Tự sự về chiến tranh - nhìn từ một số tác phẩm viết cho thiếu nhi

Thứ Hai, 17/02/2025, 08:00

Chiến tranh với những đau thương, mất mát đã lùi xa gần nửa thế kỉ. Văn học thiếu nhi Việt Nam đương đại từng bước vươn mình ra khu vực và thế giới dường như vắng bóng những tác phẩm viết về chiến tranh. Dù vậy, không thể phủ nhận, cuộc chiến hôm qua, với những vết thương có thể đã lành trên cơ thể đất nước, nhưng soi chiếu lại những tác phẩm viết về chiến tranh của văn học thiếu nhi trong quá khứ vẫn là một việc làm cần thiết và mang nhiều ý nghĩa.

Những tự sự đa sắc về chiến tranh trong văn học thiếu nhi

Nhìn lại một số tự sự về chiến tranh của các nhà văn như Tô Hoài, Đoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng, Xuân Sách, Phùng Quán, Nguyễn Thi... có thể thấy, chiến tranh nhìn qua đôi mắt trẻ thơ được trình hiện theo cách riêng, độc đáo. Cái nhìn phân cực, định tuyến là khó tránh, song điểm nổi bật được khắc họa qua những trang viết này là vẻ đẹp của tâm hồn trẻ thơ sáng trong giữa bom rơi, lửa đạn, giữa hiện thực khốc liệt và đe dọa hủy diệt trong mỗi phút giây của hiện thực đời thường. Đọc lại những tự sự về chiến tranh trong văn học thiếu nhi từ điểm nhìn của hòa bình và phát triển có thể giúp trẻ em hôm nay hiểu thêm về đất nước, về lịch sử cha ông cũng như có được những trải nghiệm chiến tranh sống động qua văn học, thêm vững vàng hơn trong những bước đi tới tương lai.

Tự sự về chiến tranh -  nhìn từ một số tác phẩm viết cho thiếu nhi -0
Một số tác phẩm viết về chiến tranh trong văn học thiếu nhi Việt Nam.

Chiến tranh là một hiện thực khốc liệt và đau thương đã phủ bóng lên phần lớn những tác phẩm viết cho thiếu nhi từ năm 1945 đến gần cuối thế kỉ XX. Có thể thấy, mỗi nhà văn lại mang đến một khám phá riêng độc đáo khi viết về chiến tranh và trẻ em thời chiến. Nhà văn Phùng Quán trăn trở về việc tuổi thơ của trẻ em không còn trong mát, vẹn lành, thay vào đó là một "tuổi thơ dữ dội" trong bom rơi, đạn lửa, thấm đẫm mất mát, hy sinh qua bộ tiểu thuyết "Tuổi thơ dữ dội" (NXB Thuận Hóa, 1988). Bộ tiểu thuyết tập trung khắc họa cuộc sống của những thiếu niên mười ba, mười bốn tuổi trong đội thiếu niên trinh sát của trung đoàn Trần Cao Vân.

Đi sâu khám phá tâm hồn trẻ thơ, nhà văn nhận ra con đường đến với Cách mạng của trẻ em đôi khi giản dị và trong sáng vô ngần như Mừng tham gia Vệ quốc đoàn vì muốn tìm lá tầm gửi làm thuốc chữa bệnh cho mẹ. Chính tình thương mẹ đã dẫn lối cậu bé nhỏ tuổi tham gia hoạt động Cách mạng. Tư dát tham gia Vệ quốc đoàn vì gặp các anh Vệ quốc quân đang hát "Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu", tiếng hát nhiệt huyết của các anh đánh thức trong cậu bé mới lớn nhiều khát vọng, cậu trốn lên tàu theo đoàn quân Nam tiến từ đó. Mỗi thiếu niên, một số phận, một tính cách, một xuất phát điểm riêng, những lí do đến với Cách mạng cũng không giống nhau nhưng đều có chung niềm tin sáng trong, đẹp đẽ vào lí tưởng Cách mạng. Và đã gia nhập Vệ quốc đoàn, hầu hết các em đều hết lòng vì nhiệm vụ và nhiều em đã hy sinh như những anh hùng.

Nhà văn Tô Hoài có một tập sách lấy tên: "Tuổi nhỏ chí cao" viết về những thiếu niên anh dũng trong cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc. Trong tập sách này, nhà văn kể về những gương sáng thiếu nhi có tên như các truyện: Em Trần Thị Thanh; Đặng Thị Phẳng, thiếu nhi tích cực; Anh Đỗ Hữu Minh; Anh Đào Viết Thư… Hay những nhân vật được gọi tên qua công việc, quê hương, vùng đất, qua tập thể của các em như: Em bán chuối; Anh hùng tí hon huyện Yên Lạc; Đội thiếu nhi ở Kiến An; Những trẻ bán báo ở Sài Gòn; Em bé huyện Lệ Thủy, … Tập truyện của Tô Hoài đã thể hiện quan niệm "Trẻ em không hề nhỏ bé như tuổi tác và sức vóc mà các em hiện có. Ẩn sâu trong những nhân vật trẻ thơ là ý chí, khát vọng được chung sức với cha anh vào công cuộc giải phóng đất nước và dân tộc".

Ngoài ra, Tô Hoài còn có các truyện dài "Vừ A Dính", "Kim Đồng" và "Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ" viết về tuổi trẻ anh hùng ở những tỉnh miền núi phía Bắc. Vừ A Dính là một thiếu niên dân tộc Mông, quê ở Pú Nhung, tỉnh Lai Châu; Kim Đồng, người dân tộc Nùng, quê ở Nà Mạ, tỉnh Cao Bằng; Hoàng Văn Thụ là người dân tộc Tày, quê ở thôn Phạc Lạn, tỉnh Lạng Sơn. Ba nhân vật nói trên đã mở ra trường nhìn rộng và sâu hơn về tuổi nhỏ chí lớn trên khắp mọi miền đất nước, đặc biệt từ miền núi đến miền xuôi.

Ngoài những tự sự nêu trên còn có thể kể đến: "Đội thiếu niên du kích Đình Bảng" của Xuân Sách (NXB Kim Đồng, 1966), đã tái hiện hình ảnh những "anh hùng nhỏ tuổi" làng Đình Bảng trong kháng chiến chống Mỹ của đất nước. Soi vào những tác phẩm này có thể thấy hình ảnh người anh hùng Trần Quốc Toản được nhà văn Nguyễn Huy Tưởng tái dựng qua tự sự "Lá cờ thêu sáu chữ vàng" (NXB Kim Đồng, 1960). Nhìn chung, mỗi nhà văn đều mang đến những góc nhìn riêng, độc đáo về hình tượng trẻ em trong chiến tranh, cách thức mà trẻ em lựa chọn đối mặt với tình thế khắc nghiệt chung của quê hương, đất nước và dân tộc.

Chiến tranh từ góc nhìn hủy diệt tự nhiên và sự sống con người

Những tự sự đã phân tích ở trên cũng như nhiều tự sự khác về chiến tranh đều cho thấy sự hủy diệt tàn khốc của chiến tranh với sinh mạng trẻ em cũng như môi trường sinh thái của con người. Những truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết viết về chiến tranh, dù được nhìn từ lăng kính trẻ thơ đều khắc họa hiện thực đau thương mà mỗi nhân vật trẻ em phải đối mặt như một tất yếu không thể khác của lịch sử. Cái nhìn nhân văn của những tự sự này thể hiện ở chỗ: dù phải đối mặt với tình thế ấy, các nhân vật trẻ em không vì thế mà mất đi vẻ đẹp trong sáng, hồn hậu và thiện tính, vốn là những vẻ đẹp quý giá của trẻ thơ.

Những nốt trầm bi tráng trong các tự sự về trẻ em thời chiến có thể thấy qua sự hy sinh anh dũng của các cậu bé như Mừng, Vịnh sưa (truyện "Tuổi thơ dữ dội"); Kim Đồng (truyện "Kim Đồng"), Vừ A Dính (truyện "Vừ A Dính") và nhiều nhân vật trẻ em khác. Đặc biệt, sự hy sinh của nhân vật thiếu nhi người Mông tên Vừ A Dính tuy dữ dội và gai góc nhưng được nhà văn Tô Hoài đặt trong khung cảnh nên thơ của rừng đào mùa xuân. Cái chết của Vừ A Dính đã tác động mãnh liệt tới những người lính ngụy chứng kiến, đêm hôm ấy, hơn mười người lính đã bỏ trốn khiến cuộc càn quét lên Pú Nhung của giặc Pháp phải bỏ dở. Sự hy sinh anh dũng của Vừ A Dính còn in dấu trong những truyện kể ở Pú Nhung tới mãi sau này.

Bên cạnh đó, các tác phẩm viết cho thiếu nhi cũng tái hiện sức mạnh hủy diệt của bom đạn chiến tranh lên môi trường sinh thái của con người. Khắp nơi từ thành phố tới làng quê, từ chốn phồn hoa đô hội tới những thôn ổ xa xôi hay vùng núi cao hoặc rừng thiêng nước độc đều không tránh khỏi sự tàn phá nặng nề của sức mạnh hỏa lực và chất độc hóa học. Nhân vật An, cậu bé lạc cha mẹ trên đường tản cư ("Đất rừng phương Nam" - Đoàn Giỏi, NXB Kim Đồng, 2020) bàng hoàng nhận ra: "Tất cả những nơi mắt tôi nhìn thấy, chân tôi bước qua đều đã mất đi sự bình yên phẳng lặng của nó, không khí chiến tranh đã tràn về các thôn ổ xa xôi nhất…" (tr. 101). Bom đạn cũng không tha những cánh rừng U Minh hoang dã, giặc đốt rừng và khi lửa tắt An nhận ra "Chung quanh tôi, đen hắc một màu cây cối đã cháy thành than. Những con rùa, con cần đước bò qua trảng cỏ trốn chạy vào nước không kịp, bị lửa đốt cháy còn trơ lại những cái mai như nồi úp đất lổm ngổm trên tro tàn" (tr. 191). Mọi sinh vật trên cạn, dưới nước, động vật, thực vật, to nhỏ, lớn bé… không trừ bất cứ loại nào đều trở thành mồi cho ngọn lửa. Rừng già hàng trăm năm, với sức sống mãnh liệt, dồi dào đã "chết" từng góc không thể phục hồi chỉ trong một thời khắc của chiến tranh.  Ngọn lửa chiến tranh "bị" soi vào đôi mắt trong sáng của trẻ thơ đã hiện lên tất cả sự vô lý, phi nhân và bạo tàn khi giáng xuống cánh rừng vô tội.

Qua đôi mắt của nhân vật Bé ("Người mẹ cầm súng" - rút từ "Nguyễn Thi: truyện và ký", NXB Văn học, 1974) người đọc nhận ra chiến tranh đã xáo trộn những gì bình thường nhất, bầu trời giờ "đục màu khói thuốc", cây dừa trước nhà con Bé thân "sần sùi những vết đạn ngang dọc của thằng Tây" (tr. 176), gió thổi từ Sông Hậu vào Tam Ngãi có "mùi cá muối lẫn với mùi bom na-pan" (tr. 186). Sự hủy diệt của chiến tranh cũng hiện ra qua hình ảnh "Bom đạn giặc đã xóa đi tất cả. Bây giờ, trong tàn rụi đó, chỉ còn thấy nóc gác chuông nhà thờ Bà Mi nhọn hoắt như một lưỡi dao lấp lóa trong nắng bên cạnh cái bóng chuồng cu đen đúa của đồn dân vệ" (tr. 184).

Có thể nói, từ góc nhìn trẻ thơ, những tự sự về chiến tranh trong văn học thiếu nhi đã trình hiện sức mạnh phá hủy môi trường tự nhiên cũng như tận diệt đời sống con người như một thực tế không thể khác của lịch sử, từ đó chất vấn về những phi lý, phi nhân mà chiến tranh gây ra cho đời sống con người.

Nhưng cũng góc nhìn trẻ thơ, những tự sự này lại góp phần khẳng định, sức mạnh của cuộc Cách mạng giải phóng đất nước không chỉ thuộc về những người ra trận mà còn thuộc về tất cả những con người bình thường trong đó có sự đóng góp không nhỏ của trẻ em. 

Trịnh Đặng Nguyên Hương
.
.