Từ nước tới nước
Người Việt nhưng chắc gì đã hiểu thấu đáo nghĩa của một đôi từ nào đó. Nghe nói một cách thật thà đến thế, cơn cớ sao cô Hai lại mím môi nhăn mày nhíu trán? Chắc không đồng tình chứ gì? Nếu không phải vậy, xin nhoẻn miệng cười cái rụp cho tôi đây an lòng vì chỉ phát ngôn thành thật, chứ nào dám lớn lối gì đâu.
Thí dụ, từ “nước mẹ”. Trong kiệt tác “Số đỏ” - “Cuốn sách ghê gớm có thể làm vinh dự cho mọi nền văn học” (Nguyễn Khải), Vũ Trọng Phụng viết lúc thằng Xuân Tóc Đỏ bị tống vào nhà pha: “Lão thầy số để tráp, chiếu, ô xuống đất rồi ngồi lên tráp để thở hổn hển. Xuân Tóc Đỏ thì còn đứng, hai tay gãi sườn nhìn mọi người một cách trịch thượng, nhìn phòng giam một cách thản nhiên. Nó bĩu mồm nói: “Nước mẹ gì! Bóp với chả bóp! Phòng giam thì bằng cái lỗ mũi! Rõ chả biết xấu! Đề-bô với đề-bô!”.
Lại nữa, hắn còn liến thoắng: “Mà trước kia bị bắt về bóp chính cơ! Một sở Cẩm to, oai, trông rợn tóc gáy, có bảy tám ông Cẩm ria mép to tướng, ngực đặc những mền-đay, ông nào cũng đeo súng lục! Lại có hàng trăm đội xếp dùi khui sơn trắng, cầm những xích to tướng, mà nhà đề-bô thì cửa gióng sắt như chuồng hổ, tinh những muỗi với rệp, giam được hàng vài trăm người! Chứ bị bắt vào cái bóp nhỏ này, phòng giam như cái lỗ mũi giam được có vài người thế này thì... nước mẹ gì!”.
Do thằng Xuân đá cá lăn dưa, đầu đường xó chợ cũng võ vẽ dăm ba tiếng Tây - Tây giả cầy nên mới mượn từ bóp: poste - đồn, trạm, đề-bô: depot - phòng giam; mền-đay: médaille - huy chương. Thôi thì cũng được.
Trong ngữ cảnh này, ta hiểu là nó đánh giá nhà giam đó chỉ thuộc loại hạng bét, hạng chót trong các hạng, chả ra cái quái gì cả. Chưa hết, trong “Giông tố”, có đoạn lúc nghị Hách động phòng: “Nhưng chợt lão ta vỗ vào bụng vợ bốp một cái, kêu to lên: “Thế này thì còn nước mẹ gì nữa!”. Sự thể đã đến nước này thì không còn vớt vát, châm chước được mảy may gì nữa. Chỉ “từ chết đến bị thương”, từ thua đến thua, hết cách, hết thuốc… Do đó, mặc kệ Thị Mịch đang nằm tênh hênh nõn nà thế kia, lão cũng chạy bình bịch xuống cầu thang rồi phóng xe mất hút con mẹ hàng lươn.
Rõ ràng, “nước mẹ” không thể hiểu như tratu.soha.vn giải thích: “(Thông tục) như nước non - chẳng được cái nước mẹ gì!”.
Thử hỏi, tại sao “nước” lại đi chung với “mẹ”? Xin giải thích, nước ở đây hoàn toàn không liên quan gì đến “nước non” gì sất, “nước” là chất lỏng, ngược với “cái” là chất đặc, chẳng hạn, thành ngữ có câu “Khôn ăn cái, dại ăn nước”. Mà, “cái” cũng đồng âm có nghĩa là “mẹ”, “Việt Nam tự điển” (1931) giải thích, thí dụ “Con dại cái mang”. Từ “nước mẹ” xuất hiện là do hoán đổi từ “cái” sang “mẹ”, dùng với nghĩa phủ định mang sắc thái chì chiết, biếm nhẽ.
Nói cách khác, “nước mẹ” là sự kết hợp của cặp từ trái nghĩa “nước cái” - nhằm ám chỉ sự vật/ sự việc nào đó đã đạt đến mức quá lắm, quá thể, không còn gì để nói nữa. Do hoán đổi này, ta ngầm hiểu “nước mẹ” là nói gọn của ngữ cảnh “Hết nước hết cái” mà “Đại từ điển tiếng Việt” giải thích: “Cạn kiệt, hết mức, không còn có thể hơn được nữa”. Qua hoán đổi này, ta có từ mới “nước mẹ”, dù tiếng Việt không có từ “nước cái” nhưng nghĩa vẫn không thay đổi. Cách chơi chữ lắt léo, cắc cớ của tiếng Việt chính là chỗ đó. Không những thế, “nước mẹ” còn có thêm nghĩa khác nữa. Chẳng hạn khi viết về tay phi công mũi tẹt da vàng đã cỡi hạc quy tiên vì bảo vệ nước Pháp, Tú Mỡ viết:
Người Nam Việt, quan ba họ Đỗ
Bước đầu tiên, cưỡi gió, đi mây
Gặp thời đại chiến Âu Tây
Đền ơn nước mẹ bỏ thay sa tràng
Rồi khi viết văn tế tồng tiễn các quan “bảo hộ” mắt xanh mũi lõ cút về nước, ông hạ bút:
Ba hồn bảy vía, ngươi chóng siêu sinh
Biến về nước mẹ, cùng ta dứt tình
“Nước mẹ” này không liên quan gì đến cách nói của thằng Xuân Tóc Đỏ, lão nghị Hách, chỉ là dịch từ Hán-Việt “mẫu quốc”. Có một điều thú vị khi đã dịch sang “nước mẹ” dù không sai nghĩa như nó lại mang sắc thái khác như trêu ngươi, như bông phèng, cười cợt mà không ai bắt bẻ được. Nói tóm lại, nước giữ quyền thống trị nước khác được gọi văn vẻ hoa hòe là mẫu quốc/ nước mẹ; nước này bị nước khác đè đầu cưỡi cổ gọi văn vèo hoa sói là nước bảo hộ.
Một khi nói chung về nước, người ta dùng từ nước nôi. Thời xửa thời xưa mỗi lần theo mẹ ra chợ Cồn (Đà Nẵng), tôi đã nhìn thấy nhiều người bán nước chè xanh. Nước giữ kín trong ấm, tiếng rao lanh lảnh nghe vui tai. Rao thế nào? Không một ai dại dột, điên khùng dùng từ “bán”, phải là: “Đổi nước! Đổi nước đây, quớ quớ bà con con bác, ai kêu tui rứa? Có tui đây nè. Đổi nước đây”. Ngẫm ra, bản thân từ nước do đồng âm với đất nước/ nước nhà/ non sông đất nước nên trong tâm thức người Việt đã là từ vô cùng thiêng liêng. Dám nói rằng, chỉ khi đi vào miền Nam mến yêu của nước Việt, ta mới biết nước đã kết hợp với nhiều từ khác, có thể không phải ai cũng hiểu nghĩa. “Nước lên” là một thí dụ, ta hiểu là nước đang chuyển từ mực thấp lên cao, người địa phương còn gọi “nước lớn”:
Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi
Buôn bán không lời chèo chống mải mê
Thế nhưng khi nước lên ở mức cao nhất, con nước vượt hơn mức bình thường, ngập bờ, ngập đường đi lại. còn gọi “nước rong/ nước rông”. Rông là gì? “Lớn đầy (nói về nước)”, “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) giải thích. Tuy nhiên, “Nước rông lớn quá, lớn hơn những con nước rông khác trong tháng hoặc trong năm đến nỗi ngập vườn tược gọi nước cái”, “Phương ngữ Nam Bộ” của ông Bùi Thanh Kiên giải thích (NXB Hội Nhà văn - 2014, tr. 1014). Cái có nhiều nghĩa, ở đây là hiểu theo nghĩa to, lớn.
Nước rông, nước chảy tràn đồng
Tơ duyên sẵn có, chỉ hồng chưa xe
Rông/ rong cùng nghĩa, còn có thêm từ “rong vát” nghĩa là “Đi khắp chỗ; đi chỗ này, chạy chỗ kia, không yên một chỗ”, “Đại Nam quấc âm tự vị” của Huình Tịnh Paulus Của cho biết: Thông thường nước lên, lên đến một mức nào đó đã bưa rồi, đã đủ rồi ắt nó “án binh bất động”, không lên mà cũng chưa xuống, gọi nước gì? Người ta gọi “nước đứng”, xét ra dễ hiểu vì ngay lập tức ta đã hình dung ra nó không di chuyển. Có câu hát đố cực lắt léo:
Nước không chơn sao kêu nước đứng
Con cá không trèo sao nói cá leo?
Anh mà đáp trúng, em thả chèo đợi anh
Và, người ta còn có từ khác để chỉ trạng thái này, gọi là “nước nhửng”. Nhửng là nước lềnh bềnh, không dâng cũng không rút, đang ở trong giai đoạn chờ giảm dần, giảm bớt. Không những thế, còn có từ tương tự nữa là “nước ương” như ca dao miền Nam có câu:
Nước còn khi chảy khi ương
Gẫm tôi với bậu lươn khươn quá chừng
Câu này thuộc thể tỷ, so sánh trạng thái nước ương không khác gì tình trạng “Do dự, kéo dài, không dứt khoát” - “Từ điển phương ngữ Nam Bộ” (1994) do Nguyễn Văn Ái chủ biên giải thích. Nhưng với người miền Nam, ương lại còn hàm nghĩa ươm, chỉ về việc gieo trồng:
Ăn xoài lấy hột mà ương
Làm thân con gái chớ thương chồng người
Thói đời, đã lên ắt phải xuống, chứ cứ lên hoài, ai chịu trời cho thấu? Tất nhiên, nước cũng thế. Sau đó, nó chuyển qua trạng thái “nước xuống” hay còn gọi “nước giựt”, từ toàn dân ắt là “giật”. Từ chỗ quan sát qua nhiều trạng thái của nước trong giai đoạn này, người miền Nam còn sử dụng vài từ khác tương tự, thí dụ “nước ròng”:
Nước ròng bỏ bãi xa cừ
Mặt em có sẹo, anh trừ đôi bông
Nghe thế, nói nhỏ nghe chơi, chỉ bông lơn đó thôi, nếu nói thẳng ruột ngựa đến thế ắt cô gái đùng đùng tự ái ngay tắp lự, bèn “gài số de” là cái chắc. Mà nước xuống/ nước ròng có nhiều mức độ như ròng cạn/ ròng sát/ ròng rặc/ ròng kiệt. Cạn/ cạn sát, dễ hiểu rồi. Cạn trong ngữ cảnh này là nước ít, không sâu, cạn nhách, cạn xợt, cạn xều không đáng kể. Sát là kề bên nhau khít khịt khìn khin, không gì chen nổi vào giữa.
Cây cao bóng mát ngã sát hàng rào
Xin cho thấy mặt không chào cũng ưng
Từ sát này, có phải dành cho đôi ta lúc mới quen nhau, hả cô Hai? Lại cười mím chi nữa kìa, xinh tệ. Vậy, nói luôn cho nó vuông, mực nước cạn/ sát nhất vào lúc bình minh, trời vừa rạng/ hừng sáng thì gọi “nước sát hừng”, thời điểm này thuận lợi cho bà con nông dân đi xúc tôm, cá… Còn cạn tới mức rặc/ ròng rặc thì sao? Rặc là cạn ráo, nước đã rút sát đáy; ròng kiệt thì kiệt là từ Hán - Việt có nghĩa hết, cạn hết, yếu sức, không còn. Xin đừng quên, với từ kiệt này, ở ngoài miền Trung lại dùng để chỉ đường hẻm, ngõ, chẳng hạn, hò Huế có câu bay bướm:
Thiếp với chàng xưa kia tưởng đi chung một kiệt
Ai hay ông trời phân biệt mỗi đứa mỗi đàng
Chậu ngã đàng chậu, cây đa vàng theo cây
Với giải thích nôm na này, ta ít nhiều đã hiểu “đúng quy trình” vận động của dòng nước ở Nam Bộ. Chỉ cắc cớ hỏi thêm, ngoài các từ vừa nêu, còn có thêm tên gọi gì nữa? Ta hãy đọc đoạn ngắn trong phóng sự “Theo chân ống trúm đi lừa… con lươn” của nhà báo Nguyễn Văn Tiến Hùng viết về nghề đặt trúm lươn: “Trong năm người đặt trúm có thể theo con nước lớn, ròng mà hành nghề suốt năm. Tuy nhiên thu nhập của họ “nổi lên” theo nước ròng, “hạ xuống” khi nước kém và “trúng mánh ở mùa “nước nhảy khỏi bờ”, tức mùa lũ đồng bằng” (Thế giới mới - số 369 ra ngày 3.1.2000, tr. 86).
Ta hiểu “nước nổi” là nước dâng ngập đồng ruộng trong nhiều ngày, còn gọi nước lên, nước lớn, nước lũ, nước nhảy - thời điểm xảy ra, theo kinh nghiệm dân gian: “Tháng Bảy nước nhảy khỏi bờ/ Sắm rớ, sắm đáy đợi chờ làm ăn”; lại còn có câu này, tính theo Âm lịch: “Tháng sáu nước quây, tháng bảy nước nhảy lên bờ, tháng tám nước chan đồng”. Nước thượng nguồn sông Cửu Long từ Campuchia chảy về các tỉnh đầu nguồn ngập lụt hết toàn vùng, gây nên hiện tượng gọi là “nước đổ” - chảy một chiều. Vào mùa nước nổi, đất đai ở miền Nam có phù sa chứa nhiều chất dinh dưỡng cho tôm cá, cây trồng do dòng nước cuốn theo đất mịn, nhiều chất màu, người ta lại có nhiều tên gọi “nước son”, “nước đỏ”, “nước đục”, “nước bạc”; người cuối nguồn làm nghề chài lưới gọi “nước cáu”.
Ở bài báo trên có từ “nước kém”, hiểu ra làm sao? Hiểu thế nào cho đúng? Nói thật, không phải chôn nhau cắn rốn nơi này, tôi không biết. Vì thế, xin cậy lời ông giáo Bùi Thanh Kiên: “Nước kém: (cũng gọi “cuối con nước”). Nước ròng thật lâu và nước cạn tới sát đáy. Trong tháng có hai lần nước kém. Từ mồng 4, nước bắt đầu xuống, đến mồng 10 là nước ròng sát đáy sông rồi sau đó lần lần lớn lên. Nước lớn nhất vào ngày 18, sau đó nước xuống dần tới 23 là ròng sát đáy sông, tới 26 lại bắt đầu lên” (SĐD, tr. 1014). Nói cách khác, nước kém tức là nước sát/ ròng sát. Và khi nước ròng chậm rãi, rút từ từ còn có từ tương tự là “nước rọt” v.v…
Này cô Hai, dám chắc rằng, nếu không đi về miền Nam có thể ta ít nghe và hiểu thấu nghĩa của các từ này, đúng không? Kìa, lại cười ngỏn ngoẻn nữa rồi kìa...