Thượng tướng Vũ Lăng - người đề xuất đặt tên Chiến dịch Hồ Chí Minh

Thứ Bảy, 26/04/2025, 10:53

Trong buổi gặp mặt các nhân chứng lịch sử ngày 30/4/1975 trên Đài Truyền hình Việt Nam, tổ chức năm 2002, Đại tướng Văn Tiến Dũng (1917 - 2002) - Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh xác định: Người đề xuất chiến dịch tiến công Sài Gòn - Gia Định lấy tên Chiến dịch Hồ Chí Minh chính là đồng chí Vũ Lăng (1921 - 1988), Tư lệnh Quân đoàn 3. Đề xuất này được Bộ Tư lệnh chiến dịch chấp nhận ngày 12/4/1975 và được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương thông qua ngày 14/4/1975.

Bức điện khẩn của đồng chí Lê Duẩn

Trước đó, trong buổi làm việc với Trung ương Cục và Quân ủy Miền, Ủy viên Bộ Chính trị Lê Đức Thọ công bố quyết định ngày 6/4/1975 của Bộ Chính trị về việc thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Đại tướng, Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng là Tư lệnh; Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Hùng là Chính ủy... Ủy viên Bộ Chính trị Lê Đức Thọ tham gia Trung ương Cục và Đảng ủy Bộ Chỉ huy chiến dịch.

Thượng tướng Vũ Lăng - người đề xuất đặt tên Chiến dịch Hồ Chí Minh -0
Thượng tướng - Giáo sư - Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Vũ Lăng (1921 - 1988).

Hồi ức "Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng", Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp, kể: "Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch khẩn trương bắt tay vào việc. Đầu tiên, các anh nhất trí điện ra Trung ương đề nghị đặt tên của Bác Hồ kính yêu cho chiến dịch quyết định sắp diễn ra. Ngày 14/4/1975, thể theo đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến dịch và nguyện vọng của đồng bào, chiến sĩ cả nước, trong bức điện số 37 TK, đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính trị đã đáp ứng kịp thời ý nguyện thiết tha và thiêng liêng ấy: "Đồng ý chiến dịch Sài Gòn lấy tên là chiến dịch Hồ Chí Minh".

Thượng tướng Vũ Lăng tên khai sinh là Đỗ Đức Liêm. Chàng trai Hà Nội sau những ngày Nam tiến đã trở về Thủ đô chỉ huy Tiểu đoàn 103 (Trung đoàn Thủ đô) chiến đấu suốt 60 ngày đêm Quyết tử giữ từng căn nhà, góc phố Hà Nội. Chia xa Hà Nội tháng 2/1947 để lên chiến khu Việt Bắc kháng chiến trường kỳ, ông trở về Thủ đô trong những ngày thu lịch sử 1954.

Tiếp tục gắn bó với Bộ Tổng tham mưu, Vũ Lăng trở thành Cục trưởng Cục Tác chiến, sau đó ông được cử vào làm Phó Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên (3/1975). Khi ở Tổng hành dinh bên cạnh Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, dày dạn kinh nghiệm đánh hiệp đồng binh chủng và công tác tham mưu, ông Vũ Lăng đã tham gia vạch phương án tác chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa xuân 1975.

Theo tư liệu của các nhân chứng có mặt ở Tổng hành dinh, những vấn đề lớn trong kế hoạch giải phóng miền Nam như chọn hướng tiến công chủ yếu, sử dụng lực lượng, cách đánh những trận đánh then chốt quyết định, hiệp đồng quân binh chủng,... không dễ nhất trí với nhau mỗi khi đưa ra bàn bạc. Trung tướng Lê Hữu Đức (1925 - 2018), nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 kể lại:

"Được anh Tấn (đồng chí Lê Trọng Tấn, thời điểm đó là Trung tướng, Phó tổng Tham mưu trưởng  - PV) chỉ định phát biểu về chọn hướng tiến công chủ yếu, anh Vũ Lăng đề nghị loại trừ quân khu 4 - quân đoàn 4 của địch... Anh Lăng cũng đề nghị không mở đầu cuộc tiến công và nổi dậy đánh vào quân khu 3 - quân đoàn 3 ngụy... Tuy phải tranh luận gay gắt vì cũng có đồng chí muốn tiến công từ đầu vào Sài Gòn - Gia Định theo gợi ý của cấp trên... Cuối cùng toàn tổ cũng thống nhất không thể mở đầu cuộc tiến công vào Sài Gòn - Gia Định. Tôi nhớ mãi câu nói của anh Vũ Lăng: "Đề nghị anh Tấn cứ báo cáo lên cấp trên, nếu mở đầu vào Sài Gòn - Gia Định nhất định thất bại...".

02.jpg -0
Tư lệnh Quân đoàn 3 Vũ Lăng (bên trái) và Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh - Đại tướng Văn Tiến Dũng.

Quân ta đã thắng rồi!

Năm 2001, trả lời phỏng vấn Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh, khi xây dựng phim "Thượng tướng Vũ Lăng", Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã không giấu được xúc động: "Riêng tôi, tôi cứ nhớ mãi: Vũ Lăng trên cương vị là Trung đoàn trưởng đánh đồi C1 ở Điên Biên Phủ (…), nhớ cả lúc tác chiến  ở Tây Nguyên (…), lập Quân đoàn 3. Vũ Lăng là Quân đoàn trưởng Quân đoàn 3 thì Quân đoàn này nhất định là sẽ  thắng".

Quả đúng như vậy, Quân đoàn 3 dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Vũ Lăng (Chính ủy Đặng Vũ Hiệp, Phó Tư lệnh Kim Tuấn và Nguyễn Năng, Phó Chính ủy Phí Triệu Hàm, Tham mưu trưởng Hồ Đệ, Tham mưu phó Nguyễn Quốc Thước) đã tiến công đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Việt Nam Cộng hòa.

Trung tướng Nguyễn Năng (1927 - 2010)  - Phó Tư lệnh Quân đoàn 3 sinh thời đã kể: Từ kinh nghiệm của Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3/1975, Tư lệnh Quân đoàn 3 Vũ Lăng đem vận dụng vào Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông xây dựng phương án tác chiến cho Quân đoàn 3. Trung tướng Nguyễn Năng đánh giá đó là phương án tác chiến "tiến công trên hướng chủ yếu của chiến dịch Hồ Chí Minh". Từ phương án tác chiến sáng tạo, phù hợp kết hợp tổ chức thọc sâu cấp sư đoàn tăng cường (Sư đoàn 10) do Tư lệnh Vũ Lăng chỉ đạo, Quân đoàn 3 tiến công theo đường 1 đánh các cứ điểm và căn cứ địch như khu Quang Trung, tiến công vào sân bay Tân Sơn Nhất… Cuối cùng là "đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiến công ở hướng chủ yếu của Chiến dịch Hồ Chí Minh" như lời kể của tướng Nguyễn Năng.

Cùng thời gian đó, cán bộ và chiến sĩ Quân đoàn 2 tiến vào dinh Độc Lập buộc Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh sang Đài phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Giờ phút lịch sử đó, tại Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, khi người trực ban tác chiến báo cáo: "Địch đã tuyên bố đầu hàng trên Đài phát thanh!", mọi người ôm chầm lấy nhau vừa cười vừa khóc.

Thượng tướng Lê Ngọc Hiền - quyền Tham mưu trưởng Chiến dịch không quên những hình ảnh lịch sử này. Hai ủy viên Bộ Chính trị Lê Đức Thọ và Phạm Hùng là những người thường có giọng cười rộ lên thoải mái thì chảy nước mắt, vừa cười vừa khóc. Bất ngờ nhất là Trung tướng Đinh Đức Thiện - Phó Tư lệnh Chiến dịch. Không cười được một chút nào, ông lại úp hai bàn tay lên mặt khóc nức nở!  "Vừa khóc anh vừa nói lẩm bẩm nghẹn ngào: "Ôi Cụ Hồ ơi! Ôi cha mẹ ơi! Hãy về chứng kiến quân ta đã thắng rồi!" - Thượng tướng Lê Ngọc Hiền nhớ lại.

Nhớ về Thượng tướng Vũ Lăng, nhiều đồng đội của ông bày tỏ sự khâm phục: "Trong các chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Hồ Chí Minh, anh Vũ Lăng đã tỏ rõ những bản chất tốt đẹp: có quyết tâm cao và vững chắc, khắc phục mọi khó khăn, chấp hành nghiêm túc mệnh lệnh của trên; có kiến thức sâu rộng về khoa học nghệ thuật quân sự, có năng lực tổ chức chỉ huy tốt, có phong cách dân chủ, sâu sát, tỉ mỉ, cụ thể; có tinh thần đoàn kết tốt, để lại trong lòng các đồng chí đã sát cánh chiến đấu với anh những ấn tượng đẹp đẽ khó quên" - (Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, nguyên Chính ủy Quân đoàn 3)…

004.jpg -0
Thượng tướng Vũ Lăng (thứ 3 từ trái sang) cùng các tướng lĩnh tại Bộ Tổng Tham mưu.

"Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, trên các cương vị công tác, ở cơ quan tham mưu chiến lược hoặc ở các bộ tư lệnh chiến trường, đồng chí là một cán bộ có năng lực tổ chức chỉ huy tốt và tính quyết đoán cao. Là Phó Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên và Tư lệnh Quân đoàn 3 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí đã có nhiều đóng góp xứng đáng vào Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc" - (Điếu văn do Thượng tướng, Tổng Tham mưu trưởng Đoàn Khuê - Trưởng ban Lễ tang đọc tại lễ truy điệu Thượng tướng Vũ Lăng năm 1988).

Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tư lệnh Chiến dịch nhận xét: "Quân đoàn 3 đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, có thể nói hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt xuất sắc". Góp vào sự thành công, thắng lợi đó, là công lao to lớn của Tư lệnh Quân đoàn 3 Vũ Lăng. Năm 2023, ghi nhận những thành tích đóng góp của ông trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Thượng tướng - Giáo sư Vũ Lăng, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 (nay là Quân đoàn 34).

Kiều Mai Sơn
.
.