Trở về sau đại dịch
Đại dịch tạo ra những khủng hoảng sâu sắc với ý niệm được trở về nhà. Và, để thỏa mãn cảm giác này, cái giá đôi khi là rất đắt.
Từ ý niệm ngôi nhà và khủng hoảng di cư
Ngôi nhà nhỏ bé là một trong rất nhiều những phép nghịch hợp của thời đại kỳ lạ ta đang sống. Hàng ngàn người, chủ yếu ở phía Tây Bắc Mỹ, đã xây những ngôi nhà nhỏ, mà họ có thể kéo đi khắp nơi bằng xe kéo. Kể từ khi chúng xuất hiện cách đây vài năm, những ngôi nhà kiểu này đã trở thành cảm hứng cho hàng ngàn người khác chia sẻ thiết kế của họ về những căn nhà mini đầy đủ tiện nghi chỉ có giá 5.000 USD. Nó trở thành một trong những hiện tượng xã hội lan truyền đột biến sau khủng hoảng tài chính 2008, đáng ngạc nhiên và cũng gây sốc nữa.
Các ngôi nhà nhỏ bé này gợi lên tinh thần du mục của những người đang cố làm lại cuộc đời sau thảm họa. Việc phổ biến các căn nhà có thể chất lên xe kéo và không chạm đất này có thể giúp chủ sở hữu của chúng được miễn thuế bất động sản ở các tiểu bang mà chúng không được xem là nhà, chỉ là một phương tiện. Đấy là lý do khiến chúng có giá cả phải chăng và các ông chủ của chúng thường tụ bạ với nhau thành các cộng đồng ngẫu hứng trên đường. Tuy nhiên, với tư cách là chủ của những nơi trú ẩn kỳ quặc này, họ phải tiếp tục di chuyển. Thật khó để cảm thấy bạn có gốc rễ, nếu ngôi nhà của bạn cứ mãi lăn bánh như vậy.
Ngôi nhà nhỏ kiểu này, giờ bắt đầu lan rộng qua các quốc gia châu Á vốn rất coi trọng gia đình và nơi trú ẩn cố định, chỉ là một ví dụ về độ dài quãng đường một người phải đi để tạo ra cảm giác như ở nhà, ngay cả khi họ thiếu thốn mọi thứ cấu thành ý nghĩa của từ này. Đó chỉ là một phần của hội chứng tìm kiếm nơi mình thuộc về ngày càng gia tăng, điều này khiến cho quê hương cũng quan trọng đối với chính trị như ý tưởng về giai cấp hoặc quyền lợi. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện đại, khi cuộc sống được thúc đẩy quá nhanh bởi sự đổi mới và các công nghệ. Trên hết, cuộc cạnh tranh về chỗ ở và việc định xem ai thuộc về đâu - dưới hình thức cuộc khủng hoảng di cư rõ ràng như hiện tại - đang thúc đẩy cuộc tranh luận chính trị trên toàn cầu.
Cuộc khủng hoảng diễn ra ở những nơi được coi là giàu có bậc nhất, như là phần lớn những người có trình độ đại học của thị trường lao động tại Vương quốc Anh sau khủng hoảng tài chính 2008. Khi mức lương không đổi và giá bất động sản thành thị gia tăng chóng mặt, những người trẻ thuộc thế hệ thiên niên kỉ (millennials) phải vật lộn để mua nhà. Họ được gọi chung là “Thế hệ đi thuê” (Generation Rent), đặc biệt là những người lớn lên ở London và phía Đông Nam đất nước, những người cảm thấy mình như bị phản bội vì ngôi nhà thời thơ ấu giờ đã vượt quá tầm với của họ. Sự nổi giận chính đáng của “Thế hệ đi thuê” một phần bắt nguồn từ cuộc tìm kiếm về dây rốn đang bị cản trở sâu sắc của họ: một nơi nào đó mang lại cảm giác là nhà.
Tuy nhiên, quãng thời gian mà thế hệ thiên niên kỉ phải trải qua để định nghĩa lại khái niệm nhà trong họ vẫn nhạt nhòa hơn rất nhiều so với những vấn đề mà người di cư phải đối mặt. Chúng ta đang ở giữa cuộc khủng hoảng di cư với 65 triệu người di cư trên khắp thế giới. Một phong trào thậm chí còn lớn hơn: gần 740 triệu người mỗi năm di chuyển trong lòng chính đất nước của họ, đến các đại đô thị để tìm kiếm cơ hội. Những người này và các thành phố họ chuyển đến, đặc biệt là ở Trung Quốc, sẽ là nơi mà các cuộc đấu tranh tìm nhà sẽ thực sự diễn ra trong vòng nửa thập niên tới.
Cái giá để về
Chí Khang là một kỹ sư đi xuất khẩu lao động, quê Tây Ninh, làm việc ở Nhật Bản hơn 2 năm. Mỗi tháng anh kiếm được tổng cộng hơn 21 “lá” (man, 1 man Nhật) = hơn 2 triệu Việt Nam đồng nhưng sau khi trừ các loại thuế má, điện nước và nhà ở, tiền thực nhận về tay Khang chỉ còn một nửa, khoảng 11,5 man, trừ một số tháng tăng ca rất nhiều được 22 man. Anh gửi về nhà hơn một nửa số đó (7-8 man, khoảng 15 triệu) để lo cho vợ và hai con nhỏ.
Khang đã phải đánh đổi nhiều điều. Trong 2 năm rưỡi, anh làm việc cho 2 công ty, mỗi ngày từ 9h-18 tiếng, tăng ca thì có thể là 9h-22 tiếng. Có những tháng đi qua công ty khách hàng làm, anh dậy đi làm lúc 7h và kết thúc công việc vào 1h sáng: “Tính ra ăn uống, vệ sinh, ngủ nghỉ chỉ khoảng 6 tiếng, tranh thủ thì ngủ được 5 tiếng, không thì chỉ 4 tiếng, cứ đều một tháng như vậy” - Khang nói với An ninh thế giới Cuối tháng. Khang rời Việt Nam khi con anh còn rất nhỏ, bé gái 2 tuổi còn bé trai mới 4 tháng.
Là kỹ sư nên Khang được ở riêng một căn hộ nhỏ gọn gàng cách công ty dăm phút đạp xe, với cái giường nhỏ chỉ vỏn vẹn một người nằm vừa. Nhưng, với anh, đây chưa bao giờ giống một ngôi nhà: “Tôi là người hướng nội, nên hay nhớ nhà lắm”. Mỗi khi “lên cơn” nhớ quê, Khang chẳng biết làm gì khác ngoài đến chỗ đông người đi dạo như công viên, siêu thị hoặc lên các thành phố lớn chơi nguyên ngày rồi về. Nước Nhật đối với anh là một quán trọ khổng lồ: “Thường thì người mới sang sẽ bị soi nhiều trong công việc. Ai mắc lỗi gì, sếp quát ghê lắm. Người tâm lý yếu thường vài tháng chịu không nổi là bỏ. Sau khoảng một năm đến một năm rưỡi thì chuyện này kết thúc, bạn sẽ được chấp nhận như một phần của tập thể”.
Năm ngoái, khi nghe có chuyến bay giải cứu với chi phí từ 30-40 triệu bao gồm cả cách ly ở khu tập trung của Nhà nước, Khang và nhiều bạn bè mừng lắm: “Nhưng, đăng ký hoài không được. Có chị mang thai 5-6 tháng mấy lần đăng ký không được, lên cả sân bay xin người phụ trách nhưng vẫn phải về do quá đông người”.
Đại dịch tạo ra những khủng hoảng sâu sắc với ý niệm về tổ ấm và để thỏa mãn cảm giác này, cái giá đôi khi là rất đắt. Vào đầu tháng 12, trong một tọa đàm về mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế, tiến sĩ Lương Hoài Nam, một người có kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không, cho biết rằng để từ Mỹ trở về Việt Nam, một người bạn của ông đã phải chi trả đến 150 triệu đồng. Các chuyến charter thường có chi phí trung bình dao động 80-100 triệu/người.
Vài tháng trước, Khang cuối cùng cũng tìm được đường về nhà, bằng cách bay đến Campuchia trước rồi mới qua cửa khẩu về Việt Nam. “Mẹo” nhỏ này hiện đã tràn ngập các diễn đàn của người Việt xa xứ, được chia sẻ hàng chục ngàn lần. Với tổng chi phí khoảng gần 40 triệu cộng thêm thời gian cách ly kéo dài gần một tháng rưỡi, cuối cùng Khang đã đặt chân lên đất mẹ. Kể từ khi lên đường với mong muốn đổi đời cho gia đình, đây mới là lần thứ hai Khang về nhà, trong hơn 2 năm rưỡi qua. Nhưng, Khang vẫn còn là người may mắn hơn nhiều người còn kẹt ở xứ người.
Ý tưởng về tổ ấm này đang ngày một nhức nhối hơn khi tết về. Lướt qua các chiến dịch quảng cáo về tết trong rất nhiều năm qua thì “về nhà” là ý niệm cơ bản và trong xã hội hiện đại, nó đã trở thành một phần thưởng vô giá. Dù 365 ngày trong năm, ngày nào con người cũng có thể về nhưng trong các chiến dịch truyền thông, lẫn phim ảnh, và giờ thành một loại quan niệm, thì chúng ta chỉ có thể về nhà sau khi đã đi xa để tìm thấy một hy vọng nào đó nuôi dưỡng nó, chu cấp đầy đủ cho gia đình mình.
Đầu tháng 12, Bộ Ngoại giao đã lên kế hoạch đón người Việt xa xứ về để họ kịp ăn tết. Đây không chỉ là chuyện đi ở và di cư. Đây thực sự là điều gì đó rất quan trọng, một ý tưởng đã trở thành nguồn ý nghĩa sống phổ quát của cộng đồng. Ý tưởng về một ngôi nhà, ám ảnh lẫn sưởi ấm chúng ta, dù đang ở bất cứ đâu đi nữa, nhờ hy vọng rằng mình luôn có một nơi để về, với giá rẻ nhất có thể.