“Thiên đường” Juba: từ khách sạn 5 sao đến những túp lều…

Chủ Nhật, 14/04/2024, 09:35

Thủ đô Juba là thành phố phát triển nhất của Cộng hòa Nam Sudan - một quốc gia non trẻ của lục địa đen vẫn đang từng ngày từng giờ đối mặt với nghèo đói, xung đột và bất ổn. Ở Nam Sudan, Juba được coi là thiên đường, tức là nơi đáng sống nhất so với tất cả những vùng đất còn lại của đất nước này. Những ngày ở Juba, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến những khó khăn,khốc liệt, và cả những vẻ đẹp riêng có nơi thiên đường ấy…

Có gì, ở Juba?

Juba có sân bay quốc tế! Đó là điều kiện tiên quyết để chúng tôi có thể đặt chân tới vùng đất châu Phi này. Từ Hà Nội, sau 20 giờ bay và quá cảnh, máy bay sẽ đáp xuống sân bay quốc tế Juba - sân bay quốc tế duy nhất của Nam Sudan.

Sân bay nhỏ, cũ kĩ và sơ sài. Bên trong khu làm thủ tục nhập cảnh, dưới ánh điện lờ mờ, trong không khí nóng bức ngột ngạt, những nhân viên người bản địa vẫn thản nhiên làm việc trong cảnh không quạt điện, không điều hòa. Nếu có ngồi trong phòng chờ VIP thì mồ hôi cũng túa ra vì ngoài bộ ghế sofa êm ái ra thì tình trạng nóng bức cũng tương tự.

Bước ra ngoài sảnh sân bay, lập tức cảm nhận được nắng gió châu Phi với nền nhiệt khoảng 45 độ C. Cảnh tượng trước mắt giống như một bến xe khách ở Việt Nam cách đây vài chục năm, đông đúc và lộn xộn. Nhiều địa điểm trong sân vẫn còn là nền đất. Không có nhiều hãng bay khai thác đường bay ở xứ sở này nên chỉ thấy lèo tèo vài chiếc máy bay cỡ nhỏ.

“Thiên đường” Juba: từ khách sạn 5 sao đến những túp lều… -0
Pyramid - khách sạn 5 sao hiếm hoi ở thủ đô Juba.

Nam Sudan có tất cả 10 bang. Thành phố Juba là trung tâm của bang Trung Xích Đạo, cũng là trung tâm chính trị, kinh tế, giao thông, giáo dục và hợp tác phát triển, được chọn là thủ đô của nước này. Đi khắp Juba, lác đác có vài khách sạn. Trong số ấy, có duy nhất một khách sạn hạng 5 sao có tên Pyramid của nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ. Pyramid cao 11 tầng, là không gian sang trọng nhất Juba. Lên tầng 11, phóng tầm mắt sẽ thấy được toàn cảnh thủ đô, từ những con phố được coi là sầm uất nhất đến những túp lều lụp xụp. Pyramid là nơi dừng chân của những đoàn khách cấp cao, doanh nhân từ các nước trên thế giới tới Juba để giao thương, hội họp. Còn với người dân ở Juba, đây là một nơi xa xỉ.

Đường phố Juba hiện lên với đủ màu sắc và cung bậc. Cửa hàng cửa hiệu không nhiều nhưng được sơn đủ màu hồng, vàng, cam, tím, đỏ. Phố xá không có biển quảng cáo, không có địa chỉ, số nhà, tên đường. Cả đất nước Nam Sudan mới có vài chục kilômet đường rải nhựa nên đường đất là “đặc sản” của xứ sở này. Thời tiết khắc nghiệt khi ban ngày lên đến gần 50 độ C nhưng ban đêm giảm xuống 16 độ C. Vào mùa khô bụi đỏ hồng không gian, mùa mưa thì lầy lội bùn đất khiến việc di chuyển cực kì khó khăn.

“Thiên đường” Juba: từ khách sạn 5 sao đến những túp lều… -0
Cậu thanh niên Simon là nhân viên lái xe của Liên hợp quốc.

Xe ôtô vật vã đi như rùa bò vì những cú xóc liên hoàn trên những con đường gồ ghề đầy ổ trâu, ổ voi. Tại những ngã tư đông đúc, người ta đặt một đống lốp xe ôtô xếp chồng lên nhau ở giữa đường làm… vòng xuyến. Hầu như không có dải phân cách, không có làn đường, không biển chỉ dẫn, không có đèn xanh đèn đỏ nên việc đi lại gói gọn trong hai chữ “tự do”. Và tất nhiên, tắc đường cũng thường xuyên diễn ra dưới cái nóng như thiêu đốt.

Phương tiện giao thông ở thủ đô Juba phổ biến là ôtô, xe máy và xe bajah rất giống với xe lam ở Việt Nam. Ôtô chủ yếu của các cơ quan nhà nước và giới nhà giàu. Không thể không kể đến những chiếc ôtô màu trắng có chữ UN (United Nations) rất to của Liên hợp quốc xuất hiện thường nhật trong các hoạt động bảo vệ người dân. Chỉ có duy nhất một loại xe máy xuất hiện ở đây, giống như xe Minsk ở Việt Nam thời bao cấp. Chúng tôi khá ngạc nhiên khi thấy ở những ngã ba, ngã tư đường có nhiều anh xe ôm dựng xe chờ khách.

Tìm hiểu ra mới biết, vì tình trạng an ninh không đảm bảo, việc đi lại tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn cá nhân nên người dân, mà đặc biệt là phụ nữ không dám đi xe ra đường một mình. Để đề phòng việc bị tấn công, cướp bóc, họ thường đi bộ, bắt xe ôm hay xe bajah. Không hề thấy hình ảnh các chị phụ nữ chạy xe ào ào trên phố.

“Thiên đường” Juba: từ khách sạn 5 sao đến những túp lều… -0
Những túp lều lụp xụp ngay dưới chân khách sạn.

Đã quá quen với ánh mặt trời chói lòa từ sáng sớm tới chiều muộn, từ đứa trẻ mới sinh vài ngày tuổi đến những ông già bà cả đều không hề đội mũ hay có phương tiện chống nắng. Những cái bóng cao gầy đổ dài trên đường đất đỏ. Nam Sudan có tộc người Dinka được cho là cao nhất thế giới. Theo kết quả khảo sát cách đây nửa thế kỉ, chiều cao trung bình của người Dinka là 1,8m. Nhưng nhìn dáng vẻ đi lại lững thững, chậm chạp trên đường thì xem ra chiều dài đôi chân lại hoàn toàn tỉ lệ nghịch với vận tốc di chuyển của họ. Người Nam Sudan cũng được biết đến có màu da tối nhất thế giới. Họ quan niệm, da càng đen thì… càng đẹp, càng tiệm cận tới sự hoàn hảo.

Ở Nam Sudan không có điện lưới quốc gia. Các cơ quan, trụ sở, khách sạn thường có máy nổ phát điện hoặc tấm pin năng lượng mặt trời. Còn với người dân thì điện vẫn là thứ xa lạ. “Ở Juba có trường đại học không?”, chúng tôi tò mò hỏi tổ công tác gìn giữ hòa bình. Và câu trả lời là nơi đây có duy nhất một trường đại học được xây dựng từ năm 1975. Cũng có cả sân bóng đá được xây dựng khá đẹp, có bệnh viện để chữa bệnh cho người dân. Dù rất muốn lưu lại khoảnh khắc có mặt tại những nơi “có một mà không có hai” ở Juba nhưng chúng tôi đều phải ngậm ngùi trong tiếc nuối. Bởi Nam Sudan không cho phép chụp ảnh, quay phim tự do, trừ khi được sự cho phép. Biển cấm quay phim, chụp ảnh đặt ở nhiều nơi.

Ban ngày, Juba vẫn có những khung cảnh sinh động và bình yên. Ở những quán nước vỉa hè, người dân ngồi trên chiếc ghế nhựa giống ở Việt Nam cách đây 2 thập kỉ để ngắm phố xá và trò chuyện. Khi xe ôtô lướt qua, chúng tôi vẫn kịp thấy một cậu thanh niên mặc áo trắng, ngồi tỉ mẩn lau chiếc dép trắng một cách chậm rãi, nâng niu. Ở một điểm rửa xe ô tô ven đường, người ta phun bọt trắng xóa khắp ôtô, sau đó cần mẫn lau rửa đến bóng loáng. Để rồi sau đó, chiếc ô tô lại lao đi trên những con đường đất nhão nhoét bùn và bẩn lại hoàn bẩn...

Cuộc sống dưới làn đạn

Nam Sudan tuyên bố độc lập vào ngày 9/7/2011, trở thành quốc gia non trẻ nhất tại châu Phi nói riêng cũng như thế giới nói chung. Tuy thế, 13 năm qua, người dân không hề được sống trong hòa bình bởi xung đột giữa các phe phái, sắc tộc tiếp tục diễn biến phức tạp. Dân số của nước này chỉ khoảng 13 triệu người nhưng thuộc 200 dân tộc khác nhau, trong đó có hai dân tộc lớn nhất là người Dinka và người Nuer. Đi đường ở Juba, dễ có cảm giác tim đập chân run khi bắt gặp những đoàn xe chở các nhóm vũ trang đi lại rầm rập với súng ống, đạn pháo. Mới đây nhất, ngày 2/4, tiếng súng lại vang lên, nhiều người dân bị bắn chết, những đứa trẻ vô tội bị bắt cóc. Bầu không khí căng thẳng, hận thù và đau thương luôn bao trùm.

“Thiên đường” Juba: từ khách sạn 5 sao đến những túp lều… -0
Những đứa trẻ ham học ở Trung tâm trẻ mồ côi.

Ở Nam Sudan, người dân nhiều vùng miền quan niệm sự giàu có thể hiện bằng việc sở hữu số gia súc. Vì thế, tình trạng cướp bóc gia súc trên cả nước đang diễn ra ngày càng phức tạp. Một nhóm người nào đó sẽ di chuyển số lượng nhỏ gia súc của họ đi đến vùng bên cạnh; việc tiếp theo là tấn công vào các trại gia súc ở đó rồi mang tất cả số gia súc quay về và tự nhận là gia súc của họ. Trên đường họ di chuyển, nếu bị ngăn cản thì họ sẵn sàng dùng súng tấn công đáp trả và bắn chết người dân xung quanh. Đây là tình trạng đáng báo động và hiện chưa có hướng giải quyết tích cực từ chính quyền địa phương.

“Thiên đường” Juba: từ khách sạn 5 sao đến những túp lều… -0
Người dân làm nghề đập đá và bán đá làm vật liệu xây dựng ở ven đường.

Hệ quả tất yếu của tình trạng nội chiến kéo dài là cơ sở hạ tầng không những không được phát triển mà còn bị phá hủy, có đến hơn 80% người dân sống cuộc sống vô cùng bấp bênh, nghèo đói và khổ cực. Lương thực, thực phẩm thiếu thốn và đắt đỏ. Dù có trữ lượng dầu mỏ lớn nhưng mệnh giá đồng bảng Nam Sudan (SSP) vẫn liên tục giảm và GDP thấp. Mặc dù thủ đô Juba là thành phố phát triển nhất nước nhưng sự nghèo nàn hiện hữu ngay trước mắt. Cách những con phố không xa là làng mạc cằn cỗi, hoang tàn. Giữa bãi đất đỏ bụi mù mịt hiện lên những những ngôi nhà vách đất hoặc dựng bằng các tấm tôn, người dân chui ra chui vào đã thành quen. Những ngôi nhà ấy không hề có cửa kiên cố, chỉ là những mảnh vải buông rủ ngăn cách bên trong và bên ngoài. Chính vì thế, những vụ cướp bóc, hiếp dâm thường xuyên xảy ra. Người dân đốt củi để lấy than bán, hoặc lăn những tảng đá từ trên núi xuống, rồi ngày ngày họ sẽ nhẫn nại đập cho đến khi thành những viên đá nhỏ vụn để bán làm vật liệu xây dựng.

Hơn 20.000 người dân đã phải rời bỏ nhà cửa và đi ẩn náu khắp nơi, trở thành những người tị nạn do nội chiến ngay trên đất nước mình. Sống trong sự bất ổn và hỗn loạn kéo dài, bị đẩy đuổi khắp nơi, dường như người dân đã quen, cứ lặng lẽ cam chịu, không biết phải làm gì để thoát khỏi sự nghèo đói ấy. Ngay tại thủ đô Juba đã từng xảy ra một số vụ nổ súng vào dân thường, vào xe khách làm nhiều người chết, gây ra tình trạng hết sức căng thẳng. Để đảm bảo an toàn cho nhân viên Liên hợp quốc thực hiện nhiệm vụ, Phái bộ UNMISS phải quy định giờ giới nghiêm đối với nhân viên từ 19 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Trong thời gian này toàn bộ nhân viên Liên hợp phải ở trong căn cứ để đảm bảo an toàn.

“Thiên đường” Juba: từ khách sạn 5 sao đến những túp lều… -0
Một góc đường phố ở thủ đô.

Đường phố Juba tối đến vắng vẻ và tối tăm. Người dân chui rúc trong những mái nhà quây bằng tôn hoặc lều bạt chật chội mà không dám đi ra ngoài. Tỉ lệ thất nghiệp ở Nam Sudan rất cao, người ta đổ xô đi tìm việc làm kiếm sống nhưng chẳng hề dễ dàng. Ở khách sạn 5 sao Pyramid, một vài người bản địa được tuyển vào làm lễ tân, bảo vệ, dọn phòng là một cơ hội vô cùng quý giá đối với họ. Cô dọn phòng khách sạn nói với chúng tôi rằng cô ấy phải cố gắng làm việc thật chăm chỉ, không để xảy ra sai sót để trụ lại lâu dài ở đây.

Mức lương khoảng 200 USD/tháng, tương đương khoảng 5 triệu đồng Việt Nam mà cô nhận được là nguồn thu nhập đáng mơ ước, một vị trí công việc quá ổn ở nơi mà việc làm vô cùng thiếu này. Gia đình 5 người của cô trông chờ chủ yếu vào đồng lương ấy. Cô bảo, ở đây mọi thứ không có gì chắc chắn cả. Bởi những bạo loạn, chết chóc có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Có người bạn của cô phải gửi con sang nhà họ hàng ở nước khác để đi học, còn họ ở lại để kiếm tiền… Một cuộc sống thực sự hòa bình là mơ ước lớn lao nhất với người dân Nam Sudan.

Khao khát hòa bình

Hàng ngày hàng giờ ở Nam Sudan, tiếng súng giao tranh giữa các sắc tộc vẫn vang lên. Người dân chạy khỏi những khu vực giao tranh, chạy đi tứ tán để tìm việc làm hoặc vào sống trong các trại tị nạn. Không chỉ thế, cuộc xung đột tại nước láng giềng Sudan đã khiến dòng người tị nạn tiếp tục đổ về Nam Sudan với số lượng rất lớn, biến nước này thành một trại tị nạn lớn nhất nhì châu Phi.

Khu vực Malakal thuộc bang Upper Nile, Nam Sudan hiện là nơi duy nhất trên thế giới có trại bảo vệ dân thường do Liên hợp quốc thành lập và chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh, an toàn cho gần 40.000 người tị nạn trong trại. Những dãy lều bạt san sát nhau trải dài hàng trăm mét. Người dân đầu trần, chân đất đi lại, sinh hoạt trong điều kiện hết sức thiếu thốn. Trẻ con cả ngày chỉ biết chạy nhảy, chơi đùa ở ven kênh rạch, ruồi muỗi bay rào rào trong khoảng không. Còn ở thủ đô Juba cũng có đến hai trại tị nạn do Chính phủ Nam Sudan quản lý. Trong những không gian đông đúc và điều kiện sống dưới mức cơ bản ấy, dịch bệnh có thể bùng phát và lan rộng bất cứ lúc nào. Tội nhất là trẻ nhỏ ở trong trại. Thú vui duy nhất của bọn trẻ là chơi trò shalaleet. Chỉ cần một chai nhựa nhét giấy bên trong, buộc vào cột rồi đá đi đá lại mà chúng chơi say sưa, tạm quên đi cái đói và sự bất ổn xung quanh.

“Thiên đường” Juba: từ khách sạn 5 sao đến những túp lều… -0
Tình trạng giao thông hỗn loạn ở Juba.

Ở Juba, ngoài trại tị nạn còn có trại trẻ mồ côi. Trung tâm Trẻ mồ côi mà chúng tôi đến thăm có cái tên khá dài, Sheikh Dafalla Quranic Academic Foundation Orphanage. Thấy có đoàn khách đến thăm, bọn trẻ ngồi xếp hàng trước dãy nhà tồi tàn, ánh mắt vừa lạ lẫm vừa hân hoan. Ngôn ngữ chính thức duy nhất của Nam Sudan là tiếng Anh, vì thế những đứa trẻ 3 tuổi đã có thể giao tiếp với người nước ngoài. Đó là điều vô cùng tuyệt vời để kéo chúng tới gần thế giới văn minh hiện đại. Trung tâm hiện có 166 trẻ em và thanh thiếu niên, trong đó 70% là trẻ mồ côi, 30% là trẻ em từ các gia đình nghèo không có khả năng chăm sóc.

Ông Mohamad Ibrahim Abbas, Giám đốc Trung tâm trẻ mồ côi chia sẻ rằng trong khi số trẻ em ở trung tâm vẫn tăng lên hàng ngày thì điều kiện cơ sở vật chất, chỗ ăn nghỉ của các em ngày càng xuống cấp, không có đủ lương thực, nước sinh hoạt, không có điện. Hiện chỉ có 5 tình nguyện viên nữ và 6 tình nguyện viên nam làm việc hết công suất tại Trung tâm. Ở một góc tồi tàn gần khu bếp, bên cạnh bếp củi và đống nồi niêu cũ kĩ, méo mó, chúng tôi vẫn bắt gặp những đứa trẻ chăm chú học bài. Trang sách vẫn là nguồn sáng hấp dẫn những đứa trẻ ngoan và hiếu học. “Cháu ước mơ điều gì?”. Chú bé ngừng viết, khẽ mỉm cười đáp: “Cháu ước mình học giỏi, sau này có việc làm và có nhiều tiền”. “Có nhiều tiền thì cháu làm gì?”. “Cháu sẽ quay trở lại đây”. Và sự thật có những đứa trẻ lớn lên ở đây, khi trưởng thành đã quay về để giúp đỡ Trung tâm. Đó là những câu chuyện đầy xúc động ở nơi này. 

 Trong những ngày ở Juba, chúng tôi quen với cậu thanh niên tên là Simon, 28 tuổi đang là nhân viên lái xe của Liên hợp quốc. Simon kể rằng nhà cậu thuộc hàng khá giả, cậu được bố mẹ cho sang học đại học ở Uganda 5 năm liền về mảng công nghệ thông tin. Nhưng khi về nước thì chẳng có việc làm, may mắn xin được chân lái xe. Ngày nào cũng vậy, Simon dậy từ 5 giờ sáng, ăn sáng thật no để đủ sức làm việc cả ngày. 7 giờ tối hết giờ làm, cậu mới trở về nhà và ăn bữa tối. Mức lương 400 USD/tháng của Simon gồng gánh cả gia đình, một phần để nuôi hai đứa con, một phần dành dụm để cho vợ học đại học để kiếm được việc làm. Đắt đỏ nhất là nước sạch, phải mua từng can để ăn uống hàng ngày. Nhà cậu ấy đã sắm một chiếc máy phát điện, chỉ chạy khoảng 30 phút mỗi tối để các con có điện ăn cơm.

Hỏi Simon rằng ở “thiên đường” Juba thì nơi nào đẹp nhất? Cậu ấy say sưa nói về sông Nile Trắng chảy dọc theo đất nước và nằm sát thủ đô. Chúng tôi đã đến bên bờ sông hiền hòa, hoang sơ như một miền cổ tích. Làn nước trong mát chảy êm ả, lấp lánh dưới ánh mặt trời. Hai bên sông, những hàng xoài cổ thụ xanh mướt. Người dân kéo nhau ra bến sông tắm giặt, bơi lội, khung cảnh thật yên bình. Nguồn cá tôm dồi dào bù đắp cho người dân nguồn dinh dưỡng khi mà ngành trồng trọt khó phát triển. Con sông là món quà tuyệt vời nhất mà mẹ thiên nhiên dành tặng cho mảnh đất khắc nghiệt này.

Nam Sudan vẫn đang trong quá trình tìm kiếm và xây dựng hòa bình lâu dài. Có đến “thiên đường” Juba mới thấy trân trọng và hạnh phúc khi được sống ở những thiên đường khác.

Huyền Châm
.
.