Thế gian rực rỡ những ân tình

Thứ Ba, 31/08/2021, 10:16

Ngắm những đóa hoa trong vườn, bạn phải dùng cặp mắt để nhìn. Nhưng những đóa hoa nở ra từ lòng tốt thì ngay cả người mù cũng có thể thấy nó. Đó là những đóa hoa ẩn tàng sâu xa trong mảnh đất tình thương.

Con người phải đoàn kết, xót thương nhau mới có thể tồn tại, đấy là điều chúng ta học được từ đại dịch COVID-19, tính đến thời điểm này, đã cướp đi khoảng 5 triệu người trên toàn thế giới, và con số sẽ còn tiếp tục tăng lên. Bao nhiêu số phận đang trong tình cảnh cần được giúp đỡ khẩn cấp, bao nhiêu bàn tay đang chìa ra mà nếu con người buông tay nhau, sự trả giá chắc chắn sẽ trở nên khủng khiếp vô cùng.

Thế gian rực rỡ những ân tình -0

Giúp nhau để cùng an toàn - là con đường duy nhất mà những người tiến bộ đang lựa chọn để đi qua hoạn nạn, để có một thế giới tốt đẹp hơn những gì trước đó. Con đường của những đóa hoa với mùi hương vĩnh cửu tỏa ra từ sự tử tế và hành xử trách nhiệm với cộng đồng.

Khi nhà hàng xóm của bạn đang cháy, bạn khó có thể an toàn. Nhận thức này rất cụ thể. Đám cháy sẽ hiếm khi chỉ dừng ở nhà hàng xóm, nó sẽ lan sang nhà bạn, hoặc lửa, hoặc khói. Và bạn sẽ bị ảnh hưởng là điều không tránh khỏi. Cách duy nhất bạn giúp mình trong hoàn cảnh đó chính là giúp hàng xóm dập lửa trong ngôi nhà của họ. Khi bạn nỗ lực vì nhà hàng xóm, đừng nghĩ rằng mình đang giúp họ, mà chính là đang giúp mình đó thôi.

Thế gian rực rỡ những ân tình -0

Tương tự như vậy, COVID-19 là một đám cháy lớn, lan từ châu lục này sang châu lục khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác, từ địa phương này sang địa phương khác, từ nhà này sang nhà khác. Sức nóng của nó mang tính toàn cầu, đồng nghĩa với chẳng ai được an toàn tuyệt đối, bởi vì “hàng xóm” của chúng ta đều đang có vấn đề. Chia sẻ vắc-xin, chia sẻ thuốc điều trị, chia sẻ phương pháp, kinh nghiệm chữa trị, chia sẻ nhu yếu phẩm cần thiết và chia sẻ tinh thần, tình thương, động viên giúp đỡ nhau đang trở thành một trụ năng lượng chính để cả thế giới vận hành theo.

Khi đại dịch chưa xảy ra, không ít lần chúng ta thở dài vì những câu chuyện mình chứng kiến, cảm giác như con người trở nên vô tâm, vô cảm hơn trước nỗi đau đồng loại. Chúng ta thấy xung quanh mình, nhiều người mải mê chăm chút vuốt ve cái tôi riêng biệt, chạy theo cái bóng bẩy hào nhoáng bên ngoài, mà quên tưới tẩm hạt giống từ bi, sự tử tế nằm sâu trong tàng thức phía bên trong.

Thế gian rực rỡ những ân tình -0

Con người cách xa nhau vì khoảng cách giàu nghèo, vì hẹp hòi ích kỷ, vì lòng tham và bản tính chăm chăm sở hữu, tích trữ. Nhưng giờ thì đang có một sự thay đổi mà ai cũng có thể cảm nhận. Khi những ngôi nhà bị đóng cửa, những khu phố hay những khu dân cư bị chăng dây băng bó, cũng là lúc lòng người rộng mở hơn bao giờ hết, tình người trở nên gần gũi, ấm áp hơn bao giờ hết.

Trong ngày thường không có gì đặc biệt, chúng ta nghe như cái chết ở đâu rất xa, còn trong môi trường sống có bệnh dịch, chúng ta thấy cái chết gần mình quá. Nó rình rập, dòm ngó, chỉ đợi mình bất cẩn để “vồ” lấy mình.

Chúng ta ở nhà ngày qua ngày để hy vọng tránh được bóng đen của COVID, hay là bóng đen của thần chết. Trên lằn ranh đó, chúng ta nhận thức được sự quý giá của đời sống. Rằng những tháng ngày bận rộn mê mải đuổi theo những thứ bên ngoài, chúng ta đã không nhận ra sự sống đáng quý đến mức nào. Chúng ta đi lại loạn xạ, chen lấn để vượt lên, để đạt được những thứ mà chúng ta cho rằng phải có nó thì mình mới trở nên “có giá trị”.

Nhưng khi có thời gian yên tĩnh suy ngẫm, chúng ta thấy rõ mức độ hủy diệt của đời sống vội vã đó. Nó bào mòn sức lực, tâm trí, và ngăn cản sự tiến bộ tinh thần của chúng ta. Rằng, chúng ta đã chấp chới với những ảo tưởng bên ngoài quá lâu mà không mấy khi chịu dừng lại suy xét. Chúng ta chạy đuổi như một tập tính và càng chạy thì càng xa chính mình.

Khi biết trân quý sự sống của bản thân, chúng ta cũng đồng thời biết quý sự sống của người khác, những “hàng xóm” của chúng ta. Trong dịch bệnh chúng ta nhận ra, cần chung tay giúp đỡ những “hàng xóm” đó, để họ khỏe mạnh. Bởi vì sự khỏe mạnh của họ có liên quan mật thiết đến sự khỏe mạnh của chúng ta. Mỗi người không thể đứng riêng rẽ một mình mà trở nên an toàn, yên ổn - đó là thông điệp rất rõ ràng mà virut Corona gửi đến.

Thế gian rực rỡ những ân tình -0

Hàng ngày theo dõi tin tức trên truyền hình hay mạng xã hội, bên cạnh những con số nặng nề về người nhiễm cũng như người tử vong vì dịch bệnh, vẫn còn những thông tin làm chúng ta thấy ấm lòng, thấy hy vọng, là những câu chuyện về tình người. Lương tâm toàn xã hội trở nên thức tỉnh, và gần như mỗi tình cảnh, mỗi số phận, mỗi sự kiện nêu ra đều được phần đông mọi người đáp trả với một thái độ ân cần, nâng niu, cảm thông, sẻ chia, thấu hiểu.

Lòng trắc ẩn con người dành cho nhau như hương thơm tỏa khắp thế gian. Sẵn sàng san sẻ những gì mình có cho người khác, để cứu nhau, giúp nhau, bằng tất cả sự vô tư không cần suy tính, lấy sự an toàn của người trở thành niềm vui lớn lao, thành nguồn hạnh phúc của mình - đó là điều mà nhiều người trong xã hội đang chung một hành động, chung một cảm nhận. Triết lý cho đi lan tỏa mạnh mẽ và trở thành nguồn năng lượng tích cực động viên con người vượt qua đại dịch.

“Chống dịch như chống giặc” bằng nhiều cách khác nhau. Ở khía cạnh tinh thần, lòng tốt và sự sẻ chia của con người là một trong những vũ khí chống giặc hữu hiệu. “Kẻ thù” COVID đã hiến tặng cho mỗi chúng ta một cơ hội quý giá: cơ hội tự cải thiện mình. Một người dường như trở lên hơn tốt hơn trước đó, nhờ tinh thần sẵn sàng cho đi, sẵn sàng nắm lấy bàn tay người khó khăn, yếu thế, kém may mắn hơn mình.

Nhìn sâu vào bản ngã, chúng ta thấy rằng, tình thương, lòng tốt là cái gì có sẵn đó trong thuộc tính của mỗi người, nó còn mạnh mẽ hơn cả tính hiếu thắng hay bạo lực, nhưng đáng tiếc là chúng ta thường ít thể hiện chúng. Cuộc sống hướng ra ngoài đã dạy chúng ta phải chiến đấu, phải giành giật, sở hữu, phải bảo vệ cái mình có. Chúng ta không ngừng so sánh mình với người khác và đó là lý do chúng ta luôn thấy mình thiếu thốn. Chúng ta muốn nhiều hơn nữa: nhà, xe, tiền bạc, vật dụng đến mức lệ thuộc vào nó.

Những đòi hỏi từ bên ngoài cứ leo thang mãi, như một liều thuốc kích thích, mà chúng ta là kẻ nghiện, cứ chạy đuổi theo hoài, và tin rằng phải có nó thì mới trở nên tự tin, hạnh phúc. Chúng ta cảm thấy ghen tỵ với một số người khi nhìn vào những gì họ sở hữu, và họ “có vẻ” hạnh phúc. Phần lớn cuộc đời mình chúng ta dành để “quay quắt” với việc làm sao để nhìn mình “có vẻ” hạnh phúc, đầy đủ hơn.

Nhưng COVID đến và chúng ta đột ngột phải dừng những cuộc kiếm tìm bên ngoài. Cuộc tìm kiếm bên trong có cơ hội được mở ra. Với nhiều người, đó là một hành trình quan trọng, giúp họ nhận ra mình có nhiều “bảo vật” và chẳng hề thiếu thốn như mình nghĩ. Niềm vui khi các thành viên trong gia đình được khỏe mạnh bên nhau, những lời trao gửi đầm ấm, những cuộc điện thoại sẻ chia, những chia sẻ tâm tình cũng có thể mang tới một sức mạnh và một cảm giác tột đỉnh của hạnh phúc.

Khi dừng lại những cuộc tìm kiếm bên ngoài, chúng ta cũng ngừng so sánh. Nhà cửa, xe cộ, tiền bạc, quần áo hàng hiệu, những vật chất mà ta hằng bám chặt… trong những ngày dịch bệnh phải ở nhà bỗng trở nên thừa thãi, thậm chí chẳng còn nhiều ý nghĩa như chúng ta tin trước đó.

Nó là những vật “ngoài thân”, chẳng thể giúp cho chúng ta khỏe mạnh hay an toàn hơn trước phán quyết của sinh vật nhỏ bé corona virus. Cuộc sống của mỗi người dường như đã được phản chiếu một ánh sáng khác, một sự soi rọi khác trong tinh thần. Giúp đỡ, chia sẻ cùng nhau là con đường để đến được hạnh phúc tuyệt đối, là cách để tồn tại, để tiếp tục cuộc sống và tận hưởng niềm vui.

Trong Phật giáo, những người đi trên con đường phấn đấu cho sự giác ngộ và hành động để giúp đỡ người khác tức là đi trên con đường Bồ Tát. Có một vị Bồ Tát trong tâm mỗi người và chúng ta phải tự mình phát hiện. Trong quan niệm về nhân quả, Đức Phật cho rằng những nỗ lực vì lợi ích của người khác có thể thay đổi Nghiệp của một người.

Mọi hành vi, ý thức của mỗi người đều tạo ra một dạng năng lượng, một dạng lực đẩy mà một ngày nào đó bất kỳ trong tương lai hiệu ứng của nó sẽ xảy ra. Chúng ta sẽ nhận lại chính những gì chúng ta đã gieo từ quá khứ. Những quả ngọt cho đi rồi sẽ trở lại cho ta hái và tương tự như vậy là quả đắng. Hạnh phúc đến từ việc suy nghĩ cho người khác và mọi đau khổ lại xuất phát từ việc chỉ nghĩ cho chính mình. Bằng cách liên hệ mình với các vấn đề của người khác, những vấn đề cá nhân của một người sẽ bớt nghiêm trọng đi.

Khi còn trẻ tôi rất nể trọng những người khôn ngoan. Nhưng càng trải nghiệm cuộc đời, tôi càng thấy rằng, lòng tốt mới là đáng giá với nhân loại.  Tôi thấy rằng sự vĩ đại của một người không nằm trong danh tiếng hay tài sản hoặc quyền lực, mà nó nằm trong thái độ, hành động phụng sự con người.

Những gì đang xảy ra trên thế giới, nghèo đói, chiến tranh, bạo lực, thiên tai, và cả dịch bệnh nữa cho thấy lòng tốt của con người là chưa đủ. Sự cho đi vẫn là chưa đủ, khi mà thành trì của vun vén, ích kỷ, tư lợi cá nhân vẫn còn đang sừng sững trong mỗi chúng ta. Những ngày sống trong đại dịch tôi càng thấm hơn một câu nói của thi sĩ, tiểu thuyết gia Walter Scott, cha đẻ tác phẩm “Ivanhoe” nổi tiếng: “Loài người sẽ diệt vong nếu con người ngừng giúp đỡ lẫn nhau. Chúng ta không thể tồn tại mà không hỗ trợ lẫn nhau. Do đó, những ai cần trợ giúp có quyền đi tìm sự giúp đỡ từ người khác, và không ai có khả năng giúp đỡ lại có thể từ chối mà không thấy cắn rứt”.

Thiện tâm của con người là nền tảng của vũ trụ. Nhân loại đi về phía trước, không phải chỉ bằng khoa học kỹ thuật, bằng những anh hùng, mà quan trọng hơn cả là lực đẩy của từ tâm con người. Lòng tốt như đóa hoa dù ở đâu chúng ta cảm nhận được mùi hương của nó. Những đóa hoa nở ra từ tình thương và sự ân cần mà con người đã trao cho nhau với một sự vô tư không vướng mắc. Khi con người thực hành lòng tốt, họ sẽ vượt qua mọi hoạn nạn và để lại cho con cháu của mình một thế gian tương lai rực rỡ những ân tình.

Bình Nguyên Trang
.
.