"Tôi nhớ Chủ tịch Fidel Castro"

Thứ Ba, 10/10/2023, 11:27

Ông Nguyễn Đình Bin, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao kiêm Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài từng có nhiều năm học tập và làm việc tại Cuba. Ông có vinh dự là người trực tiếp phiên dịch cho nhiều đoàn cán bộ Việt Nam sang công tác tại Cuba.

Nhân kỷ niệm 50 năm Chủ tịch Fidel Castro tới thăm Việt Nam lần đầu tiên, ông đã chia sẻ với phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng những kỷ niệm với Chủ tịch Fidel Castro và đất nước Cuba.

Đặc cách tốt nghiệp đại học ở Cuba

Những ngày qua, khi tham gia nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm Chủ tịch Fidel Castro tới thăm Việt Nam lần đầu tiên, tôi rất nhớ vị lãnh tụ vĩ đại của Cuba. Tôi nhớ những câu nói, nụ cười và ánh mắt của ông khi nói về Việt Nam, khi tới Việt Nam.

1.jpg -0
Ông Nguyễn Đình Bin (thứ 3 từ trái sang) làm nhiệm vụ phiên dịch cho Chủ tịch Fidel tại Đông Hà, Quảng Trị, ngày 15/9/1973.

Tháng 10/1963, tôi có mặt trong đoàn du học sinh Việt Nam lên đường sang Cuba. Đoàn có 35 người, gồm cả bộ đội thời chống Pháp và học sinh ưu tú mới tốt nghiệp lớp 10 như tôi. Trước đó 2 năm, năm 1961, ta cử đoàn đầu tiên gồm 21 người, chúng tôi là đoàn thứ 2. Chín tháng đầu học tiếng Tây Ban Nha. Ở lớp học tiếng, tôi được đặt cho cái tên Cuba là "Rafael". Tôi dẫn đầu lớp về kết quả học tập sau 9 tháng. Chúng tôi được nêu nguyện vọng ngành học. Có các ngành  để lựa chọn như văn học - nghệ thuật, kiến trúc, nông nghiệp, xây dựng, hóa học. Tôi không thích học văn, mà muốn học kiến trúc. Nhưng Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba yêu cầu những người có kết quả học tập ngôn ngữ tốt nhất phải học văn. Thế là tôi trở thành sinh viên khoa Văn học - Nghệ thuật, Đại học La Habana. Khoa của tôi có sinh viên Việt Nam và 6 nước khác. Trong quá trình học, tôi tiếp tục dẫn đầu.

Thời kỳ đó Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc và đưa quân trực tiếp xâm lược miền Nam. Công tác ngoại giao phát triển. Do mối thiện cảm sâu sắc nên Cuba mời nhiều đoàn Việt Nam sang thăm. Chủ tịch Fidel dành tình cảm đặc biệt cho Việt Nam, hay dành thời gian tiếp đoàn ta. Khi tôi đang học năm thứ nhất, Đại sứ quán đã yêu cầu tôi làm công tác dịch thuật: dịch cho đại sứ, các đoàn Việt Nam sang thăm Cuba. Chính vì vậy tôi đã vinh dự nhiều lần được dịch cho Chủ tịch Fidel và quen biết ông.

Việc được truyền tải những câu nói của Chủ tịch Fidel sang tiếng Việt luôn khiến tôi xúc động.  Đặc biệt, thời khắc đầu tiên tôi dịch câu tuyên bố nổi tiếng của ông: "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình", mãi là một kỷ niệm sâu sắc.

Đó là ngày 2/1/1966, tại quảng trường Cách mạng Jose Marti, thủ đô La Habana, cuộc míttinh khổng lồ gần một triệu người kỷ niệm 7 năm cách mạng Cuba thành công; đồng thời chào mừng đoàn đại biểu các nước Á, Phi, Mỹ Latinh đến Cuba tham dự Hội nghị đoàn kết 3 châu lần thứ nhất và thành lập Tổ chức đoàn kết 3 châu do Cuba và Chủ tịch Fidel giương cờ. Tôi lúc đó đang là sinh viên, được cử đi dịch cho đoàn ta. Trưởng đoàn là ông Trần Danh Tuyên - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Ông Tuyên được bố trí ngồi trên lễ đài, ngay phía sau bục Chủ tịch Fidel phát biểu, còn tôi ngồi bên cạnh ông Tuyên để dịch. Khi Fidel dõng dạc tuyên bố: "…Vì nhân dân Việt Nam, chúng ta sẵn sàng hiến dâng không chỉ đường mà còn cả máu của mình, là thứ còn quý giá hơn rất nhiều so với đường!...", tôi dịch cho ông Tuyên mà sung sướng đến run người. Lời tuyên bố hùng hồn của Fidel đã khiến cả biển người trước mặt vỗ tay và tiếng hô vang dậy: "Việt Nam muôn năm!", "Việt Nam nhất định thắng!".

Ngày 2/9/1966, Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba tổ chức tiệc chiêu đãi nhân dịp quốc khánh. Tôi dịch cho Đại sứ, đã bình tĩnh chuyển tải đầy đủ, trung thành cuộc chuyện trò của Chủ tịch Fidel với Đại sứ. Fidel đã chủ động hỏi tên tôi, tôi trả lời là "Rafael". Từ đó ông luôn gọi tôi một cách thân mật là "Rafa".

Công việc ở Đại sứ quán ngày càng bộn bề. Việc tôi vừa theo học đại học vừa đảm bảo công việc phiên dịch trở nên khó khăn. Một mặt, tôi đang được lựa chọn để học tiếp sau đại học. Một mặt, lịch làm việc của tôi ở Đại sứ quán dày. Cuối cùng, tháng 8/1967, khi học xong năm thứ 3, tôi phải dừng học và ra làm việc tại Đại sứ quán theo quyết định của Bộ Ngoại giao. Xét thấy tôi vừa học vừa làm hơn 2 năm, kết quả học tập luôn dẫn đầu khóa, nên Bộ Ngoại giao đã đặc cách công nhận tôi tốt nghiệp đại học, được miễn thời gian tập sự, vào ngay biên chế.

Tầm nhìn xa vì Việt Nam

Trong cảm nhận của tôi, Chủ tịch Fidel luôn có tầm nhìn xa trông rộng đối với đất nước và nhân dân ta. Đầu tiên là việc mời nhà nước ta cử học sinh sang Cuba du học từ rất sớm, học tiếng Tây Ban Nha để phục vụ phát triển mối quan hệ Việt Nam - Cuba, Việt Nam với các nước Mỹ La tinh.

2.png -0
Lãnh tụ Fidel Castro dành nhiều tình cảm quý mến cho người phiên dịch Nguyễn Đình Bin.

Cuba là nước đầu tiên công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, cho phép Mặt trận thành lập cơ quan đại diện thường trú ở La Habana năm 1962. Cuba cũng là nước đầu tiên trên thế giới từ năm 1963 đã thành lập Ủy ban Đoàn kết với Việt Nam do bà Melba Hernández - nữ anh hùng Moncada, bạn chiến đấu của Fidel, trực tiếp làm Chủ tịch chuyên trách.

Tháng 7/1967, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta sang dự kỷ niệm ngày khởi nghĩa vũ trang (26/7/1953). Chủ tịch Fidel đã dành gần một ngày đích thân lái chiếc xe Jeep đưa ông Nghị tới thăm nông trường chăn nuôi bò Picadura ở La Habana. Tôi lại được giao nhiệm vụ đi dịch cho đoàn.

Suốt chuyến đi, Fidel vừa lái xe vừa nói chuyện hăng say. Khi đến thăm từng cơ sở chăn nuôi, ông ngắm nhìn và vỗ về những con bò béo mập. Trong bữa trưa thân mật tại văn phòng nông trường, Fidel tiếp tục nói về kỹ thuật và kinh nghiệm chăn nuôi bò như một chuyên gia chăn nuôi thực thụ. Đặc biệt, ông đã nói với ông Nghị rằng sau ngày thắng lợi, Việt Nam phải phát triển chăn nuôi đại gia súc, chăn nuôi gà để nhân dân Việt Nam được uống sữa, ăn trứng, ăn thịt. Vậy là từ những ngày chiến tranh ác liệt, vị lãnh tụ Cuba đã nghĩ tới việc sẽ giúp đỡ Việt Nam xây dựng lại đất nước sau ngày thắng lợi một cách thiết thực, hiệu quả.

Bữa trưa hôm đó, khi chủ và khách đang nói chuyện say sưa, tôi vẫn đang tập trung dịch tại bàn ăn thì bất chợt Chủ tịch Fidel nói: "Thôi ta tạm dừng cho Rafa ăn một chút". Tôi vô cùng xúc động trước sự quan tâm chu đáo, thân tình của Chủ tịch Fidel dành cho một người phiên dịch như tôi.

Cách đây nửa thế kỷ, tháng 9/1973, Chủ tịch Fidel có chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên. Tôi khi đó đang là cán bộ chuyên trách quan hệ Việt Nam - Cuba ở Bộ Ngoại giao, được dịch cho Chủ tịch Fidel suốt chuyến thăm. Fidel nhất quyết yêu cầu được đi thăm "thủ phủ" của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ (Quảng Trị), mặc dù lãnh đạo ta tỏ ý rất ngần ngại vì lý do an toàn. Fidel đã trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài cao nhất, đầu tiên và duy nhất thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam. Đứng trên đồi 241, Fidel đã phất cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, giọng dõng dạc: "Các đồng chí hãy đem lá cờ bách chiến bách thắng này cắm giữa Sài Gòn!".

Mỗi lời nói, cử chỉ, ánh mắt, cái ôm hôn của Chủ tịch Fidel tại vùng giải phóng Quảng Trị còn đầy bom đạn và trong tầm súng của địch là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho quân và dân ta xốc tới trong cuộc tổng tấn công và nổi đậy mùa xuân năm 1975. Và chưa đầy 2 năm sau, lời khích lệ của Fidel đã trở thành hiện thực. Ngọn cờ nửa xanh, nửa đỏ với ngôi sao vàng năm cánh đã rực rỡ tung bay trên Dinh Độc Lập.

Trong chuyến đi đó, Fidel quyết định tặng Việt Nam 5 công trình:  Khách sạn Thắng Lợi ở thủ đô Hà Nội "để đón tiếp khách quốc tế tới thăm và phục vụ Đại hội Đảng sắp tới"; Bệnh viện đa khoa Việt Nam - Cuba tại Đồng Hới, Quảng Bình "để chữa trị các chiến sĩ từ miền Nam đưa ra và đồng bào vùng chiến tranh ác liệt nhất ở miền Bắc"; các cơ sở chăn nuôi hiện đại, gồm Trung tâm bò đực giống gốc cao sản thuần chủng Moncada ở Ba Vì, Trại bò sữa ở Mộc Châu, Trung tâm gà đẻ ở Tam Đảo và Trại gà ở Lương Mỹ; con đường Xuân Mai - Sơn Tây được thi công với công nghệ tiên tiến, vừa phục vụ giao thông và khi cần sẽ là đường băng cho máy bay chiến đấu. Fidel còn quyết định viện trợ 6 triệu USD để Việt Nam mua thiết bị hiện đại nâng cấp đường Hồ Chí Minh chuẩn bị cuộc Tổng tấn công Mùa xuân 1975.

Sau chuyến thăm ấy, hơn 1.000 kỹ sư, kỹ thuật viên, công nhân Cuba mang tên "Binh đoàn Hồ Chí Minh" cùng trang thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu đã đến Việt Nam, sát cánh cùng công nhân ta xây dựng 5 công trình đó. Nhiều bò, gà giống thuần chủng tốt nhất đã được Cuba gửi sang Việt Nam.

Fidel trở lại thăm Việt Nam lần thứ 2 vào năm 1995, lần thứ 3 vào năm 2003. Chuyến thăm nào cũng đong đầy tình cảm, sự khích lệ, động viên. Không chỉ có nhiều dấu ấn Cuba trên dải đất hình chữ S, mà ở Cuba cũng những trường học, nhà máy, đường phố, công viên mang tên Hồ Chí Minh và những anh hùng, địa danh nổi tiếng của Việt Nam.

Suốt 42 năm (từ năm 1964 đến 2005), Fidel đã lên tiếng tại gần 100 diễn đàn công khai ở Cuba và trên khắp thế giới, bày tỏ ủng hộ Việt Nam hết lòng. Với trí tuệ uyên bác của một vị lãnh tụ, một tiến sỹ luật sắc sảo, một nhà hùng biện, Fidel đã nhiều lần phân tích sâu sắc, toàn diện về đạo lý, pháp lý và thực tiễn sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam. Đó thực sự là những lời xuất phát từ trái tim! 

Huyền Châm (ghi)
.
.