Trông Xuân, nhớ những đinh đào

Thứ Năm, 26/01/2023, 10:01

Đào Mông Tự. Cái tên kiêu ngầm ấy là của một giống đào, những năm 90 đổ về trước. Giờ giống hoa tuy ít nhiều thoái hóa giống cũng như lối chơi nhưng vẫn còn đó. Chỉ tiếc giờ gần như không ai gọi giống đào sang trọng một thuở ấy là đào Mông Tự nữa. Nói đến chơi hoa trên đất Thăng Long - Hà Nội, không thể bỏ qua hoa đào.

Người Hà Nội xưa và nay, ngày Tết đều thích chơi đào và dù có chơi các loài hoa khác thì trong phòng khách vẫn phải có đào. Về vẻ ngoài, cành đào hay cây đào thế là biểu trưng cho mùa xuân vì có lá, nụ, hoa và cả quả non. Trong tranh dân gian, bộ tranh Tứ bình vẽ bốn loài hoa trong năm, và hoa đào đại diện cho mùa xuân.

mua-xuan-2.jpg -0

Thú chơi hoa đào ngày Tết xuất phát từ nghi thức tâm linh. Bày cành đào trong nhà là để trừ ma quỷ. Chuyện rằng, xưa ở phía Đông núi Sóc có một cây hoa đào lâu đời, to lớn khác thường, bóng râm che phủ cả một vùng rộng. Có hai vị thần là Thần Trà và Uất Lũy đầy quyền uy trú ngụ ở đó che chở cho dân chúng khắp vùng.

Thế nên ma quỷ không dám bén mảng, chỉ nhìn thấy hoa đào là chúng bỏ chạy. Nhưng cũng như các vị thần khác dưới trần, cuối năm hai vị này cũng phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Hai vị thần đi vắng, ma quỷ lại đến quấy nhiễu. Vì thế để ma quỷ khỏi quấy phá vào dịp Tết, dân chúng đã bẻ cành hoa đào cắm trong nhà. Ai không bẻ được thì lấy giấy hồng điều vẽ hình hai thần dán trước cửa để xua ma quỷ.

Ven hồ Tây có một ngôi miếu nhỏ nằm lẫn trong một hàng dâu cổ thụ. Không biết trong miếu có thờ ai, nhưng tương truyền nơi ấy là nơi các công chúa đất Thăng Long năng lui tới huấn thúc nghề canh cửi cho triều đình, trong đó có Ngọc Hân công chúa. Và Anh hùng áo vải Quang Trung sau khi đập tan quân Thanh ngày 5 Tết Kỷ Dậu năm đó đã cho ăn tết lại. Người lại cho trung thần phi ngựa mang cành đào vào Phú Xuân như món quà tết và cũng là báo tin chiến thắng cho vợ yêu là Ngọc Hân, người con gái Thăng Long.

Chắc hẳn cành đào năm ấy được đón từ dinh đào cổ này. Sau, ngôi miếu và hàng dâu cổ còn lại từ thuở đó lại nằm giữa làng đào Yên Phụ, Nhật Tân. Người của những dinh đào cổ vẫn ngầm tự hào về những trang huyền sử ấy lắm, và để biết hoa đào có ý nghĩa như thế nào đối với Thăng Long - Hà Nội.

Chơi đào không chỉ vào dịp Tết mà ngay từ rằm tháng Chạp, nhiều người đã mua đào, chơi đến giáp Tết thì thay cành mới. Ra Giêng, họ mua những nhánh đào mà nụ chưa kịp nở chơi nốt cho kiệt vụ đào. Thú chơi đào ba lần vẫn còn đến ngày nay. Cách chơi đào, mỗi giai đoạn lại trào lên một vài xu hướng, một vài khái niệm thẩm mỹ. Cứ thế mà đầy vơi nỗi niềm người Nhật Tân. Những người lưu giữ lối chơi đào nho nhã xưa ấy cũng dần bạc nhược bởi những xồng xộc đô hội. Đào là khí dương nên chơi đào bích, đào phai, đào thất thốn hay đào bạch thì đều rực khí dương trong nhà.

Ngày trước, Hà Nội chỉ có một dúm người. Dân chơi đào kỹ thường biết mặt biết danh nhau hết. Ấy thường là mấy ông họa sĩ, nhà văn nhà thơ Hà Nội gốc, mấy anh chơi đồ cổ, mấy cụ Nho học, hay mấy chú gốc tư sản cũ. Họ thuộc mặt nhau, thuộc từng nhà "có tay" làm đào và thuộc từng gốc từng cành đào trên dinh đào thuở ấy. Độ rằm tháng Chạp, khi phố xá cuồn cuộn không khí tháng củ mật thì mấy ông ấy lại thủng thẳng đạp xe lên Nhật Tân. Ông thì ghé qua những vườn đào quen mà uống trà với mấy cụ, mấy bác chủ vườn. Ông thì chỉ đạp xe vòng vèo những con ngõ mà nhìn trời, ngắm mưa phùn rắc những hạt lóng lánh buốt lạnh trên những vòm đào mà đoán đẹp xấu mùa đào. Cuối năm mà rét ngọt, sắc hồng của đào bích sẽ thắm hơn, làm ấm thêm ngôi nhà. Và người và người lại gần nhau hơn.

Qua việc chọn đào, người ta cũng gửi gắm mong muốn vào trong đó, ví dụ mong muốn gia đình đoàn tụ người chọn thế Long giao, muốn con cái phương trưởng, người ta chọn cành hình nơm dày nụ sai lộc. Đầu những năm 90, những cành đào thế đúng kiểu cách cũ bắt đầu bị làn sóng biến dị của những "ngũ long chầu nguyệt", "tam đa, tam tài"... ngoằn ngoèo èo uột ăn sổi ở thì. Đào bán dọc bờ đê Yên Phụ hòa với những thịt chó nhà sàn "béo", "chuẩn", "xịn"... Ấy là hệ quả của thời mở cửa.

Người muốn ngắm một cành đào đẹp mà vừa vặn với phòng thờ, phòng khách Hà Nội thì hãy vào ngắm cành đào ban thờ của nhà trồng đào. Đào thế là cành đào có thế đẹp chứ không phải cành, cây đào uốn nắn như bonsai cây thế non bộ. Chơi hoa gắn liền với chơi chậu, đôn, lọ. Dáng cây nào đi với chậu nào, lọ nào, bình nào. Rồi còn màu men, chất men ra sao nữa. Cành đào đẹp nhưng cắm trong lọ mà dáng và men không ăn với màu hoa sẽ trở nên ngô nghê, có khi còn vô duyên nữa ấy. Bởi vậy nên việc cắm một cành đào thôi cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ và công phu.

Thế của cành đào được tạo hình bởi mắt người làm đào. Từng cành đào được người trồng hiểu từ hướng rễ dưới chân, hướng nắng trên đầu mà quyết định mấy năm mới được bán. Và ngần ấy năm, chắc mỗi cành đào chỉ được cắt cành để chỉnh dáng lúc sang xuân. Rồi cứ thở hơi đất trời Nhật Tân mà đẹp.

Chỉ thế thôi mà khi mấy ông sành đào sát tết đến vườn thì đều tìm được những cành ưng ý và giàu biểu cảm nghệ thuật. Tôi hân hạnh được vài năm hầu trà các cụ. Nghe các cụ chuyện trời đất. Hóng các cụ bình phẩm từng cành đào mới hạ từ cây trong vườn xuống sân. Và thích thú nhất là xem các cụ "tung hỏa mù" về những cành đào. Cành đào già tuổi mà đẹp mười phân vẹn mười hiếm vô cùng. Ấy thế là sớm muộn các cụ cũng chí chóe tranh nhau rước cành đào đẹp. Nho nhã, thi ca là cho trôi tuột đi hết. Làng đào sát Tết lại có dăm ba đám cãi nhau to.

Chơi hoa với người Thăng Long không chỉ là chuyện bình thường mà mượn hoa, cây cảnh để nói lên đạo làm người. Nói cách khác, chỉ cần nhìn cách người ta chơi hoa cũng có thể biết nhân phẩm, tiết tháo của người ấy. Trong cách chơi vẫn luôn ngụ cái ý về thế giáo thiên luân. Vậy nên mượn khóm hoa, tảng đá để ký thác những hoài bão cao cả. Mỗi loài hoa có ngôn ngữ riêng, vì thế tùy theo sở thích, nếp nhà và điều kiện kinh tế mà người Thăng Long - Hà Nội tìm một loài hoa phù hợp. Nguyễn Trãi có viết trong "Dư địa chí" về thú chơi hoa đất Thăng Long, rằng không nhất thiết phải là loài hoa độc đáo, đắt tiền mà "phú quý lòng hơn phú quý danh".

Đầu những năm 90, gió mở cửa  vào Việt Nam. Người giàu thì càng giàu hơn, sành sỏi hơn. Vùng đất hoa giữa hồ Tây và sông Hồng được giới giàu và sang săn tìm đất xây chốn ở. Trồng hoa thì bản vốn là làm nông. Người Nhật Tân, Yên Phụ cũng bắt đầu mệt mỏi, muốn nghỉ cuốc, rời đất tìm những việc nhẹ mà dễ sống hơn. Một cơn lũ ống bê tông phủ lên những dinh đào. Dinh đào sắp toàn dinh thự. Những khối đất cổ nhuận đào bị máy xúc xúc đi. Một ngày đến Nhật Tân mà hoảng hốt nhìn những hố móng rộng hoác và sâu hun hút.

Định viết tiếp về các giống đào đẹp trên những dinh đào Nhật Tân. Những đào ta, đào Bích, thất thốn, Bạch đào... Định viết về mùi hương của hoa đào Nhật Tân. Đào Nhật Tân là loài hoa hữu sắc hữu hương, đẹp và thơm sang trọng nữa ấy chứ. Nhưng ngôn ngữ bất lực trước những thứ không nhìn, không nghe, không sờ thấy được.

Tôi nhớ những cây Bạch đào Nhật Tân và cứ cuối năm lại lang thang đi tìm. Dinh đào Nhật Tân cũ có đâu đó dăm cây Bạch đào. Ai đã biết rồi thì làm sao mà quên được hương thơm bạch đào nhỉ?! Hương rất trong và mỏng đến mơ hồ. Gần như rất khó để gặp được làn hương ấy.

Phải những đợt nắng xuân, nắng đông hanh hanh và không mưa. Phải những buổi sẩm tối và bắt đầu sương nhẹ. Đất trồng đào bắt đầu thiu thiu ngủ với nước tưới ngấm sâu. Ấy là nước gánh về từ hồ Tây và canh tiết trời mà tưới. Gia chủ treo ra sân mấy ngọn đèn và bày đồ pha trà với bộ ghế tre dưới tán bạch đào, đón bạn.

Bạn đến và chào khẽ. Trà được pha và rót ra chén. Khói ấm của hương trà bay lên, gọi hương bạch đào thức giấc. Bữa nay, mấy chậu địa lan được đưa ra xa để tôn thứ hương hiếm có kia. Chỉ xin trời đừng gió cho hương thơm ấy đọng lại với lòng người.

Nhiều khi cứ đổ tại đào Nhật Tân hư hao vì bị đô thị hóa. Nhưng người Nhật Tân muốn giữ thì vẫn giữ được. Có điều, giữ cho ai?

Lại đã cận tết rồi. Người yêu lối chơi đào kiểu cũ lại lang thang vòng vèo ngõ ngách làng đào cổ. Mà tìm mà ngóng những khoảng vườn còn sót lại dăm cây của dinh đào ngày trước.

Người đã dừng chân trước một cửa vườn, một thời đã từng mua đào. Bà lão năm xưa từng bán đào cho tôi chạy ra mặt mừng rỡ, tay nắm chặt lấy tay. Bà cụ thốt khẽ trong tiếng nấc: “Anh đã về! Anh đã về!”. Nào đã kịp hiểu ra chuyện gì. Ông con trai trong nhà chạy ra đưa mẹ vào nhà, bảo: “Anh thông cảm, bà cụ nhà tôi lẫn lắm rồi. Bà nghĩ anh là ông cụ nhà tôi đấy!”.

Ôi trời! Đôi mắt bà cụ đã kể bao nhiêu chuyện cũ…

Nhớ lần đầu hẹn nhau ngoài cánh đồng đào, em cố tình không đến. Anh đứng một mình run rẩy trong mưa rét. Em tưởng anh sẽ bỏ cuộc. Nhưng anh đã không.

Nhớ một ngày cuối năm. Em mượn xe anh đi xếp hàng mua hàng tết. Rồi để mất. Thời bao cấp, cả xã hội đói. Em tưởng anh sẽ căm ghét em lắm. Nhưng anh đã không.

Nhớ có lần, em vô tình đầu mày cuối mắt với bạn cũ ngoài chợ hoa Hàng Lược. Em nghĩ anh ghen và đúng là anh ghen thật. Tưởng anh sẽ giết em mất. Nhưng anh đã không.

Nhớ lần em quên dặn anh, đó là ngày ra mắt bố mẹ em. Và anh mặc quần áo lao động từ vườn đào ghé đến. Em tưởng anh sẽ bỏ về. Nhưng anh đã không.

Nhớ có năm em tuốt lá đào lệch ngày. Mất hết vụ đào cả năm cả nhà mình trông đợi. Và cái đói. Em nghĩ rằng anh sẽ bỏ em thôi. Nhưng anh đã không.

Anh đã luôn bao bọc, rộng lượng, trân quý và yêu thương em. Em luôn mong anh xong nghĩa vụ và từ biên giới trở về để bù đắp cho anh tất cả. Em đã chờ đợi. Nhưng anh đã không.

Người nhìn vào trong nhà. Trên ban thờ, một người lính đang mỉm cười thấp thoáng trong khung ảnh, bên cành Bạch đào. Cùng với mùi trầm, người đứng ở ngoài cũng đã thấy lại mùi hương Bạch đào thuở ấy. Và hoa đào vẫn còn đẹp trên những dinh đào cổ. Trời bắt đầu mưa xuân. Có giọt mưa nào bay vào mắt.

Nguyễn Anh Vũ
.
.