết lý, nhưng những “Góc sân và khoảng trời”, “Hạt gạo làng ta” ở tuổi thiếu thời vẫn làm nên tác phẩm quan trọng nhất của ông và đi cùng năm tháng.

Lại có những nhà văn, tác phẩm đỉnh cao sáng tạo ở độ tuổi 60. Nhà văn Ma Văn Kháng năm 46 tuổi đã vang danh với “Mùa lá rụng trong vườn”, tưởng là tiểu thuyết này đã là đỉnh cao, nhưng ông càng viết càng hay. Ở tuổi 60 - 70, ông viết nhiều truyện ngắn như “Cỏ dại”, “Bà ngoại”, “San cha chải”… và các tiểu thuyết: “Một mình một ngựa”, “Gặp gỡ La Pán Tẩn”… được dư luận đánh giá cao. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh lúc 67 tuổi in tiểu thuyết “Hồ Quý Ly”, 73 tuổi in tiểu thuyết “Mẫu thượng ngàn”, 78 tuổi in tiểu thuyết “Đội gạo lên chùa”. Cả ba tiểu thuyết này cùng với “Chuyện ngõ nghèo”, “Miền hoang tưởng” đều là tác phẩm quan trọng nhất đời văn của ông. Nhà văn Ma Văn Kháng và nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là hiện tượng “Gừng càng già càng cay”.

Xét đến cùng, tác phẩm đỉnh cao của nhà văn xuất hiện ở độ tuổi 30-50 cũng chỉ là ước đoán, bởi không thiếu nhà văn nhà thơ tuổi còn rất trẻ và có những tác giả đã sang bên kia đỉnh dốc cuộc đời vẫn sáng tạo tác phẩm quan trọng nhất của đời văn.

Sương Nguyệt Minh
.
.