“Sứ giả” của Giàng

Thứ Ba, 03/10/2023, 08:20

Sáng mùa thu se lạnh, tiếng chiêng như ngọn lửa ấm trong ngôi nhà dài, ấm bàn tay và ấm cả những đêm rừng Tây Nguyên ngày trở lại. Tôi gặp ông, ánh mắt nâu màu đất, thẳm sâu miền sơn cước, thành thật như bếp lửa, như tiếng cồng đời người chưa từng quên…

Âm thanh của đại ngàn

Đôi mắt và giọng nói của nghệ nhân ưu tú Ksor Hnao chất chứa khát khao bỏng cháy về miền hoang vắng, nơi tuổi trẻ của ông trải dài chốn miệt rừng thẳm. Vậy mà giờ đây, ông ngồi trên chiếc xe lăn, nhọc nhằn lê từng bước chậm chạp. Trong khoảng sân nhà tại làng Kép (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai), giọng người nghệ nhân lừng lẫy phố núi trùng buồn: “Khoảng hơn một năm nay mình không thể đi lại bình thường được do bệnh viêm thần kinh tọa và xương khớp. Đôi chân này, bàn tay này đã chống lại ý chí của mình rồi”.

h1.jpg -0
Nghệ nhân ưu tú Ksor Hnao

Không ngoa khi nói rằng, nghệ nhân ưu tú Ksor Hnao là “cây đại thụ” về văn hóa dân tộc của đồng bào Jrai ở Tây Nguyên. Ông được người đời xem như “sứ giả của Giàng”, nắm giữ vô vàn bí mật thiêng thiêng của trời đất thông qua cồng chiêng và tượng nhà mồ.

Dường như có một năng khiếu thiên bẩm, năm 12 tuổi, Ksor Hnao đã say mê tiếng chiêng, trống, tiếng kèn và không khí lễ hội của làng. Cậu bé yêu thích đến nỗi tự vác rìu đi đốn cây về bắt chước người già đẽo tượng nhà mồ. 14 tuổi, Ksor Hnao có thể ngồi hàng giờ nhìn những người lớn tạc tượng rồi chờ lúc nhóm thợ đi ăn trưa, cậu lén lấy rìu tạc tiếp bức tượng. Khi người thợ cả quay lại thì Ksor Hnao đã làm hoàn chỉnh các bức tượng đẹp đến nỗi làm mọi người sửng sốt, bất ngờ. Chưa dừng lại ở đó, Ksor Hnao còn có khả năng thẩm âm, chỉnh âm và sử dụng cồng chiêng một cách chuyên nghiệp, dù trước đó chỉ nghe qua người ta đánh. Niềm yêu thích đã dẫn dắt Ksor Hnao đến với nghệ thuật dân gian của dân tộc mình như định mệnh đã được sắp đặt từ trước. Tất cả là tự học và chưa từng được một ai chỉ dạy cụ thể. Như một bản năng, Ksor Hnao “bung ra” từ bản thân những ý niệm về nghệ thuật, tự rèn giũa kỹ năng đến thành thạo và dần trở thành “tượng đài” lớn, tích trữ kho tàng nhiều loại hình văn hóa, một trường hợp hiếm gặp và có lẽ sau này Tây Nguyên sẽ không có một người thứ hai như vậy.

Đã lâu rồi ông không đi ra ngoài được và cũng từ đó, đôi tay ông buồn tênh với các bản nhạc rừng. Di chuyển khó nhọc trên xe lăn, nhưng ngày gặp chúng tôi, ông nhất quyết dẫn đi xem “kho báu” đời mình. Đó là căn phòng nhỏ trên gác xép ngôi nhà vợ chồng ông đang sinh sống, mọi thứ đều rất cũ xưa, mái ngói đã rêu phong. Khi cánh cửa mở ra, chúng tôi bị choáng ngợp bởi dàn cồng chiêng đồ sộ của ông, cùng với những dụng cụ âm nhạc đặc trưng của văn hóa dân tộc Tây Nguyên đều được nghệ nhân Ksor Hnao sắp xếp một cách ngay ngắn.

Bước vào ngôi nhà cồng chiêng của nghệ nhân Ksor Hnao, tôi cứ thổn thức khi nghe tiếng chiêng mênh mang phố núi, vọng tưởng trường ca Đam San ngập ngừng say lửa.

“Sứ giả” của Giàng -0
“Kho báu” cồng chiêng của nghệ nhân Ksor Hnao

Chỉ lên dàn “âm thanh đại ngàn”, ông kể không sót một cái tên: “Tôi có hơn chục bộ cồng chiêng, có những bộ đã tồn tại hàng trăm năm, chỉ ở đây mới có. Kia là chiêng Tha của người Brâu được chế tác bằng hợp kim nặng gần 20 kg. Một bộ chỉ có 2 chiếc nhưng phải bằng 30 con trâu mới đổi được. Đây là chiêng Kuanh của người Mơ Nông giá trị bằng một con voi, chiêng Dlăng Dăng trị giá bằng 2 con voi, chiêng mẹ Kuanh, chiêng Kớt Nrat đổi tới 6 con trâu. Bộ chiêng A ráp (23 chiếc) phải đổi tới 30 con trâu…”.

Ông say sưa kể về các loại cồng chiêng mình đang sở hữu, mỗi cái đều có lý lịch sưu tầm khác nhau. Như bộ chiêng Tha của người Brâu, ông không nhớ cụ thể vào thời gian nào vì nó lâu quá rồi. Ngày đó, Ksor Hnao đi về Kon Tum giao lưu văn nghệ. Khi chén rượu đã chếnh choáng, chủ nhà liền “gọ tha pơi” tức “mời Tha nói” thay vì nói “đánh chiêng Tha”. Sau bài chiêng âm hùng núi rừng, tha thiết rưng rưng về những nốt trầm của bản làng, chủ nhà ngỏ ý muốn trao chiêng cho người con phố núi. Như một hạt báu của Giàng ban tặng, Ksor Hnao không có lý do gì chối từ, ông đã tiếp nhận ngay. Thủ tục trao chiêng cho chủ mới được người Brâu thực hiện rất nghiêm túc và thành kính. Họ làm nghi lễ cúng khấn thần chiêng, nói rõ lý do phải chuyển Tha cho chủ khác và thể hiện tình cảm quý mến khi xa rời, mong Tha luôn nhớ đến mình.

Bao nhiêu bộ chiêng đã gắn bó với nghệ nhân Ksor Hnao trong cuộc trường chinh vạn dặm núi rừng, thì ông vẫn luôn dành một góc trang trọng nhất cho chiêng Honh, bộ chiêng truyền thống của người Jrai, là một phần linh hồn của tổ tiên ông đang lưu giữ ở đó. Chiêng Honh gồm 13 chiếc, nó chỉ được đánh trong những lễ hội vui, có tục đâm trâu như mừng nhà rông, mừng lập làng mới, mừng nhà mới… Do vậy giai điệu của tiếng chiêng lúc nào cũng bay bổng, nhộn nhịp như muốn hối thúc mọi người cùng đến tham gia ngày hội, chung vui với dân làng.

Ôm bộ chiêng vào lòng, nghệ nhân Ksor Hnao kể: “Trước đây hầu như gia đình nào trong làng cũng sở hữu ít nhất một bộ chiêng này, hiện nay người dân trong vùng đa phần sử dụng các loại chiêng cải tiến, loại chiêngHonh ít được sử dụng, vì thế nó cũng mất dần theo năm tháng”.

Bậc thầy chỉnh chiêng

Tất cả những bộ chiêng khi mang về nhà, nghệ nhân Ksor Hnao đều phải chỉnh âm cho phù hợp để diễn tấu và làm nhạc cụ dạy học. Nói về tài chỉnh chiêng, Ksor Hnao là một bậc thầy lão luyện. Ông bảo, muốn chỉnh được chiêng thì phải mê tiếng chiêng, đếm nhẩm được tiếng rung của âm thanh, chừng mực từng ly, từng tí để gò chiêng theo tiếng bổng, tiếng trầm mà mình nghe thấy hay và chấp nhận được. Vừa kể, nghệ nhân Ksor Hnao vừa ôm chiêng chỉ cho chúng tôi thấy độ dày, mỏng của mặt chiêng, rồi ông dùng tay gõ “thùng, thùng” mấy cái, lập tức tiếng chiêng đổi khác, âm thanh cao thấp không còn giống ban đầu nữa.

Mỗi khi đứng lớp dạy học trò chỉnh chiêng, nghệ nhân Ksor Hnao đều hướng dẫn rất tỉ mỉ, ông chẳng giấu bất cứ “bí mật” nào mà mình biết được. Ông tâm sự: “Tôi dạy học trò đừng có ham chỉnh quá tay, hỏng mất chiêng quý của người ta, đền không nổi. Chỉnh làm sao cho chiêng có âm thanh hay nhất, kêu trầm nhất. Đánh nhè nhẹ cho gió đưa xuống đất, đánh cho tiếng chiêng vang xa, vọng về. Đánh cho tiếng chiêng vượt qua nhà, vòng lên trời. Đánh cho khỉ trên cây cũng quên bám chặt vào cành đến phải ngã xuống đất. Đánh cho ma quỷ mê mải nghe đến quên làm hại con người. Đánh cho chuột, sóc quên đào hang, cho rắn nằm quay đơ, cho thỏ phải giật mình, cho hươu nai đứng nghe quên ăn cỏ và cho lòng người thổn thức yêu thương…”

67 tuổi, bệnh tật đã khiến ông chùn chân mỏi gối, ông cảm thấy như mất mát một điều gì đó lớn lao nhất của cuộc đời. Ông nhớ nhất là năm 1999, ông được Viện Âm nhạc Việt Nam mời biểu diễn đàn goong (ting ning) để ghi băng làm tư liệu giảng dạy, nghiên cứu; sau đó được mời về tạc tượng ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ngoài Hà Nội. Ông không bao giờ quên được những kỳ tham gia Festivar văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, được đại diện cho đồng bào mình biểu diễn các tiết mục cồng chiêng. Giờ đây, tinh thần còn minh mẫn, đam mê vẫn cháy bỏng nhưng không thể đi lại được như xưa khiến ông hụt hẫng, chênh chao.

Nén nỗi buồn vào bên trong, ông giành tất cả thời gian còn lại tham gia dạy học tại các trung tâm văn hóa, trường nghệ thuật và các đội cồng chiêng buôn làng trong tỉnh Gia Lai. Ông đau đáu, trăn trở vì thế hệ trẻ bây giờ còn ít người đam mê nghệ thuật dân tộc. Ông tâm sự: “Có nhiều em tôi phát hiện ra năng khiếu, tôi động viên cố gắng theo đuổi đam mê để sau này cống hiến cho bản làng, nhưng rồi chỉ một thời gian, chúng xa dần sự học, chạy theo guồng quay hối hả bên ngoài. Mình buồn lắm, không trách các em được vì giữ các em bên cạnh, mình không thể lo nổi cuộc sống cho chúng”.

Sống gần trọn kiếp người với nghệ thuật dân tộc, ông cảm nhận sâu sắc rằng, cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ là nhạc cụ, nó còn là một khí cụ linh thiêng, một ngôn ngữ kỳ diệu, là thông điệp giữa người và thần linh. Thần chiêng có cuộc sống tình cảm, có vui buồn, giận hờn. Thần chiêng có gia đình, chiêng mẹ, chiêng bố, chiêng con. Có âm thanh của đất trời, của những dòng thác reo vui, của những con sông cặm cụi nuôi dòng nước mát. Tiếng cồng ngủ ở nơi đây, thức dậy ở nơi đây, đắm say từ lúc chào đời. Nó ám ảnh nghệ nhân Ksor Hnao một niềm say mê kiêu hãnh.

Ngọc Hoa
.
.