Thần tốc ở Myanmar

Thứ Năm, 10/04/2025, 09:45

Thần tốc đến Myanmar, chạy đua cùng thời gian tìm kiếm người mất tích sau trận động đất xảy ra trưa ngày 28/3 gây thiệt hại nặng nề, đoàn công tác cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an đã có 7 ngày căng mình làm việc hết công suất trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm... 

Chuyện về những chai nước úp ngược ở vùng tâm chấn

Trận động đất kinh hoàng ở Myanmar ngày 28/3 đã khiến đất nước này thiệt hại nặng nề. Hàng nghìn người thiệt mạng, mất tích và bị thương, nhiều tòa nhà đổ sụp hoặc hư hỏng nghiêm trọng. Trước tình hình đó, chiều 30/3, Bộ Công an đã tổ chức lễ xuất quân đội cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an lên đường thực hiện nhiệm vụ giúp Myanmar khắc phục hậu quả trận động đất. Họ là những người lính dày kinh nghiệm và tinh nhuệ, được tuyển chọn từ các đơn vị trực tiếp chiến đấu và nghiên cứu về nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH). Đoàn lần này có nhiều cán bộ, chiến sĩ từng tham gia cứu nạn, cứu hộ trong thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ cách đây 2 năm. 

Thần tốc ở Myanmar -0
Đại tá Nguyễn Minh Khương, Trưởng đoàn công tác Bộ Công an chia sẻ khó khăn với người dân Myanmar.

Ngay trên hành trình di chuyển trong đêm, Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, trưởng đoàn công tác của Bộ Công an đã phân công 26 đồng chí trong đoàn thành 3 tổ công tác để thực hiện các nhiệm vụ di chuyển, tập kết trang, thiết bị, hàng hóa sau đó, khi đến địa điểm sẽ tiến hành dựng lán trại, khẩn trương triển khai các phương án CNCH.
Ngay trong ngày đầu tiên, các sĩ quan Công an Việt Nam đã tìm thấy 1 nạn nhân trong khu nhà 4 tầng bị đổ sập ở Zabuthiri (thủ đô Naypyidaw, Myanmar).

Ngay khi khảo sát và xác định có 2 người mắc kẹt bên trong, các tổ CNCH dùng máy cắt, thiết bị dò tìm và chó nghiệp vụ để tiếp cận vị trí các nạn nhân. Dù chỉ còn một tia hy vọng mong manh nhưng ai cũng nỗ lực chạy đua với thời gian để tiếp cận nạn nhân trong thời gian sớm nhất. Nhưng, phép màu đã không xảy ra, bé trai Mg Khant Thuta Nygan (10 tuổi) đã tử vong dưới đống đổ nát. Giây phút bàn giao thi thể nạn nhân cho cơ quan chức năng và gia đình là khoảnh khắc nặng nề nhất đối với đoàn công tác.

Tối 6/4, trao đổi với chúng tôi khi đoàn vừa kết thúc ngày làm việc cuối cùng trong chuỗi 7 ngày miệt mài với nỗ lực cao nhất để tìm kiếm người bị nạn, Đại tá Nguyễn Minh Khương cho biết, đoàn công tác của Bộ Công an đã trực tiếp tìm thấy và đưa 7 nạn nhân xấu số ra khỏi khu vực sập đổ. Đoàn cũng phối hợp xác định vị trí và hỗ trợ cho các đội tìm kiếm cứu nạn đến từ các quốc gia khác đưa 7 thi thể ra ngoài. 

Đây là lần thứ hai Đại tá Khương dẫn đoàn đi thực hiện nhiệm vụ CNCH ở nơi xa Tổ quốc. "Cũng giống như khi sang làm nhiệm vụ ở Thổ Nhĩ Kỳ cách đây 2 năm, nhiều ngày chúng tôi tác chiến trong khu vực mất điện, mất nước hoàn toàn. Nhưng, nếu thời tiết ở Thổ Nhĩ Kỳ giá rét âm 6 độ C thì ở Myanmar là nóng 40 độ C, hoàn toàn khác biệt. Cán bộ, chiến sĩ trong đoàn liên tục tìm kiếm dưới nắng nóng, trong môi trường bụi bặm, nặng mùi nên rất mất sức. Công việc nặng nề cả về mặt tâm lý lẫn sức lực khi phải tiếp cận trực tiếp với các thi thể nạn nhân. Nhưng, chúng tôi đều hiểu rằng từng giây từng phút trôi qua vô cùng quý giá, không nề hà bất cứ việc gì, luôn tập trung hết sức để đưa những người xấu số về với vòng tay của gia đình", Đại tá Khương chia sẻ.

Đại tá Khương cho biết thêm: "Thời điểm ở Thổ Nhĩ Kỳ, hiện trường sau động đất bị sập đổ hoàn toàn nên sự hỗ trợ của máy móc cơ giới thuận lợi hơn. Nhưng, ở Myanmar thì các công trình cao tầng bị sập đổ một phần, đa phần bị đổ theo phương nghiêng nên gần như đều chực chờ để đổ tiếp. Nếu xảy ra sập đổ thứ cấp sẽ khiến công tác cứu nạn khó khăn hơn, cán bộ, chiến sĩ có thể bị nguy hiểm, nạn nhân còn sống sót cũng có thể sẽ bị sự đổ, đè gây thiệt mạng. Bởi thế, nếu sử dụng các trang thiết bị tạo nhiều rung chấn như khoan, cắt, cưa, đục bê tông thì có nhiều nguy cơ xảy ra".

Trong tình huống này, kìm thủy lực được coi là "chiến thần" của đoàn CNCH Công an Việt Nam. Chiếc kìm thủy lực khi tác nghiệp có thể phá vỡ được các mảng, khối bê tông lớn nhưng gần như không gây rung chấn. Đại úy Trần Huy Khánh - một thành viên của đoàn công tác những ngày qua được đặt biệt danh là "người đàn ông không phổi", bởi trong rất nhiều tình huống, anh luôn dùng kìm thủy lực để cắt, phá cấu kiện. Những động tác kìm nhanh, ngọt khiến các mảng bê tông vỡ vụn, tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến sĩ tiếp cận hiện trường, giải cứu nạn nhân. Có nhiều đoàn CNCH các nước đến Myanmar nhưng rất ít đoàn sử dụng chiếc kìm này. Chính vì thế, nhiều đoàn quốc tế đã thực hiện theo sự chỉ đạo chiến thuật của đoàn CNCH Bộ Công an Việt Nam với kỹ thuật, phương tiện phù hợp. 

Thần tốc ở Myanmar -0
Cán bộ chiến sĩ Đoàn cứu nạn cứu hộ Bộ Công an sử dụng kìm thuỷ lực để tìm thi thể nạn nhân bị chôn vùi sau trận động đất ở Myanmar.

Tại hiện trường, cán bộ, chiến sĩ Công an Việt Nam đã có sáng kiến đặt các chai nước úp ngược tại rất nhiều địa điểm. Chai nước vừa dễ kiếm, vừa thiết lập nhanh. Việc đặt các chai nước tại hiện trường trong quá trình làm nhiệm vụ cưa cắt khối bê tông có thể đánh giá được mức độ nghiêng, rung lắc của công trình, mở rộng khả năng cảnh báo tại nhiều điểm trong hiện trường rộng lớn, từ đó rút được kinh nghiệm cũng như phương pháp phù hợp. Những "mẹo" nhỏ này vừa thể hiện sự linh động, sáng tạo và tinh thần khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của đoàn, được các đồng nghiệp quốc tế ghi nhận, đánh giá cao và áp dụng theo.

Điểm tựa cho người dân Myanmar

Không chỉ chạy đua với thời gian tìm kiếm người mất tích, đoàn CNCH Bộ Công an còn hỗ trợ gần 3 tấn hàng y tế thiết yếu cho nước bạn. Sáng 1/4, Đại tá Nguyễn Minh Khương đã trao số thuốc và thiết bị y tế cho ông Sa Weli Frag - Vụ trưởng Vụ Quản lý thiên tai, Bộ Phúc lợi xã hội, Cứu trợ và Tái định cư Myanmar với mong muốn hỗ trợ y tế cho nước bạn vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Trận động đất kinh hoàng xảy ra đã khiến hàng chục nghìn người dân ở thủ đô Naypyidaw sống trong cảnh màn trời chiếu đất, không điện, thiếu nước sạch, thiếu thốn các nhu yếu phẩm thiết yếu và sự chăm sóc y tế. Đoàn cứu trợ của Bộ Công an Việt Nam trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng đồng thời cắt cử các tổ công tác hỗ trợ ổn định lại cuộc sống của người dân tại các khu lán trại.

Trong sáng 2/4, lực lượng CNCH Bộ Công an Việt Nam đã dựng 2 lều bạt để hỗ trợ người dân có chỗ che nắng che sương tại sân trường học Taw Win Yadanar, thuộc thị trấn Zabuthiri (Naypyidaw). Những thanh lương khô, chai nước sạch được các sĩ quan trao tận tay người dân ở thời điểm ngặt nghèo quý giá vô cùng, thể hiện tình cảm chân thành mà đoàn cứu trợ Bộ Công an dành cho người dân Myanmar.

Đánh giá về khả năng thực hiện nhiệm vụ trong môi trường quốc tế của lực lượng CNCH Bộ Công an, Đại tá Khương cho biết: "Các thành viên đoàn công tác đều là những sĩ quan tinh nhuệ, bản lĩnh vững vàng, chuyên môn nghiệp vụ cao. Đoàn Bộ Công an Việt Nam những ngày qua chịu trách nhiệm lên phương án tổng thể và phân công nhiệm vụ cho các đơn vị CNCH của 5 nước gồm Singapore, Philippines, Indonesia, Myanmar và Việt Nam. Các nước bạn rất tin tưởng vào chuyên môn và tuân thủ các phương án đoàn Bộ Công an Việt Nam đưa ra, do đó sự phối kết hợp rất nhịp nhàng và hiệu quả". 

Chuyến công tác đặc biệt đã kết thúc, khi được hỏi về những dấu ấn đọng lại, Đại tá Nguyễn Minh Khương xúc động chia sẻ: "Tất cả đều đáng nhớ. Mang tâm thế lên đường để giúp người dân Myanmar đang trong cảnh đau thương nên anh em tinh thần rất vững vàng. Có những tình huống các đoàn quốc tế đến khảo sát trước đó, thấy không khả thi và đã rời đi. Nhưng, khi đoàn chúng tôi đến đã quyết tâm bám trụ, tìm phương án thích hợp để tìm nạn nhân. Tôi nhớ, khi chúng tôi đưa được thi thể nạn nhân ra khỏi khu vực sập đổ, tôi nắm chặt tay người mẹ có con tử nạn, chia sẻ với gia đình sự mất mát.

Người mẹ Myanmar bật khóc nghẹn ngào: "Tôi đợi đoàn cứu hộ từ sáng tới giờ, tôi hy vọng rất nhiều vào đội cứu hộ của Bộ Công an Việt Nam. Tôi biết ơn các anh vì đã tìm được thi thể con tôi. Hình ảnh đội CNCH sẽ là một kí ức không thể nào quên với gia đình chúng tôi", Đại tá Khương kể lại. 

Huyền Châm
.
.