Tìm kiếm thơ ca của Lee Chang Dong

Thứ Hai, 04/10/2021, 12:44

Nếu không muốn nghe những nhà thơ hăng hái nói về thơ, và nếu chẳng có thì giờ để tranh luận với công chúng về thế nào là ngữ nghĩa của thơ, thơ hay và thơ dở, thì chúng ta có thể, như cách người đi đường nhìn thấy bóng cây tỏa mát, ngồi trước màn hình để xem một bộ phim mà ngay từ tiêu đề của nó, không thể đúng hơn với chờ đợi, là Poetry (Thơ).

Xuất thân là giáo viên Ngữ văn của một trường trung học, đam mê và có năng khiếu sáng tác văn chương, từng thành công với thể loại tiểu thuyết, nhưng Lee Chang Dong dần chuyển sang viết kịch bản và làm phim. Trở thành đạo diễn khi đã 43 tuổi, Lee Chang Dong không phải là trường hợp cố sức chứng tỏ “thiên tài nở muộn” mà có lẽ, chính nhờ làm phim, ông mới thể hiện rõ nhất những tố chất cũng như hiểu biết văn chương nghệ thuật của mình.

Kể từ bộ phim đầu tay, “Green Fish” (1997) cho đến phim gần đây nhất, “Burning” (2018), Lee Chang Dong đều thể hiện sở trường của người viết văn, nhất là cách xây dựng nhân vật, khai thác những chi tiết đời thực để ngầm ý biện luận những vấn đề lớn lao như tôn giáo, các chấn thương tinh thần, mối bất hòa giữa các thế hệ và trong xã hội,... Sau “Green Fish”, Lee Chang Dong gây chú ý hơn với Peppermint Candy (2000), Oasis (2002) và vươn tầm danh tiếng quốc tế với bộ ba tác phẩm thực hiện sau khi ông rời vị trí chức vụ Bộ trưởng Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc, bao gồm “Secret Sunshine” (2007), “Poetry” (2010) và “Burning” (2018).

Ngay cả khi con số 6 phim truyện là khiêm tốn, người ta vẫn thấy Lee Chang Dong khá khác biệt so với thế hệ đạo diễn tài năng trong Điện ảnh Mới Hàn Quốc gần bốn thập niên qua. Ông không phá cách, gây hấn, không triệt để đến cực đoan thử nghiệm ngôn ngữ điện ảnh như Kim Ki-Duk (1960-2020). Ông ít xoáy sâu vào chủ đề bạo lực, báo thù, tính dục và lấy chúng để thăm dò tận cùng nhân tính như Park Chan Wook. Ông cũng không giỏi kết hợp nhuần nhuyễn, khéo léo yếu tố thương mại và nghệ thuật như Bong Joon Ho để có thể chinh phục hầu hết khán giả.

Lee Chang Dong, theo tôi, như người giữ nhịp trầm trong dàn nhạc đa thanh sắc, một người kể chuyện đầy ưu tư và sâu sắc để khơi mở, tìm kiếm sức mạnh nội tâm bên trong đời sống. Khán giả không sốc cũng không quá sợ hãi khi xem phim của ông. Những mảng màu hiện thực trần trụi, dữ dội và những ngóc ngách tâm lí phức tạp, vẻ giản đơn trong dàn cảnh và tính chất dị thường trong hành vi của nhân vật, tất cả, đều không quá thách đố cảm nhận, sự hiểu của người xem, ít nhất chúng đều phản ánh chân thực bối cảnh xã hội Hàn hiện đại, phát triển và ẩn chứa nhiều khủng hoảng, mâu thuẫn.

Nhưng mức độ mê hoặc vẫn còn đó, những phức tạp và truy vấn không hề nguôi giảm khi bộ phim kết thúc, tựa như một bài hát, một bài cầu kinh vang lên ở giáo đường, nơi người nghe biết rõ thanh âm quen thuộc mỗi ngày, song chẳng thể nào hiểu nghĩa của chúng, cũng chẳng thoát nổi sức lôi cuốn của chúng. Nếu cho rằng thơ ca và nghệ thuật luôn có vọng âm như tiếng vọng từ nhà thờ, tôi nghĩ điện ảnh của Lee Chang Dong thật thích hợp để lấy làm ví dụ.

Tìm kiếm thơ ca của Lee Chang Dong -0

Sự lựa chọn nhân vật của Lee Chang Dong là thống nhất và riêng biệt. Một người lính giải ngũ trở thành côn đồ và chết bởi sự thanh trừng của băng đảng trong “Green Fish”. Một người đàn ông trung niên từng trải qua nhiều công việc, vị trí xã hội khác nhau đã chọn tự sát trong “Peppermint Candy”. Một tù nhân bị thiểu năng trí tuệ vừa mãn hạn bắt đầu cuộc sống mới với một phụ nữ bại não trong Oasis. Một phụ nữ vừa mất chồng, vừa chuyển về ngoại ô để ổn định thân tâm thì lại mất luôn đứa con trai trong “Secret Sunshine”.

Một chàng trai trẻ ước mơ trở thành tiểu thuyết gia nhưng bất thành, đơn độc và cuồng loạn nổi giận, đốt rụi những nhà kính bóng ni-lon nơi vùng quê mình trong “Burning”.  Những nhân vật đó, dẫu không quá điển hình, nhưng có thể coi là hiện thân của tầng lớp ngoài lề, ngoại biên, những người gần như bị bỏ rơi, bỏ quên trong sự phát triển đầy tốc độ, khắc nghiệt và hào nhoáng của xã hội Hàn đương đại.

Quan sát cuộc sống ngoài lề, Lee Chang Dong cho thấy các tác nhân mà họ gánh chịu là không dễ dàng vượt qua và xoa dịu. Chứng động kinh, bệnh đãng trí, bại não, các băng nhóm tội phạm, thất nghiệp, người trẻ mất cơ hội, bắt cóc trẻ em, sinh hoạt của nhóm tôn giáo, cho đến các biến cố chính trị và kinh tế (vụ thảm sát Gwangju năm 1980, khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1998) đều được Lee Chang Dong đặt vào mối bận tâm lớn, không phải để cường điệu hóa nỗi bất an lo sợ, mà chủ yếu để nhận ra năng lượng sống tiềm ẩn trong mỗi cá nhân. Chính những cá nhân bị khiếm khuyết hoặc bị tổn thương ấy mới tạo nên nhịp điệu yêu thương, lòng cảm thông và trách nhiệm, bổn phận với xung quanh. Họ, trong cái nhìn của Lee Chang Dong, như là thơ, một kiểu mỹ cảm thơ ca mà phải đến khi chúng ta đủ tĩnh tâm lùi lại, ngẫm nghĩ thì mới hiểu thấu hết.

“Poetry” (2010), đạt giải Kịch bản xuất sắc nhất tại LHP Cannes, thể hiện rõ nhất ý niệm thơ như thế của Lee Chang Dong. Bà Yang Mi-ja, nhân vật chính của phim, đã 66 tuổi và bắt đầu bị đãng trí, nhưng phải tự mình nuôi thân và nuôi đứa cháu ngoại Jong-wook. Để có tiền trang trải cuộc sống, bà nhận việc chăm sóc, tắm rửa cho ông Kang bị Alzheimer.

Công việc nhọc nhằn, tủi cực này thật “chẳng thơ” chút nào song bà Yang Mi-ja vẫn vui vẻ, thư thái và thanh lịch mỗi ngày. Thậm chí, bà còn đăng kí một khóa học sáng tác thơ vừa mở ở thị trấn. Học viết thơ, theo lời giảng của thầy Kim Yong-taek, quan trọng nhất ở năng lực quan sát, chẳng hạn, mỗi người đều có thể nhìn thấy quả táo vài nghìn lần nhưng để thật sự yêu thích, hiểu được nó, thì cần phải quan sát được cái bóng của nó, cảm nhận hết mọi đường cong của nó, rồi tưởng tượng ánh mặt trời được hấp thụ vào bên trong nó. Ấy là lúc cảm xúc thơ xuất hiện. Quả táo khi đó không còn là vật ở bên ngoài, tồn tại khách quan mà đã thâm nhập vào trí tưởng tượng và sự hình dung riêng của cá nhân. Từ quả táo trên tay, mỗi người đều có thể gán vào đó những ý nghĩ và phát hiện ít trùng lặp nhau.

Bà Yang Mi-ja nhập tâm lời thầy giáo, thường xuyên tập quan sát cây cỏ, hoa lá và ghi chép những cảm nhận ban đầu vào sổ tay. Bà cũng tích cực lui tới tham dự những buổi đọc thơ, giao lưu với nhiều tác giả làm thơ  “hạng phường”, không chỉ đón nhận niềm vui mà còn giải tỏa nỗi cô độc tuổi già. Nhưng biến cố ập đến với Yang Mi-ja khi cháu ngoại Jong-wook là một trong năm thủ phạm cưỡng hiếp bạn học cùng lớp khiến nạn nhân đau đớn tự sát. Gia đình nạn nhân đồng ý nhận tiền “đền bù” và vì thế, Yang Mi-ja phải gom tiền cùng bốn gia đình khác chuộc lỗi.

Bí bách và khổ sở, Yang Mi-ja chấp nhận quan hệ tình dục với ông Kang để tạm ứng tiền. Xong trách nhiệm, song Yang Mi-ja không chấp nhận tội lỗi của đứa cháu ngỗ nghịch, bà giao nó cho công an. Kết thúc khóa học làm thơ, những câu thơ của Yang Mi-ja vang lên trong lớp học, còn bà, lúc ấy đã chọn tự sát trên con sông bình lặng.

Tìm kiếm thơ ca của Lee Chang Dong -0
Ảnh trong bài: Những cảnh “đắt” trong phim Poetry.

Yang Mi-ja, bởi vẻ ngoài lịch lãm, tự chủ và hoạt bát, là một đối ngược với hiện thực khắc nghiệt, xù xì, nhem nhuốc.  Yang Mi-ja, bởi tính cách mơ mộng, thơ ngây như thơ trẻ, bởi ý thức cao độ về danh dự, phẩm giá, mà trở nên khác biệt so với những toan tính, thực dụng của xung quanh. Yang Mi-ja thực sự không thể hiểu cách nào để viết được thơ, bởi thứ nghệ thuật này dường như chỉ đi tìm, ngợi ca vẻ đẹp hoàn mĩ trong cuộc sống.

Nó đòi hỏi hỏi người viết phải biết quan sát, tưởng tượng và thổ lộ. Nó cũng vượt thoát thực tại, hướng đến cao cả, lí tưởng. Yang Mi-ja không có các năng lực và điều kiện tuyệt đối ấy để viết thơ. Con người đãng trí, cô độc và yếu thế ấy, duy nhất, chỉ có lòng yêu thương, trách nhiệm và bổn phận hoàn tất một đời sống nhọc nhằn, tìm kiếm và lan tỏa niềm vui nhỏ bé, mạnh mẽ ứng xử với số phận ngặt nghèo của mình.

Yang Mi-ja, tự bản thân, chính là thơ trong hình dung của Lee Chang Dong. Thơ ca không cần phải tưởng tượng, thêm thắt và nhất là, không thể dối trá, phù phiếm. Bản chất thơ, soi từ câu chuyện của Yang Mi-ja, đơn giản hơn rất nhiều so với các diễn giải, đòi hỏi cao siêu phức tạp: thơ xuất hiện ngay lúc lương tri day dứt, dằn vặt và thôi thúc hành động. Lee Chang Dong không đặt cược vào khả năng cứu rỗi cuộc đời của thơ nhưng nếu sống như Yang Mi-ja, nghĩa là sống với chất thơ có sẵn trong mình, cuộc đời có thể dễ chịu, nhẹ nhõm và tươi tắn hơn bất kể hiện thực diễn ra theo chiều hướng nào.

Khi hoảng loạn và căng thẳng, Yang Mi-ja lặng lẽ đến nhà thờ. Năng lực của bà thật khó để hiểu hết lời bài thánh ca. Điều này khá giống với việc chúng ta đọc thơ, rất khó để cảm nhận cái đẹp, cảm xúc hay điều bí ẩn trong thơ. Nhưng, quan trọng hơn, như Lee Chang Dong thể hiện trong “Poetry”, trải nghiệm sống sao cho không tàn nhẫn và phi nhân nhất, sao cho thanh thản và bình yên nhất, thì chúng ta sẽ nhận ra rất nhiều nghĩa lí của thơ hiện diện khắp nơi.

Mai Anh Tuấn
.
.