Tàu bay, tàu bò, tàu xe… xe cộ, xe pháo…

Thứ Sáu, 22/10/2021, 12:22

Bạn mình ơi, ông bà ta bảo, "Ăn no rửng mỡ" là ngụ ý cười chê ai đó, đã no bụng, đã cành hông, đã thừa mứa, đã ngấy đến tận cổ thay vì làm việc gì cho ra hồn, có ích, lại không, hắn ta chỉ làm cái chuyện tào lao xích đế, chẳng đâu vào đâu.

Rõ phí cơm. Rõ phí thời gian. Lại có câu "Cơm no bò cưỡi" ắt cũng na ná chăng? Chưa chắc, nếu không giải thích cho rành rẽ từ bò/ bò cưỡi là cưỡi con bò hay vừa bò vừa cưỡi cái gì đó? Chắc phải hiểu qua nghĩa thứ hai, mới nhận ra tiếng cười nhè nhẹ khi liên tưởng qua chuyện gì đó cực kỳ nhạy cảm chăng?

Thôi thì, chẳng dám bàn gì thêm, chỉ biết rằng, một đã ăn no/ cơm no lại nghĩ về chữ nghĩa nhì nhằng cho được việc, chẳng ngại ai mắng mấy câu đó, phải không nào? Phải lắm. Vậy, nghĩ rằng, đâu là bài thơ trước nhất trong thơ Việt Nam hiện đại lấy cảm hứng từ chiếc máy bay? Trả lời câu hỏi cực khó này ắt phải tra cứu thêm nhiều sách vở. Trước mắt, có tài liệu này, chép lại hầu bạn:

Đầu như chong chóng, cánh như diều,

Lưng ngựa, chơn xe, thực trớ trêu.

Nẩy vóc nghìn cân nên uẩn súc,

Thở hơi một mảy, thoát tiêu diêu.

Luyện thâu phép điện đà bao thuở,

Biến hóa sức thần được bấy nhiêu.

Nổi gió, vén mây, rền tiếng sấm,

Mới hay dị tướng có tài kiêu.

Xin giải thích đôi dòng trong ngữ cảnh của bài thơ, uẩn súc: chứa chất được trong lòng; tiêu diêu: bay lên trên không. Đây là bài thứ 4 trong chùm thơ bốn bài “Vịnh tàu bay” của Quận công Nguyễn Hữu Bài (1863-1935). Bấy giờ, ngày 3-8-1913, tay phi công "dị tướng có tài kiêu", "Tên ông họ là Ma-phụ-Bắc", chính là Mare Pourpre người Pháp đã biểu diễn máy bay trước Ngọ Môn ở Huế. Ông Bài đang Thượng thư bộ Công, do đó, có đi xem là lẽ tất nhiên. Hình ảnh chiếc máy bay đó, ta lại gặp trong “Mười bài liên hoàn tự thuật” của Tôn Thọ Tường (1825 - 1877) chăng? Bài thứ nhất, có câu:

Chớp nhoáng thẳng bon dây thép kéo,

Mây tuôn đen kịt khói tàu bay.

Suy ra, ông Tường cũng từng nhìn thấy chiếc máy bay như ông Bài? Nhầm chết. Câu thơ "Mây tuôn đen kịt khói tàu bay", khiến không ít người đọc "bé cái nhầm" là do  từ "bay/ tàu bay" - nhằm chỉ sự di chuyển, chiến đấu trên không trung, nay, một khi nói "tàu bay" lập tức ta nghĩ đến máy bay. Nếu không phải tàu bay trong câu thơ này, vậy tàu gì? Hơn nữa do đã biết/ thấy tàu bay ông Tường mới viết câu thơ đó? Xin thưa, ông Tường mất năm 1887. Mãi đến ngày 10-12-1910, phi công Hà Lan Van den Born lái chiếc Farman, đó là lần đầu tiên người Sài Gòn mới thấy tàu bay xuất hiện trên bầu trời. Hơn nữa, khi họa lại, cụ Phan Văn Trị đã rành rẽ:

Bến Nghé quản bao cơn lửa cháy,

Cầu Rồng dầu mặc muội tro bay.

Bay là động từ, hỗ trợ cho "khói tàu bay", "muội tro bay". Khói tàu và muội tro bay ra từ đâu, từ cái gì? Từ đây nè, xin nhớ lại rằng, khi xâm lược nước Nam ta, người Pháp không chỉ có tàu bay như ông Nguyễn Hữu Bài nhìn thấy, còn có cả tàu đồng như Tôn Thọ Tường đã nhìn thấy, “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, cụ Đồ Chiểu cho biết: "Bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc, tàu đồng súng nổ"- các loại tàu ấy, gọi tắt gọn lỏn: "tàu". Từ văn chương bác học đến bình dân cũng gọi thế:

Mười giờ tàu lại Bến Thành

Xúp lê vội thổi, bộ hành lao xao

Tàu này là tàu bè, tàu thuyền, tàu thiếc, tàu đồng nói chung, ấy là câu dao giao duyên Pháp - Việt ra đời từ cuối thế kỷ XIX. Ai cũng biết xúp lê: siffler, tiếng còi báo hiệu hụ lên, thổi lên là từ du nhập, chẳng khác gì "con ngoài giá thú" nên người ta còn gọi xíp lê. Và lý thú thay, xúp lê/ xíp lê lại đi vào vốn từ tiếng Việt mà không cần rườm lời giải thích:

Xúp lê một còn mong còn ước

Xúp lê hai còn đợi còn chờ

Xúp lê ba tàu ra khỏi bến

Biết bao giờ cho phụng gần loan?

Từ "phụng-loan" vốn rất quen thuộc trong thơ cổ điển đã "choàng vai bá cổ" chung với xúp lê khiến câu ca dao mang sắc thái mới hẳn. Tàu cũng xuất hiện trong câu thành ngữ: "Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ". "Tàu" ở đây lại có nghĩa chỉ cái máng đựng thức ăn trong chuồng; và cũng dùng chỉ cái chuồng như chuồng ngựa, voi, tượng nên mới có câu: "Trống như tàu tượng". Loại lá cây to và rộng bản cũng gọi là tàu. "Gió đưa bụi chuối te tàu/ Chàng Nam thiếp Bắc làm giàu, ai ăn?". Một người chọc quê bạn mình: "Kìa, mới nhát ma một chút tẹo mà đã run gan. Chưa chi, mặt xanh như tàu lá". Tàu ở đây nhằm chỉ tàu lá chuối, tàu lá dừa, tàu lá dừa…

Tàu bay, tàu bò, tàu xe… xe cộ, xe pháo… -0
Một trong những phương tiện giao thông khá phổ biến vào đầu thế kỷ 20. Ảnh: S.t

Theo nhà nghiên cứu Nam Chi Bùi Thanh Kiên, ở Nam bộ thì "tàu mo" ngoài nghĩa thông dụng mo cau còn chỉ: "Xe lôi gắn máy - tên gọi xe gắn máy kéo thùng để chở khách hoặc hàng hóa, thạnh hành ở các tỉnh miền Tây, nhất là ở Bến Tre từ thập niên 1960". Không rõ cách gọi ấy, nay còn hay đã mất? Có thể không mấy ai còn gọi "tàu mù" dành cho những chiếc tàu mà trước mũi tàu không vẽ hai con mắt, chỉ sơn một màu. Dấu vết của cách gọi ngộ nghĩnh này, còn tìm thấy trong “Đại Nam quốc âm tự vị” (1895). Đôi lúc cách ghi âm tàu/ tào vẫn chưa thống nhất đối với từ du nhập, chẳng hạn:

Nam Vang đi dễ khó về

Trai đi bạn biển, gái về tào kê

Nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ cho biết: "Tào kê vay mượn tiếng Tiều Châu mà âm Hán - Việt là bảo mẫu". “Đại từ điển tiếng Việt” hiện nay ghi nhận "tàu kê" và giải thích: “1.Tiếng gọi những người giàu có và có thế lực; 2. Tiếng gọi những người bất chính cho vay lấy lãi, những người chủ chứa gái điếm”.  Sự lý thú của "tàu" trong tiếng Việt còn phải kể đến trường hợp danh từ riêng Tàu, nhằm chỉ người Trung Quốc đã biến thành danh từ chung từ đời tám hoánh:  "Vai u thịt bắp, mồ hôi dầu/ Nách lông một nạm, trà tàu một tô", mực tàu, táo tàu, chè tàu…

Do tàu di chuyển trên không trung nên gọi tàu bay, di chuyển dưới nước gọi tàu thủy nhưng tại sao tàu di chuyển đường ray/ đường rày (vay mượn từ tiếng Pháp: rail) trên bộ, lại có lúc gọi là xe, thí dụ xe lửa? Chà, câu hỏi này, trả lời cho ra môn ra khoai, ra tấm ra miếng cũng không dễ, bạn mình ơi, chi bằng ta "câu giờ" bằng cách bàn về từ xe? Ừ, càng hay, càng nhộn vì xe hay tàu cũng nhằm vận chuyện người, hàng hóa... Rằng thưa, không chỉ tàu, đôi lúc đọc/ học tác phẩm văn học Việt Nam, có nhiều loại xe cũng khiến ta bí rị. “Đại Nam quốc sử diễn ca” có câu:

Xe rồng phút chốc mây che

Minh Vương ở Hán lại về nối ngôi

Xe rồng, tức "long xa" chở vua. Tuy nhiên, trải qua năm tháng, xe rồng lại "đèo" thêm nghĩa khác. Khác thế nào? Trong đám tang, cái xe được bài trí trang trọng, rực rỡ một cách tôn nghiêm được gọi "xe rồng" nhằm… chở thi hài người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng! Đọc truyện thơ Nôm khuyết danh Quan Âm Thị Kính gặp câu:

Dứt lời thoắt đã chia tay

Hồn hương đã sẵn xe mây rước về

Có phải xe mây là… di chuyển trên mây? Vâng, xe mây là dịch từ chữ Hán: "Vân xa", “Từ điển Hán - Việt” của Đào Duy Anh giải thích: "Xe đi ở trên mây: Phép thần tiên đi giữa không", nói cách khác xe mây chỉ sự rước linh hồn người chết về cõi trên v.v… Rõ ràng ràng, "xe" trong ngữ cảnh trên là từ "xa" Hán - Việt mà ra. Do đó còn có xe châu, xe hạc, xe hương, xe loan, xe tí ngọ, xe thiều, xe vàng v.v… Muốn hiểu rõ nghĩa, ít ra phải rõ nghĩa các từ Hán - Việt đi phía sau. Nhân đây xin nói luôn, ít ai nhớ rằng, từ xưa, với người Việt thì xe có nghĩa: "nhiều, nhiều không kể xiết". “Từ điển từ Việt cổ” (NXB Văn hóa Thông tin - 2001) ở tr. 362, nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện đã dẫn chứng: "Thuở trong Nam Bắc ngựa ngoài có xe (Thiên Nam ngữ lục); Vốn xưa làm Nôm xe chữ kép/ Người thiển học khôn biết khôn xe" (Chỉ nam ngọc âm)" là hiểu theo nghĩa này. 

Trở lại với câu hỏi, tại sao tàu di chuyển đường ray trên bộ, lại có lúc gọi là xe? Đơn giản chỉ vì tàu ấy có bánh xe, chẳng hạn xe lửa/ tàu lửa/ tàu hỏa, xe điện/ tàu điện, xe điện ngầm/ tàu điện ngầm… Vậy xe bò, "Khỏe re như con bò kéo xe" nếu đổi qua tàu bò thì sao? Thì, lập tức nó nhảy cái rẹt qua nghĩa nhằm chỉ… xe tăng! Lại nữa, một khi nói "tàu bay tàu bò" lại hoàn toàn chẳng có xe tăng gì cả, nó lại hàm nghĩa chỉ máy bay/ tàu bay nói chung. Tương tự, một khi đã sử dụng cụm từ xe cộ, xe pháo, tàu xe, tàu bè lại là tiếng chỉ chung, khái quát các loại phương tiện vận chuyển. Tuy nhiên không chỉ có thế, chẳng hạn, một tay cò bảo: "Vụ chạy giấy tờ này nhì nhằng lắm, anh chị cho thêm ít tiền xe pháo". Đã xe thì cần phải có nhiên liệu chứ? Vì thế còn có cách nói khác là "tiền xăng nhớt". Tiếng Việt đó. Cắc cớ chưa?

Do tùy thuộc vào cách vận chuyển/ vận hành mà tàu/ xe có cách gọi tên: Gọi tàu lửa do nó chạy bằng động cơ hơi nước mà thuở ấy phải dùng đến củi lửa trong thao tác vận hành; xe chạy bằng điện thì gọi xe điện/ tàu điện, xe kéo bằng tay gọi xe tay v.v… Xin hỏi khó chút tẹo, vậy xe đò có phải xe đi bằng đò? Trời đất ơi, cơn cớ làm sao từ đò xuất hiện rất tréo ngoe ở đây? Suy luận rằng, khi chưa có xe, người ta đi bằng đò. Mà đã muốn đi đò thì phải đến bến đò, tức bến đậu; và đò xuất phát có giờ giấc hẳn hoi. Vậy, xe cũng có bến xe - địa điểm tương tự đón/ đưa khách. Một khi xe đã thay thế vai trò của đò, lập tức người ta gọi xe đò - tức nó cũng đóng vai trò như đò nhưng bằng hình thức khác là xe. Đò đưa đón khách thì xe đò cũng thế, do đó, nó còn được gọi xe khách. Thế nhưng chẳng một ai gọi "đò khách" bao giờ.

 Ngày xưa, người đưa đò được gọi "con đò", “Đại Nam quốc âm tự vị” giải thích: "Đứa đưa đò (thường sự là con gái)". Hiểu vậy, ta mới rõ nghĩa câu ca dao:

Con đò bậu chớ nghi ngờ

Bậu đưa khách bậu, ta chờ bạn ta

là lời thanh minh với người lái đò: bậu/ bạn cứ việc đưa khách của bạn, tớ đây chỉ ghé vào bến chờ bạn, chứ không có ý tranh giành gì ai. Vâng, người đưa đò gọi là con đò, còn người lái xe (trong đó có xe đò) được gọi tài xế - do vay mượn từ sốp-phơ: chauffeur. Thế tự bao giờ "tài xế" lại nhảy một phát lên "bác tài" nghe ra rất bảnh tỏn? Có phải từ thời bao cấp, sự vận chuyển bằng xe đò - dù chạy bằng than:

Xe than dễ đẩy, khó đề

Khi đi trắng hẻo, khi về đen thui

nhưng vẫn là oách nhất. Vậy, hành khách vì muốn thuận lợi, dễ dàng cho mình nên lấy lòng, "nịnh" tài xế bằng cách nâng lên thành "bác tài"?

Lê Minh Quốc
.
.