Trạm của tình yêu thương
Vấn đề tâm linh không thể tách rời khỏi đời sống con người ở bất cứ quốc gia nào và ở bất cứ thời đại nào. Nhưng, đi tới thế giới tâm linh bằng con đường như thế nào là một câu hỏi lớn. Nếu không, con người sẽ chìm đắm vào bóng tối của sợ hãi, u mê ngay trong chính một xã hội văn minh mà chúng ta đã tạo dựng...
Với chính sách tự do tôn giáo, tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước, với những nhu cầu của đời sống văn hóa tâm linh, trong khoảng mấy chục năm trở lại đây, nhiều chùa chiền, đền miếu, nhà thờ đã được dựng lên. Nhưng, không ít vấn đề của mê tín dị đoan cũng xuất hiện khiến những cơ quan có trách nhiệm và xã hội không khỏi lo lắng, nhất là sau những ồn ào vừa qua về "sợi tóc phật" và tấm bằng tiến sĩ đáng ngờ của một vị tăng lữ...
Trong một lần về thăm quê của một người bạn: làng Phú Lễ, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Hà Nội, tôi nghe nói đến một công trình mang tên "Trạm Tây phương cực lạc" mà người làng Phú Lễ dựng lên. Thực sự, lòng tôi ít nhiều mang cảm giác băn khoăn. Chính thế mà tôi đã tới thăm và tìm hiểu công trình này. Sau chuyến thăm đó, tôi thật sự xúc động và suy nghĩ nhiều về một công trình như thế. Đấy là một công trình tâm linh. Nhưng, đấy cũng là nơi chứa đựng một vẻ đẹp văn hóa Việt thuần khiết và vô cùng sâu sắc. Rất nhiều vẻ đẹp văn hóa của người Việt được kết tụ tại không gian này.
Trạm Tây phương cực lạc là công trình xây dựng từ ý tưởng của một tiến sĩ bạn tôi. Và, vợ chồng anh đã đầu tư kinh phí để xây dựng. Trong những năm qua, có không ít người đã bỏ tiền ra xây chùa và những công trình tâm linh cho quê hương họ. Nhưng, Trạm Tây phương cực lạc là một công trình hoàn toàn khác biệt về cả hình thức và tinh thần của nó.
Trạm Tây phương cực lạc được kiến trúc sư Nguyễn Đình Kiên, kiến trúc sư Nguyễn Đình Khải và đồng nghiệp thiết kế. Đấy là một ngôi nhà với kiến trúc không phải là một ngôi chùa, không phải một đền thờ sơn son thếp vàng, cầu kỳ và diêm dúa một cách "khoe của" như ta thường thấy. Trạm Tây phương cực lạc được xây dựng với kiến trúc hiện đại, ngập tràn ánh sáng, mở ra mọi hướng, là một "ngôi nhà tinh thần" nằm giữa biên giới của cõi dương và cõi âm, đó không phải nơi người sống than khóc về những người đã khuất mà là nơi để người sống và người đã mất trò chuyện với nhau trong tâm tưởng đầy tính nhân văn.
Một ý nghĩa nhân văn cao cả mà tôi thấy trong văn hóa Việt khi biết ở Trạm Tây phương cực lạc, là hoa tươi và hương trầm hiện diện hằng ngày. Người làng Phú Lễ quan niệm: trên mảnh đất của làng được dựng lên đã mấy trăm năm; và trong cách nghĩ, cách nhìn của người Phú Lễ, mấy trăm năm qua có biết bao thế hệ người làng Phú Lễ đã sống, đã cày cấy trên mảnh đất tổ tiên mình, đã dựng lên lịch sử và văn hóa của một ngôi làng trong sự hình thành lịch sử và văn hóa của dân tộc Việt Nam, và họ đã khuất bóng.
Có những con người Phú Lễ tha hương cầu thực và nằm xuống nơi đất khách quê người mãi mãi. Và, nếu tính như vậy thì ngày nào cũng là ngày giỗ của một ai đó là người làng Phú Lễ trong suốt chiều dài lịch sử của làng. Có người mất mà không có người cúng giỗ bởi họ không có con trai nối dõi hoặc lớp hậu thế không còn nhớ ngày cúng giỗ những người thân yêu trong gia đình, dòng họ vì thời gian. Rồi, có người mất mà linh hồn vẫn còn phiêu bạt, những người phụ nữ làng đi lấy chồng thiên hạ. Thuở xưa, có những người phụ nữ lấy chồng xa biền biệt không trở lại làng khi còn sống, rồi những vong hồn lang thang không nơi trú ngụ. Giờ đây, với Trạm Tây phương cực lạc, linh hồn họ có thể trở về trong thương nhớ của người làng.
Lại nhớ, làng tôi cứ vào ngày cuối năm là dựng hai cổng chào. Một cổng chào ở đầu làng để đón người sống trở về quê ăn Tết. Một cổng ở cuối làng để đón linh hồn những người làng đã khuất về với gia đình, hàng xóm. Và, trong ngày ấy, tôi thực sự cảm nhận được linh hồn những người làng đã khuất trở về.
Nghĩ đến đó, tôi bỗng cảm thấy trên cánh đồng lúa sắp đến mùa gặt lan tỏa đầy hương thơm, linh hồn của những người làng Phú Lễ đã khuất đang trở về từ mọi hướng. Với mọi con người mà đặc biệt là người Việt Nam thì không có gì thiêng liêng bằng quê hương bản quán. Chính thế mà những người làng tự nguyện trông coi "Trạm Tây phương cực lạc" ngày ngày dâng hoa quả, bánh trái và hương khói một cách thật giản dị mà trang nghiêm cho mọi linh hồn người làng Phú Lễ đã khuất tìm thấy đường về quê, để được tưởng nhớ, được chia sẻ, được an ủi và được cầu nguyện. Chủ nghĩa nhân văn trong nghĩa cử đó làm tôi vô cùng xúc động và suy nghĩ nhiều về những vẻ đẹp truyền thống trong văn hóa Việt, với một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Đấy là tinh thần sâu thẳm của văn hóa tâm linh, là một vẻ đẹp kỳ lạ làm nên văn hóa Việt truyền thống, đấy là tâm hồn và đức hạnh của dân tộc Việt Nam. Và, tôi nghĩ, đấy chính là "hệ gien" của những giá trị và vẻ đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam. Điều đó chỉ làm cho người sống biết yêu thương, biết mang ơn và sống tốt hơn. Rời bỏ những điều đó thì đời sống cho dù ngập tràn tiền bạc, của cải trên mảnh đất này cũng chỉ là đời sống của loài hoang thú.
Và, tinh thần ấy của làng Phú Lễ làm tôi nhớ tới "Văn tế thập loại chúng sinh" của đại thi hào Nguyễn Du, một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của nhân loại. Tinh thần bao phủ trong tác phẩm này là tình thương yêu vô bờ bến với đồng loại, là sự sưởi ấm mọi linh hồn trên thế gian rộng lớn này, là lời cầu siêu cho mọi sinh linh ở mọi kiếp phận. Và, Trạm Tây phương cực lạc mang tinh thần ấy.
Tôi chưa thấy ở đâu có cờ tang riêng như ở đây. Mỗi khi làng có người mất thì cờ tang được kéo lên nóc tòa nhà của Trạm Tây phương cực lạc. Từ xa, người làng Phú Lễ có thể nhận ra đã có một người làng của họ ra đi và lặng lẽ nguyện cầu cho linh hồn người mất về cõi vĩnh hằng được thanh thản. Cờ tang của làng được treo trong suốt ba ngày để tiễn đưa người đã mất. Điều đó dâng lên tình làng nghĩa xóm của những người Phú Lễ. Trong một thời đại mà khoảng cách của người với người đang trở nên xa cách và nhiều vô cảm thì bằng cách đó, con người đã nghĩ về con người dù chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Khi ta chợt nghĩ tới, nhớ tới một ai đó thì lòng ta chợt thấy lòng mình như mở ra, như có một ngọn lửa sưởi ấm và ta thấy ta đã tử tế lên một chút và cuộc sống này đáng sống như thế nào.
Trong Trạm Tây phương cực lạc, người làng Phú Lễ thờ Phật, thần linh, thổ địa và thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với người Phú Lễ, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vị thánh của dân tộc Việt Nam, người đã mang lại độc lập, tự do cho dân tộc. Những người làng Phú Lễ ngày ngày vẫn đến Trạm Tây phương cực lạc thắp hương cầu xin những điều tốt đẹp cho làng quê của họ, cầu xin bình yên, hạnh phúc cho đất nước. Một người làng Phú Lễ nói với tôi rằng: Ở Trạm Tây phương cực lạc, họ như được gặp tất cả những người làng đã mất từ xưa trở về. Họ có cảm giác người làng họ từ mấy trăm năm nay vẫn đầy đủ, chẳng thiếu vắng ai. Có những người sống đến thắp một nén hương và nói một lời xin lỗi trong tâm khảm với một người đã khuất vì một lần nào đó, khi người ấy còn sống, họ đã lỡ lời hoặc đã nghĩ một điều gì đó chưa phải về người đã khuất.
Nghe vậy, tôi thấy đây cũng là một ngôi trường dạy con người biết sống có đạo lý, tràn ngập tình thương yêu, sự chia sẻ và lòng tha thứ. Đó cũng chính là những điều mà con người đương đại đã và đang đánh mất trong một đời sống quá nhiều thực dụng, ích kỷ và vô cảm. Chính vậy mà tôi gọi Trạm Tây phương cực lạc là Trạm của tình yêu thương con người.