Trực bút sử gia và hư cấu của nhà văn

Thứ Tư, 15/05/2024, 12:53

Lịch sử luôn tồn tại khách quan, không theo ý muốn của người chép sử và tác giả văn học. Sự kiện lịch sử hoặc nhân vật lịch sử thuộc về quá khứ, đã được mặc định; có nghĩa là chất liệu hiện thực hay còn gọi là nguyên mẫu lịch sử hiển nhiên tồn tại.

Phần còn lại là nhà văn có thái độ với chất liệu văn học ấy như thế nào, sử dụng nguyên mẫu lịch sử ấy trong tác phẩm ra sao và để ra thông điệp gì? Nhưng điều tối quan trọng: Sử gia có chân thật với nguyên mẫu lịch sử, thì nhà văn mới có hình tượng nghệ thuật chân thật.

1. Sách sử thực ra là "sách chép lại những việc đã qua", ghi lại những chuyện quá khứ. Theo từ điển Tiếng Việt (do Trung tâm Từ điển học - thuộc Viện Ngôn ngữ soạn) thì: Lịch sử là "quá trình phát sinh, phát triển đã qua, hay đến tiêu vong của một hiện tượng, một sự vật nào đó diễn ra theo thứ tự thời gian".

a.jpg -0
Cùng một nhân vật lịch sử, nhưng qua góc nhìn của mỗi nhà văn cho ra các tác phẩm văn học khác nhau.

Nhưng, trong quá trình thao tác nghề nghiệp, nhà văn đứng trước một nan giải mang tính thử thách: Tính chân giả của cái gọi là "hiện thực lịch sử" dưới ngòi bút của các nhà sử học; hay nói cách khác: Độ tin cậy của nguyên mẫu lịch sử khi đã qua bàn tay "phù thủy" của nhà chép sử.

Tư Mã Thiên luôn cảm thấy nhục nhã vì bị cung hình và mỗi khi nghĩ đến tội bị thiến là mồ hôi vã ra, rất nhiều lần chỉ muốn chết quách đi cho xong đời, nhưng ông phải cố nhịn nhục để sống, để hoàn thành bộ Sử ký.

Thôi Trữ là Tướng quốc quyền nghiêng thiên hạ, giết Tề Trang Công. Quan thái sử nước Tề viết: "Thôi Trữ giết vua của mình là Trang Công". Thôi Trữ yêu cầu phải sửa lại là: "Tề Trang Vương ốm mà chết". Quan thái sử kiên quyết không theo, Thôi Trữ nổi giận giết ngay. Người em lên thay anh vẫn viết: "Thôi Trữ giết vua của mình là Trang Công". Và người em cũng không tránh khỏi số phận như người anh dưới lưỡi gươm của Thôi Trữ. Người em thứ ba tiếp tục vẫn chép như hai người anh, không thêm bớt một chữ. Đến lúc ấy thì Thôi Trữ chùn tay, sợ hãi không dám giết nữa. Câu chuyện về quan thái sử nước Tề là một ví dụ về "chân lý không thuộc về kẻ mạnh" và quyền lực phải chùn tay trước lẽ phải và bản lĩnh, khí phách sử gia trực bút. 

2. Sử dụng nguyên mẫu lịch sử để xây dựng hình tượng nghệ thuật là công việc khó như chơi dao hai lưỡi. Cá tính sáng tạo của nhà văn quyết định hình tượng nghệ thuật thành công hay thất bại. Cá tính sáng tạo của nhà văn trước hết ở tư tưởng, thái độ, cách nhìn sự kiện, nhân vật nguyên mẫu lịch sử.

Chẳng hạn, cũng là nhân vật lịch sử Huyền Trân Công chúa, thì hầu hết các tác phẩm văn học đều ngợi ca bà dám hi sinh bản thân mình để đổi lấy châu Ô châu Lý, mở mang bờ cõi Đại Việt. Tác giả Nguyễn Phương trong bài ca vọng cổ "Tình sử Huyền Trân Công chúa" còn dựng lên cả một cuộc tình bi lệ của Nhập nội hành khiển tả bộc xạ Trần Khắc Chung với nàng. Nhà văn Uông Triều thì lại viết về quyền được sống của phụ nữ, Công chúa Huyền Trân chống lại cả luật tục thiêng liêng để giành quyền được sống. Nguyên mẫu lịch sử Huyền Trân Công chúa sau khi Chế Mân vua Chiêm Thành chết và cuộc đào thoát khỏi giàn thiêu về Đại Việt đã tốn bao nhiêu giấy mực, mỗi sử gia, mỗi nhà văn có một cách nhìn, cách lý giải hiện thực khác nhau.

“Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng, khi Chế Mân chết, Huyền Trân Công chúa bị hỏa thiêu theo chồng, bèn sai Trần Khắc Chung mượn cớ sang viếng tang, sau đó "dùng thuyền nhẹ cướp lấy công chúa đem về, rồi tư thông với công chúa, đi đường biển loanh quanh chậm chạp, lâu ngày mới về đến kinh đô".

Bàn về nguyên mẫu lịch sử này, Sử thần Ngô Sĩ Liên viết:

"Nhân Tông đem con gái gả cho chúa Chiêm Thành là nghĩa làm sao? Nói rằng nhân khi đi chơi đã trót hứa gả, sợ thất tín thì sao không đổi lại lệnh đó có được không? Vua giữ ngôi trời mà Thượng hoàng đã xuất gia rồi, vua đổi lại lệnh đó thì có khó gì, mà lại đem gả cho người xa không phải giống nòi để thực hiện lời hứa trước, rồi sau lại dùng mưu gian trá cướp về, thế thì tín ở đâu?"

Nhà văn có thể tin được Sử gia Ngô Sĩ Liên không?

Không bao giờ người Chiêm hỏa táng phụ nữ đang mang thai, trẻ sơ sinh. Người Bà La môn tin rằng: những người này chết để về với cát bụi nên họ đem… chôn. Còn người trưởng thành sẽ hỏa táng để về với hư không. Công chúa Huyền Trân vừa sinh con nhỏ, vì thế, không có chuyện công chúa sẽ phải lên giàn thiêu theo vua Chế Mân. Trong lịch sử Chiêm Thành có vài hoàng hậu tự nguyện hỏa táng theo vua, nhưng phải được sự đồng ý của hội đồng vương gia và được coi là ân huệ. Nhà văn hóa, nhà thơ Inrasara nói với tôi rằng: "Tục hỏa táng theo chồng còn được chấp nhận khi người vợ tự nguyện với lòng thành kính, yêu thương…". Huyền Trân Công chúa không phải hoàng hậu, bà có đủ các yếu tố để tự nguyện hỏa táng cùng Chế Mân không? Cùng với nhiều lập luận khác như: Trần Khắc Chung là ông quan Nhập nội hành khiển thượng thư tả bộc xạ, có đức có tài được Thượng hoàng Trần Nhân Tông và chính kẻ thù là Ô Mã Nhi khen; Công chúa lại mới đẻ, thuyền nhẹ có thể đi biển dài ngày và thoát được thủy binh Chiêm Thành không?..., người ta cũng phủ nhận chuyện Trần Khắc Chung tư thông với công chúa ở thuyền đi biển.

Những nguyên mẫu lịch sử với những mối quan hệ phức tạp, thật giả rối mù, mà đến các sử gia còn "đá" nhau thì quan điểm, cách nhìn của nhà văn cũng khác nhau là "chuyện thường ngày ở huyện". Thế cho nên, bài ca vọng cổ "Tình sử Huyền Trân Công chúa", hay một số vở kịch khác thì các tác giả lại dựng lên mối tình của Trần Khắc Chung với công chúa, trước khi chia tay đi lấy chồng còn hát những lời li biệt đẫm nước mắt. Trong khi “Đại Việt sử ký toàn thư” thì lại chép Chiêm Thành sai người mang lễ vật cầu hôn "Các quan trong triều đều cho là không nên, duy có Văn túc Vương Đạo Tái chủ trương bàn việc đó. Trần Khắc Chung tán thành, việc bàn mới quyết". Yêu công chúa, mà lại tán thành việc gả công chúa đi xa ngàn dặm lấy Chế Mân ư?

Cũng là cuộc chiến tranh chống quân Nguyên - Mông, nhưng mỗi nhà văn lại có một cách sử dụng chất liệu lịch sử đưa vào tác phẩm một cách khác nhau. Điều đó đồng nghĩa với việc 100 nhà văn viết về triều đại nhà Trần với cuộc chiến tranh chống quân Nguyên - Mông thì sẽ có 100 hình tượng nghệ thuật vương triều Trần với 100 cuộc chiến vệ quốc khác nhau. Tương tự, có bao nhiêu nhà điêu khắc sáng tác nhân vật lịch sử Trần Hưng Đạo thì sẽ có bấy nhiêu tượng Trần Hưng Đạo với các giá trị tư tưởng và nghệ thuật khác nhau. 

3. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã kết thúc gần 50 năm, nhưng dường như cảm xúc sáng tác về đề tài này không bao giờ cạn kiệt. Dưới con mắt nghệ sĩ của giới nhà văn, không chỉ có một cuộc chiến tranh ở Việt Nam có sự tham chiến của quân xâm lược Mỹ mà có nhiều cuộc chiến tranh Việt Nam trong tác phẩm văn học.

Cùng tham gia một trận đánh, một chiến dịch, cùng sống và đối kháng trong cùng một thời gian, một vùng đất; có nghĩa là sẽ có những nguyên mẫu lịch sử tương đối giống nhau. Nhưng, trong ý thức hệ và cách tư duy về bản chất cuộc chiến tranh của một nhà văn mặc áo lính cộng hòa sẽ khác với một nhà văn từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa ra trận cầm súng cầm bút; cách viết lại càng khác nhau.

Nhận thức là quá trình vận động, chọn lọc tiếp nhận, phát triển. Thậm chí, cũng chỉ một nhà văn ấy thôi, 50 năm trước cũng nguyên mẫu chiến tranh ấy được kể và tả trong tác phẩm văn học bằng quan điểm, thái độ của người lính đối kháng; thì bây giờ đủ độ lùi xa, đủ độ lắng xuống…, nhà văn đó sẽ ngẫm nghĩ, miêu tả sự kiện, nhân vật của mình để xây dựng một hình ảnh cuộc chiến tranh Việt Nam khác dưới cái nhìn nhân văn hơn trong tác phẩm văn học. Cũng là nhà văn Khuất Quang Thụy với chiến trường Tây Nguyên và Quảng Trị, 40 năm trước chiến tranh ở tiểu thuyết "Trong cơn gió lốc" dường như nhân vật chỉ có người lính chiến thắng với sức mạnh ào ạt như thác lũ. Thì bây giờ, nguyên mẫu người lính bên kia với những trăn trở, giày vò, đối kháng của cuộc chiến đã trở thành hình tượng văn học nhân văn trong tiểu thuyết "Những bức tường lửa" và "Đối chiến" của ông. 

 Cũng ở phía bên kia, một nhà văn phản chiến sẽ có một cuộc chiến tranh ngược với một nhà văn cầm súng tình nguyện. Và đương nhiên, nhà văn cựu chiến binh Mỹ đã từng có mặt trong đội quân xâm lăng ở miền Nam Việt Nam lại có cái nhìn về cuộc chiến theo cách tư duy của họ khác hẳn với các nhà văn mang sắc phục nhà binh đến chiến hào từ bệ phóng xã hội chủ nghĩa.

Cũng là nguyên mẫu nhân vật Nguyễn Ánh quá phức tạp trong lịch sử, ngay đến các nhà sử học còn đánh giá về ông với những mức độ công - tội khác nhau, giá trị khác nhau. Lịch sử đã lùi quá xa, với những ghi chép sơ sài còn để lại thì sự chân thật của nguyên mẫu lịch sử luôn là thách thức nhà văn. Có bao nhiêu nhà văn viết về nguyên mẫu nhân vật lịch sử Nguyễn Ánh thì sẽ có bấy nhiêu chân dung Nguyễn Ánh trong văn học với những nét mờ - đậm, thật - ảo khác nhau.

Nhà văn với cá tính sáng tạo khác nhau thì sẽ cho ra tác phẩm khác nhau. Không có chân lý duy nhất trong sáng tạo văn học với đề tài lịch sử.

Sương Nguyệt Minh
.
.