Trăm năm nét cọ vàng son

Thứ Hai, 11/11/2024, 11:25

Những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11 vừa qua, một không gian hội họa đặc biệt tại tầng 1 Aqua Central, 44 Yên Phụ, Hà Nội đã đón con, cháu của cố họa sĩ Lê Quốc Lộc đến không gian trưng bày để ngắm tranh của cha ông mình. Họ tự hào khi được thưởng lãm tuyệt phẩm mà họa sĩ tài danh Lê Quốc Lộc đã dày công sáng tác khi là sinh viên năm cuối khoa Sơn mài khóa 12, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Đó là câu chuyện xúc động trong những ngày diễn ra cuộc trưng bày 168 tác phẩm "Nghệ thuật Việt Nam thế kỷ XX" hướng tới Kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam) do Le Auction House tổ chức.

1. Tại trưng bày "Nghệ thuật Việt Nam thế kỷ XX", tâm điểm dồn vào tác phẩm sơn mài "Phong cảnh Bắc Bộ" của cố họa sĩ Lê Quốc Lộc. Cách thức sáng tác bằng sơn mài trên tủ gỗ hai cánh hoặc bình phong nhiều tấm từng được Lê Quốc Lộc nghiên cứu và thường xuyên thực hành trong suốt khoảng thời gian dài. Một khung cảnh rộng nhìn từ trên cao, xuyên qua cành tre tới thửa ruộng bậc thang là những mái nhà lấp ló giữa những rặng cây, tựa vào thế núi trùng điệp nhấp nhô dưới khung trời vàng. "Phong cảnh làng quê" cũng cho thấy sự tỉ mỉ và tinh tế trong cách họa sĩ xử lý chất liệu.

2.jpg -1
Tác phẩm "Chân dung một người đàn ông" của họa sĩ Nam Sơn - người đồng sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1925.

Không chỉ có tuyệt phẩm của Lê Quốc Lộc, công chúng Hà Nội được chiêm ngưỡng tận mắt những di sản hội họa tiêu biểu của nhiều họa sĩ thành danh tạo dòng chảy hội họa Việt Nam thế kỉ XX. Ngược dòng lịch sử trăm năm trước, sự kiện thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1925 được coi là dấu mốc chuyển mình của lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Họa sĩ người Pháp Victor Tardieu được biết đến là vị hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường này, nhưng không thể không nhắc đến một người Việt Nam có đóng góp vô cùng quan trọng.

Đó là họa sĩ Nam Sơn (1890 - 1973), tên thật là Nguyễn Vạn Thọ được coi là đồng sáng lập trường. Trước đó 2 năm, vào năm 1923, chính Nam Sơn đã có bản thảo "Đề cương mỹ thuật Việt Nam" đề cập đến việc xây dựng một nền mỹ thuật Việt Nam vừa dân tộc vừa hiện đại. Ông viết rằng: "Lập nên một trường đại học để đào tạo lấy nghệ sĩ có tài duy trì lấy nền tảng mỹ thuật của tổ tiên để lại, ngõ hầu cải tạo, sáng tác lấy một nền mỹ thuật Đông Phương có cá tính Việt Nam".

Những thế hệ sinh viên trụ cột của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ngày đầu thành lập đã nỗ lực không ngừng để tạo nên mốc son cho mỹ thuật Việt Nam. Trong đó, bộ tứ lừng danh Phổ - Thứ - Lựu - Đàm đã đóng góp cho nghệ thuật nước nhà những bảng màu riêng và tạo lập nên một bộ tứ huy hoàng trời Âu với sức ảnh hưởng rộng khắp. Lê Phổ là sinh viên khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông và đồng môn chọn góc tiếp cận về đường hướng kỹ thuật nghệ thuật châu Âu để từ đó phát huy bản sắc dân tộc trong hội họa.

Tác phẩm của ông được trưng bày ở Đấu xảo Paris năm 1931, mở ra cơ hội để ông nhận học bổng vào trường mỹ thuật tại Pháp và từ Pháp viễn du khắp trời Âu tìm hiểu nghệ thuật. Trong tranh Lê Phổ, Việt Nam hiện lên qua hình ảnh áo dài, khăn vấn hay mái tóc đen dài giữa một khung cảnh nhiều cây, hoa lá trên hai chất liệu chủ đạo là màu dầu và tranh lụa.

Giống như Lê Phổ, Mai Trung Thứ cũng là sinh viên khóa đầu Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Trong thập niên 1930, Mai Trung Thứ nhiều lần cùng các họa sĩ khác có tranh trưng bày ở nhiều nơi trên thế giới. Ông nổi bật với những bức tranh thể hiện tình yêu quê hương và con người Việt Nam. Ngay cả khi định cư ở Pháp, người xem vẫn tìm thấy bóng dáng Việt Nam trong tranh ông với những thiếu nữ kiều diễm, những thú vui tao nhã như thưởng trà, tản bộ, đám trẻ học bài, nô đùa hoặc tắm mát. Danh họa Lê Phổ đã từng nhận định rằng: "Ít có ai tạo được thế giới sống động làm gợi nhớ quê hương Việt Nam thanh bình với bao ký ức của một tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo như Mai Trung Thứ".

Trong bộ tứ trên, nếu như Vũ Cao Đàm hòa quyện giữa kỹ thuật vẽ truyền thống và tư duy nghệ thuật hiện đại, thì nữ họa sĩ Lê Thị Lựu ấp ôm hồn Việt với nét bút mềm mại, chủ đề đa dạng từ chân dung, phong cảnh, phụ nữ, thiếu nhi. Bà đỗ khóa III Trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1927 và tốt nghiệp thủ khoa vào năm 1932. Trải qua nhiều biến cố cuộc đời, tranh bà để lại cho hậu thế không nhiều, đa phần đều là tranh lụa hoặc sơn dầu.

Theo Le Auction House, thật thú vị khi thời gian này không chỉ ở Hà Nội, mà tại Bảo tàng Cernuschi, Pháp cũng diễn ra triển lãm tranh của các danh họa Lê Phổ, Mai Trung Thứ và Vũ Cao Đàm với chủ đề "Những người tiên phong của nghệ thuật hiện đại tại Pháp". Triển lãm trưng bày khoảng 150 tác phẩm nghệ thuật của ba họa sĩ, phản ánh quá trình phát triển nghệ thuật của họ từ ngày đầu tại Trường Mỹ thuật Đông Dương đến thời kỳ cuối cùng của sự nghiệp tại đất nước Pháp. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện, một hành trình khám phá văn hóa và bản sắc của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu.

Đầu thế kỉ XX, Việt Nam còn đón nhiều họa sĩ ngoại quốc thong dong khắp chốn, ghi chép nhiều phong cảnh mang đậm văn hóa Việt như cảnh họp chợ, gánh hàng rong, cảnh lao động ven sông. Trong đó, Alix Aymé là một nữ họa sĩ hiếm hoi người Pháp tới khám phá và gắn bó lâu dài với Việt Nam thông qua con đường nghiên cứu, sáng tác hội họa và giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

2. Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam có một khóa đào tạo đặc biệt được tổ chức ở chiến khu Việt Bắc từ cuối năm 1949 tới đầu năm 1954. Đó là khóa Kháng chiến do Trường Mỹ thuật Kháng chiến đảm nhiệm. Trong số 22 học trò của khóa Kháng chiến do Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng, bộ tứ Lưu Công Nhân, Lê Huy Hòa, Trần Lưu Hậu, Nguyễn Trọng Kiệm tạo thành một vệt vàng son Nhân - Hòa - Hậu - Kiệm. Với tinh thần cống hiến tận tụy cho sự phát triển của mỹ thuật hiện đại nước nhà, cả 4 họa sĩ đều được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

1.jpg -0
Con cháu của cố họa sĩ Lê Quốc Lộc đến ngắm tranh của cha ông tại không gian trưng bày "Nghệ thuật Việt Nam thế kỷ XX".

Lưu Công Nhân ghi lại đời sống nông thôn và con người lao động qua nét bút tinh tế. Lê Huy Hòa phản ánh cuộc sống và khát vọng hòa bình qua những tác phẩm mang tính biểu cảm cao. Trần Lưu Hậu như một luồng gió mới phá vỡ định kiến với những nét bút phóng khoáng, chuyển từ hiện thực sang biểu hiện và trừu tượng. Ông là người yêu vẽ và vẽ tới hơi thở cuối cùng. Ở giai đoạn cuối đời, khi phải ngồi xe lăn ông vẫn vẽ. Tay yếu không còn cầm được bút, ông nhờ con cháu trải toan trên sàn, đổ màu lên và vẽ bằng xe lăn một cách nghiêm túc với thái độ chú tâm tuyệt đối.

Là một trong những học trò xuất thân từ khóa Kháng chiến, Trần Đông Lương là họa sĩ đặc biệt trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Nổi bật với tranh lụa nhưng ông sống khiêm nhường và không mở triển lãm cá nhân. Phong cách của ông mang tính hàn lâm nhưng đầy cảm xúc, với những nét vẽ nhẹ nhàng, tinh tế.

Trần Đông Lương cũng là họa sĩ duy nhất có thể vẽ bằng 2 tay, nhưng đó không phải là khả năng trời cho, mà là nhờ khổ luyện sau biến cố. Năm 1986, Trần Đông Lương bị tai biến, liệt nửa người và phải nằm một chỗ. Sau thời gian dài chữa trị, ông ngồi dậy được nhưng cánh tay phải thì không thể phục hồi. Từ đó ông càng hạn chế giao tiếp, chỉ làm việc tại nhà. Trần Đông Lương vốn là người kiệm lời, trầm tính, không bao giờ than thở về hoàn cảnh. Chẳng ai rõ ông đã vượt qua biến cố lớn trong đời thế nào, để rồi bốn năm sau, trở lại với hội họa, ông vẽ bằng tay trái - cánh tay trước đó chưa một lần cầm cọ. Khi vẽ bằng tay trái, họa sĩ không thể trộn màu và sử dụng những kỹ thuật như khi vẽ bằng tay phải. Bởi thế, ông chuyển sang lối vẽ và bảng màu phù hợp với thể trạng và đem lại những sắc thái riêng có cho tranh lụa Trần Đông Lương.

Từ cái nôi mỹ thuật Đông Dương, bốn tên tuổi lớn của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại là Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng và Bùi Xuân Phái tạo thành bộ tứ Nghiêm - Liên - Sáng - Phái. Các sáng tác của họ tới nay vừa là nguồn tư liệu quý kể chuyện thực về đời sống một thời, vừa biểu đạt những tư tưởng lớn, đột phá của hội họa hiện đại Việt Nam. Nguyễn Tư Nghiêm từng nhiều lần chia sẻ: "Tôi không gắn bó với một nghệ thuật nước ngoài nào cả, tôi chỉ tìm nơi dân tộc và thấy trong dân tộc có nhân loại và hiện đại".

Trưng bày "Nghệ thuật Việt Nam thế kỷ XX" với số lượng tranh trưng bày dày dặn, chất liệu đa dạng, là dịp đặc biệt để công chúng chiêm ngưỡng và tôn vinh những bậc thầy hội họa từ thời kỳ Đông Dương. Qua đó, Le Auction House muốn khơi gợi niềm yêu thích và sự trân trọng đối với di sản nghệ thuật Việt, đồng thời khuyến khích những nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lâu dài. 

Thái Hưng
.
.