Thành nhà Hồ kêu cứu

Thứ Năm, 30/11/2023, 13:40

Lại một mùa mưa bão nữa đang đến mang theo bao nỗi lo lắng về hệ thống tường thành đá tại di sản thế giới Thành nhà Hồ (Thanh Hóa).

Trước thời điểm UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (năm 2011), các chuyên gia trong nước và quốc tế đã đưa ra cảnh báo trong trường hợp thiếu những giải pháp cấp thiết và khoa học, những đoạn tường thành đá đã bị xuống cấp với mức độ khác nhau do nhiều nguyên nhân sẽ tiếp tục bị sụt lún và đổ sập. Đến nay sự báo động ấy ngày càng lớn hơn.

Có tới 16 điểm, đoạn tường thành chờ… sập

Đã gần 10 năm chúng tôi mới trở lại di sản Thành nhà Hồ. Khoảng thời gian ấy cũng đủ dài để có những trải nghiệm mới khi được quay trở lại đây vào đầu tháng 10 vừa qua. Không gian, cảnh quan của di sản vẫn giữ gìn được khá tốt. Hệ thống trưng bày hiện vật thu được qua các cuộc khai quật cả ở trong nhà và ngoài trời đã có những cải thiện, thu hút sự tìm hiểu của du khách, nhưng tính đa dạng, phong phú vẫn còn khá nghèo nàn. Lên xe điện chạy một vòng quanh hệ thống tường thành đá, hạ tầng đường sá nơi đây không được thay đổi nhiều. Nhân viên lái xe chia sẻ, “muốn đường đi lối lại được nâng cấp thì cần có kinh phí, nhưng việc đầu tư còn nhỏ giọt quá”.

IMG_8607_1-1701138030182.JPG
Một đoạn thành nhà Hồ có nguy cơ đổ sập.

Dừng xe ở cổng Bắc, chúng tôi lội bộ lại đoạn tường thành đá đang truồi, phình ra như “bụng chửa” trong tình trạng nguy cấp, báo động rất cao về sự chực chờ đổ sập bất cứ khi nào. Ngay phía dưới tường thành, Ban quản lý cho cắm biển cảnh báo “nguy hiểm cấm lại gần”, và gần như chưa có biện pháp chống đỡ, gia cố nào.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, toàn bộ hệ thống tường thành đá di sản Thành nhà Hồ có tới 16 điểm, đoạn xuống cấp, xuống cấp nghiêm trọng, cần phải có biện pháp “giải cứu”. Còn nhớ, năm 2017, sau một trận mưa kéo dài, một đoạn tường thành đá ở phía Bắc đã bị đổ sập dài gần 30m, kéo theo vô số đất đá trong tường thành tràn ra ngoài, khiến cả hệ thống tường thành bị cắt đứt một đoạn rất nguy hiểm. Đó là lời cảnh tỉnh từ thiên nhiên và độ bền vững của tường thành này. Tuy nhiên, điều khó hiểu là, cho đến nay, những điểm, đoạn tường thành có nguy cơ và nguy cơ cao về tình trạng xuống cấp vẫn chưa thể triển khai các dự án gia cố, bảo vệ cho đến tu bổ cấp thiết, nhằm đưa những đoạn tường thành đá này ra khỏi tình trạng khẩn cấp.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ, từ nhiều năm qua, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã nhận diện đầy đủ về tình trạng nguy cơ xuống cấp, đổ sập của những đoạn tường thành đá, và đã tiến hành khảo sát, đo đạc, lập dự án để tiến hành gia cố, bảo vệ cho đến tu bổ. Tuy nhiên, một phần kinh phí còn eo hẹp, phần khác đang có những quan điểm, giải pháp khác nhau trong việc bảo vệ, vì thế việc “giải cứu” vẫn chưa thể tiến hành.

Khi chúng tôi đặt vấn đề, thành nhà Hồ được công nhận là di sản văn hóa thế giới đến nay đã hơn 12 năm, và đến thời điểm này vẫn chưa thể triển khai các biện pháp ứng cứu những đoạn tường thành có nguy cơ bị sập đổ, trách nhiệm này thuộc về ai, ông Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản thành nhà Hồ cũng chỉ biết… cười gượng gạo.

Vì sao dự án tu sửa cấp thiết đang “dậm chân tại chỗ”?

Cách đây 2 năm, một dự án tu bổ cấp thiết đã được khởi động. Tu sửa cấp thiết di tích được hiểu là hoạt động để kịp thời ngăn chặn di tích khỏi bị sập đổ, hủy hoại, đòi hỏi cấp bách cần hành động ngay, không được chậm trễ. Thế nhưng, nó lại diễn ra theo cách rất chậm trễ.

Thành nhà Hồ kêu cứu -0
Hiện trạng công trường dự án tu sửa cấp thiết đoạn tường thành bị đổ sập.

 Cách cổng Bắc không xa là dự án tu bổ cấp thiết đoạn tường thành đá bị đổ sập trong mùa mưa năm 2017. Đoạn tường thành đá đang được tu sửa cấp thiết có độ dài 15m ở khu vực cổng thành Bắc chính là đoạn tường thành bị đổ sập, sụt vào năm 2017 sau một trận mưa bão kéo dài. Những bức ảnh tư liệu năm đó cho thấy hiện trạng sụp, đổ của đoạn tường thành này rất báo động cho những đoạn thành đang có nguy cơ.

Ngay tại thời điểm đó, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và giới chuyên gia đã trực tiếp khảo sát, đưa ra những kiến nghị theo hướng khẩn trương có biện pháp tu sửa, đồng thời có kế hoạch gia cố, giằng giữ những đoạn tường thành khác. Cuối năm 2020, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt dự án tu sửa cấp thiết tường thành đá này, và trải qua nhiều công đoạn, quy trình khác nữa, cuối năm 2021 chủ đầu tư mới bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Tuy nhiên đến nay, khối lượng thi công được kiểm đếm tại hiện trường cũng chỉ là lắp dựng khung cần cẩu; cẩu ra được khoảng 170 viên đá; làm lộ rõ chân móng tường thành; diễn ra mấy cuộc họp và có báo cáo gửi lên có thẩm quyền.

Khi chúng tôi có mặt tại công trường, chỉ thấy đoạn tường thành có chiều dài 15m đã thi công đang bị phủ bạt kín mít. Những viên đá cổ được hạ giải từ bức tường nằm cách công trường vài mét không có gì bảo vệ. Bao quanh không một bóng người.

“Dự án tu sửa cấp thiết đã phải tạm dừng, đang chờ cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến. Vừa rồi tỉnh đã phê duyệt kế hoạch khai quật khảo cổ khu vực chân móng sau hạ giải tường thành đá di sản, hy vọng dự án sẽ được tiếp tục khởi động”, ông Nguyễn Văn Long, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản thành nhà Hồ cho hay. Vậy dự án tu sửa cấp thiết này bị tạm dừng thi công từ khi nào, chúng tôi không nhận được câu trả lời chính xác.

Với những tài liệu chúng tôi có được, ngay sau khi hạ giải đến phần đế móng của đoạn tường thành đá dài 15m thuộc dự án nói trên, đơn vị thi công phát hiện những tư liệu mới, chủ đầu tư đã chủ động mời các chuyên gia, cơ quan chức năng, đơn vị có liên quan để xin ý kiến. Cuộc họp đã đưa ra một số kết luận, trong quá trình thi công và hạ giải 15m đã phát hiện một trong những nguyên nhân gây sụp đổ tường thành là có các tổ mối.

Các tổ mối đã phát triển rộng trong lòng đất, theo thời gian có thể mối đã phá hoại nghiêm trọng cấu trúc tường đá, gây sụp đổ khi mưa bão kéo dài. Kết luận cuộc họp cũng đi đến thống nhất báo cáo với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Thanh Hóa và các cấp ngành có liên quan xin tạm dừng thi công. Tổ chức hội nghị để xin ý kiến có tiếp tục khai quật khảo cổ hay không. Ngoài ra, cuộc họp trên cũng nhận định quá trình đề xuất kiến nghị sẽ có nguy cơ không đảm bảo tiến độ đã được phê duyệt, vì thế đề nghị UBND tỉnh cho phép thời gian thực hiện dự án được chậm lại đến cuối năm 2023.

Tiếp đó, tháng 6/2023, đơn vị có liên quan tiếp tục có văn bản báo cáo tiến độ thực hiện dự án tu sửa cấp thiết đoạn tường thành đá di sản văn hóa thành nhà Hồ, trong đó liệt kê biết bao văn bản, bao cuộc họp, ý kiến của những chuyên gia, cơ quan, tổ chức, đơn vị… rồi kiến nghị: Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch có văn bản đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa thống nhất chủ trương cho khai quật khảo cổ học khu vực chân móng đoạn tường thành đá sau khi đã hạ giải …

Đầu tháng 10/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa mới có quyết định phê duyệt kế hoạch khai quật khảo cổ khu vực chân móng sau hạ giải tường thành đá di sản văn hóa thành nhà Hồ, với quy mô khoảng 60m2, gồm 6 hố tại vị trí đoạn tường thành 15m phía Đông Bắc; thời gian và tiến độ thực hiện dự kiến trong quý 4/2023. Từ tháng 9/2022, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và cơ quan chức năng đã có văn bản báo cáo kiến nghị cần thiết phải tiến hành khai quật khảo cổ khu vực chân móng tường thành thuộc dự án tu sửa cấp thiết một đoạn tường thành đá di sản thành nhà Hồ, và hơn một năm sau, kế hoạch khai quật mới được phê duyệt. Điều này cũng đồng nghĩa dự án tu sửa cấp thiết này cũng đã bị tạm dừng ngần ấy thời gian.

Khoa học, thận trọng là điều vô cùng cần thiết đối với dự án tu sửa cấp thiết tại di sản Thành nhà Hồ, nhưng để ra một quyết định có hay không khai quật khảo cổ để làm cơ sở cho việc thi công tiếp theo mà phải kéo dài hơn một năm trời là điều thật khó lý giải. Trong khi đó, mùa mưa bão đã ập đến, xuất hiện nhiều trận mưa kéo dài, công trường thi công dự án tu bổ cấp thiết đoạn tường thành đá 15m ấy sẽ không thể chống chịu được, khi đó sẽ xảy ra những trận sạt lở.

Việc này không những gây lãng phí tiền của mà sẽ đe dọa đến tính kết cấu của cả dãy tường thành. Dường như trong cung cách xử lý vấn đề, đặc biệt là những vấn đề phát sinh trong quá trình tu bổ, tu sửa, tôn tạo di tích của các cơ quan chức năng có liên quan, cấp có thẩm quyền đang có dấu hiệu… sợ trách nhiệm? 

Nguyễn Thanh Sương
.
.