Thương nhớ… con tem

Thứ Năm, 02/01/2025, 09:16

Ngày trước, khi đang yêu hoặc muốn thổ lộ lòng mình, nếu không gặp mặt, cách thông thường vẫn là viết thư gửi cho nhau. Thì đó, sở dĩ nhiều người yêu thích và nhớ nằm lòng khổ thơ này của Xuân Diệu bởi họ đã tìm thấy tâm trạng của mình: "Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất/ Anh cho em, kèm với một lá thư/ Em không lấy, và tình anh đã mất/ Tình đã cho không lấy lại bao giờ".

Trước thời thi sĩ "Gửi hương cho gió" cất tiếng khóc chào đời, thiên hạ cũng cậy nhờ vào trang giấy, để từ đó thấu cảm nỗi lòng của nhau: "Xem thơ nước mắt nhỏ đầy/ Thương tôi đừng gởi thơ này làm chi" (ca dao). Khi người Pháp sang nước Nam, họ sản xuất giấy theo công nghệ hiện đại, người Việt cũng sử dụng: "Giấy Tây bán mấy mua lấy một tờ nguyên/ Làm thơ tôi hỏi con bạn sầu riêng chuyện gì?".

Thương  nhớ…  con tem -0
Cách gửi thư, công văn thời con tem chưa xuất hiện - ảnh tư liệu.

Viết xong thư, chẳng lẽ lúc gặp nhau ba điều bốn chuyện là vội vàng móc lá thư trong túi đưa cái rẹt cho nàng? Nhỡ nàng không nhận thì quê xệ. Bởi thế, thời xa xưa ấy mới xuất hiện từ "chim xanh". Có thể đó là cô, cậu bé nhóc tì trong nhà hoặc hàng xóm được nhờ làm giao liên, chuyển giúp thư. Còn thư từ, công văn nhà nước, muốn gửi nhanh phải nhờ đến "hỏa bài", chẳng hạn “Truyện Kiều” có câu: "Hỏa bài tiền lộ ruỗi mau/ Nam đình nghe động trống chầu đại doanh", có thể hiểu là "Cái thẻ trên có cột cục than, ngày xưa bọn nha dịch cầm để đi đòi việc quan cho mau" - Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh giải thích. Muốn đi nhanh, đi mau thời đó chỉ có thể đi ngựa.

Còn với người dân bình thường chỉ có thể gửi thư tay, chẳng hạn cậy người đi tàu thuyền: "Ghe lên ghe xuống bộn bề/ Cớ nào chẳng gửi thơ về hỡi anh?"; gửi người đi bộ: "Buồn tình cha chả buồn tình/ Không ai đi Huế cho mình gửi thư"; gửi xe lửa: "Làm thơ quốc ngữ đề chữ Lang-sa/ Mười giờ xe lửa lại gửi qua thăm mình"; hoặc gửi người quen thường lui tới: "Nước mắt tuôn rỉ rả vội tả thơ đề/ Trông ai lai vãng gửi lời về thăm em"…

Dần dà mọi việc thay đổi, trở nên chuyên nghiệp và nhanh chóng, kể từ ngày "Ông Tây giăng dây thép, họa địa đồ nước Nam". Sở Bưu điện Sài Gòn khánh thành ngày 13/1/1863, ban đầu chỉ dành cho công quyền, qua đầu năm sau người dân mới sử dụng dịch vụ của bưu điện: "Làm thơ giấy trắng, em gắn con cò xanh/ Gởi về thăm bạn có tên anh trong này".

Về "con cò xanh", có thể nôm na chính là con tem, chỉ là cách gọi quen miệng của người dân. Bằng chứng “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) không ghi nhận "con cò" theo nghĩa này, chỉ có "Con niêm: Con dấu gắn bì thư". Nếu con niêm này là tên gọi khác của con tem dùng "gắn bì thư", thì nay, đã có sự phân biệt rõ ràng, con cò/ con tem dán ngoài bì thư là số tiền phải trả khi sử dụng dịch vụ bưu điện vận chuyển thư; con niêm lại là tem thuế/ tem lệ phí thuế được dán lên giấy chứng nhận giấy tờ, như biên nhận đã thu thuế v.v…

Tại sao con tem lại gọi "con cò"?

Có lẽ do từ thuở ban đầu, lần đầu tiên sử dụng cách gửi thư qua bưu điện, người dân nhìn thấy hình ảnh in trên con tem. Cụ thể, con tem ấy thế nào? Theo “Lịch sử ngành bưu điện Việt Nam” (Ngành Bưu điện xuất bản - 1990), năm 1883 người Pháp đã phát hành: "Tem này hình vuông ghi giá tiền 0,1 đến 0,4 Francs. Trên tem vẽ hình con chim phượng hoàng, biểu tượng của hoàng đế Napoleong đệ tam" (tr.40). Chi tiết này rất quan trọng vì nó sẽ góp phần lý giải vì sao người miền Nam gọi con tem là con cò, đơn giản chỉ vì nhìn thấy hình con chim phượng hoàng đó thôi.

Cái sự gọi tên từ hình ảnh cụ thể, tương tự còn có thể nhìn thấy qua câu ca dao: "Anh ham chi bạc trắng con cò/ Bỏ cha bỏ mẹ đi phò Lang Sa". Cuối thế kỷ 19, lũ Tây thực dân mắt xanh mũi lõ, xâm lược nước Nam ta, sau khi chiếm ưu thế trên chiến trường, chúng đã đẩy đồng tiền kẽm của triều Nguyễn "đi chỗ khác chơi", từ đó, đồng bạc Mexico/ Mễ Tây Cơ chính thức lưu hành. Dù đồng bạc đó có chạm nổi con ó, nhưng do hình ảnh con cò đã quá quen thuộc trong tâm thế người Việt, đã đi vào ca dao, tục ngữ hàng nghìn năm, vì thế, con ó ấy không "có cửa" chen chân xuất hiện trong lời ăn tiếng nói.

Trở lại với con tem/ con cò, tập sách “Bưu hoa Việt Nam 1951-1971” (Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản năm 1971), nhà sưu tập tem nổi tiếng nhất miền Nam trước 1975 là ông Nguyễn Bảo Tụng cho biết: "Có giả thuyết cho rằng, Pháp bắt đầu lưu hành năm 1863 một loại tem (khi mới chiếm đóng) 4 giá tiền 0f01, 0f05, 0f10 và 1f40 in hình chim phượng hoàng, do đó đồng bào miền Nam thường gọi tem thơ là cò nhưng trong các Tổng mục quốc tế và bưu hoa cũng như các văn kiện bưu chính về tem thư không thấy ghi những loại tem này". (tr.11).

Thiết nghĩ, "không thấy ghi" không đồng nghĩa với "không có", vì rằng, không chỉ con tem "in hình con chim phượng hoàng" mà còn nhiều trường hợp khác nữa, do lý do gì đó, nhất là biến động của thời cuộc nên người ta không thể lưu trữ như quy định vốn có. Trong khi đó, trong tâm thức dân gian lại khác, đã ghi nhận qua lời ăn tiếng nói và gìn giữ từ đời này qua đời khác theo lối truyền miệng, do đó, dù không tận mắt nhìn/ thấy/ sờ vào hiện vật nhưng chắc chắn phải có. Ý nghĩa hiện thực của ca dao, tục ngữ, thành ngữ còn là ở chỗ này nữa.

Sở dĩ gọi con cò từ hình ảnh, bởi thuở ấy khi nhìn thấy con tem này, người Việt không có từ tem/ con tem. Con tem vay mượn tembre tiếng Pháp, chứ trong tiếng Việt nếu có phải cặp kè với một từ khác. Thí dụ, "tem tẻm", cũng nói "tẻm tẻm" là "Trỏ bộ ăn ngon lành: Ăn ngon lành mấy bát cơm" - theo “Việt Nam tự điển” (1931). 

Ngoài từ "tem tẻm/ tẻm tẻm" còn có từ "tem tém" có thể thấy sử dụng trong trường hợp, chẳng hạn, cô gái kia mặc váy nhưng lại ngồi chè hẻ, hớ hênh, trông xốn mắt quá, người bạn nhắc nhở: "Tem tém lại chút coi". "Tém" là vun vén lại cho gọn, cho sạch; chứ không phải "tém" hiểu theo nghĩa… ăn, là đớp gọn - tỷ như thấy miếng mỡ béo ngậy nằm tênh hênh trên bàn, lại vừa tầm mắt, khi thấy chủ vừa quay lưng đi, con mèo nhảy phắt lên tém một cú gọn băng.

Từ khi vây mượn tem/ tembre, ta có thêm từ "bóc tem" là cắt lấy chỗ có dán hình con tem, thả vào thau nước, chờ một chút cho nó rã keo/ hồ là lấy bóc/ bóc tem ra dễ dàng. Hỡi ôi, thời đại đã thay đổi, vai trò của con tem dần dần cũng "đi chỗ khác chơi", nếu có cũng hiểu qua nghĩa khác, thí dụ, bóc tem (khẩu ngữ) còn chỉ món hàng lần đầu tiên được đưa ra sử dụng, còn mới nguyên như chiếc điện thoại iPhone 16 bạn trẻ nào đây vừa tậu chẳng hạn. Sực nhớ, chừng hai mươi năm nay nhằm chống sách giả, sách in lậu, nhà nước có quy định sách mới in ra phải "dán tem" ở bìa 4, nhưng rồi biện pháp phòng chống này chẳng nên cơm cháo gì.

Một khi con tem dùng dán trên bìa thư gửi qua bưu điện ít người sử dụng thì lối viết thư tay cũng thay đổi. Ngày nay, lá thư ấy, thế hệ sau ông Xuân Diệu hoàn toàn có thể thực hiện theo cách copy + paste, tức là thư đã gửi đi, nếu cô nàng từ chối thì ông có thể lập tức chuyển nội dung đó cho cô khác, chỉ cần "nửa nốt nhạc" là xong. Sở dĩ thời trước không thể vì thư viết tay chỉ "độc bản", đã gửi đi là mất hút "thăm thẳm chiều trôi". Đã thế, viết thư tay còn có cả nhọc nhằn - nhất là viết thư tình, thì kìa, ta hãy nghe tác giả “Gửi hương cho gió” bộc bạch:

Giấy phong kỹ mang thầm trong túi áo,

Mãi trăm lần viết lại mới đưa đi.

Ối dào, thư viết cho người yêu phải cân nhắc từng dòng, nắn nót từng chữ. Chẳng may đang viết nửa chừng, viết nhầm rồi à? Xóa đi, viết đè lên chữ khác? Không, ai lại làm thế. Kém trân trọng. Bèn xé toẹt. Viết lại. Đã viết xong, trước lúc gửi đi, cẩn thận đọc lại bỗng thấy chưa ưng ý chữ này, đoạn kia, muốn thay thế à? Vậy, phải làm sao? Phải viết lại chứ sao. Nói tóm lại, cái thời máy vi tính chưa ra đời, muốn gửi thông tin "thả thính" ai đó, mọi người đều phải viết bằng tay, rõ ràng lắm lúc trần ai khoai củ. Viết xong lá thư chẳng khác gì leo lên võ đài đánh vật. Nhọc sức quá.

Khi phương tiện truyền tin đã thay đổi, thư tay "xếp xó" là lẽ tất nhiên. Dù vậy ta cũng thấy rằng, khi nhìn nét chữ trên trang giấy thì đó không chỉ là thông tin mà còn thể hiện tính cách nữa. Há chẳng nghe câu nói "nét chữ nết người" đó sao? Kìa, chữ "o" tròn quá, chắc lúc đó "người ấy" phải mím môi đấy chăng? Kia, chữ "yêu" lả lướt bay bướm quá, chắc "đối tượng" đang nhớ mình đến độ "ngất trên cành quất". Nhìn nét chữ tha hồ suy đoán. Lại nữa, còn có cả hương thơm tình tứ: "Nhớ tới mùa thu năm xưa gửi nhau phong thư ngào ngạt hương/ Nét bút đa tình lả lơi". Sức mấy thư điện tử đạt đến sự quyến rũ lãng mạn cỡ những người như ông Đoàn Chuẩn đã cảm nhận. Đã thế, thư điện tử lại không tạo cho người nhận sự hồi hộp, sung sướng của từng ngày chờ đợi như câu thơ của Hoàng Anh Tuấn:

Tôi sợ lắm lòng ôi, đừng mách bảo

Thư không về là em đã quên tôi

Thư không về là cách trở xa xôi

Không. Có lẽ ngày mai thư sẽ đến

Ừ, dù viết thư tay mất thời gian còn hơn là vì thực hiện theo công thức copy + paste nên ai kia đã méo mặt trước tình huống cực kỳ éo le: quên đổi tên nên thư viết tên người này lại gửi đến người kia. Phát hiện ra sự nhầm lẫn chết người này, bấy giờ kêu trời thì trời cũng bí rị, chẳng thể giúp được gì. Hóa ra viết thư tay cũng có cái hay của nó. Biết đến bao giờ hay không bao giờ còn quay trở lại cái thời:

Giấy Tây bán mấy mua lấy một tờ nguyên

Làm thơ tôi hỏi con bạn sầu riêng chuyện gì?

Nếu không như thế, làm sao ta có dịp dán con tem lên cái bìa thư xinh xắn?

Lê Minh Quốc
.
.