Từ bỏ sinh con vì bão giá và đại dịch

Thứ Hai, 01/08/2022, 14:12

Cơn bão lạm phát trên toàn cầu và những làn sóng COVID liên tục trỗi dậy trong 6 tháng đầu năm 2022 càng khiến nhiều cặp vợ chồng từ bỏ việc có con đầu lòng hoặc sinh thêm.

Thanh Lan, 31 tuổi, là phó phòng tín dụng của một ngân hàng lớn tại Hà Nội, luôn bận rộn từ 7h sáng đến 9h đêm với nhiều chương trình làm việc. Ở tuổi này, bạn bè cô đã lập gia đình, thậm chí nhiều người sinh con thứ ba, nhưng vợ chồng Lan quyết định trì hoãn thêm 4 năm nữa mới sinh con đầu lòng, dù bố mẹ hai bên kịch liệt phản đối điều này.

Lan đang hoàn thành chương trình thạc sĩ, kiêm chủ đại lý ngành hàng bảo hiểm sức khỏe và vé máy bay - công việc sau này cô muốn phát triển riêng khi muốn nhảy việc khỏi ngân hàng. Vợ chồng Lan đặt mốc 35 tuổi mới sinh con vì khi đó cô cũng trả xong số tiền mua nhà và xe ô tô trả góp, đồng thời số tiền tích lũy là 10 tỷ đồng để lập quỹ hưu trí sớm và quỹ học tập cho con mà không phải chịu bất cứ áp lực gì dù kinh tế suy thoái hay đại dịch, thiên tai.

Từ bỏ sinh con vì bão giá và đại dịch -0
Các chuyên gia khuyên cặp vợ chồng nên trả hết các khoản nợ và cân nhắc nếu mua trả góp nhà, hoặc xe trước khi quyết định có con. Ảnh: L.G

“Thú thật, 5 năm trước, tôi dự định sinh con vào năm 2022, vì đây là năm hợp tuổi vợ chồng và tôi cũng dự trù được số tiền tiết kiệm tương đối đầy đủ. Nhưng từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, giá cả leo thang chóng mặt từng ngày như xăng xe, thực phẩm, giáo dục… trong khi thu nhập không tăng, khiến tôi cân nhắc chuyển sinh con sang 2026. Tôi thấy quá bất ổn nếu sinh một đứa trẻ trong thời điểm này”, cô nói và tiết lộ thêm vợ chồng cô vừa hoàn thành xong quá trình đông lạnh trứng để bảo toàn trứng tốt.

Cùng lo ngại về sự bất định của tương lai gây ra bởi lạm phát và bão giá, vợ chồng Hoàng Sơn- Thu Thủy, 29 tuổi, sống tại Tây Hồ cũng hoãn sinh con thứ hai. Theo tính toán của anh Sơn, chi phí cho sinh hoạt, tiêu dùng trong tháng 6 của gia đình anh đã tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. “Chi phí cho đứa lớn 7 tuổi nhà tôi rơi vào khoảng 10-12 triệu một tháng, trong đó học phí 7 triệu, học bơi, vẽ, đàn khoảng 4 triệu, còn lại là tiền ăn uống, giải trí”, anh nói và cho biết thêm hiện vợ chồng anh phải cắt giảm chi tiêu tối đa vì thu nhập không tăng theo mặt bằng giá. “Chúng tôi chỉ thu nhập tầm 30 triệu 1 tháng, trong đó chi phí nuôi 1 đứa con đã chiếm, khoản tiền mua nhà trả góp chưa thanh toán xong, thực tình tôi đành phải hoãn sinh đứa thứ hai vô thời hạn", chị Thủy nói thêm.

Hiện tượng trì hoãn sinh con đã âm thầm diễn ra trong một thập niên gần đây, nhưng kể từ cuối năm ngoái, khi lạm phát bắt đầu bùng phát toàn cầu, xu hướng này càng trở nên mạnh mẽ. Như tại Mỹ, vào năm 2020, tỷ lệ sinh đạt mức thấp nhất mọi thời đại và sự gia tăng nhẹ vào năm 2021 vẫn cho thấy xu hướng giảm sinh trong dài hạn. Lý do thực trạng này được nhiều chuyên gia nhận định là tâm lý bất an về tương lai và lạm phát đánh vào kế hoạch tài chính của người trẻ.

Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa công bố một báo cáo sử dụng dữ liệu năm 2015 ước tính chi phí nuôi dạy trẻ từ sơ sinh đến 17 tuổi trong một gia đình có thu nhập trung bình gồm hai người lớn và hai trẻ em là 233.610 USD. Với lạm phát, con số đó chuyển sang gần 286.000 USD vào năm 2022 (tăng gần 30%). Việc nuôi dạy một đứa trẻ ở Mỹ ngày càng đắt đỏ và nó bắt đầu ngay khi đứa trẻ được sinh ra. Theo Kaiser Family Foundation, chi phí trung bình là hơn 4.500 USD cho mỗi lần sinh con. Sau đó, đến thời kỳ trẻ đi học, một gia đình Mỹ thu nhập trung bình có mẹ đi làm phải trả khoảng 13.000 USD tiền chăm sóc trẻ em mỗi năm cho trẻ em dưới 5 tuổi.

Như vậy, một hộ gia đình có mức lương trung bình sẽ phải dành 17% tổng lương của họ cho việc chăm sóc trẻ em. Chi phí sinh hoạt ở ngày càng tăng trong khi tiền lương vẫn tương đối trì trệ. Sarah Behr, một nhà lập kế hoạch tài chính và là người sáng lập Simply Financial ở San Francisco, cho biết “nếu bạn ngồi xuống và thống kê chi phí sinh con, thì bạn sẽ không bao giờ có con. Đây thực sự là cuộc phiêu lưu quá sức tốn kém”. Nhất là trong bối cảnh nhiều người từ 25-40 tuổi ở Mỹ vẫn đang chật vật trả khoản nợ học phí đại học, mua nhà, tiêu dùng cá nhân, vậy nên khi nào họ còn chưa thấy yên tâm với tài chính, họ sẽ không sinh con, Sarah Behr nói thêm.

Từ bỏ sinh con vì bão giá và đại dịch -0
Làn sóng COVID trỗi dậy khiến nhiều cặp vợ chồng từ bỏ việc có con đầu lòng hoặc sinh thêm. Ảnh: L.G    

Không chỉ tại Mỹ, ở Anh, chi phí tiêu dùng của một hộ gia đình trung bình có hai con tăng 400 bảng một tháng. Theo nghiên cứu từ Đại học Loughborough, chi phí cho các gia đình có hai con đã tăng 13% hàng năm, nhanh hơn tốc độ lạm phát 9% được tìm thấy trong thống kê chính thức - mức cao nhất trong 40 năm qua. Các hộ gia đình ở Anh đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, khi giá cả tăng nhanh hơn đáng kể so với tiền lương, hầu hết phải cắt giảm sức chi tiêu.

Ở Anh, chi phí gửi trẻ (tuổi mẫu giáo) chiếm gần 24% thu nhập của một gia đình có hai bố mẹ. Ở Đức, con số đó là 6,24% và ở Thụy Điển chỉ là 2,62%. Tổng chi phí gửi trẻ trung bình là 936,41 bảng Anh, tương đương với 11,237 bảng Anh mỗi năm, trong khi thu nhập trung bình hàng năm là 23.583 bảng Anh. Tác động của những mức giá cao ngất trời này là rất lớn. Nghiên cứu mới của tổ chức mang thai Then Screwed cho thấy gần 1/5 phụ nữ đã từng phá thai coi chi phí nuôi dạy, chăm sóc trẻ em là lý do chính. Một bà mẹ giấu tên nói: “Tôi cảm thấy thật đau lòng khi tôi phải phá thai vì chúng tôi không đủ khả năng chi trả chi phí chăm sóc con cái. Nếu tôi tiếp tục mang thai đứa con [thứ hai] rất mong muốn, tôi sẽ phải nghỉ việc để chăm sóc chúng. Đó là một sự xáo trộn và nó rất khó chịu. Thật kinh khủng khi tôi và chồng tôi đều là những người có thể kiếm tiền nhưng chúng tôi không thể có đứa con thứ hai”.

Tại Việt Nam, những người như chị Lan, hay anh Hoàng, là thế hệ  Millennials hay còn gọi là thế hệ Y, khái niệm dùng để chỉ những người sinh ra trong khoảng thời gian từ 1980 đến những năm đầu thập niên 2000 (18-35 tuổi). Những người sinh ra trong thế hệ này có quan điểm muốn sinh con ở độ tuổi mà họ đã giàu có hơn và thành công hơn trong nghề nghiệp Một khi tích lũy được của cải, cha mẹ sẽ dễ dàng hơn trong việc chọn trường học tốt nhất cho con cái, lớp học kỹ năng và các hoạt động giải trí - những chi phí phụ trội này không khiến họ mệt mỏi nếu dư dả tài chính. Việc nuôi con trong điều kiện kinh tế sung túc sẽ là bàn đạp để con cái họ chiến thắng ngay từ đầu đường đua, nếu so với các gia đình thu nhập thấp hoặc trung bình. Mặt khác, giá thực phẩm ăn uống cao hơn, chi phí giáo dục tư hoặc công đắt đỏ hơn trở thành lý do chính mà ngày càng nhiều cá nhân chọn trở nên giàu có và sung túc hơn trước khi có kế hoạch sinh con.

Về giải pháp sinh con trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất ổn, nhiều chuyên gia tài chính đưa lời khuyên, đầu tiên, những cặp vợ chồng trẻ nên lên kế hoạch sớm cho việc làm cha mẹ. Đối với hầu hết các bậc cha mẹ tương lai, con cái là ưu tiên trung tâm mà tất cả các quyết định khác về cuộc sống được đưa ra - chuyển nghề nghiệp, lựa chọn nhà ở, nơi sinh sống. Vì những quyết định quan trọng này đều liên quan đến tài chính, nên các cặp đôi cần lập kế hoạch làm cha mẹ càng sớm càng tốt. Ví dụ, bạn nên viết ra các phương án cho những câu hỏi như: Cả hai sẽ có việc làm, hay người vợ sẽ nghỉ việc để chăm sóc đứa trẻ? Chi phí nuôi con trong ba năm đầu tiên sẽ như thế nào để đảm bảo nếu bạn gặp biến cố gì thì cũng không ảnh hưởng?

Thứ hai, các chuyên gia khuyên cặp vợ chồng nên trả hết các khoản nợ và cân nhắc nếu mua trả góp nhà, hoặc xe trước khi quyết định có con. “Một đứa trẻ ra đời sẽ tăng thêm các khoản chi phí, vì thế, bố mẹ nên học cách cắt giảm các khoản tiêu dùng không cần thiết, hoặc các khoản nợ như mua điện thoại mới, xe ô tô mới… vì đây đều là tài sản tiêu sản. Việc thêm gánh nặng những món nợ không đáng có này cần phải cắt bỏ ngay trong bối cảnh kinh tế lạm phát, suy thoái", anh Long, một chuyên gia tư vấn tài chính, nói.

Ngoài ra, mọi gia đình nên chuẩn bị một khoản tiền đủ chi phí sinh hoạt ít nhất từ ba đến sáu tháng trong một tài khoản tiết kiệm cho trường hợp khẩn cấp như gặp các biến cố tai nạn, ốm đau không thể làm việc. Việc tiết kiệm từng nghìn mỗi ngày là hành động quan trọng để xây quỹ khẩn cấp này. 

Minh Đức
.
.