Tết xưa - Tết nay
Câu chuyện Tết cổ truyền gần đây đã có một số người xới xáo nên hay không nên có Tết hoặc gộp tết âm lịch và dương lịch vào làm một? Tuy nhiên, văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực, mục tiêu của phát triển xã hội. Dù cho phát triển kinh tế nắm vai trò chủ đạo, nhưng phát triển kinh tế - xã hội phải đi liền với việc giữ gìn và phát triển văn hóa chứ không thể làm biến đổi giá trị, cốt cách văn hóa của con người, của dân tộc.
1. Thế hệ tôi, Tết cổ truyền không đủ đầy, không sang chảnh nhưng trong ký ức tuổi thơ nghèo khó, Tết vẫn luôn là ý niệm thiêng liêng, định vị trong phần hồn mỗi con người đi suốt cuộc đời không thể nhạt phai.
Vùng nông thôn xưa kinh tế chủ yếu là tự cấp tự túc, sau này là kinh tế hợp tác xã, đa phần nghèo, đời sống vật chất thiếu thốn. Hầu như nhà nào cũng có ruộng phần trăm, vụ tháng Mười thường dành ra vài thước để cấy lúa nếp, thu hoạch về thì phơi khô rồi đổ vào chiếc chum trên chèn lá chuối khô. Chút nếp ấy chính là nồi bánh chưng ngày tết, thịt thà thì năm có năm không, nếu có thì cũng dăm bảy nhà đụng chung con lợn, nhà có lợn để mổ phải là nhà đã làm đầy đủ nghĩa vụ chăn nuôi với hợp tác xã.
Vài cân thịt nếu bó cái giò, nấu tí đông là vừa hết; nếu không bó giò thì mới đủ bôi món nọ món kia cho đủ ba ngày tết. Gia đình nào khá giả thì mới nói đến đủ vị giò, nem, ninh, mọc…
Năm nào nuôi được gà thì cách tết vài tháng là thiến vài con trống giò để nuôi dành cho Tết, vậy mà có khi Tết đến lại phải trói một vài con gà ra chợ để có một món tiền trang trải mắm muối dưa hành lá dong lá bánh... chứ nào dám ăn.
Ấy là năm còn gạo ăn tết chứ hết gạo thì mọi khoản lại cắt giảm, chỉ còn ở mức gọi là có. Bởi nói gì thì nói, "đói ngày giỗ cha no ba ngày tết", món nọ món kia không có thì thôi, chứ ba ngày tết cha mẹ chả nỡ để con đói.
Chuyện tranh, pháo tuy nghèo nhưng cũng đủ. Tuy nhiên đa phần là cứ dạo quanh chòm xóm nhì nhằng rồi cũng xin nhau được cành đào bằng ngón tay về cắm vào cái chai để trên bàn thờ, vài bông hoa đào mà cũng làm nên sự khác biệt với ngày thường. Nhà tôi cũng thuộc diện nghèo, năm thì mẹ mua, năm thì bố xin vài tờ giấy điều về hí hoáy viết đôi câu đối rồi phết nhựa sung dán lên hai cột nhà, tươm đáo để. Có năm khấm khá thì bỏ hẳn 1 đồng mua luôn đôi câu đối đỏ lòe trên hiệu sách phố huyện, hoặc năm hào là có bức tranh con giáp Đông Hồ. Hoa để thờ cúng thì chủ yếu là vài cành hoa giấy xanh, đỏ, tím, vàng mua ngoài chợ. Lũ trẻ chúng tôi thì đì đùng pháo tết mà chủ yếu cũng chỉ là súng diêm, pháo tự cuộn tự chế chứ nếu có được bánh pháo tét cũng phải chờ giao thừa mới đốt.
Ngày gói bánh chưng là xôm tụ nhất, mẹ vo gạo nếp, nước vo đầu mẹ giữ lại cho vào hũ sành nút lá chuối. Trong những ngày tết, bao nhiêu thức ăn thừa đổ hết vào hũ nước gạo ấy để chua lên ra giêng mỗi bữa lấy một ít chưng lên làm nước chấm rau diếp, xà lách hoặc chan cơm, thứ nước hổ lốn mọi thứ ấy gọi là nước dấm bỗng. Bánh chưng cũng chỉ gói dăm mười cái gọi là cho có Tết. Mâm ngũ quả ngày tết thường thì chỉ là nải chuối, vài quả cam, quả quất, đôi cái bánh khảo, tươm hơn thì có hộp mứt tết mậu dịch, hai bên xếp mấy cái bánh chưng, vài chai rượu màu. Chỉ vậy thôi nhưng nhìn lên mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên mà đánh giá sự chỉn chu và phồn thực.
"Già bát cơm canh trẻ manh áo mới", dù đói no thiếu đủ thế nào thì Tết đến bố mẹ cũng cố sắm cho các con quần áo mới, nếu không đủ bộ thì đứa có áo thì thôi quần, đứa được quần thì thôi áo. Quần áo mới phải đợi đến tối 30 Tết sau khi đã tắm rửa sạch sẽ bằng nước rau mùi thơm do mẹ nấu rồi mới được mặc để đón giao thừa và năm mới. Đêm 30 Tết khi thời khắc giao thừa thiêng liêng đã điểm, cả nhà cùng quây quần bên nhau. Sau khi thắp hương khấn vái tổ tiên, bố mẹ sẽ cùng điểm lại việc gia đình trong năm cũ và những dự định cho năm mới.
Cũng trong thời khắc thiêng liêng, nghiêm trang ấy, con cháu cùng mừng tuổi ông bà và bố mẹ cùng mừng tuổi, dặn dò con cháu những điều kiêng trong những ngày đầu năm mới. Quà mừng tuổi cũng chỉ là đồng 5 xu hoặc 1-2 hào mang tính tượng trưng hiếu lễ. Quần áo mới cũng chỉ xúng xính được ngày mồng 1 Tết, sang mồng 2 Tết là đã phải dắt trâu ra đồng.
Đi lễ tết ông bà, cha mẹ, thầy cô, anh em họ hàng thời ấy cũng chỉ là chai rượu nút lá chuối hoặc cái bánh chưng cùng quả cau lá trầu, sang hơn thì có cái bánh khảo, hộp mứt mậu dịch. Chỉ vậy thôi nhưng chẳng ai chê bôi lễ mọn. Đặc sản quý nhất của Tết xưa là lời chúc, đi đến đâu, đến nhà ai, gặp bất kỳ ai dù quen dù lạ, câu cửa miệng là lời chúc năm mới những điều tốt đẹp và thiện ý. Hàng xóm láng giềng hay anh em họ mạc ngày thường có giận dỗi nhau nhưng ngày tết vẫn đến hoặc gặp nhau vẫn tươi tắn xởi lởi tiếng chào, lời chúc năm mới tốt lành, cũng nhờ ngày tết mà bao nỗi tị hiềm hờn giận được xí xóa bỏ qua.
Tết xưa cứ thế có sao dùng vậy, lễ lạt đơn sơ, có gì Tết nấy chẳng ai chê bôi trách móc giàu nghèo to nhỏ. Thế mà vui, mà chộn rộn, đậm đà tình cảm ấm cúng và ăm ắp tình người, tình quê.
2. Ngày nay cuộc sống khấm khá và no đủ bội phần. Mọi thứ từ bánh chưng, giò chả… cho đến quà cáp lễ lạt đều đã có các dịch vụ cung cấp, cần là có, muốn là được. Chỉ cần đặt trước là mọi việc đâu vào đấy. Tết thời giờ nhiều người quan tâm đến hình thức hơn là ăn uống, những cây cảnh, chậu hoa… đắt tiền. Người thành phố thì lên chương trình về quê hoặc đi du lịch đây đó. Chỉ có các vùng nông thôn thì còn có chút chộn rộn không khí Tết, sự chuẩn bị tết nhất đa phần vẫn từ “cây nhà lá vườn”: con lợn, con gà, rau dưa… nuôi trồng được. Những chương trình du lịch, những hoạt động văn hóa dân gian cũng được tổ chức nhiều hơn trước.
Tuy vậy, xem ra nhiều người lo Tết, chán Tết và lời chúc tụng cho nhau cũng đã vơi đi, đã chùng cung quãng chân tình, mặc dù ngày nghỉ Tết đã nhiều hơn và việc đi lại cũng muôn phần thuận lợi.
Sao cứ phải quá lo, sao cứ phải nặng lòng khi Tết đến? Có một dịp để sum vầy, để hàn huyên, để thăm hỏi chúc tụng cầu mong cho nhau những điều tốt đẹp tươi mới, há chẳng phải tuyệt vời lắm sao?
Chuyện sắm sanh ăn uống, quà cáp lễ lạt... là tự lòng ta mà ra chứ nào phải ai áp đặt ép buộc gì mà bảo rằng tội vạ. Người nhận lễ cũng vì sân si mà ỉ ôi chê bôi lễ mọn; người dâng lễ, biếu tặng cũng phần vì gia cảnh lại cũng phần vì toan tính, mượn Tết để mưu cầu danh lợi, dựa Tết để thể hiện sự hơn người hơn đời... từ đấy mà sinh ra quà cáp vơi đầy mà mất đi chân tình thiện ý. Phải chăng cũng vì thế mà sinh ra lo lắng, chán chường vì Tết?
Tết, có sao làm vậy, có gì ăn nấy có sao đâu mà cứ đổ thừa cho Tết nhiêu khê. Hãy đơn giản nhẹ nhàng chuyện ăn uống cho phụ nữ đỡ tất bật lo toan, cho đàn ông đỡ khề khà nhậu nhẹt... Hãy coi trọng thăm viếng hỏi han, xem Tết là cơ hội đoàn viên giữ gìn lễ nghĩa, là dịp giao tình thành ý với nhau. Đấy mới là Tết của con người, của văn hóa bao đời dồn lại.
Đừng quá so đo, đừng nên toan tính, đừng sinh lòng đố kị sang hèn, đừng chạnh lòng vì ít hay nhiều vật chất... như thế sẽ thấy Tết cổ truyền mãi là điều tuyệt diệu.
Thước đo văn minh của một dân tộc không chỉ là trình độ phát triển khoa học công nghệ, không chỉ là một nền kinh tế dư thừa mà chính là mức độ gìn giữ và phát triển một nền văn hóa, mang cốt cách và bản sắc riêng của chính dân tộc ấy.