Trở về nhà để khởi đầu lại

Thứ Năm, 12/01/2023, 20:59

Nhà văn Anne Beatty nhìn tấm hình mình cách đây hơn hai thập kỷ, nở một nụ cười trọn vẹn. Cô gái khi ấy mới chỉ ngoài đôi mươi, ấp ủ tham vọng từ bỏ quê hương, chạy tới những chân trời mới để sống một cuộc đời cho chính mình. Khao khát tuổi trẻ bước ra khỏi vòng an toàn và một cá tính liều lĩnh trở thành kho báu lớn nhất của thời thanh xuân tươi đẹp không thể nào quên.

Khát vọng dịch chuyển

“Đó là những ngày điên rồ, xen lẫn hào hứng và lo lắng”, Anne Beatty nhắc lại từng dòng cảm xúc trong chương đầu tiên của cuốn tự truyện. Ở xã hội hiện đại khi con người không ngừng kiếm tìm cơ hội để phát triển, ý tưởng về tương lai của người trẻ tuổi “đâm chồi, nảy lộc” mạnh mẽ nhất bằng cách rời khỏi thị trấn nhỏ và vùng nông thôn để đến các thành phố lớn lập nghiệp đã ăn sâu vào tiềm thức. Nhà xã hội học David Farrugia miêu tả tư duy này bằng bốn chữ “nam châm đô thị”, ám chỉ sức hút mãnh liệt đối với những thế hệ mới bắt đầu cuộc sống tự lập, không còn trẻ con nhưng cũng chưa đủ trải đời để hiểu rõ bản chất hỗn độn của cuộc sống.

1.jpg -0
“Nam châm đô thị” hấp dẫn thế hệ trẻ tràn đầy nhiệt huyết, thúc đẩy họ phá vỡ giới hạn của bản thân theo bản năng.

David Farrugia cho rằng, người trẻ lên thành phố lớn, không chỉ đơn thuần để kiếm tiền, mà còn mở mang, để cho bản thân nhiều khả năng hơn những gì vốn dĩ bó hẹp ở quê nhà. Có thể tham vọng “cắm rễ” nơi đô thị không thành, việc phấn đấu và thử sức hết mình ở môi trường hoàn toàn mới mở ra bước ngoặt quan trọng, giúp những người trẻ không trở thành phần tiếp theo trong bộ phim cuộc đời của cha mẹ họ đã và đang diễn ra ở nông thôn. Bởi lẽ chỉ khi ra ngoài ngắm nhìn thế giới, chúng ta mới có thể có được giới quan của mình. Không tự mình nếm trải, làm sao biết được hương vị ngọt ngào hay cay đắng của cuộc sống đầy những biến động ngoài kia?

Trong “Những ngày ở chốn xa”, Anne Beatty gợi lên nỗi sợ vô hình bao trùm lấy cô gái trẻ vừa tốt nghiệp đại học. Cuộc tranh cãi đầy nước mắt giữa cha và con gái, dù diễn ra cách đây hơn 20 năm, vẫn hằn sâu trong trái tim Anne Beatty. Người cha rất đắc ý về quyết định bắt con gái về nhà, lo chu toàn một công việc tốt từ A đến Z, cùng điều kiện sống “gần nhà, bố mẹ đỡ lo, con chẳng phải mệt” hơn ở bên ngoài một mình rất nhiều. Thế nhưng, Anne Beatty coi những lời cha nói chẳng khác nào “chốn lao tù”, giam giữ tâm hồn cô gái ở nơi mọi thứ quá quen thuộc, cái gì cũng rất tĩnh lặng và chẳng hề đem lại bất cứ cảm hứng nào. Tất cả những gì cô muốn làm, như bao người trẻ tràn đầy nhiệt huyết khác, là sự tự lập để phá vỡ giới hạn của bản thân theo bản năng.

Học giả Rosie Alexander nêu lên một sự thật thú vị: nếu không thay đổi môi trường sống, hay chí ít là thói quen, chúng ta sẽ bị chính những thứ xung quanh lặp lại hàng ngày đồng hóa. Chúng ta sẽ trở nên ì ạch, khép mình, đến mức chẳng còn mong muốn bứt phá, mà đành chấp nhận ở trong vỏ bọc. Ra ngoài ngắm nhìn thế giới, đi tới những thành phố lớn, những vùng tiên tiến, chúng ta sẽ ý thức được sự phong phú của vạn vật, từ đó nâng cấp về mặt nhận thức và năng lực. Chẳng thế mà, Rosie Alexander quan niệm “kiến” (trải nghiệm) quan trọng hơn “tri” (lý thuyết), dù cả hai đều có thể gắn liền với “thức” (nhận biết).

Rosie Alexander đã dành gần 10 năm nghiên cứu cách nhóm người trẻ ở các cộng đồng nông thôn thuộc nhiều quốc gia nghĩ về triển vọng tương lai của họ. Bà nhận thấy ý tưởng rời quê hương phụ thuộc vào các tài nguyên sẵn có, hay “vốn”, bao gồm nguồn tài chính, mạng lưới quan hệ cá nhân và kinh nghiệm di chuyển trước đây. Ngoài ra, cơ hội tiếp cận giáo dục đại học, bối cảnh xã hội và khát vọng cũng ảnh hưởng nhiều đến tương lai mà người trẻ dự tính. Chúng ta có thể thấy các yếu tố này rất rõ ràng trong xu hướng rời quê lên phố của giới trẻ nước Anh khi họ tìm thấy nguồn lực cần thiết để di chuyển dưới hình thức trợ cấp hoặc khoản vay để học đại học, vốn được coi là một truyền thống lâu đời.

Tuy nhiên, liệu bám trụ nơi đô thị có phải là cách tốt nhất trong bối cảnh thành thị hạng nhất không có chỗ để dung thân, còn quê hương yêu dấu thì không có chỗ cho mơ mộng. Bất chấp sự hấp dẫn của việc dịch chuyển, không phải tất cả những người trẻ tuổi đều có thể hoặc muốn rời khỏi quê hương. Trên thực tế, ngày càng nhiều bạn trẻ lựa chọn ở nhà để học tập hoặc trở về quê sau khi tốt nghiệp đại học. Rosie Alexander nhận thấy trong một số trường hợp, lựa chọn hồi hương hóa ra lại cực kỳ sáng suốt, chủ yếu liên quan đến các mối quan hệ, cùng cuộc sống ổn định gần gia đình, bạn đời và người thân.

Những người muốn quay về

Thời gian gần đây, mạng xã hội ngập tràn từ khóa “rời phố hồi hương”, phản ánh trào lưu về quê nuôi cá, trồng thêm rau của thế hệ trẻ thời kỳ mới. Nhiều quan điểm coi người trẻ luôn yêu thích sự nhộn nhịp, nhưng có đến trên 60% cá nhân trong độ tuổi 18-30 muốn có cuộc sống bình dị nơi vùng quê, thay thế cho nhịp sống xô bồ tấp nập chốn thành thị, đơn giản bởi mức sống ở quê có phần thoải mái hơn. Anh chàng Shawn Fields, rệu rã ở tuổi 25 với thời gian biểu căng thẳng, thốt lên đầy cảm thán rằng một gia đình người New York tìm thấy một ngôi nhà to và xinh đẹp ở Berkshires (vùng quê ở Massachusetts, Mỹ) với chi phí chỉ bằng một phần tư chuồng trại ở thành phố của họ mà thôi. Nghe vừa tếu táo, lại có phần chua xót.

Trở về nhà để khởi đầu lại -0
Hiện thực tàn khốc, thành phố giống một khu rừng, đào thải thì nhiều mà chiến thắng ít.

“Rời phố hồi hương” tạo nên hiện tượng phản đô thị hóa, đang tăng tốc ở nhiều nơi trên thế giới. Khi khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ngày càng thu hẹp, cơ hội việc làm ngày càng cân bằng, còn chỉ số hạnh phúc tại vùng quê không hề nhỏ, nhân tài ở các thành phố lớn đã bắt đầu hướng sự quan tâm về quê hương. Khoảng mười năm trước, chúng ta thường nói người trẻ “trốn chạy” khỏi làng xã nghèo đói đến lập nghiệp chốn đô thị hoa lệ. Giờ đây, thế hệ trẻ có quyền tự hào được hồi hương, với ít nhiều kế hoạch táo bạo thay đổi cuộc sống của họ và cả chính nơi chôn nhau cắt rốn, mang hơi thở của đất mẹ, của quê cha đất tổ mà dẫu ở phương trời nào cũng không thay đổi.

Với “Thời đại tiêu dùng”, tác giả Atsushi Miura tin con người đang trải qua các kỷ nguyên tiêu dùng liên tiếp, trong đó xu thế mới nhất đề cao sự chia sẻ và gắn bó giữa con người với nhau. Tư duy định hình ngày càng rõ rệt qua hai năm thế giới chao đảo vì đại dịch, khiến người trẻ nhận ra vật chất không phải là hiện thân cao nhất của hạnh phúc, mà thay vào đó là một cuộc sống tận hưởng niềm vui tinh thần bên gia đình và bạn bè. Họ nhận ra ý nghĩa thực sự của cuộc sống, không đơn thuần chỉ là sống ở thành phố như một cái máy trong guồng quay cơm áo gạo tiền.

Tất nhiên, vẫn tồn tại suy nghĩ hồi hương chẳng khác nào thất bại cá nhân. Ôm giấc mộng thị thành, tưởng chừng mọi thứ đã an bài, cuối cùng mâu thuẫn gay gắt khiến chàng trai Kozuka Mitsuomi quyết định về với gia đình ở miền quê nước Nhật sau 5 năm bôn ba chốn phồn hoa. Chán nản khi gặp thất bại trong con đường sự nghiệp, anh tiếp tục loay hoay trong mâu thuẫn thế hệ với người cha, cũng lời chế giễu của một vài người. Cuối cùng, tình cảm gia đình, sự bao dung và đùm bọc của mọi người đã giúp anh tìm thấy niềm tin, sẵn sàng kế thừa sản nghiệp của gia đình, rồi tìm thấy tình yêu đích thực cho cuộc đời sang trang mới, theo đúng thông điệp bộ phim muốn truyền tải qua dòng tên “Trở về nhà và khởi đầu lại”.

Cuộc sống lý tưởng giờ không còn được quan niệm giống nhau và giống với thứ khuôn mẫu duy nhất trong quá khứ. Không phải mọi người trẻ lên thành phố đều thành công, hiện thực rất tàn khốc, thành phố giống như một khu rừng, đào thải thì nhiều mà chiến thắng ít. Những thập kỷ trước, có lẽ chỉ có một hướng đến duy nhất để người trẻ thực hiện ước mơ của mình, ấy là các thành phố lớn. Sau nhiều năm biến chuyển xã hội và công nghệ, suy nghĩ và môi trường sống của con người giờ thay đổi quá nhiều.

Từ trải nghiệm của bản thân, nhà văn Anne Beatty tin rằng hồi hương thực sự là một lựa chọn tích cực. Nhiều sinh viên các ngành như luật, y khoa và giáo dục có thể thấy quê nhà mang đến cơ hội việc làm phù hợp với nguyện vọng của họ, đồng thời thúc đẩy kết nối cộng đồng. Chương cuối “Những ngày ở chốn xa” khắc họa hành trình trở về quê của Anne Beatty, vẫn trẻ trung, vẫn nhiệt huyết, nhưng quyết định gắn bó với nghề giáo bên cạnh công việc của một nhà văn, truyền tải kinh nghiệm sống dồi dào nơi đô thị, giúp định hướng nghề nghiệp cho thế hệ trẻ nơi làng quê.

Khi cả xã hội dần thay đổi tầm nhìn thì việc hồi hương đối với những người trẻ ở các thành phố lớn không chỉ là hành trình tìm kiếm một cuộc tĩnh tâm. Hồi hương tạo nên bước đột phá về tinh thần, buộc họ thích nghi với cuộc sống khắc nghiệt, đồng thời mở ra một con đường phát triển mới nhiều thử thách tôi luyện bản lĩnh. Bước qua tuổi thanh xuân, giờ đây Anne Beatty hiểu rằng những quyết định tại một thời điểm sẽ không nhất thiết định hình tương lai mãi mãi, chỉ có sự nỗ lực mới giúp con người viết nên những chương đẹp trong cuốn sách cuộc đời qua từng bước đi của chính họ... 

Việt Dũng
.
.