Thử bàn chuyện… ma

Thứ Ba, 27/09/2022, 09:46

Quái lạ, đôi khi đọc những bài báo có tính nghị luận, trình bày vấn đề nghiêm túc, không hề bỡn cợt, ấy thế, đọc xong lại cười. Tại sao cười? Vì rằng, trong đó có chi tiết mắc cười/ tức cười/ buồn cười dù cố nén/ nín nhưng rồi người đọc cũng bật lên một tiếng cười.

Cười cho nhẹ đi nỗi niềm ngoài sức tưởng tượng, khó có lường trước mà vẫn cứ xảy ra, cứ như đùa, như trêu, như chọc. Vậy, có phải trí tưởng tượng của nhà văn dù phong phú đến cỡ nào cũng khó có thể đa dạng hơn hiện thực của đời sống chăng? Thí dụ, có bài giật tít cực hấp dẫn lẫn sửng sốt: "Tử vong không phải là chết".

Hỡi cô Hai, lạ tai chửa?

Chuyện rằng, sau khi cha vợ mất, anh Trần Trung Nguyên ở Đồng Tháp đi làm thủ tục khai tử, thế nhưng cán bộ phụ trách lại không cấp giấy chứng tử. Lý do? Bài báo cho biết: "Giấy của bệnh viện ghi "tử vong" chứ không ghi là chết. Tử vong không phải là chết nên chúng tôi không cấp giấy được!". Anh Nguyên hỏi vậy làm thế nào để được cấp giấy chứng tử, người cán bộ này hướng dẫn phải... lên TP. Hồ Chí Minh xin ghi lại vào hồ sơ bệnh án là người bệnh "đã chết" (Báo Tuổi Trẻ ngày 30.7.2017). Cứ tưởng chuyện bịa. Oái ăm còn ở chỗ, dù không đồng tình "tử vong" là chết, sao tờ giấy ấy lại ghi "Giấy chứng tử", chứ không ghi… "Giấy chứng chết"?

20210519_093719_232122_su-so-hai.max-1800x1800.jpg -0
Ảnh: L.G

Về chuyện liên quan đến chết/ tử trong cách nói của người Việt, đến thời điểm này chỉ có mỗi nhà nghiên cứu Bằng Giang làm quyển tự điển “Tiếng Việt phong phú” (NXB Văn  hóa - 1997). Bằng các văn liệu dẫn chứng, ông cho thấy từ mẫu tự A đến Y đều có từ liên quan, cả thảy 1.079 từ/ cụm từ mà người Việt sử dụng để nói về cái chết. Tất nhiên, có thể cũng chưa đủ. Về từ "tử", ông ghi nhận tử an, tử đạo, tử hình, tử hung, tử nạn, tử nghĩa, tử quốc, tử thần, tử thương, tử tiết, tử trận, tử trung, tử tuy, tử vong; kể cả tiếng lóng tử củ, tử hỉ…

À, còn có thêm chuyện này cũng liên quan đến từ tử mà ít ai biết đến. Rằng, năm tháng đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, năm 1946, ở Nam Bộ, thi sĩ chân quê Nguyễn Bính đã về đến Rạch Giá, tham gia sinh hoạt trong hội văn nghệ cứu quốc thuộc Liên khu 9. “Hồi ký Sơn Nam” (NXB Trẻ - 2015) có kể, ngày nọ ở xã nọ có chương trình biểu diễn văn nghệ, thời đó bao giờ trên sân khấu cũng có cột cờ Tổ quốc và đài liệt sĩ trận vong. Đài làm bằng tre, đan hình tam giác như kiểu hình kim tự tháp, nhìn thấy khung phía trước còn trống,  Nguyễn Bính mới bảo tìm lấy cho ông tấm giấy điều, mực tàu và cây cọ để ông viết vài chữ rồi dán lên đó cho trang trọng.

Nguyễn Bính trổ tài phượng múa rồng bay với 4 chữ "Chết mà bất tử". Ban khánh tiết hoan nghênh nhiệt liệt? Thì đây, họ "lý luận" như sau: "Chết là chết, là hy sinh tính mạng, đó là tử. Chết mà bất tử nghe lạ lùng quá. Đổi lại "Vị quốc vong thân" mới được. Mấy làng xã khác đều dùng như vậy, mình đừng đổi cái gì hết" (tr. 229). Nghe nói chắc nụi thế, thi sĩ “Lỡ bước sang ngang” đành ngậm bồ hòn làm ngọt mà… cười như mếu.

Này, từ trường hợp éo le trên, cô Hai ơi, ta thử đặt vấn đề: Nếu đời người như sự vận động của một ngày, vậy, "hết một ngày" cũng hàm nghĩa như "hết một đời"? Muốn trả lời, ta hãy thử bàn về từ ngày xem sao.

Có thể nói, danh từ "ngày" trong tiếng Việt là một từ rất thú vị. “Đại từ điển tiếng Việt” (1999) giải thích cả 4 nghĩa, trong đó có nghĩa: "Thời gian ước lệ của 24 giờ". Hành trình này là sự vận động tính từng giây, từng phút, từng giờ, vậy, nói một cách nôm na là thời gian của một ngày không đứng yên mà di chuyển liên tục. Thế thì, rõ ràng nó đang đi. Đi là bằng đôi chân di chuyển từ vị trí này sang vị trí khác, hiểu như thế, ta dễ dàng hình dung ra là nếu muốn đi thì ngày phải… có chân chứ gì? Vâng, ngày phải có chân: "chân ngày".

Thiệt ngộ nghĩnh

Tôi quan sát và nhận thấy, ngày như một sinh vật. Thì đây, ngày có đầu, lúc sáng sớm mai lên, gọi "đầu ngày" là nhằm chỉ khoảng thời gian đầu tiên của một ngày. Khoảng cách giữa đầu và chân là lưng, có thể lúc đã ngọ, đã trưa đứng bóng, người ta dùng từ "lưng ngày", tức thời gian ấy đã hết một nửa hay nói cách khác là "giữa ngày/ nửa ngày". Từ đó, thời gian trở đi sẽ dẫn tới "chân ngày", ta hiểu là "cuối ngày". Tức đã xong một ngày của ngày hôm đó, con người bắt đầu nghỉ ngơi, sau một ngày đã làm việc. Cách nói này, cho thấy ngày đã di chuyển thể hiện từ "đầu, lưng, chân".

Và, khi vận dụng vào cách nói mang tính nghệ thuật, cho đến nay với từ "chân ngày", tôi đã thấy chỉ có hai người sử dụng. Lập tức nó đã tạo nên ấn tượng mới mẻ làm phong phú hơn, uyển chuyển hơn cho tiếng Việt. Có thể nhắc đến thi sĩ Hồ Dzếnh với những câu thơ đã ghim vào trí nhớ người đọc: "Trên đường về nhớ đầy/ Chiều chậm đưa chân ngày/ Tiếng buồn vang trong mây/ Chim rừng quên cất cánh/ Gió say tình ngây ngây…".

Chiều/ chiều về là khoảnh khắc đã cuối ngày, ở đây, với từ đưa/ đưa tiễn "Chiều chậm đưa chân ngày" là nhằm gợi lên vai trò tác động của chiều đối với chính nó. Như thế cũng là một cách nhấn mạnh trong buổi chiều ấy, chỉ có "Tôi là người lữ khách" tiễn/ đưa chính tôi, chứ không có thêm một ai khác. Chiều và người cũng nằm trong một tâm thế. Tất cả gợi lên sự đơn côi một hình một bóng, vì thế, phải người "châm lấy khói thuốc"; và lấy "Khói huyền bay lên mây" như một sự bầu bạn.

Về sau, Trịnh Công Sơn cũng vận dụng một cách tài hoa: "Dưới vòng nôi mọc từng nấm mộ/ Dưới chân ngày cỏ xót xa đưa". Khác với "chân ngày" trong thơ Hồ Dzếnh, ở đây, "chân ngày" không còn chỉ là chiều, còn là sự cuối cùng của buổi chiều, chiều đã kết thúc. Ngày đã hết. Hết một ngày. Từ đó, nó được hiểu qua nghĩa phái sinh nhằm khái quát cho một vòng đời/ đời người, chứ không phải vòng quay của một ngày mà là kết thúc vòng quay của đời người, người qua một cõi khác.

Buồn tình chẳng muốn nói ra

Muốn đi ăn cỗ chẳng ma nào mời

Thiệt éo le, trái ngược với "Buồn ngủ gặp chiếu manh". Vậy, ma ở trong câu này có thể hiểu: "Hồn người chết" (Việt Nam tự điển, 1931); "Sự hiện hình của người chết, theo mê tín" (Đại từ điển tiếng Việt, 1999)? Có phải đồng nghĩa với ma trong câu: "Chính chuyên chết cũng ra ma/ Lẳng lơ chết cũng đem ra ngoài đồng"? Không, ma ở đây chỉ là cách nói nhằm chỉ ai đó, người nào bất kỳ, không xác định cụ thể. Câu đố về mặt trăng, mặt trời ở xứ Nghệ cũng sử dụng cách nói này:

Mặt mẹ như gương như hoa

Mặt cha nhăn nhó nỏ ma nào nhìn

Trong tiếng Việt, dù ma nhưng đôi khi lại nhằm chỉ về người, chẳng hạn, "Ma cũ bắt nạt ma mới" là ỷ thế đã cư ngụ ở đó/ làm ở đó lâu năm, tỏ tường ngóc ngách công việc, xác lập các mối quan hệ, rành rẽ đường đi nước bước, thông thạo mọi nhẽ vì vậy cậy vào lợi thế này bắt nạt người chân ướt chân ráo mới đến. Ngược lại, nếu "Ma mới bắt nạt ma cũ" là ngược đời quá thể, người mới đến lại dám lên mặt, dọa dẫm người cũ. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại thì "Sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy người" - chứ gặp ai cũng giở cái thói hoạnh họe, bắt nạt ấy ắt có ngày "dính chấu" bởi biết đâu "ma mới" có ô dù thế lực, tài giỏi hơn mình.

Ở thành ngữ "Ma cây gạo, cú cáo cây đề" thì chẳng có ma/ ma quái gì cả - chỉ là lời cảnh báo những nơi xa xôi, hẻo lánh, vắng vẻ thường có kẻ xấu đang chờ chực nên cẩn thận, thận trọng vẫn hơn. Tương tự, "Ma đưa lối quỷ đưa đường/ Cứ tìm lấy lối đoạn trường mà đi" (Truyện Kiều) chỉ là cách nói về sự mù quáng, mê muội, chẳng khác gì kẻ đó "ăn cháo lú" khiến lú lẫn, không còn sáng suốt nhận ra đúng sai, chính tà. "Ma ăn cỗ" cũng vậy, là chỉ việc làm vụng trộm kín đáo, khéo léo đến độ thần sầu quỷ khốc, không ai phát hiện ra.

Thành ngữ bao giờ cũng là cách nói ấn tượng, phổ cập và mang tính khái quát cao nhất, vì thế có cách nói "bá chấy con bọ chét" liên quan đến ma, xin cô Hai đừng nghĩ thô tục: "Lạnh như l… ma". Nào ai thấy ma mà biết "chỗ ấy" lạnh cỡ nào, phải không? Xin thưa, đây chính là cách nói tắt của thây ma/ xác chết đó thôi. Ma còn có nghĩa là chết, vì thế mới có câu: "Sống quê cha, ma quê chồng". "Làm ma" là làm lễ chôn cất người chết:

Con cò chết rũ trên cây

Cò con giở sách xem ngày làm ma

Ma, dấu vết của nó còn có liên quan đến phong tục xưa của người Việt. Với từ "Ma sống" Việt Nam tự điển, 1931 chỉ giải thích ngắn gọn: "Lễ để trả lệ làng trước khi chết". Không rõ cách thức diễn ra thế nào. Riêng câu "Ma quàn cưới chịu", “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” (NXB Giáo dục - 1993) của nhóm tác giả Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hảo giải thích: "Xưa, cha mẹ chết, con cái phải mổ lợn mổ trâu làm cỗ mời làng trả nợ miệng, dân làng đến ăn cỗ rồi mới khiêng người chết đi chôn. Nhà nghèo không có tiền làm cỗ, đành phải chịu tai tiếng và nhờ vài người thân khiêng xác chết đi chôn. Như vậy gọi là "ma quàn". Xưa, trai gái lấy nhau cũng phải làm cỗ mời làng, lo tiền nộp cheo thì mọi người mới công nhận. Người không có tiền lo liệu mọi thủ tục đó đành phải mang tiếng là theo không. Như vậy gọi là "cưới chịu" (tr. 440). Không những thế, sự tang ma ấy còn có liên quan đến cả "Cưới chạy tang" nữa.

Vậy, "ma khô" là thế nào mà có tục phải "làm ma khô"? Trong tập “Chuyện cũ Hà Nội” (NXB Kim Đồng - 2010), nhà văn Tô Hoài cho biết, đại khái, ông bố của Hiền đi làm phu ở Thái Nguyên, chẳng may ốm ngã nước rồi chết, con cháu không rõ cụ thể ngày giờ nào, bèn lấy ngày bố bước chân ra đi là ngày chết. Xưa nay, trong làng, đám tang nhà héo, mình đều có đi phúng điếu nhang đèn nọ kia, nay bố mình chết, có ai biết mà đi lại? Rồi trong đời, mình đã nhiều lần được người ta mời mọc ăn uống nhưng mình chưa có dịp mời lại như một cách đáp lễ họ. Vậy, "Chỉ có lo cái ma khô mới rửa được tiếng và mới có cớ trả nợ miệng, đòi nợ miệng" (tr. 50).

Nhất cử lưỡng tiện. Cũng đầy đủ các nghi thức như mọi đám ma khác, cũng phường kèn, cũng khóc mướn, cũng kinh kệ… chỉ khác là không có quan tài và những ngày đó, cả làng tới nhà chia buồn, rồi gia chủ tiếp đãi cho ăn uống phủ phê, chơi bài bạc tổ tôm, rượu chè uống tràn cung mây say tít mù. Dù nhiều nhà nghèo rách mồng tơi, đến độ "Van nợ lắm khi tràn nước mắt/ Chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi" (Tú Xương) nhưng cũng vẫn chạy vạy, vay thêm nợ làm ma khô để được "tiếng ở làng".

Có một điều hết sức thú vị, với từ ma trong tâm thức người Việt thì nó chẳng hay ho gì, chẳng hạn, tinh ma, ranh ma, ma mãnh, ma đầu, ma giáo…; do đó, khi sự vay mượn từ tiếng Pháp cũng có nghĩa na ná khiến ta đôi lúc quên đi đó từ "nhập cư". Thử đọc đoạn thơ của Tú Mỡ:

Ấy là ông Mo Phú họ Ngô

Tục danh trong xã là bô ma bùn

Hình tuy lủn củn lùn cùn

Môi dày trán ngắn răng còn sơn đen

 "Chính tôi đã được lão Vitor Ban mách ràng xưa kia, Xuân Tóc Ðỏ chỉ là một thằng ma cà bông" (Vũ Trọng Phụng)… Rõ ràng, ma bùn: maboul; ma cà bông: vagabond hoặc ma lanh: malin; ma cô/ mặt rô: maquereau; ma nơ canh: mannequin v.v… là những từ vay mượn tiếng Pháp. Rắc rối nhất vẫn là ma ri sến. Ma ri rõ ràng là Marie tiếng Pháp, còn sến? Sến là loại gỗ tốt, gỗ quý, còn có nghĩa sang, nhượng, bán cho; hay nó là cách phát âm từ sen/ con sen là đày tớ gái? Trả lời thế nào? Thiên hạ vẫn còn tranh luận chán chê.

Về ma, độc đáo ở Nam Bộ mới có giống lúa huyền thoại mà dân gian gọi là "lúa ma" - “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) giải thích: "Thứ cỏ hay mọc hai bên mép sông, cũng trổ bông như lúa mà nhỏ hột, năm mất mùa cũng nhờ nó mà đỡ đói". Giống lúa này có đuôi rất dài, hạt lúa vừa chín sẽ tự rụng khi có ánh nắng mặt trời. Do đó, ngày xưa khai hoang lập ấp, bà con nông dân phải thức khuya chống xuồng ba lá thu hoạch lúa ma và trở về nhà trước khi mặt trời mọc. “Biên khảo Đất Gia Định xưa”, nhà văn Sơn Nam cho biết thuở ấy còn có nghề "đập lúa ma" tức là chuyên đi khai thác lúa trời, lúa hoang.

Còn có đôi ba từ liên quan đến từ ma của người miền Nam xưa, theo tự vị của ông Huình Tịnh Paulus Của, ta có thể kể đến: "Bộ ma" tức "sổ bộ vẫn còn để tên người chết làm chủ ruộng đất". Cách hiểu này, ta sực nhớ đến "hồ sơ ma" hiện nay đâu đó vẫn còn, tỷ như ai đó đã chết nhưng cán bộ xã, huyện vẫn không xóa tên để hằng tháng ký "nhận giúp" khoản tiền trợ cấp nào đó của người đó.

Đáng sợ nhất vẫn là các "dự án ma", tức dự án ảo, dự án không có thật chỉ vẽ trên giấy chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép nhưng chủ đầu tư vẫn phân lô bán nền, ào ào thu tiền đến khi bị luật pháp lật mặt, người mua mới bẽ bàng dậm chân kêu trời. Các chủ đầu tư kiểu ba trợn đó hoặc những kẻ cờ bạc, đề đóm, gian thương buôn lậu, tham ô tham nhũng, nhận hối hộ, ngoác mồm ra đớp như hạm dù ních bộn nhưng đồng tiền phi nhân phi nghĩa đó, cuối cùng cũng phải nôn ra, ông bà ta bảo "Tiền ma gạo quỷ". Đố mà giữ được.

Phải vậy không cô Hai?

Lê Minh Quốc
.
.