Thắp lửa của mình lên...

Thứ Hai, 04/07/2022, 20:45

"Dân ta phải biết sử ta" (Bác Hồ), theo cách của ta, không phải để giải trí theo kiểu xem phim dã sử ngoại quốc mà có thể tự chọn học hay không học để thi...

- Không viết không chịu được thì viết thôi...

- Không nhìn lên trời nữa,

Nhìn xuống dưới chân mình,

Nhìn xung quanh gần gụi,

Những nhọc nhằn sinh linh...

Trong cơn gió bất ngờ,

Vô cớ làm nến tắt,

Xin hãy giữ giùm nhau

Lần cuối cùng rõ mặt...

Có thể rồi vĩnh viễn

Chẳng luân hồi nữa đâu,

Dù chỉ là hạt bụi

Vẫn không nhầm lẫn đau...

- "BA KHÔNG": Không gợi rối quá khứ, không bất mãn với hiện tại và không lệch chuẩn của tương lai... Rất khó nhưng cần phải cố gắng...

- Mỗi dân tộc có riêng một góc nhìn lịch sử, được hình thành từ những trải nghiệm nhiều thế kỷ, được lưu truyền từ đời này sang đời khác như một trong những loại vũ khí tinh thần quan trọng hàng đầu để tồn tại, giữ gìn độc lập tự do và phát triển...

"Dân ta phải biết sử ta" (Bác Hồ), theo cách của ta, không phải để giải trí theo kiểu xem phim dã sử ngoại quốc mà có thể tự chọn học hay không học để thi...

- Người bất mãn với hiện tại luôn muốn sử dụng những điển tích lịch sử để nhiếc móc chính quyền đương đại, lắm khi say mê đến mức không buồn nghĩ tới những bài học lịch sử về cách thức mà các vua chúa thời trước đối xử với những nhân vật nói lời "nghịch nhĩ". Người quá thấm nhuần bài học "phải giữ cho đầu còn trên vai" thì lại dễ bị rơi vào trạng thái nhát gan và khôn lỏi... Nhưng đó cũng là "chuyện thường ngày" ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, lịch sử của bất cứ dân tộc nào cũng có những bài học riêng dành chung cho mọi thành viên, để không bị nước ngoài xuyên tạc, lôi kéo và đồng hóa. Nhớ những bài học đó cũng là một cách tiêm "vắc-xin tinh thần" để gìn giữ nền độc lập... Và có lẽ đó cũng là lý do để không buông việc truyền thụ kiến thức lịch sử quốc gia ở trường phổ thông?

- Thực tế cho thấy những thành tựu công nghệ vĩ đại không giúp cho con người trở nên nhân ái và khoan dung hơn với nhau mà chỉ làm gia tăng sự khốc liệt và tàn bạo trong cách xử lý những mâu thuẫn giữa họ mà thôi...

- Có lẽ chỉ có những nhà thơ và các nhà truyền giáo mới vẫn tin rằng tình yêu có thể hóa giải những hận thù và mâu thuẫn lợi ích...

- Người sáng tạo nào cũng thường có những lỗi lớn với chính những người thân thiết nhất của mình...

- Sự thực là những người mơ ước nhất tới một ngôi nhà chung toàn cầu, lắm khi không giữ nổi cho mình một túp lều riêng…

- Ta là kẻ hành khất

Trong sa mạc nhân tình...

Chỉ những vần thơ lẻ

Mới phù sa giúp mình...

Ta chối từ tất cả

Đãi bôi vị phù hoa.

Ta luôn luôn kiêu hãnh

Đơn côi và đơn ca...

- Đừng bắt nhốt rồng vào trong cái lồng chật hẹp của những cụ thể hóa thô sơ. Hãy để rồng thoắt ẩn thoắt hiện giữa những đám mây trên bầu trời bao la của trí tưởng tượng!

- Nhìn người, cứ nghĩ về hoa,

Nhìn hoa, chợt thấy hóa ra giống người...

Lắm khi trong héo ngoài tươi

Lắm khi làm đẹp cho đời rồi tiêu...

Thắp lửa của mình lên... -0

- Theo Platon, ngốc nghếch là những người hoặc rất hay nói về những việc chẳng ích lợi gì cho cá nhân mình, hoặc cứ xơi xơi nêu ý kiến ngay cả khi chẳng có ai yêu cầu cả. Còn theo một định nghĩa rất phổ biến về trí thức, thì đó là người hay bàn luận về những việc chẳng liên quan gì tới mình...

- Biết chắc mới thưa thốt, không biết thì "dựa cột mà nghe", đừng bao giờ cố gắng làm như mình cái gì cũng biết...

- Người hiểu biết là người biết những lĩnh vực mà mình không phải là chuyên gia...

- Lắm khi người thật sự giỏi trong một số ngành nghề đòi hỏi các kỹ năng thực tế, trong đó có làm báo, là những người không có học hàm, học vị, vì họ luôn luôn bận tối mặt tối mũi với công việc chuyên môn thường nhật của mình, nên không thể có thời gian đi trả bài cho những lý thuyết không mấy thiết thực chủ yếu chỉ để làm đủ hay làm đẹp hồ sơ...

- Có một sự thật là những tâm hồn giàu có thường ăn vận rất xuềnh xoàng... Tất nhiên, không phải ai ăn vận đẹp cũng là người nghèo nàn về tâm hồn...

- Nhặt lên một mảnh lá vàng,

Trong lòng mờ những vênh vang phận mình...

Chắc gì duyên nợ ba sinh,

Có tài mà chẳng có tình cũng tiêu...

- Thi ca, cũng như mỹ nhân, không làm thay đổi được bản chất con người. Nó chỉ có thể làm hiện rõ hơn những gì mà con người vốn có...

- Cuối cùng thì giá trị đích thực và duy nhất của một cuốn sách vẫn chỉ là những con chữ nằm trong đó...

- Điều mà nhà văn, nhà thơ cần hơn tất cả là những người quan tâm, tìm đọc, thấu hiểu và yêu thích những tác phẩm mà họ viết ra, bất kể đó có là đồng nghiệp hay không...

- Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật lắm khi lại thoát ra khỏi những ý muốn ẩn chứa trong đầu tác giả, mà lại phụ thuộc ở những suy nghĩ và cảm xúc của công chúng khi thưởng thức tác phẩm đó... Mọi sự vì thế trở nên vô cùng tương đối. Đừng quá cả quyết khi đưa ra những nhận định của mình về một tác phẩm...

- Nghệ thuật cùng lắm chỉ là giọt nước tràn ly trong một số tình huống chứ khó bao giờ có thể là yếu tố quyết định hành vi của những người trần mắt thịt...

- Thực sự yêu thơ là những người gửi tiền tới mua sách... Yêu thơ thực sự hơn nữa là những người mua sách bao giờ cũng gửi tới dư tiền...

- Nhạy cảm quá đà là một biểu hiện bệnh lý chứ chả hay ho gì... Văn hóa, đó là khi mọi sự được cảm nhận đủ độ của nó, nhiều khi quá tay một "giọt" thôi cũng có thể gây nên những sự cố văn minh không gì biện bác nổi...

- Tầm thường hóa những tôn vinh,

Chính ta đang tự phá mình chứ ai...

Một cộng một chỉ bằng hai,

Cá mè một lứa trên vai khổng lồ...

- Yêu nghề đến mức không yêu nghề nữa mới là thực sự yêu nghề...

- Đừng ăn phải bả truyền thông,

Điều đã không có sẽ không có gì…

- Quan tâm hơn tới những người gần, bớt tò mò về những người xa...

- Nhốt thơ vào hội làm chi,

Nàng thơ "xịn" chỉ thích đi ngoài đường...

- Mình không trân trọng người ta thì đừng hy vọng rằng người ta sẽ trân trọng mình...

- Tác phẩm có thể hoàn toàn là sản phẩm của trí tưởng tượng nhưng vẫn buộc được công chúng tin vào sự chân thực của nó thì mới có thể được coi là thành công. Còn nếu tác phẩm ngay cả khi chỉ thuật lại một câu chuyện có thật trong đời nhưng lại khiến công chúng nhìn ra được sự giả tạo trong đó thì đấy là một thất bại về mặt chuyên môn...

- Nghệ thuật không nên chỉ cảm tính mà còn cần khiến con người suy nghĩ thấu đáo hơn về các vấn đề của mình. Và một khi trên đời còn tiếp tục tồn tại những mâu thuẫn và đối kháng thì nghệ thuật rất khó thoát khỏi sự chi phối của những va đập này...

- Luôn có thể nói rằng vẽ tranh là một hành vi thuần túy cảm hứng nghệ thuật, nhưng rất khó có thể biện bạch rằng, đặt chú thích không phải là một hành động có chủ đích mang tính định hướng xã hội...

- Nhà người ta, mặc người ta,

Nhà mình cứ giữ nếp nhà mình thôi...

Mỗi người một phận con người,

Mâm nào đũa ấy, chơi tròi khổ thân...

- Từ thân quen, bỗng dưng thành lạ lẫm,

Đôi khi chỉ vì một lớp sơn thôi...

Căn cốt cũ, mới thực luôn là mới,

Trẻ lại làm sao được Đức Chúa Lời!

- Người duy cảm luôn tin rằng ông giời sẽ trừng phạt kẻ ác. Và thường là ngồi yên, "bó tay thúc thủ".

Người duy thực biết rằng phải tự mình loại trừ cái ác. Và hành động "tùy cơ ứng biến". Dù rất nhiều khi bị người duy cảm coi cũng là kẻ ác...

- Rồng đẹp ẩn hiện trong mây,

Chứ trông thật quá hóa cây dị hình...

- Tương lai của bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng phụ thuộc rất lớn vào khả năng cùng tồn tại một cách văn minh của những người "nghĩ theo cách của mình", tức là theo những cách khác nhau...

- Ngốc là ai, ngốc là ta,

Rượu đời quá chén hóa ra hở tình...

- Lụa là phủ mát mình son

Ngỡ như em vẫn là con của giời...

- Đi đâu cũng chỉ thích nằm

Một mình và tự nhể dằm cho tim...

- Chán đời không chán môi hôn,

Giận nhau vẫn muốn được hờn dỗi nhau.

Đời còn lắm chuyện mai sau,

Thôi em đừng bắt đau đầu vu vơ...

- Tình yêu, khác với các bất động sản hay các đồ vật quý, nếu đem ra bán đấu giá thì lắm khi người giành được lại là người trả giá thấp nhất, thậm chí còn không buồn trả giá...

- Nói phải, củ cải có thể nghe theo, nhưng "ca-la-thầu" thì chắc chắn là không. Đặc biệt là khi bàn về nghệ thuật và khi người nghệ sĩ có dụng ý sử dụng nghệ thuật để bộc lộ quan điểm chính trị của mình...

- Làm người, nên thường xuyên tự dọn nhà vệ sinh của chính mình...

- Những quốc gia hồ hởi nhận làm chư hầu thì sẽ không bao giờ được đối xử như những đối tác...

- Ai đánh bạn mình, tức là họ đánh mình đấy...

- Những phát ngôn hào nhoáng trơn tru thường rất ít sự chân thành. Điều gan ruột lắm khi lại phát ra một cách bộc trực, hơi trúc trắc, thậm chí có thể có một hai lỗi chính tả...

- Sống theo chỉ số máu,

Yêu dựa vào số đo,

Nói lựa lời các sếp,

Chả cần gì tới thơ...

Rồi tới ngày sau cuối,

Thở hắt ra một lần,

Tay không về cõi khác,

Có thành ra thiên thần?

- Biết sợ, nhưng vẫn phải nói ra khác hẳn nói ra vì không còn có gì để sợ...

Đó cũng là sự khác nhau về đạo đức...

- Bóng đá, cũng như tình yêu, không thể lý giải bằng tư duy logic thông thường.

Hãy tận hưởng những buồn vui mà bóng đá mang lại cho ta. Và đừng vội đưa ra những đúc kết về các quy luật phát triển xã hội.

- Đừng bao giờ để những nỗ lực sưởi ấm trái tim trở thành nguyên nhân gây ra những vết bỏng không thể lành thành sẹo…

- Tự lựa chọn những gì thích hợp nhất với cá nhân mình, không quá nệ vào các bảng xếp hạng của thiên hạ, ngay cả trong lĩnh vực hoa hậu...

- Thực tế thì những nghệ sĩ "nho nhỏ" thường gắn bó và xót xa nhau hơn những nghệ sĩ "lơn lớn"...

- Lạc vào trong u tối?

Thắp lửa của mình lên...

Vô danh và lặng lẽ,

Đâu cần đời nhắc tên...

Trời cao hết phép lạ?

Trần thế cạn hiền nhân?

Sống! Để vui bầu bạn,

Đỡ đần những người thân...

Rẽ ngang vào ngõ cụt?

Tự mở lối cùng đi!

Với niềm tin cái thiện

Không thể nào suy vi...

Hồng Thanh Quang
.
.