Sân khấu vắng khán giả, nên “tiên trách kỷ”

Chủ Nhật, 30/07/2023, 13:19

Những ngày này, ngành sân khấu đang kỷ niệm 75 năm ngày sinh (1948-2023) và 35 năm ngày mất (1988-2023) của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Những vở kịch của ông  được các nhà hát dàn dựng, biểu diễn và thu hút một lượng lớn khán giả. Vì sao những tác phẩm được viết cách đây nhiều thập kỷ vẫn hấp dẫn và mang tính thời sự đến thế?

Đó là một câu hỏi khiến những người làm sân khấu hôm nay trăn trở khi sân khấu đương đại đang đứng trước thực tế thiếu vắng khán giả.

Nghệ sĩ phải tự đem khán giả đến với mình

Trong một hội thảo về sân khấu gần đây, NSND Trần Ngọc Giàu chia sẻ nỗi niềm về thực trạng của sân khấu nước nhà và ông khẳng định, sân khấu phải tự đem khán giả đến với mình. Ông không đổ lỗi cho sự lấn chiếm của các phương tiện truyền thông mà lỗi ở chính những người làm sân khấu. Ông khẳng định, sân khấu hiện nay không đủ hấp dẫn, không đổi mới để lôi kéo khán giả đến rạp.

Sân khấu vắng khán giả, nên “tiên trách kỷ” -0
NSND Trung Anh trong vở “Bạch Đàn Liễu” của sân khấu Lực Team.

NSND Trần Ngọc Giàu nhấn mạnh rằng: “Sân khấu thời anh Lưu Quang Vũ đặt ra nhiều vấn đề xã hội, mang tính dự báo và gai góc. Đến bây giờ  những tác phẩm của anh vẫn mang tính thời sự, có sức hút đặc biệt với khán giả. Còn sân khấu đương đại đang gặp nhiều khó khăn, vắng bóng người xem, không chỉ vì cạnh tranh với các phương tiện truyền thông. Khi đất nước mở cửa, các vấn đề đời sống được mạng xã hội đưa tin nhanh hơn các vấn đề sân khấu đặt ra. Sân khấu chỉ chạy theo bề mặt, hiện tượng nên tự diệt mình trước. Chúng ta tự kiểm duyệt mình rồi tự bao biện rằng, do rào cản về sự  cấm đoán. Nhưng thực tế là chúng ta thiếu tâm huyết và tài năng. Người nghệ sĩ cần đi sâu vào nỗi đau của đất nước, truy tìm nguyên nhân của những vấn nạn của đất nước để cũng cố niềm tin cho con người. Điều này đòi hỏi trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ. Chúng ta cần bán vé để sống, nhưng chúng ta cần hơn trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ, chính họ chứ không ai khác phải tự đem khán giả đến cho mình”.

Đó là những chia sẻ tâm huyết của một trong những nghệ sĩ gạo cội, cả đời gắn bó và dành trọn tình yêu cho sân khấu. Đã đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, rằng sân khấu không còn là một thánh đường hấp dẫn khán giả. Thực trạng đó bắt đầu từ chính cơ sở vật chất ở hai thành phố lớn hiện nay là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nơi quy tụ nhiều nhà hát. Điều kiện rạp dành cho sân khấu rất khó khăn, xuống cấp trầm trọng, tạm bợ, thậm chí nhiều nhà hát không có rạp, phải đi thuê. Sau 3 năm đại dịch, sân khấu càng đìu hiu. Ở phía Nam, nhiều rạp biến mất trong cơn sáp nhập các đoàn nghệ thuật, hoặc nếu còn lại thì để không, như rạp Long Phụng (trước đây dành cho hát Bội) giờ chuyển hát Bội về rạp Thủ đô và Long Phụng đóng cửa (để xây dựng cho một mục đích khác). Việc đi thuê rạp để diễn rất khó khăn cho các nghệ sĩ. Trong khi đó, trên thế giới, ở các nước phát triển, sân khấu luôn được chú trọng và chuyên nghiệp, có những rạp chỉ thiết kế sân khấu dành cho 1 vở diễn nào đó và hàng năm, có hàng trăm suất diễn mở màn. Còn ở ta, rạp ọp ẹp, xuống cấp, tạm bợ.

Nhà phê bình Ngô Thảo cũng nhấn mạnh, chúng ta đầu tư, tiêu tốn hàng nhiều tỷ đồng vì những thứ hình thức như lễ hội, hội thảo này kia, nhưng những thứ thiết thực chúng ta không làm, như việc xây dựng, đầu tư nâng cấp các nhà hát. “Bởi một tác phẩm trong sân khấu là “chính phẩm”, khi đưa ra ngoài trời sẽ thành “thứ phẩm”. Thậm chí bây giờ ta làm “thứ phẩm” ngay trong rạp để đi ra ngoài rồi”. Ông nhấn mạnh.

Sân khấu muốn tồn tại được phải có khán giả. Nhưng hiện nay, các nghệ sĩ trẻ đang đua nhau làm video để đưa lên mạng, kịch nói cũng đưa lên các nền tảng Youtube, Facebook, TikTok. Đành rằng, công nghệ có những thế mạnh về sự lan tỏa nhưng điều đó vô tình giết sân khấu. “Sân khấu cải lương khó khăn nhất do nghệ sĩ ào ạt làm video, khán giả sẽ ở nhà nằm xem thay vì đến rạp, thậm chí cải lương bây giờ quay cả ngoại cảnh. Nó làm sân khấu cải lương mất đi những giá trị cốt lõi. Nhiều nhà hát chọn người nổi tiếng trên mạng xã hội đưa lên sân khấu, nhưng khi lên sân khấu cũng bình thường thôi, không khác với những gì người ta xem trên truyền hình. Nhu cầu thưởng thức sân khấu là có thật nhưng chúng ta chưa đáp ứng được”, NSND Ngọc Giàu nói.

 NSND Trung Anh cũng trăn trở về sự “xuống cấp” của sân khấu. Ông nói, thời sân khấu như một thánh đường, nghệ sĩ trân trọng và cống hiến hết mình vì thánh đường đó dường như không còn. Hiện nay, những tác phẩm kinh điển được dàn dựng nhưng dần mai một chuẩn mực, khó có thể tìm lại một thời huy hoàng của sân khấu với những vở diễn kinh điển, ở đó người nghệ sĩ tận hiến và cháy hết mình vì tình yêu sân khấu.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Để sân khấu phát triển và đỏ đèn, cũng rất cần những giải pháp quyết liệt từ phía nhà nước. Nhà phê bình Ngô Thảo cho rằng: “Chúng ta tiêu tốn hàng nghìn tỷ cho cơ sở vật chất như nhà cao tầng, đường sá nhưng chúng ta chưa có ngân sách nào xứng đáng để đào tạo phát triển bôi dưỡng phát triển tài năng. Đưa các nghệ sĩ tài năng đi tham quan, học tập, thâm nhập cuộc sống. Tài năng đã hiếm, lại không có chính sách đãi ngộ, bồi dưỡng, đào tạo nên càng ngày càng hiếm”.

Sân khấu vắng khán giả, nên “tiên trách kỷ” -0
Cảnh trong vở “Ai là thủ phạm?” của Lưu Quang Vũ.

Ngoài ra, nhà nước nếu vẫn giữ tư duy bao cấp và quan điểm diễn phục vụ sẽ góp phần làm sân khấu bị mai một. NSND Trần Ngọc Giàu khẳng định: “Chúng ta quen bao cấp, nhà nước bỏ tiền ra để giữ một đoàn cải lương, chèo hay tuồng và quan niệm là đang nuôi đoàn đó. Đó là một quan điểm sai. Ta đang giữ sân khấu cho chúng ta chứ không phải đang nuôi. Chúng ta chỉ nhìn nó như một đơn vị “báo cô” phải nuôi thì không bao giờ sân khấu sống được. Vì đến lúc ta sẽ thấy giữ các đoàn nghệ thuật truyền thống là một gánh nặng, rồi lại tính đến sát nhập, tinh giảm. Nhà nước không thay đổi tư duy sẽ làm mai một dần sân khấu truyền thống. Cũng vì quan niệm bao cấp đó mà thái độ làm nghề của nghệ sĩ cũng giảm sút vì diễn phục vụ ít khán giả, họ làm cho có, cho xong. Như vậy, việc bao cấp của nhà nước trở thành phí phạm, không có nhiều tác dụng. Bởi tác phẩm phải hay, phải đẹp và hấp dẫn mới thu hút được khán giả, mới kéo được khán giả đến rạp chứ không phải diễn chỉ để phục vụ”.

 NSND Trung Anh cho rằng, thị hiếu thẩm mỹ trong lĩnh vực sân khấu không phải bất biến mà thay đổi theo thời gian. Sân khấu muốn hay không muốn phải làm theo đương đại. “Hiện nay đang có tình trạng khán giả là chủ thể đặt hàng, buộc nghệ sĩ phải chạy theo thị hiếu. Như một thời kỳ kịch kinh dị Sài Gòn lên ngôi, giờ không ai xem và đã tàn lụi. Rõ ràng, sân khấu nếu chạy theo thị hiếu sẽ không bền. Bởi giá trị muôn thuở của sân khấu vẫn là nội dung, sự sâu sắc trong từng câu chuyện, tính dự báo trước những vấn đề nóng của xã hội. Người làm sân khấu không thể đổ lỗi cho khán giả. Họ phải tự nhìn lại mình trước, mình đã đủ hấp dẫn chưa”, ông khẳng định.

Một hướng đi cho sân khấu trong thời gian qua là sân khấu học đường, nhưng thực tế chưa hiệu quả. Ở các nước phát triển, khi làm sân khấu học đường, họ có quy định, trong tiêu chuẩn mỗi tháng học sinh phải được đến rạp xem kịch một lần, phụ huynh mua vé từ đầu năm học và chuyển cho nhà hát để xây dựng tiết mục. Nghệ sĩ có lương ổn định, có đời sống nên họ chỉ lo việc diễn thật hay cho các em xem.

Hiện nay, ở Hà Nội, sân khấu học đường, ngoài việc đến trường tiếp cận học sinh (hình thức này chưa đủ chiều sâu để thẩm thấu) thì các nhà hát mới chỉ dàn dựng kịch mục theo thời vụ, như các dịp hè, 1/6, chưa tạo được thói quen xem cho khán giả nhí. Tại sân khấu TP Hồ Chí Minh, người làm sân khấu bắt đầu chú ý đến đối tượng thiếu nhi như sân khấu Minh Nhí, sân khấu Idecaf với những vở diễn cháy vé (như “Ngày xửa ngày xưa”) nhưng lại chưa tiếp cận được số đông. “Phải có sự hỗ trợ của chính quyền, phụ huynh, bởi sân khấu là một kênh giáo dục để hình thành tư cách, tính cách của những công dân tương lai. Sân khấu học đường là một hình thức để giáo dục trẻ con chứ không chỉ xem, thưởng thức. Đó là những giải pháp trong tương lai sân khấu nếu không có sự chung tay của toàn xã hội rất khó. Phải vừa đào tạo công chúng mới, vừa nâng cao chất lượng của từng vở diễn để thu hút khán giả”, NSND Trần Ngọc Giàu khẳng định.

Cũng đồng quan điểm về vấn đề này, NSND Trung Anh cho rằng: “Các tỉnh, các nghệ sĩ phải có ý thức công dân trong việc đi diễn để tiếp cận khán giả, chủ động tìm đến khán giả. Nghệ sĩ đi về tỉnh bớt đòi hỏi thù lao, vì tương lai trẻ con - những công dân tương lai, chứ không chỉ đi diễn vì bao cấp như lâu nay chúng ta quan niệm”. Bởi nói như nhà phê bình Ngô Thảo: “Khoa học phát triển đến đâu cũng không thể thay thế được tâm hồn con người, vì thế sân khấu sẽ luôn tồn tại và phát triển”.

Việt Linh
.
.