Sông Đà khắc khoải chờ mưa

Thứ Hai, 26/06/2023, 14:10

Vừa hung bạo vừa trữ tình - đó là hình ảnh của Đà giang bao năm qua khi lòng sông còn ăm ắp nước. Còn hiện tại, con sông hùng vĩ đang mất dạng, méo mó hình hài vì khô hạn. Đời sống của người dân bao năm gắn với sông Đà nay kiệt quệ. Lòng người dân dọc sông Đà đang khắc khoải chờ mưa, rầu rĩ héo úa vì sự khô khát kỷ lục này…

Không có nước giời, cũng chẳng có nước sông

Cả tháng nay, sông Đà cạn sâu ở mức nước chưa từng có. Suốt dọc tuyến sông Đà từ thượng nguồn đoạn chảy qua thị xã Mường Lay (Điện Biên), qua huyện Sìn Hồ (Lai Châu), nước đã bốc hơi, phơi ra gan ruột của lòng sông. Tại vùng hạ lưu, lòng sông nhiều đoạn rộng 700m nay cạn trơ đáy, lác đác chỉ còn những dòng chảy rất nhỏ và đứt quãng. Đến quãng hạ lưu sông Đà chảy qua địa phận huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ mới thấy sự cùng cực của người dân.

Sông Đà khắc khoải chờ mưa -0
Con đò chở khách của anh Nguyễn Đình Được mắc cạn cả tháng nay.

Sáng sớm ngày 20/6, trời oi nồng, không một gợn mây. Chúng tôi có mặt tại chân cầu Đồng Quang nối hai bờ Hà Nội – Phú Thọ. Dãy trụ cầu Đồng Quang trơ khấc lộ ra phần cọc móng. Mực nước sông Đà đã rút xuống cách vạch thấp nhất trên trụ cầu đến vài mét – cảnh tượng chưa từng thấy trước đây. Dưới lòng sông, bãi cát trắng trải dài. Ngước nhìn lên, có cảm giác cầu cao ngất và chênh vênh một cách lạ thường. Nhà anh Nguyễn Đình Được ở đầu Thôn 1, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì, Hà Nội nằm ngay chân cầu đang ầm ầm tiếng máy khoan giếng. Bên cạnh đó là chiếc giếng khơi đào cách đây 30 năm nay đã cạn sâu.

“Gia đình tôi sống cạnh sông Đà gần 30 năm nay, đã quen cảnh sông ngay trước nhà, nước quanh năm dồi dào, chưa bao giờ phải nghĩ ngợi, lo lắng về nước. Vậy mà giờ đây ở cạnh sông mà khốn khổ vì không có nước sinh hoạt. Nghĩ mà cực quá. Ngày đêm chờ mưa, chờ nước sông dâng mà càng chờ càng vô vọng. Đến nước này thì phải bỏ ra mấy chục triệu khoan giếng lấy nước dùng. Đã khó khăn lại càng khó khăn”, anh Được bần thần chia sẻ.

Từ trên sân nhà, men theo những bậc cầu thang nhỏ, chúng tôi theo anh Được xuống sông. Anh vừa đi vừa thắc mắc: “Chả hiểu thời tiết thế nào mà nước sông cứ cạn kiệt dần, không thể về như cũ được nữa. So với cùng thời điểm này năm ngoái, nước đã rút xuống 4-5m. Trước, đường bờ kè nằm trên cao kia, giờ hạ xuống 2m, mấy năm trước khi sông cạn nhất vẫn còn dâng lên ngập con đường đó”.

Bao nhiêu năm qua, vợ chồng anh Được bám sông Đà để kiếm sống, nuôi ba đứa con ăn học. Ban ngày, anh chạy đò chở khách qua sông. Anh bảo ngày trước khi chưa xây cầu Đồng Quang, muốn qua sông phải ngồi đò. Anh tất bật từ sáng sớm tới tối khuya mới hết khách. Từ năm 2015 có cầu thì người đi đò ít dần. Chỉ có khách lẻ nhà xa cầu mới đi đò qua sông. Tuy thế anh vẫn duy trì việc chở khách. Từ đò nhỏ đến đò to, anh đã thay con đò thứ 4 để chở khách trên sông này. Trừ chi phí xăng dầu, mỗi tháng cũng được khoảng 2 triệu đồng. Anh bảo từ ngày lớn lên đã gắn với nước sông Đà như một thói quen. Sông cho mình nguồn thu, dù ít ỏi, nhưng không vì thế mà rời sông đi đâu được.

Rời đò, anh Được lại lên thuyền chài lưới kiếm con cá con tôm. “Cũng vì năng sang bờ bên kia sông Đà đánh cá mà tôi mới lấy vợ quê xã Đồng Luận, Thanh Thủy, Phú Thọ”, anh Được cười. Khi những con thuyền mắc cạn, chẳng phải mình anh Được mà dân chài lưới vùng này đều phơi lưới, buồn bã lên bờ. Lịch sử dòng sông Đà có lẽ chưa bao giờ vượt sông lại dễ dàng như lúc này. Cả quãng sông cạn khô, có thể bơi từ bờ bên này sang bờ bên kia trong chốc lát, chẳng cần đến đò của anh nữa. Chẳng còn nước mà vẫy vùng, con đò nằm biếng lười bên mép nước nông toẽn cả tháng nay.

“Thỉnh thoảng phải khởi động máy cho con đò đỡ hỏng hóc cô ạ”, nói rồi anh Được chở chúng tôi tiến sát trụ cầu Đồng Quang. Con đò vùng vẫy trong khoảng nước hẹp rồi vội quay về vì có thể mắc cạn ngay lập tức. Sống ở đây, lần đầu anh Được nhìn thấy những bí mật của lòng sông bao năm giấu kín trong làn nước. Ghềnh đá chông - mỏm đá nổi tiếng khúc sông này bao nhiêu năm qua chưa bao giờ nổi. Dân thuyền chài từng bảo nhau chỗ ấy nước sâu đến 4m và dễ đụng thuyền. Thế mà nay thành bờ, ghềnh đá nổi lên, nằm phơi dưới nắng. Sông cạn, lác đác còn có người đi mò cổ vật, sục sạo khắp lòng sông mong có được vận may.

Trên con đường làng, bà Bùi Thị Nhiên đang chở từng can nước bằng xe lôi ra bãi tưới ngô. Nước từ giếng khơi nhà bà cũng đã cạn sâu, nên ăn uống phải dè sẻn, tiết kiệm nước. Nước rửa rau, nước gạo thì tích vào can để tưới tắm cho cây. Bởi thời điểm này, người khát mà cây cũng khát. “Chưa bao giờ trồng trọt lại vất vả như lúc này. Mọi năm sông đầy nước, bơm nước tưới cho ruộng ngô đẫm đà. Bờ bãi ven sông, ngô, rau màu, cây ăn trái xanh um. Vậy mà giờ đây đất rắn đanh vì hạn hán, cây cứ lụi đi. Tưới xong được ca nước, đất lại khô roong ngay lập tức. Tra lượt ngô thứ nhất, cây không lớn lên được, tôi phải tra lần hai, rồi lần ba, thành ra ruộng ngô thưa thớt cây to cây bé”, bà Nhiên than thở.

“Từ năm ngoái đến năm nay không có nước giời, cũng chả có nước sông, vụ thu hoạch ngô vừa rồi của bà con ở đây mất trắng, bắp ngô toàn lõi, xác xơ. Cứ thế này không biết sống bằng gì”, bà Nhiên than thở…

Điêu đứng vì sông cạn

Trên địa bàn huyện Thanh Thủy, Phú Thọ đến nay có hơn 300 lồng nuôi cá trên sông Đà. Nước cạn nhanh như chớp mắt khiến người nuôi bè cá không kịp trở tay, những ngày này họ sống trong tuyệt vọng, không biết bao giờ gỡ được vốn.

Sông Đà khắc khoải chờ mưa -0
Trụ cầu Đồng Quang bắc qua sông Đà trơ khấc phần cọc móng.

Khu bè cá của vợ chồng anh Hoàng Văn Cường và chị Nguyễn Thị Nga trên sông Đà thuộc địa phận xã Đoan Hạ, huyện Thanh Thuỷ to nhất xã giờ xơ xác, tiều điều. Chiếc cầu phao dẫn vào khu nhà nổi thường ngày dập dềnh theo con nước giờ đổ sập xuống. Cả dãy lồng chỏng chơ nằm phơi ra dưới nắng chang chang. Anh Cường bảo, cả tháng nay nước cứ rút dần, nhiều đêm anh chị không dám ngủ, cứ ngồi canh nước, cạn đến đâu thì chạy cá đến đó.

“Đêm hôm đó, tôi thức đến nửa đêm, rồi mệt quá ngủ thiếp đi. Sáng dậy nhìn tất cả các lồng đều cạn sạch nước, cá đã nằm phơi bụng trên lưới, cảm giác như có loài thủy quái nào vừa uống cạn nước sông. Mấy lồng cá giống đã chết hết. Tiếc nhất là mấy lồng cá lăng đến đợt thu hoạch, con nào con nấy nặng từ 4-5kg, khi nước còn ít quá cá giãy giụa dẫn đến vỡ cơ và chết hết”, anh Cường nhớ lại.

Chán nản và xót xa, chị Nga bật khóc khi nhìn từng đống cá lăng, diêu hồng, cá trắm chết nằm phơi dưới nắng. Giải pháp tình thế là mang cá ra chợ bán, đắt rẻ đều bán hết, chả được đáng bao nhiêu tiền. Từ 30 lồng cá, giờ chỉ thoi thóp vài ba lồng, tổng thiệt hại lên đến gần 3 tỉ đồng. Mỗi lồng cá lăng thu được 4-5 tấn/đợt lúc nước dồi dào, nước cạn hơn thì 2-3 tấn/lồng. Chị Nga mặt buồn thiu, tiếc xót tiền của, công sức đổ xuống sông Đà giờ mất trắng.

Lồng cá bình thường quây khung và nổi theo phao, đến khi nước rút phải chịu lực nên vênh lên và cong gẫy. Vợ chồng chị Nga lại hì hụi cắt khung, cưa đi dồn lại, tháo bỏ hết để lấy lối đi lại chăm những lồng cá còn lại. Ở khoảng nước sâu nhất khu, anh Cường dồn tất chỗ cá giống vào một lồng. Cá lăng rất khó chăm, chỉ cần nước hơi cạn, môi trường nước đặc lại là chúng bỏ ăn, ngót cân nhanh chóng. Xót tiếc đến mất ăn mất ngủ.

Giữa trưa nắng, nước cạn, cá ngắc ngoải vì thiếu ôxi, bỏ ăn khiến chị Nga càng thêm sốt ruột. Cắm vội chiếc máy sủi, nước sục lên đục ngầu. Dọc sông Đà địa phận xã Đoan Hạ này có đến 7 nhà nuôi cá lồng cũng đều chung tình trạng như vậy. Những năm trở lại đây, sông Đà đoạn qua khu vực người dân nuôi cá lồng hình thành các bãi cát bồi. Khi sông cạn, việc khơi thông dòng chảy gặp rất nhiều khó khăn vì bị cát bồi lấp kín, cá rất dễ mắc cạn, người dân lo lắng không dám nuôi nhiều.

Tuy nước sông có dấu hiệu cạn hơn nhưng anh Cường không thể ngờ rằng nước lại rút sạch như thế. Tất cả vốn liếng vợ chồng anh đã dồn hết vào những lồng cá. Tưởng sắp thu về thành quả khi những lứa cá to chuẩn bị xuất lồng, thì chỉ sau một đêm tất cả tiêu tan.

Bốn năm trước, anh chị nuôi cá ở khúc sông trên. Khi mực nước giảm, liền tháo bè  rời xuống đây. Không thể ngờ được lần di chuyển này cũng thất bại. Căn nhà phao của chị Nga nửa năm trước bị chập điện từ khu bếp nên cháy rụi, đồ đạc tiện nghi trong nhà không còn gì. Thời điểm đó cả nhà chị đi vắng. Hàng xóm nhìn đám cháy mà bất lực không sao cứu được. Sau đợt hỏa hoạn, chưa kịp hoàn hồn thì hạn hán lại ập xuống, giáng cho anh chị thêm một tai ương.      

Sau cả tuần thức đêm lội bì bõm dưới sông chạy cá, cắt lồng, anh Cường gầy rộc, ho sù sụ phải đi viện điều trị vì viêm phổi. Chị Nga cố gắng thay chồng chăm mấy lồng cá sót lại, ngày đêm mong mưa. Ngày nào chị cũng theo dõi thời tiết khu vực sông Đà. Có đêm nghe tiếng sấm đì đùng, chớp rạch ngang trời, cơn giông kéo đến mà khấp khởi mừng, chỉ mong mưa ào ạt trút xuống, lồng đầy nước, cá sống sót và lớn nhanh. Nhưng trời trở mình mãi mà không mưa nổi, vài giọt mưa ào xuống chốc lát chẳng khiến tình hình khả quan hơn.

Chị Nga bảo thời điểm đầu tháng 5, nước sông còn trong vắt, vỗ vào bờ đất oàm oạp. Chiều chiều, bọn trẻ cả khu này nhảy xuống sông bì bõm tắm, tiếng cười đùa vang cả khúc sông. Nay nước hết, bọn trẻ cũng buồn thiu, lúc nào cũng hỏi mẹ bao giờ nước sông trở lại…

Bờ nước giữa lòng sông

Giữa trưa, mất điện luân phiên, hai vợ chồng ông Ngô Văn Thành và bà Lê Thị Túc ở xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ ra bụi tre ngay hông nhà ngồi hóng gió.

Ông lão Thành - lão ngư nổi tiếng của vùng Đà giang này, da nâu khỏe khoắn, rắn rỏi, giọng nói rổn rảng, kể tôi nghe chuyện đời ông bên sông Đà. Ông bà quê ở Ba Vì, Hà Nội, đã từng rong ruổi đi đánh cá ở nhiều nơi dọc sông Đà, sau thì về khúc sông này dựng nhà dựng cửa. Hơn nửa thế kỉ qua, ông bà vẫn cùng nhau đi đánh cá đêm. Nếp sinh hoạt bao năm nay đã thành quen. Cứ 8 giờ sáng ăn cơm, nghỉ đến 5 giờ ăn bữa chiều. Quãng 7-8 giờ tối, khi dòng sông Đà tối thẫm lại, ông bà xuống thuyền, chèo dọc một quãng sông rồi thả lưới. Sau đó buông thuyền cho trôi xuôi về điểm cũ.

Những đêm trăng thanh gió mát, ông nằm khểnh trên thuyền, cùng bà nói dăm ba câu chuyện. Hết chuyện làng chuyện nước, chuyện con chuyện cái giữa sông Đà thênh thang. Nhưng đấy là mùa hè, chứ đến mùa đông, cả quãng sông gió thổi ù ù, rét căm căm, thả lưới xong, ông lại nhấp một chén rượu cho ấm bụng. Một lúc sau thì cho thuyền quay về nhấc lưới. Một tay lưới trải dài hơn trăm mét, ông chỉ thả một lần. Hôm nào nhiều cá, ông bà mê mải gỡ lưới đến gần sáng. Cứ thế đêm này qua đêm khác, những con cá chày, cá chiên, cá ngạnh giúp ông bà nuôi 5 người con khôn lớn, trưởng thành.

Trước đây, nước ngay bên nhà, thuyền neo sẵn ở bờ tre. Ngồi trên con thuyền, khua nhẹ mái chèo, nước đẩy thuyền trôi theo dòng, muốn đi đâu cũng thấy nhàn nhã hơn nhiều. Giờ mỏ neo nằm chỏng chơ, thuyền phải đậu ở giữa dòng sông, vì phải ra đến đó mới có chút nước. Vượt cả bãi cát dài mới ra đến thuyền, ban ngày cát nóng bỏng rẫy chân. Ông bà Thành cứ đi một quãng lại phải dừng lại nghỉ. Đường ra sông giờ xa xôi và khó nhọc.

Như mọi năm, thời điểm này là mùa đánh cá được nhất trong năm. Vậy mà năm nay tự dưng sông Đà gần như tàng hình, cá tôm cũng trốn đi đâu cả. Ở vùng này nhiều người bỏ thuyền không đi đánh cá nữa, nhưng ông bà vẫn cố bơi chiếc thuyền nhỏ cựa quậy trong vùng nước hẹp để chắt chiu từng con cá nhỏ, được đồng nào hay đồng ấy. Bà bảo cả đêm được mớ cá, sáng nay bán được gần một trăm ngàn đồng. Tuy kiếm được chẳng đáng là bao, nhưng nếu ở nhà thì không có gì để duy trì cuộc sống. Bao năm rồi, sông Đà tuy không giúp ông bà thoát khỏi diện hộ nghèo, nhưng giúp ông bà có cuộc sống yên ả.

Rồi ông ngâm nga câu ca dao xưa, như đang thổ lộ lòng mình: “Lạy trời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống/ Lấy ruộng tôi cày/ Lấy bát cơm đầy/ Lấy khúc cá to”…

Huyền Châm
.
.