Phố Nguyễn Quang Bích như tôi thấy…

Thứ Năm, 06/01/2022, 10:53

Tôi cứ trì hoãn mãi rồi hôm nay mới viết được về phố Hà Nội. Vì sao ư, mấy tháng trước người Hà Nội bị hạn chế ra đường, các dịch vụ thiết yếu ngừng lại, quán cà phê bị đóng thì tâm trí nào để viết. Có lẽ người Hà Nội sẽ nhớ mãi những thời khắc đặc biệt của năm 2021 này.

Bây giờ chính xác là 3h30, ngày mùng 1 tháng 12 năm 2021, tôi trở lại phố Nguyễn Quang Bích. Vì sao là trở lại, vì đã mấy lần qua đây, thấy thích phố quá mà chưa ngồi một chỗ yên ả mà ngắm được.

Tôi chọn chỗ ở quán “Hội An corner coffee” ở số 6 phố Nguyễn Quang Bích. Quán giờ này không đông khách, có những chiếc bàn gỗ xinh xinh bày ra cả dải vỉa hè rất nhỏ. Không phải phố nào của Hà Nội cũng có vỉa hè, phố nhỏ thì vỉa hè cũng bé lắm, nhà dân chờm luôn ra mặt đường, phố Nguyễn Quang Bích là một kiểu như vậy. Có ba cô gái phía trong ngồi túm tụm cắn hạt hướng dương rang, phố tĩnh và quán vắng tới mức nghe rõ tiếng lách tách khi những cái vỏ hạt nho nhỏ bị cắn vỡ ra.

Phố Nguyễn Quang Bích như tôi thấy… -0

Ngay trước Hội An coffee, bên kia số lẻ là mấy hàng ăn bày đủ thứ,  đáng chú ý là cái biển bằng vải bạt phất phơ ghi “Ốc luộc cô Lan”, nơi một người phụ nữ đang ngồi trước những đống ốc vun cao như quả núi nhỏ. Người ấy chắc là “cô Lan”, tôi đoán thế. Nhưng không chỉ có “ốc cô Lan”, cả một đám đồ ăn quà tạp pí lù dồn lại trước khoảng vỉa hè chỉ độ 2m vuông. Là bún, miến, cháo, phở và chắc có cả trứng vịt lộn nữa vì chốc chốc lại có tiếng người nói vọng sang quán cà phê mời khách: “Có ăn trứng không anh?”. Mấy hàng ăn ấy, chủ quán  đều là phụ nữ đứng tuổi đang ngồi nói chuyện nhau vì khách vắng quá.

Phố Nguyễn Quang Bích vòng cong cong và khá ngắn, gần giống thước thợ, nó chỉ dài 120m. Ở đoạn giáp với phố Nguyễn Văn Tố số 23 là một ngôi biệt thự cổ đã chuyển thành Trường mầm non 1/6. Trường tất nhiên đang bị đóng cửa bởi con virus gây bệnh viêm phổi cấp tính gây chết người. Hà Nội hôm qua là một ngày cao điểm về sự lây lan với 367 ca nhiễm COVID-19. Trường học đóng cửa, người ta dựng xe máy chật vỉa hè, ngôi trường im lìm, buồn bã trong tĩnh lặng.

Tôi lặng lẽ quan sát ngôi trường trong phố cổ này, phần của tòa nhà biến thành trường học mầm non thì màu sơn trên tường vàng nhạt, không thật đặc trưng của những biệt thự Pháp cổ điển nữa. Nhưng phần sau của toà nhà - là nhà riêng của tư nhân thì màu sơn tường vàng đậm rất đặc trưng. Để nhấn mạnh cái không gian đã trở thành riêng tư ấy, ngôi nhà có một cái cổng và một giàn hoa giấy leo lưng chừng, mùa này không thấy có hoa. Một cái biển đơn sơ treo ngay cổng đề mấy chữ “Hoa giấy quán”, một cái biển phụ nhỏ hơn nhưng rất đáng chú ý ở bên cạnh ghi “Thuốc sâu răng gia truyền”. Những cái biển thuốc sâu răng gia truyền bây giờ khá hiếm ở Hà Nội bởi nếu bị đau răng, người ta thường đến phòng răng, đến bệnh viện, ít người đến những ông lang gia truyền nữa. Nhưng nhìn những cái biển mang dấu ấn quá khứ ấy, lòng người sẽ nôn nao, mang mang về một quá khứ cũ khốn khó, ai mà chẳng từng bị sâu răng nhỉ?

Phố vắng lắm, hàng quán đóng cửa cả. Đối diện Trường mầm non 1/6 cũng là một biệt thự cổ, tầng dưới đã được cải tạo để bán quần áo, tầng trên thì vẫn giữ nguyên vẻ cũ kĩ khô mốc, tôi thấy một người đàn ông đang phơi quần áo ngoài lan can, dáng điệu rất bình thản, chậm rãi y như cái không gian của mình.

Âm thanh sôi động nhất của phố giờ buổi chiều là quán trà đá ngay sát nhà số 23. Mấy người đàn ông đang nói chuyện khá to và vui vẻ. Họ đang nói về dịch bệnh và các ca bị cách ly hoặc được điều trị ở nhà. Hà Nội hôm qua đã thông báo cho phép điều trị các ca F0 nhẹ và F1 ở nhà khi đáp ứng được các yêu cầu cần thiết ở các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa. Lúc trước, bệnh nhân F0 và F1 ở bốn quận lõi này phải đi cách ly tập trung vì chính quyền lo ngại dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Chắc nhiều người còn nhớ  bốn quận kể trên là những quận đầu tiên của Thủ đô, sau đó mới thành lập các quận mở rộng như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Long Biên… Hà Nội ngày càng phình ra và rất phức tạp.

Ở bên dãy phố chẵn, số nhà 26, có một cửa hàng có cái mái vẩy có dòng chữ rất gây chú ý “Trứng chiên cô Ty - đầu tiên và duy nhất ở Hà Nội”. Cửa hàng này đang đóng cửa dù ở trên tường dán một tờ giấy để quét mã QR kiểm soát người ra vào.

Khi tôi vào quán Hội An coffee, một cậu nhân viên trẻ chạy ra bảo: “A, đồng hương.”  Xe máy của tôi đeo biển 34 - tỉnh Hải Dương. Vậy là cậu thanh niên này là người Hải Dương, là sinh viên đi làm thêm khi chưa đến trường hay là người đi làm chính thức? Tôi không hỏi nhưng nhìn mặt cậu rất trẻ và nhanh nhẹn, quán xá mùa dịch thì vắng khách cũng không phải chạy bàn quá nhiều, trông cậu chàng khá thong thả, khi không dịch giã thì ở Hà Nội có nhiều lao động ngoại tỉnh lắm.

Ở đầu phố Nguyễn Quang Bích giáp với phố Phùng Hưng là một hiệu sửa xe máy, hiệu cũng vắng tanh, chỉ có mấy người thợ ở bên trong đang nói chuyện. Cái không khí của những ngày lo lắng bệnh dịch khiến người ta hạn chế quán xá, ra đường nhưng bù lại đường phố yên ả, trầm tư. Có lẽ hoạt động tích cực nhất là ở Trụ sở công an phường Cửa Đông ở số nhà 14. Tôi nhìn thấy màu áo công an loáng thoáng và vài người dân ở trong đó, nếu chú ý có thể nghe thấy tiếng trò chuyện ở phía bên trong. Ngay cạnh đó số nhà 18 là một biệt thự hai tầng rất trang nhã cổ điển có biển đề “Trụ sở tiếp công dân”, ở bên trong có khá nhiều xe máy xếp gọn gàng.

Nhưng không phải thanh niên Hà Nội đã quên chơi quán xá, tôi nhìn thấy hai cô gái trẻ ăn mặc rất diện và sang đang chụp ảnh cho nhau trước cửa nhà số 13, vẫn là một biệt thự cổ, cửa đóng kín. Phố Nguyễn Quang Bích nhỏ xinh nhưng có nhiều biệt thự cổ đẹp, nhất là bên dãy phố chẵn. Ở số 9 có một cái cổng rất to và cao, cổng lớn lắm, dấu hiệu báo hiệu rằng bên trong trước kia chắc hẳn là một dinh thự  uy nghi. Cổng lớn, nhà ắt phải to, lẽ thông thường là vậy. Trên cái cổng ấy có vẻ lạc lõng với không gian phố hiện đại còn tồn tại vài dòng chữ Hán vàng nhạt phơ phếch, chỉ dẫn rằng dinh thự này trước đây từng của một Hoa kiều giàu có. Tôi nhìn vào phía bên trong cổng thì thấy mấy người phụ nữ đang quét dọn, rửa ráy. Một đặc điểm dễ thấy ở các biệt thự, dinh thự lớn ở Hà Nội là khi lịch sử xoay vần, nhà đổi chủ, phố đổi tên thì những cơ ngơi to lớn nhiều phòng, nhiều tầng sẽ có nhiều người ở, ngôi nhà lớn được phân chia mỗi gia đình một phần vì chỗ ở nơi thành phố rất khó khăn và người ta khó lòng ở nguyên một tòa nhà lớn nếu không phải là những nhân vật đặc biệt quan trọng. Thì ngay trên phố Nguyễn Quang Bích này, điều ấy đã đúng ở ngôi nhà số 23, hai phần ba phục vụ công ích, một phần nhỏ là tư nhân.

Phố Nguyễn Quang Bích như tôi thấy… -0

Tôi nhìn thấy một người đàn ông đứng tuổi đeo khẩu trang đang ngồi trước cửa, hơi chéo quán Hội An coffee phía bên kia đường, trên một cái ghế sô pha da đã cũ sờn. Có lẽ ấy là một người chủ nhà về hưu đang lặng lẽ ngắm phố xá và cũng muốn tránh bệnh dịch nên thường trực khẩu trang dù không tiếp xúc với ai. Có lẽ bây giờ nhìn thấy một người không đeo khẩu trang ở trên phố Hà Nội mới là chuyện lạ.

Cái phố mang tên một vị quan nhà Nguyễn chống Pháp Nguyễn Quang Bích (1832-1890) bình yên và vắng lặng, tôi đoán ngày trước nó từng là một phố giàu có và sang trọng vì nhìn những toà biệt thự cổ điển thì biết. Lịch sử đổi thay nhưng nhìn theo những dấu vết của nó đôi khi ta vẫn đoán được khuôn mặt của quá khứ như thế nào. Thì ngay cả tên phố cũng thế, đầu tiên là đường số 114, sau đổi là phố Phạm Phú Thứ, rồi phố Nguyễn Quang Bích.

Hôm nay là ngày đầu tiên của tháng cuối cùng năm 2021, Hà Nội và cả nước vẫn đang căng mình chống lại dịch bệnh và tất cả đang cố gắng để có một cuộc sống bình thường mới. Bây giờ tôi có thể ngồi quán cà phê và viết những dòng này có lẽ cũng may mắn lắm rồi, cuộc sống biến động, ai biết được ngày mai sẽ thế nào…

Mấy điểm ghi chú:

* Lúc hơn 4h chiều khi tôi quay lại thì quán “Trứng chiên cô Ty” đã mở cửa. Vậy là quán mở cửa theo giờ chứ không phải mở cửa cả ngày, một kiểu đặc trưng của quán xá Hà Nội. Bây giờ quán đã khá đông khách.

* Hà Nội hôm nay không mưa, trời nắng đẹp, nhiệt độ khoảng 24 độ C, một mùa Đông dễ chịu nhưng ai cũng cảm thấy dịch bệnh vẫn đang lơ lửng trên đầu...

Uông Triều
.
.