Trong âm nhạc không có khái niệm “tuổi già”

Thứ Tư, 29/11/2023, 10:43

Hai đêm diễn của nghệ sĩ Kenny G ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia và Nhà hát Hồ Gươm đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng yêu nhạc.

Điều bất ngờ là ở một đất nước vốn yêu ca khúc và mê liveshow nhưng bị hấp lực bởi tiếng kèn của một nghệ sĩ phương Tây đã ở tuổi U70. Nhưng Kenny G quá đặc biệt hay vì gu thưởng thức âm nhạc của công chúng Việt Nam đã thay đổi? Và rõ ràng sự hấp dẫn của nghệ thuật không phải vì người nghệ sĩ già hay trẻ mà chỉ có hay và dở.

Sức hấp dẫn của một huyền thoại

Nhiều người cho rằng, khán giả Việt vẫn thường nghe nhạc bằng thói quen, bằng ký ức. Họ bỏ tiền ra mua vé nghe những nghệ sĩ họ quen, để có thể hát theo những giai điệu mình thích. Vì thế, nhiều năm nay, nhạc Việt nhập khẩu vẫn chỉ là những cái tên quen thuộc, khi họ đã về già. Đó là những Scopion, Westlife, Charlie Puth, Ronan Keating... và mới đây nhất là nghệ sĩ saxophone Kenny G. Nhưng cũng lạ, bởi từ trước tới nay, người Việt vốn yêu ca khúc và kén nghe nhạc không lời. Thế nhưng hai đêm diễn của Kenny G tại Hà Nội đều kín rạp, với hơn 4.000 khách ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia và 1.000 khán giả ở Nhà hát Hồ Gươm. Vì sao âm nhạc của ông có sức hấp dẫn đến thế để có thể kéo khán giả Việt, trong thời buổi kinh tế khó khăn vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra mua vé đi nghe nhạc?

Trong âm nhạc không có khái niệm “tuổi già” -0

Nhạc sĩ Giáng Son lý giải rằng, có lẽ phần lớn khán giả Việt nghe concert của Kenny G vì giai điệu của ông gắn liền với thế hệ 6X, 7X, 8X, những giai điệu quá đẹp, là những ca khúc được chuyển soạn cho kèn saxophone, dễ nghe, dễ nhớ. Tiếng kèn của ông tình cảm, dịu dàng, lãng mạn, làm cho người nghe bị mê dụ, không thể chỉ nghe một lần.

“Những năm 1994, trong ký túc xá sinh viên, chúng tôi nghe đi nghe lại những bản nhạc của ông, thời đó băng đĩa nhạc khó kiếm lắm, nhưng âm nhạc của ông đã len lỏi vào mọi ngõ ngách tâm hồn người Việt thế hệ đó. Giản dị, trong trẻo và vô cùng đẹp đẽ, thứ âm nhạc mang tới tình yêu, ánh sáng và sự lạc quan. Vì thế, rất nhiều khán giả đi nghe để nhớ lại ký ức của mình, của một bầu trời thanh xuân, tuổi trẻ”, nhạc sĩ Giáng Son chia sẻ.

 Theo nhạc sĩ Giáng Son, âm nhạc của Kenny G không chỉ là ký ức. Đến giờ, khi Kenny G đã 67 tuổi, khán giả vẫn chưa hết ngạc nhiên về sự sáng tạo và tài năng của ông. Ông chơi kèn vẫn “kinh khủng” như thế, ông ngân và chạy những hơi dày, không có dấu hiệu hụt hơi, phô hay chênh, thể hiện đẳng cấp của một nghệ sĩ quốc tế. Không phải tự nhiên mà âm nhạc của ông có thể len lỏi vào tâm trí của nhiều người Việt, một dân tộc vốn yêu ca khúc hơn nhạc không lời.

Âm nhạc của Kenny G có sức hấp dẫn, quyến rũ người nghe với sức phủ sóng toàn cầu của một thứ nhạc jazz gây tranh cãi (nhiều người cho rằng, ông đã “bình dân”, “pop hóa” nhạc Jazz). Nhưng Kenny G không bận tâm đến những chê/khen của giới chuyên môn. Ông chơi nhạc và ông hạnh phúc vì âm nhạc của ông đã chạm đến trái tim của hàng triệu người nghe trên khắp thế giới. 120 phút trong khán phòng Trung tâm Hội nghị Quốc gia, người nghệ sĩ 67 tuổi ấy đã chơi nhạc say mê, nồng nhiệt và đầy xúc cảm. Ở đó không có dấu vết của thời gian. Tiếng kèn của ông vẫn phóng khoáng và đầy quyến rũ. Ông chiêu đãi khán giả bằng một thao tác kỹ thuật hết sức cổ điển, như giữ một nốt nhạc trong vài phút, khoe làn hơi dày, hiếm có của một nghệ sĩ đã 67 tuổi. Trong quá trình đó, người nghệ sĩ vẫn giữ tương tác, kết nối với khán giả thông qua những cái vẫy tay, đập tay giao lưu. Kenny G đã phá vỡ định kiến qua một số bản standard jazz mẫu mực. Ông thể hiện“Havana”, “Cadenza”với sự ngẫu hứng, tung tẩy đặc trưng. Điệu saxophone của ông khi biểu diễn các tiết mục này không còn êm dịu mà lên bổng xuống trầm, biến đổi liên tục các quãng cao độ và trường độ, khuấy động không khí trong khán phòng.  Nhiều màn trình diễn tung tẩy khi kết hợp với bass hay bộ gõ.

Nhạc sĩ Anh Quân cho rằng, Keny G có sức hút toàn cầu chứ không chỉ Việt Nam. Ông là nhạc công có đĩa nhạc bán chạy nhất trong lịch sử. Âm nhạc của ông rất gần gũi, nó hiện diện mọi nơi, từ quán cà phê  đến văn phòng, siêu thị... và rõ ràng, ông là một nghệ sĩ quá tài năng. “Người Việt Nam vốn thích nghe những gì đã quen thuộc, đã trở thành  ký ức, vì thế họ sẵn sàng bỏ tiền ra mua vé đi nghe Kenny G. Điều đó cũng tốt vì không hẳn những gì đã cũ là không có giá trị. Âm nhạc của Kenny G luôn có giá trị.

Và việc đưa những nghệ sĩ như thế đến Việt Nam còn hay hơn nhiều mang những cái mới mà không có giá trị. Chúng ta không thể cho rằng, nhạc cổ điển có lịch sử hàng trăm năm là âm nhạc cũ được vì giá trị của nó trường tồn với thời gian. Điều này cho thấy khán giả Việt đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến âm nhạc, việc họ bỏ tiền ra mua vé sẽ giúp kích hoạt đời sống âm nhạc phát triển trong tương lai”.

Nghệ sĩ phải khổ luyện

Với một màn trình diễn xuyên suốt 120 phút không nghỉ của Kenny G và những cộng sự của ông, cũng tầm U70 cho thấy sức bền và đường trường của những nghệ sĩ quốc tế. Những cộng sự lâu năm của Kenny G: Ron Powell (bộ gõ), Vail Johnson (bass), Robert Damper (piano), Vento Raymond (guitar)… đều chơi nhạc đẳng cấp, hấp dẫn dù solo hay chơi band. Sự tôn vinh nhau và tôn vinh nhạc cụ trong concert của Kenny cho thấy sức sáng tạo và bền bỉ của những nghệ sĩ, dù họ đã bước sang tuổi già. Không có giới hạn bởi tuổi tác, chỉ có âm nhạc và tình yêu. Có thể nói, đêm nhạc của Kenny G không có nghệ sĩ nào vai chính, vai phụ. Mỗi nghệ sĩ đều có một khoảng ánh đèn sân khấu để trình diễn và thể hiện những "ngón nghề" điêu luyện nhất của mình.

Trong âm nhạc không có khái niệm “tuổi già” -0
Các nghệ sĩ tham gia biểu diễn cùng Kenny G cũng đều ở ngưỡng U 70 nhưng vẫn tạo sức hấp hấp dẫn cho đêm nhạc.

Nhưng cũng từ hai đêm nhạc này, có một câu hỏi đặt ra là vì sao nghệ sĩ quốc tế có thể được sống trọn vẹn với âm nhạc đến thế để đi đường dài trên con đường âm nhạc, không có ngăn cách về tuổi tác, về thời gian? Còn nghệ sĩ Việt Nam rất khó khăn và dường như năng lượng sáng tạo chỉ “trổ hoa” ở một thời điểm nào đó mà thôi?

Nhạc sĩ Giáng Son cho rằng, đó là sự khổ luyện, bởi người nghệ sĩ nếu chỉ có tài năng mà không khổ luyện không thể đi đường dài. “Vì sao Kenny G và những cộng sự của ông đã già mà vẫn chơi nhạc hay thế, vì họ được sống trọn vẹn bằng âm nhạc, không phải bon chen, lo cơm áo gạo tiền. Những nghệ sĩ đó sống hoàn toàn bằng nghề. Khi họ được sống với đam mê trọn vẹn, có cát xê tốt, họ không phải lo lắng mà chỉ tập trung chơi nhạc. Còn ở ta, nghệ sĩ phải lo cuộc sống, phải làm việc nọ, việc kia, lo cơm áo gạo tiền để nuôi dưỡng đam mê, cuộc sống của nghệ sĩ khó khăn hơn, ít người sống được bằng nghề nên không toàn tâm toàn ý cho nghệ thuật. Ngoài ra, đó là sự khổ luyện. Các nghệ sĩ như Kenny G phải rèn luyện khủng khiếp mới có được sức bền như thế. Ông chắc chắc phải tập kèn 4-6 tiếng một ngày. Đó là sự lao động bền bỉ để đi đường dài trên hành trình nghệ thuật của các nghệ sĩ quốc tế”.

Nhạc sĩ Anh Quân cho rằng, ở nước ngoài, nghệ sĩ không có khái niệm về tuổi già. Trong quan niệm của văn hóa Á Đông, 40-50 tuổi, nhất là ở lĩnh vực sáng tạo bị coi là đã già hay tự mặc định mình già. Tâm lý này trở thành rào cản, nhất là với nghệ sĩ. Ở Phương Tây họ không bị rào cản đó, nên cứ làm việc thôi. Vì thế, tuổi già, một phần là do văn hóa. Ngoài ra, điều quan trọng là sự khổ luyện mà các nghệ sĩ Việt Nam cần học hỏi. “Sức lao động của họ rất lớn chứ không phải đến ngưỡng là dừng lại. Họ lao động bền bỉ, miệt mài để không ngừng sáng tạo, làm mới mình ở bất kỳ lứa tuổi nào. Như nghệ sĩ Keny G và các cộng sự của ông chắc chắn vẫn luyện tập 4-6 tiếng mỗi người, họ mới có thể  mang đến cho chúng ta những thanh âm quyến rũ, đẹp đến như vậy”. 

Việt Linh
.
.